Bô xít Tây Nguyên cần những lời giải đáp thỏa đáng

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
47
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
Trao đổi với VnExpress sáng nay, Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng nên có những buổi thảo luận bình đẳng, thiện chí giữa bên ủng hộ và phản đối dự án bô xít Tây Nguyên để có những kết luận xác đáng về dự án.

- Vì sao khi bắt đầu có nghiên cứu khả thi về dự án bô xít Tây Nguyên, ông cũng như nhiều nhân sĩ khác không đưa ra ý kiến mà để đến lúc đã đầu tư tới hơn 400 triệu USD mới gửi bức thư này?

- Khi bắt đầu nghiên cứu thực hiện dự án bô xít thì tôi cũng như nhiều người khác đã có kiến nghị cụ thể gửi các cấp lãnh đạo. Những góp ý này được đưa ra trước khi có trang web về bô xít Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi đưa ra kiến nghị, lãnh đạo các cấp, các cơ quan chức năng chỉ tiếp thu một phần, và vẫn cho tiếp tục làm thí điểm dự án Tân Rai, Nhân Cơ để rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng hơn.

Còn bây giờ, chúng tôi đưa ra đề nghị ngừng thực hiện bởi có dẫn chứng cụ thể hơn từ sự cố bùn đỏ ở Hungary. Đây là thời điểm để mọi người cùng bình tĩnh lại, nghiên cứu cặn kẽ xem có nên làm tiếp hay không.

- Đại diện của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam cho biết, dự án bô xít chấp nhận chi phí cao để giúp phát triển kinh tế Tây Nguyên. Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định về độ an toàn của dự án. Ông có nhận xét gì về những ý kiến trên?

- Khẳng định của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ nói là trên lý thuyết chứ không phải thực tế. Còn việc công trình này có giúp phát triển kinh tế Tây Nguyên hay không thì phải xem xét kỹ hơn.

Có những công trình cụ thể, khi tính toán thì chưa thấy có lãi trong nhiều năm nhưng vì đem lại phát triển kinh tế cho cả một vùng như dự án Dung Quất thì lý do thực hiện là xác đáng. Tuy nhiên, với dự án bô xít Tây Nguyên thì tôi chưa thấy. Trong khi đó, hủy hoại về môi trường do dự án này là có thể thấy rõ ngay trước mắt.

Ở Tây Nguyên, rừng đã bị tàn phá rất nặng nề và một mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội nơi đây là phải trồng lại rừng. Trong khi đó, dự án bô xít sẽ không đóng góp cho việc trồng rừng mà còn đem tới nguy cơ về một lượng lớn bùn đỏ tích tụ tại đây. Trong vòng 5-10 năm tới thì có thể chưa sao nhưng 50-100 năm sau thì sẽ là thảm họa cho thế hệ sau này.

- Ông và những người ký tên trong lá thư gửi các cấp lãnh đạo đều không có chuyên môn sâu trong lĩnh vực bô xít. Trong khi đó TKV và những người ra quyết định lại có sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia chuyên ngành. Ông có tự tin là những người ký tên vào bản đề nghị có thể đưa ra đánh giá chính xác hơn?

- Nhiều người ký tên trong bản kiến nghị chưa có điều kiện đi khảo sát thực địa. Tuy nhiên, những phân tích được đưa ra là dựa vào những nghiên cứu thực địa tại Tây Nguyên của nhiều nhà khoa học thuộc Liên hiệp hội các nhà khoa học kỹ thuật Việt Nam. Các nghiên cứu này được thực hiện song song cùng với các chuyên gia của TKV.

Tôi và gần 1.800 người cùng ký vào bức thư này tin vào những nghiên cứu độc lập của những nhà khoa học thuộc Liên hiệp hội các nhà khoa học Việt Nam bởi họ có chuyên môn và không có quyền lợi kinh tế gắn với dự án này.

Sắp tới Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu và tổ chức các hội thảo để có những kết luận cụ thể hơn về các vấn đề môi trường, kỹ thuật, kinh tế giúp những cơ quan có thẩm quyền có thêm cơ sở để cân nhắc việc ngừng hay không đối với dự án bô xít Tây Nguyên.


- Những lý do dẫn đến đề xuất việc ngừng thực hiện dự án bô xít Tây Nguyên trong bức thư khá nặng nề. Tuy nhiên, những người ra quyết định cũng có rất nhiều thông tin và những phân tích riêng mới đi đến quyết định thực hiện. Ông có nghĩ là mình cũng như nhiều người khác đã quá cực đoan và chỉ nhìn thấy những mặt tiêu cực, chứ chưa nhận ra mặt tích cực của dự án này?

- Chúng tôi cũng có ý thức về vấn đề này. Do đó, chúng tôi đề nghị tổ chức nhiều cuộc hội thảo công khai, bàn một cách bình đẳng và thiện chí giữa bên ủng hộ và phản đối để đi đến những kết luận xác đáng. Nếu thực sự dự án đem lại hiệu quả phát triển kinh tế xã hội cho vùng Tây Nguyên và đảm bảo an toàn thì cần được chứng minh công khai cho mọi người được biết. Làm được điều này, những người ra quyết định sẽ giúp cho toàn dân hiểu được lý do thật sự khi thực hiện dự án bô xít chứ không nên để các thông tin chưa có lời giải đáp thỏa đáng như hiện nay.

Theo Vnexpress.net
 

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
47
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
Nhiều nhân sĩ kiến nghị dừng dự án bô xít

Một văn thư hội tụ chữ ký của nhiều nguyên lãnh đạo cao cấp, chuyên gia kinh tế vừa được gửi tới các cấp lãnh đạo cao nhất đề nghị dừng triển khai dự án bô xít Tây Nguyên. Quốc hội, một lần nữa được kêu gọi "thể hiện thái độ rõ ràng".

