Cảnh sát giao thông - Sự xẻ chia và những bức xúc!

Khuất Đình Huy

Super Moderator
18 Tháng chín 2009
208
0
0
Cảnh sát giao thông - Sự xẻ chia và những bức xúc!


Giữa năm 2010, khi cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội vừa chuyển đổi đội mũ cứng thay cho mũ phớt bẹt, một hôm đi công tác, cậu lái xe nhìn và nói: “Họ đội mũ này nhìn thân thiện hơn anh nhỉ”. Tôi chợt nghĩ: Lái xe thường không ưa CSGT, nhưng trong câu nói của cậu lái xe đã hàm ý sự thông cảm và chia xẻ...


Sự vất vả cần được chia xẻ: Có thể nói, so với các nước trong khu vực, Cảnh sát giao thông ở nước ta là vất vả nhất. Với hạ tầng giao thông còn bị hạn chế, chủng loại giao thông phức tạp, chất lượng phương tiện tham gia giao thông (TGGT) kém, ý thức văn hóa của người TGGT còn hạn chế, điều kiện khí hậu, môi trường khắc nghiệt... đã khiến cho nghề CSGT đường bộ ở Việt Nam trở thành một nghề vất vả.
Hằng ngày, hằng giờ trên những tuyến đường chúng ta sớm đi tối về, thường xuyên bị kẹt xe, ùn tắc giao thông... thử đặt ví dụ nếu không có CSGT điều khiển, chỉ huy phân luồng, giải tỏa thì mỗi người TGGT sẽ chịu một cực hình như thế nào. Lúc chúng ta ngồi trên ô tô, xe máy dưới trời nóng mùa Hạ hay trời lạnh mùa Đông những khi tắc đường còn cảm thấy bực như vậy; thì các cán bộ chiến sĩ CSGT đang đứng dưới lòng đường, mồ hôi nhễ nhại, khuôn mặt và hai cánh tay đen sạm vì phơi nắng, phơi sương và hít bụi đường. Họ mỗi ngày đều phải chịu như vậy bởi nhiệm vụ mà họ không được đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng hay cầm ô che... Mỗi lần đi đường, tắc đường nhìn CSGT từ người vừa ra trường đến các vị Trung tá, Thiếu tá mặt mày sạm đen điều hành giao thông... tôi rất quý trọng họ.
Cùng với những vất vả như đã nêu trên, nghề CSGT còn là một nghề nguy hiểm bởi trong những năm gần đây, do ý thức chấp hành kém của một bộ phận TGGT cộng với máu côn đồ, nhiều tài xế, người đi xe máy khi vi phạm ATGT, bị CSGT giữ lại xử lí vi phạm thì có hành vi manh động, chống đối, đã từng làm nhiều chiến sĩ bị hi sinh, bị thương nặng như các vụ việc: Cô gái tát CSGT, lái xe taxi hất CSGT lên nóc ca pô, người đi xe máy đâm thẳng vào CSGT...
Những bức xúc cần phải dẹp ngay: Do những tiêu cực khi làm nhiệm vụ của một số CSGT, từ lâu, lực lượng CSGTđã bị mang tiếng xấu và đã từng gây bức xúc cho nhân dân và dư luận vì những sự xử lí không thích đáng, không chính đáng của họ. Người ta hay truyền “ẩn khẩu” nhau CSGT là “anh hùng núp” bởi họ không đứng đàng hoàng ở mỗi chốt giao thông để điều khiển và xử lí vi phạm trật tự ATGT, mà họ nấp sau gốc cây, cột điện để rình chộp người TGGT vi phạm. Trong ý này, tôi thấy người dân đúng vì CSGT là phải đứng trực đúng vị trí với chức năng là điều khiển giao thông và ngăn chặn vi phạm, chứ không phải là nấp kín