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế như Phạm Chi Lan, nhà nghiên cứu Trần Đức Nguyên, Giáo sư Hoàng Tụy... cùng nhiều nhân vật nổi tiếng khác, đã ký vào văn thư kiến nghị này. Nội dung khẩn thiết yêu cầu các vị lãnh đạo cao nhất ra quyết định ngừng việc xây dựng nhà máy chế biến alumina ở Tân Rai, Lâm Đồng để nghiên cứu tiếp cách xử lý.

Bên cạnh đó, trong thư còn có kiến nghị tạm hủy dự án đang đàm phán với đối tác nước ngoài về Nhà máy Nhân Cơ ở Đắc Nông và đình chỉ việc triển khai toàn bộ dự án hiện thời liên quan đến khai thác bô xít ở Tây Nguyên.

Những người cùng ký tên vào lá thư này còn đề nghị lập nhóm nghiên cứu độc lập để tiến hành nghiên cứu lại toàn bộ vấn đề bô xít Tây Nguyên. "Kết quả nghiên cứu cần được trình bày trước Quốc hội, đồng thời đem ra trưng cầu ý kiến nhân dân cả nước để đưa ra quyết định".

Thảm họa vỡ hồ bùn đỏ Ajka ở Hungary ngày 4/10 với nhiều hậu quả nặng nề cho nước này là nguyên nhân quan trọng khiến khiến nhiều nhân vật có tiếng tăm kể trên cùng ký vào thư kiến nghị. Theo bức thư này, sự cố bùn đỏ ở Hungary là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với vấn đề hồ bùn đỏ chứa chất thải trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên.

Sau khi có bức thư kiến nghị nói trên, đại biểu Dương Trung Quốc có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kiến nghị về vấn đề cũng liên quan đến bô xít Tây Nguyên. Ông Quốc cho rằng, Chủ tịch Quốc hội "cần bày tỏ một thái độ rõ ràng đối với những ý kiến quan ngại của nhân dân về vấn đề bô xít Tây Nguyên; các ủy ban của Quốc hội có liên quan cần có những hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật và bày tỏ ý kiến rõ ràng".

Trao đổi với VnExpress.net, đại biểu Dương Trung Quốc cho biết, ông không có kiến thức chuyên môn về vấn đề bô xít Tây Nguyên nên không vội vã đề nghị ngừng ngay dự án. "Việc dừng hay tiếp tục phải dựa trên các quyết định, đánh giá mang tính khoa học, nhưng đây là một vấn đề cần phải bàn ngay tại Quốc hội để có được sự lựa chọn tối ưu", đại biểu này nói.


Khu vực sẽ được xây dựng hồ chứa bùn đỏ sau này. Ảnh: Chinhphu.vn.
Trong khi đó, trả lời báo chí tại Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định, hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên trong dự án bô xít là "an toàn". Tuy nhiên, do chưa vận hành, và để an toàn về mặt lý thuyết, Việt Nam sẽ "tiếp tục nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước ngoài về hệ số an toàn để xem xét kỹ lại 2 hồ bùn đỏ".

Về mô hình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định cẩn thận và sang khảo sát tại Brasil và Australia. Khu vực bùn đỏ của 2 nước này đã trồng cây được 20 năm, cây trên bùn đỏ sống tốt. Việt Nam đang làm theo mô hình của Brasil và Australia chứ không phải của Hungary.

Người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường quốc gia cho hay, mức độ an toàn cho hồ bùn đỏ đã được hội đồng thẩm định quốc gia tăng lên gấp đôi. Khu động đất ở Tây Nguyên dự kiến tối đa là cấp 7 nhưng hồ đã được thiết kế an toàn cho cấp 9.

Hoàng Lan - Khánh Linh - Theo Vnexpress.net
 

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
47
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
'Chính phủ đang lắng nghe kiến nghị dừng dự án bô xit'

"Lo ngại của các nhân sĩ trí thức là cần thiết. Việc có dừng dự án hay không, sẽ được xem xét cụ thể.", Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời báo chí sáng 23/10.

Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, sau thảm họa vỡ hồ bùn đỏ Ajka ở Hungary ngày 4/10, Chính phủ đang lắng nghe các kiến nghị dừng triển khai dự án bô xít Tây Nguyên.

"Lo ngại của các nhân sĩ trí thức là cần thiết. Vấn đề an toàn bùn đỏ Chính phủ đã thảo luận nhiều lần, nhưng bây giờ có vụ tràn bùn đỏ ở Hungary thì cần tiếp tục làm rõ. Chính phủ sẽ có quyết định cuối cùng, trên tinh thần bảo đảm hiệu quả kinh tế, môi trường và phát triển bền vững", ông Phúc nói.

Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ bày tỏ quan điểm về dự án bô xít ngay tại kỳ họp này, ông Phúc cho biết: "Tại kỳ họp Quốc hội này chắc chắn sẽ nhiều chất vấn về bô xít. Các thành viên Chính phủ sẵn sàng trả lời về vấn đề này trên tinh thần có công nghệ thiết bị để đảm bảo an toàn môi trường, hiệu quả kinh tế", ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, chủ trương triển khai dự án bô xít ở Tây Nguyên đã được Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội thông qua, quyết định dừng dự án hay không là vấn đề lớn, cần có thời gian xem xét cụ thể.


Bên hành lang Quốc hội sáng nay, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm đến an toàn khi triển khai dự án bô xít. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cho rằng: "Với sự cố bùn đỏ ở Hungary, tôi mong muốn Chính phủ, tập đoàn Than khoáng sản báo cáo một cách cụ thể với Quốc hội, cử tri về những biện pháp an toàn, biện pháp dự phòng nếu có sự cố xảy ra. Nếu chúng ta có được phương án dự phòng tốt thì vẫn cứ triển khai dự án".

Thảm họa vỡ hồ bùn đỏ Ajka ở Hungary ngày 4/10 với nhiều hậu quả nặng nề cho nước này là nguyên nhân quan trọng khiến vừa qua nhiều nhân sĩ như nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế như Phạm Chi Lan... đã ký vào văn thư kiến nghị ngừng xây dựng nhà máy chế biến alumina ở Tân Rai, Lâm Đồng.

Theo bức thư này, sự cố bùn đỏ ở Hungary là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với vấn đề hồ bùn đỏ chứa chất thải trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên.

Sau khi có bức thư kiến nghị nói trên, đại biểu Dương Trung Quốc có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kiến nghị "cần bày tỏ một thái độ rõ ràng đối với những ý kiến quan ngại của nhân dân về vấn đề bô xít Tây Nguyên; các ủy ban của Quốc hội có liên quan cần có những hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật và bày tỏ ý kiến rõ ràng".

Việt Anh - Như Trang Theo Vnexpress.net
 

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
47
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
Dự án bô-xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa ô nhiễm

Tác giả: TÔ VĂN TRƯỜNG

(Theo VNR500) - "Qua tính toán của chúng tôi, dự án bô-xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa gây ô nhiễm đến môi trường cả trước mắt và lâu dài" - TS. Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, cho hay.

LTS: Ngay sau khi mở diễn đàn tranh luận về việc nên tiếp hay dừng dự án bô-xít Tây Nguyên, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam VNR500 đã nhận được bài viết của TS. Tô Văn Trường.

Từ việc hoan nghênh sự thận trọng trong việc đưa ra các khuyến nghị cần thiết trên diễn đàn Quốc hội, bài viết đã đưa ra những lập luận lý giải tại sao chúng ta không nên triển khai dự án bô-xít Tây Nguyên vào thời điểm này.

Theo tác giả, chờ đến khi KHCN phát triển, việc khai thác bô-xít trở lại cũng chưa là muộn. Hãy coi đó là của để dành cho con cháu mai sau. Và hãy nhìn những bài học trước đó mà chính Việt Nam đã vấp phải để xem xét đến hiệu quả và tính an toàn của dự án.

Sự thận trọng cần thiết

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kiến nghị: "Cần bày tỏ một thái độ rõ ràng đối với những ý kiến quan ngại của nhân dân về vấn đề bô-xít Tây Nguyên; các ủy ban của Quốc hội có liên quan cần có những hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật và bày tỏ ý kiến rõ ràng".

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên một tờ báo điện tử ngày 23/10, ông Dương Trung Quốc lại cho rằng, vì không có kiến thức chuyên môn về vấn đề bô-xít Tây Nguyên, nên không vội vã đề nghị ngừng ngay dự án.

Trong cuộc sống, dù có là vĩ nhân cũng không thể biết hết tất cả mọi lĩnh vực, cho nên thận trọng lắng nghe các ý kiến đa chiều suy ngẫm để hiểu và có ý kiến của riêng mình là điều cần và bắt buộc phải có của người đại diện nhân dân.

Tôi chưa có dịp được gặp mặt, trò chuyện trực tiếp với đại biểu Dương Trung Quốc nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên "giao lưu" qua email, nhất là sau sự kiện mở rộng thủ đô vì tôi luôn quý trọng ông là người biết lắng nghe và có chính kiến.

Dự án bô-xít là vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp. Đã có quá nhiều bài viết, ý kiến sâu sắc, tâm huyết của người dân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước về dự án bô-xít, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian vừa qua.

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ mong sao giải tỏa được nỗi băn khoăn, thận trọng của đại biểu Dương Trung Quốc và xin góp một số ý kiến để các đại biểu Quốc hội tham khảo khi chuẩn bị thảo luận trên diễn đàn của Quốc hội.

Về lý thuyết, khi thiết kế bất cứ công trình nào người ta cũng phải đảm bảo an toàn, nhưng thực tế sau đó không ít công trình vẫn xảy ra sự cố.

Khu vực xây dựng hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên không phải là vùng ít mưa như một số người "ngụy biện", mà là vùng có lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.100 mm, khác hẳn với Phan Rang, Phan Thiết chỉ có 700 mm/năm.

Về nguyên lý nước mưa rơi xuống mặt đất phải tìm chỗ thấp trũng để chảy "nước chảy chỗ trũng", do đó thung lũng là nơi lý tưởng để dòng nước tập trung đến. Sức chứa của thung lũng không thể vô hạn, nếu lượng mưa quá khả năng dung tích của hồ chứa, trong khi đáy hồ đã được lót chống thấm kỹ lưỡng, nước mưa không thể thấm xuống đất, chỉ còn cách phải chảy tràn ra ngoài.

Bùn đỏ chứa xút (soda, NaOH), sắt, nhôm, silic, natri, canxi, titan, mangan, vanadium, crôm, chì, cadmium. Sự kết hợp của nhiều kim loại và khoáng sản, khiến chất thải bùn đỏ rất độc hại với con người, động vật, thuỷ sản, vật nuôi, cây trồng. Trong nước ngọt, nồng độ nhôm 1,5 mg/lít và sắt 3 mg lít đủ để gây chết cho cá. Ngoài ra, bùn đỏ có độ phóng xạ cao gấp 3 lần so với bauxite.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên, khi trả lời các nhà báo ở hành lang Quốc hội, cho rằng: "Công nghệ xử lý bùn đỏ ở Tây Nguyên làm hơi khác ở chỗ, Hungary chứa vào một cái hồ, nhưng Tây Nguyên chúng tôi chia ra từng lô một. Mỗi lô 5 ha, khi đổ đầy lô này và xử lý các biện pháp an toàn rồi mới làm đến lô khác"...

Để tránh cho người đọc hiểu là Bộ trưởng đá "lộn sân", chỉ nên giải thích những điều gì trong phạm vi mà ngành mình phụ trách, không nên giải thích thay mặt TKV hay nhà thầu Trung Quốc.

Các lô mà Bộ trưởng nhắc đến cũng đều nằm chung nhau trong "hồ bùn đỏ", một khi có sự cố thì cũng mất an toàn như nhau.

Viết đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện năm xưa, khi đi khảo sát thực tế thấy người dân Kiên Giang nghèo khó lại thiếu nước sinh hoạt, Chủ tịch nước Trần Đức Lương chỉ thị xây hồ Nam Du.

Hồ được thiết kế an toàn (theo lý thuyết), có lớp vải địa kỹ thuật chống thấm ở đáy hồ nhưng khi vận hành, hồ không giữ được nước. Truy tìm nguyên nhân, thì ra các lớp vải địa kỹ thuật đã không còn nguyên vẹn, những chỗ rách của vải chống thấm dù không nhiều cũng đã làm thấm mất nước hồ.

Đến ngày nay, mặc dù đã đi vào vận hành, không ít người vẫn cho rằng vì chính trị và tư duy vùng miền nên phải trả giá về việc đặt vị trí và hiệu quả thực sự của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Coi bô-xít như của để dành

Đối với dự án bô xít Tây Nguyên dễ nhận dạng hơn. Nguy cơ lớn nhất là sản lượng alumina nếu sản xuất càng lớn sẽ càng phải cần khối lượng xút (NAOH) theo tỷ lệ tương ứng để chế biến quặng (theo công thức hóa học).

Nước ta không thể sản xuất ra xút vì quá tốn kém và không đủ điện năng, chỉ còn cách phải mua của Trung Quốc là tiện lợi nhất.

Lượng xút khổng lồ này phải vận chuyển từ cảng biển lên Tây Nguyên và quay lại chở sản phẩm ra cảng biển, tốn kém về kinh tế và gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển.


Rõ ràng, nếu đặt nhà máy tinh luyện ở gần biển, vừa đỡ mất công vận chuyển nguyên liệu xút, vừa không lo nguy cơ quả "bom bùn đỏ" ở trên núi cao.

Không cần đến chuyên gia sử dụng mô hình cân bằng tổng thể kinh tế để chỉ ra rằng dự án bô-xít lỗ to.

Chỉ cần tính đem chi phí sản xuất 1 tấn sản phẩm tại chỗ, cộng chi phí vận chuyển ra cảng, trong chi phí sản xuất cần tính cả chi phí đầu tư. Nếu có giá trị tổng đầu tư thì đem chia cho 50 (đời sống của nhà máy 50 năm) để ra chi phí khấu hao phải tính vào giá thành. Tôi khó tưởng tượng là một nhà máy luyện alumina có thể có tuổi thọ 50 năm.

Sau đó, so sánh giá 1 tấn sản phẩm trên thị trường thế giới thì biết ngay khoản lời, lỗ của dự án.

Ngay cả trong trường hợp tính có lãi cũng phải lấy lãi này so sánh với lãi nếu đem làm chuyện khác như trồng cà phê để tính lãi theo nguyên tắc giá thành cơ hội (opportunity cost) phải lấy lãi từ làm bô-xít trừ đi lãi trồng cà phê. Đó mới là lãi thực.

Qua tính toán của chúng tôi, dự án bô-xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa gây ô nhiễm đến môi trường cả trước mắt và lâu dài.

Cũng cần lưu ý rằng, nhà đầu tư TKV, đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường "bao cấp" không tính phí tài nguyên môi trường, Bộ GTVT "hỗ trợ" tuyến đường vận chuyển (bằng tiền ngân sách), Bộ Công Thương dự trù "biếu không" nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 để phục vụ cho dự án bô-xit...vv..

Tất cả các công trình nói trên là tiền ngân sách, thực chất là tiền thuế của dân, cần phải hết sức thận trọng, suy tính sử dụng cho có hiệu quả vì nợ công đã đến mức báo động đỏ.

Nhiều nước như Australia, Mỹ, châu Âu vẫn đang sử dụng phương pháp xử lý bùn đỏ bằng bể lưu trữ theo công nghệ khép kín hoặc thải ra biển. Mặc dù an toàn như thế, nhưng người ta vẫn không an tâm.

Ở Pháp, có nhà máy sản xuất nhôm duy nhất của Công ty Rio Tinto Alcan, nằm ở Gardanne, gần tỉnh Cassis có khối lượng tích tụ bùn đỏ hiện nay khoảng 20 triệu tấn. Nhà máy Gardanne đang chuẩn bị giải pháp công nghệ mới để nâng cấp việc xử lý bùn đỏ được chuyển thành "Bauxaline".

Chất này, được dùng làm vật liệu trơ trong các lĩnh vực công trình công cộng, xây dựng và có lợi thế là có thể được sử dụng lại. Từ năm 2015 ở Pháp sẽ bị cấm thải bùn đỏ ra biển và bể lưu giữ cũng sẽ bị cấm từ năm 2021.

Khoáng sản là nguồn tài nguyên không tái tạo. Con người cần nhôm, do đó phải khai thác bauxite và đương nhiên phải chấp nhận giải quyết chất thải bùn đỏ độc hại thật rốt ráo, an toàn.

Khoa học và công nghệ của loài người để xử lý bùn đỏ đến nay tuy đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa có phương cách xử lý tối ưu tuyệt đối, ngoài ra còn phải đối đầu với những tai nạn, rủi ro bất thường trong quá trình sản xuất và biến đổi của khí hậu, thời tiết...

Đây là lý do rất chính đáng khiến rất nhiều người dân, nhà khoa học, nhiều trí thức uy tín đã đề nghị nước ta chưa vội khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, luyện alumina và nhôm, vì nhiều điều kiện về công nghệ, kinh tế (sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ...), văn hoá, xã hội đều thiếu hoặc thậm chí chưa có.

Chờ những năm sau khi khoa học và công nghệ của con người tiến bộ hơn, hoàn chỉnh hơn mới khai thác thì cũng chẳng muộn, coi bô-xít như vốn tài nguyên, của để dành cho thế hệ con cháu mai sau.

Dự án bô-xít Tây Nguyên nếu nhìn lại quá trình đàm phán và cam kết, có thể nói đó là chuyện đã trót lỡ, rồi mới đưa ra Quốc hội cho đủ thủ tục. Ngay Trung Quốc cũng đã phải tự đình chỉ khai thác một số dự án bô-xít vì ô nhiễm đến môi trường.

Ở nước ta từ thập niên 80 đã tuyển luyện pyrite (FeS2) ở Phú Thọ, Hà Sơn Bình để lấy lưu huỳnh làm superphotphat Lâm Thao. Đến năm 1992 thấy ô nhiễm môi trường và quá tốn kém, sản phẩm làm ra còn đắt hơn rất nhiều so với nhập khẩu nên nhà nước đã đình chỉ khai thác pyrite.

Đó là bài học kinh nghiệm quý báu đối với những người có trách nhiệm về dự án bô-xit Tây Nguyên.
 

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
47
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
Hai lý do cho phép đóng cửa dự án alumina

Tác giả: NGUYỄN THÀNH SƠN

Sau hai năm triển khai thí điểm, mặc dù chưa xong 100% nhưng, rất may, trong quá trình thí điểm chúng ta đã có đủ thông tin để đưa ra kết luận, với 2 lý do nên dừng thí điểm để đóng cửa dự án - Ts Nguyễn Thành Sơn từ TKV.

LTS: Sau thảm họa bùn đỏ tại Hungary, vấn đề bô-xít Tây Nguyên một lần nữa lại nóng lên trong dư luận xã hội và ngay tại nghị trường, với các ý kiến trái chiều xung quanh hiệu quả kinh tế và tính an toàn của dự án. Trước những ý kiến tranh luận nhiều chiều những ngày qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Chính phủ sẽ lắng nghe để thảo luận thêm nhằm đi đến quyết sách cuối cùng trong vấn đề này.

Nhằm cung cấp thêm một góc nhìn tham khảo để Đảng, Chính phủ có những thông tin tham chiếu trước khi đưa ra một quyết định đúng đắn về số phận 2 dự án quan trọng đã được Đảng cho phép thí điểm này, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng, thuộc tập đoàn TKV - chủ đầu tư dự án bô xít Tây Nguyên.

Trước đây, chúng tôi có dịp trình bầy 10 lý do không nên triển khai các dự án bauxite trên Tây Nguyên. Tuy nhiên, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã có ý kiến kết luận và chỉ đạo triển khai thử nghiệm. Đây là việc làm cần thiết. Khác với ý kiến của ông bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng không cần thí điểm, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc thử nghiệm này.

Đến nay, sau hai năm triển khai thí điểm, mặc dù chưa xong 100% nhưng, cũng rất may, trong quá trình thí điểm chúng ta đã có đủ thông tin để đưa ra kết luận. Sau đây chúng tôi xin trình bầy 2 lý do nên dừng thí điểm để đóng cửa dự án:

Nguy cơ từ công nghệ thải bùn đỏ

Vấn đề vỡ đập hồ bùn đỏ chứa chất thải độc hại của nhà máy alumina ở Hungary vừa qua không phải là duy nhất. Trên thế giới đã xảy ra rất nhiều vụ vỡ các đập chắn của các bể/hồ chứa chất thải của các cơ sở công nghiệp. Tính đến nay đã có hàng trăm vụ vỡ đập đã được thống kê, chỉ có điều các hồ bùn thải đó không chứa nhiều chất độc hại như hồ bùn đỏ.

Tháng 8 năm 2005, cũng đã xảy ra sự cố chất thải của một xí nghiệp alumina của Ucraina. Nhưng vì khi đó, TKV chưa triển khai thử nghiệm các dự án bauxite nên dư luận cũng không quan tâm.

Sự cố ở Ucraina khi đó cũng không kém phần sôi nổi, đã làm cho nước sông Dnhép đổi sang mầu đỏ, tổng thống Victor Iusenko đã phải can thiệp, yêu cầu thay đổi công nghệ thải bùn đỏ, còn trên các phương tiện thông tin đại chúng người ta gọi bùn đỏ là "khủng bố đỏ" ("красного террора") v.v.

Ảnh TimeNhân sự cố ở Hungary, trên báo điện tử có người nói "ta theo mô hình của Brazil và Úc chứ không theo mô hình của Hungary", hay "công nghệ xử lý bùn đỏ của Việt Nam và công nghệ của Hungary khác nhau hoàn toàn". Nói như vậy là ngụỵ biện hoặc người nói chẳng hiểu gì. Thực chất là ta đang áp dụng công nghệ thải "ướt" tức là rất giống với công nghệ Hungary đã và đang áp dụng hàng chục năm nay. So với Hungary, nguy cơ bùn đỏ phá huỷ và gây thương vong ở Việt Nam còn cao hơn hàng trăm lần.
Vấn đề là công nghệ thải "khô" hay "ướt" chứ không phải công nghệ "xử lý". Hầu hết các nước đều thải theo công nghệ "khô" và bể bùn của họ ở gần bờ biển chứ không phải treo trên độ cao hàng vài trăm mét so với mặt nước biển như những bể bùn đỏ "đã được thẩm định rất cẩn thận" của TKV.

Chỉ những dự án (được xây dựng cách đây hàng chục năm) áp dụng công nghệ thải bùn đỏ lạc hậu (giống như công nghệ của TKV đang áp dụng ở trên Tây Nguyên) mới có bùn đỏ dưới dạng chất lỏng còn chứa nhiều hoá chất cực kỳ độc hại (như ở Hungary). Nếu áp dụng công nghệ thải "khô" như của các nước thì tính độc hại của bùn đỏ giảm đi rất đáng kể.

Giải pháp chia hồ chứa bùn đỏ theo thiết kế rộng hàng trăm hecta thành các lô nhỏ chỉ là mánh khoé giảm vốn đầu tư ban đầu của nhà thầu mà thôi. Nếu trong 5ha đó mà vẫn là bùn đỏ ở dạng ướt thì vẫn nguy hiểm như nhau.

Bình thường một hồ chứa bùn đỏ phải có chi phí đầu tư rất lớn. Ví dụ, hồ chứa bùn đỏ của dự án Aughinish ở Irland xây dựng 2008-2010 với diện tích 103ha nhưng chi phí đầu tư là 60 triệu U$ (khoảng 40 tr.Euro); hay hồ bùn đỏ của dự án Eurallumina ở Ý có chi phí cải tạo mở rộng lên tới 81,5 tr.U$ (54,3 tr.Euro).

Tại sao bùn đỏ thải ra dưới dạng "ướt" thì rất độc hại còn bùn đỏ thải ra dưới dạng khô thì ít độc hại. Trong bùn đỏ thải ra ngoài từ các nhà máy alumina có hai loại chất độc hại và nguy hiểm là lượng hoá chất (xút) dư thừa từ khâu sản xuất và các kim loại nặng được loại ra từ khoáng vật bauxite.

Khi thải bằng công nghệ "ướt", cả hai loại chất độc hại nằm trong cả hai pha: rắn và lỏng của hỗn hợp bùn đỏ khi mới được bơm ra hồ chứa. Pha lỏng nguy hiểm hơn rất nhiều vì chứa các hoá chất độc hại (đối với môi sinh), nhưng rất đắt tiền (đối với công nghệ tuyển alumina), vì vậy công nghệ thải "ướt" yêu cầu phải bơm trở lại nhà máy phần pha lỏng từ hồ chứa để tái sử dụng.

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, sau khi được thải ra hồ, trước khi kịp bơm về nhà máy, bùn đỏ sẽ phân pha theo thời gian, các chất rắn chìm xuống dưới, nhưng đồng thời các thành phần cỡ hạt nhỏ và siêu mịn chứa các kim loại nặng rất độc hại của pha rắn cũng bị tách ra. Vì vậy, mặc dù có bơm tuần hoàn phần chất lỏng về nhà máy để tái sử dụng thì phần chất rắn còn lại ngoài hồ chứa cũng bị phân ly theo cỡ hạt. Điều này làm cho bùn đỏ ở thể rắn từ chỗ lẽ ra ít nguy hiểm lại trở thành nguy hiểm hơn. Các kim loại nặng sẽ lẫn vào thành phần cỡ hạt siêu mịn chìm xuống dưới và xâm nhập vào nước ngầm. Khi gặp nước mưa, hồ chứa bùn đỏ của TKV sẽ vẫn trở nên độc hại vì còn kim loại nặng có nguy cơ bị rửa trôi theo.

Trong trường hợp thải bằng công nghệ "khô", các chất hoá học độc hại chủ yếu đã được giữ lại tuần hoàn ngay trong nhà máy, không bị thải ra ngoài, còn bùn đỏ thải ra ngoài chỉ chứa chất độc hại chủ yếu là kim loại nặng. Với thành phần bùn đỏ "khô", các kim loại nặng này bị giam giữ hoà lẫn trong cả khối chất rắn, sau một thời gian, sẽ xẩy ra các liên kết hoá lý tạo ra các khoáng vật mới gần như "trơ" đối với nước mưa, vì vậy sẽ trở nên an toàn hơn nhiều.

Chính vì những "dích zắc" đó, với những tiến bộ của KHKT, trên thế giới đã từ lâu người ta giải quyết vấn đề "xử lý" bùn đỏ ngay trong dây truyền công nghệ của nhà máy trước khi thải ra ngoài. Tức là, tất cả những gì TKV đang làm để "xử lý" bùn đỏ sau khi thải ra ngoài (ở trong một thung lũng nào đó), thì thế giới với công nghệ tiên tiến, họ xử lý ngay trong nhà máy, chỉ thải ra ngoài bùn đỏ dưới dạng khô (như cát) ít độc hại, có thể chất cao như núi (giảm chi phí, giảm diện tích chiếm đất) và sau một thời gian, các thành phần khoáng vật còn sót lại trong bùn đỏ "khô" này cũng sẽ liên kết lại với nhau trở thành "trơ", nếu có gặp nước mưa cũng vô hại. Còn các đập để ngăn giữ các đóng bùn đỏ khô này rất đơn giản và không bao giờ bị vỡ. Chính vì điều này mà như chúng tôi đã nhiều lần nhắc đến, ngay cả các nước có khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều như trên Tây Nguyên của VN người ta cũng đã và đang áp dụng công nghệ thải bùn đỏ "khô".

Trong ngành alumina-nhôm, công nghệ đã được kiểm chứng hàng trăm năm nay là công nghệ chuyển hoá quặng bauxite thành alummina- công nghệ Bayer là công nghệ cơ bản, chứ không phải công nghệ thải bùn đỏ là công nghệ phụ. Thực chất lịch sử phát triển của ngành alumina-nhôm trên thế giới là lịch sử phát triển của công nghệ phụ xử lý bùn đỏ này.

Chúng tôi xin khẳng định lại một lần nữa, công nghệ thải bùn đỏ của các dự án trên Tây Nguyên là công nghệ "ướt", lạc hậu, có nguy cơ cao giống hoàn toàn như của Hungary. Nếu chúng ta cứ cố tình cho rằng "đã được thẩm định rất cẩn thận" vẫn tiếp tục cho áp dụng công nghệ thải bùn "ướt" thì có sang Hungary cũng chỉ tốn tiền thuế của dân còn nguy cơ vẫn tồn tại như nhau.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng, với rất nhiều lý do, tốt nhất là đóng cửa dự án như kiến nghị của các nhà trí thức, còn nếu không đóng cửa được vì lý do nào đó thì tối thiểu cũng phải yêu cầu chủ đầu tư là TKV chuyển công nghệ thải bùn đỏ từ "ướt" sang "khô". Đây là giải pháp đơn giản nhất, hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật cũng như về mặt kinh tế.

Rủi ro về kinh tế

Ngoài vấn đề bùn đỏ, đối với dự án alumina của TKV trên Tây Nguyên, vấn đề nhãn tiền trước mắt là rủi ro về kinh tế của dự án. Bùn đỏ có rủi ro thì cũng phải vài ba năm nữa mới xẩy ra sự cố, khi đó, nhiều người trong số những người có chức có quyền về bauxite của TKV cũng đã "hạ cánh an toàn".

Nếu nhìn về vùng than Quảng Ninh, thì chúng ta không thể tin được vào những lời hứa của các quan chức của TKV về bảo vệ môi trường hay an toàn lao động. Cứ bỏ qua các cam kết của TKV về bùn đỏ, chúng ta đã có thể xem xét đánh giá những cam kết của TKV trước khi thử nghiệm về hiệu quả kinh tế-tài chính và hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án.

Ảnh TimeVề hiệu quả kinh tế-tài chính: Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế tài chính của dự án. Đối với một dự án khai thác chế biến khoáng sản (vì không có khoản mục nguyên liệu chính đầu vào như đa số các dự án sản xuất khác) yếu tố giá bán (đầu ra) quyết định rất cơ bản hiệu quả kinh tế của dự án. Trong cơ chế thị trường, giá bán hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm.
Mặc dù cũng mang tiếng là làm ra được kim loại đồng, nhưng, với công nghệ lạc hậu và mặc dù tiêu hao điện năng cao hơn rất nhiều so với mức bình thường, nhưng nhà máy Đồng Sinh Quyền của TKV chỉ cho ra sản phẩm với chất lượng chỉ đạt "3 số 9" (99,9%) trong khi thế giới người ta phải làm ra tới "4 số 9" (99,99%). Giá bán trên thị trường của 1 tấn đồng "4 số 9" cao hơn của "3 số 9" hàng nghìn đô la. Những khách hàng mua đồng "3 số 9" của TKV về bỏ ra thêm khoảng vài trăm đô la nữa để biến thành "4 số 9" rồi bán và thu lãi hàng ngìn đô la/tấn. Trong khi hiện nay, dự án đồng Sinh Quyền này của TKV đang phải xin Chính Phủ cho phép xuất khẩu cả quặng đồng thô, nếu không thì thua lỗ nặng.

Đối với alumina cũng vậy. Không thiếu gì khách hàng sẵn sàng mua vì alumina có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Vấn đề là họ mua với giá như thế nào? điều kiện như thế nào? hay nói đúng hơn ta có loại sản phẩm chất lượng như thế nào để bán?

Các sản phẩm alumina có chất lượng khác nhau sẽ có giá trị sử dụng rất khác nhau và suy ra giá bán sẽ rất khác nhau. Vì vậy, hiệu quả kinh tế của dự án sẽ phụ thuộc trực tiếp vào chất lượng cụ thể của alumina.

Ở đây, liên quan đến việc TKV thường hay ưa nhập các công nghệ lạc hậu (như công nghệ thải bùn đỏ và công nghệ luyện đồng nêu trên là những ví dụ sinh động), vấn đề đặt ra là phải quan tâm rất cơ bản đến chất lượng sản phẩm. Với trình độ quản lý dự án của TKV như từ trước đến nay, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nghi ngại rằng chất lượng sản phẩm alumina của TKV sẽ không có gì hứa hẹn hơn so với chất lượng của kim loại đồng Sinh Quyền.

Yêu cầu về chất lượng của alumina rất nghiêm ngặt và cao hơn so với đồng thỏi Sinh Quyền (vì alumina thực chất là một nguyên liệu hoá chất, giống như mì chính, còn đồng thỏi là kim loại). Sản phẩm alumina có nhiều loại: loại chất lượng tốt dùng để luyện ra nhôm kim loại (gọi là alumina luyện kim) có giá trị cao; các loại alumina có chất lượng kém hơn được dùng cho các mục đích khác (không để luyện kim). Chất lượng của alumna (thường có hai dạng biến thể α-Al2O3 và γ-Al2O3) được đánh giá thông qua các chỉ tiêu như: hàm lượng Al2O3 (độ tinh khiết càng cao càng tốt, nhưng không nhỏ hơn 98%), thành phần cỡ hạt (cỡ hạt bình quân 80-100 micronmet, nhưng thành phần cỡ hạt loại nhỏ hơn -45mcm phải thấp hơn 10%), tỷ trọng bề mặt (không lớn hơn 35m2/g); độ ẩm càng thấp càng tốt (nhưng không được lớn hơn 0,5%); các tạp chất càng ít càng tốt (nhưng P2O5 không lớn hơn 0,002%; Fe2O3 không lớn hơn 0,08%; TiO2+V2O5+Cr2O3+MnO không lớn hơn 0,1%).

Hiện nay, trong quá trình thử nghiệm, dự án đã có thiết kế và chủ đầu tư đã có cam kết của nhà thầu về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, đã quá muộn để TKV công khai các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm theo cam kết của nhà thầu để người đóng thuế tin vào lời hứa "năm ăn, năm thua" của TKV.

Nếu chất lượng sản phẩm alumina đến tay người tiêu dùng mà không đạt các mức tối thiểu như nêu trên thì nên đóng cửa dự án càng sớm càng tốt và khỏi cần quan tâm tới bùn đỏ (chuyển công nghệ thải "khô").

Vấn đề thứ hai liên quan (hay có ảnh hưởng trực tiếp) đến hiệu quả kinh tế của dự án là chi phí vận chuyển alumina từ Tây Nguyên xuống tới cảng biển. Đến nay, sau một thời gian triển khai chúng ta cũng đã có đủ thông tin để tính đúng tính đủ được rồi. Với cung độ vận chuyển hàng trăm cây số và với khối lượng vận chuyển hàng trăm nghìn tấn (hai thông số cơ bản của bài toán vận tải) TKV (là một "cao thủ" trong ngành khai thác khoáng sản), thừa hiểu chỉ những người không biết gì mới tổ chức vận tải bằng ôtô (với bất cứ tải trọng nào). Còn việc xây dựng một tuyến đường sắt chạy cắt ngang đông-tây trên cung độ 200km nhưng với chênh lệch độ cao tới gần 800m thì chắc chỉ có người hoang đường mới dám nghĩ tới. Riêng về vận tải, chúng ta có thể kéo màn kết thúc vở diễn ở đây.

Về hiệu quả kinh tế-xã hội: Khác xa so với cách đây 1-2 năm, thay vì người đứng đầu khẳng định tính khả thi về kinh tế của dự án alumina, nay các ban "tham mưu" của TKV đang "dọn đường" dư luận cho việc giảm lỗ của dự án bằng cách xin miễn thuế. Rất may là lãnh đạo TKV với ý thức chính trị cao nên không đề cập đến việc xin miễn thuế.

Một dự án sản xuất kinh doanh mà cứ mong được miễn hay giảm thuế (dù là bất cứ thuế gì theo qui định của luật) thì còn gọi gì là có hiệu quả kinh tế-xã hội (đóng góp hay thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương). Đây dứt khoát không phải là cách hành xử của một tập đoàn kinh tế nhà nước. Đây chỉ là cách hành xử của một nhóm lợi ích, nhất là của các cổ đông của dự án.

Điều đáng mừng là đã có người (lãnh đạo địa phương) thấy trước được cái nguy cơ "phá hỏng đường" của việc vận chuyển liên quan đến các dự án alumina. Đóng góp ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế thì chưa thấy đâu, nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường và phá hỏng hệ thống đường bộ đã hiện hữu.

Kết luận

Vấn đề bùn đỏ nằm ở bản chất công nghệ thải "khô" (xử lý hoá chất độc hại bằng dây truyền công nghệ trong nhà máy trước khi thải ra ngoài), hay "ướt" (thải cả hoá chất độc hại cùng với bùn đỏ ra ngoài rồi mới xử lý). Công nghệ của TKV là công nghệ thải bùn đỏ "ướt", rẻ tiền, lạc hậu, hoàn toàn giống như của Hungary. TKV không nên phí tiền đóng thuế của dân để sang đó vì sẽ chẳng học được gì và cũng chẳng cần sang đó cũng đã có thể rút ra bài học rồi là đừng bao giờ áp dụng công nghệ thải "ướt". Còn nếu chỉ để xem đập bãi thải bị vỡ ra sao thì chúng tôi có thể cung cấp cho TKV khoảng gần 100 địa chỉ những nơi có đập bãi thải bị vỡ, kể cả ở ngay ở VN và ở trong TKV.

Chúng tôi cho rằng việc thử nghiệm hiện nay đã cho phép có câu trả lời, và câu trả lời cho câu hỏi "có nên đóng cửa nhà máy alumina hay không?" hoàn toàn nằm ở phía "sân" của TKV, đó là: nếu vẫn duy trì công nghệ thải bùn đỏ "ướt" như đang làm thì nên sớm đóng cửa, và/hoặc nếu chất lượng alumina chỉ đạt dưới 98%Al2O3 thì cũng nên đóng cửa sớm.

Còn nếu trong tương lai, chúng ta vẫn không thể không bán tài nguyên đi để tăng GDP thì nên đưa các nhà máy alumina xuống gần biển (giống như các nước vẫn làm và như COMECON đã khuyên chúng ta) và dứt khoát phải áp dụng công nghệ thải bùn "khô". Ngoài ra, chúng tôi cũng sẵn lòng tham mưu cho các chủ đầu tư phương án vận tải quặng bauxite từ Tây Nguyên xuống bờ biển khả thi nhất và hiệu quả nhất.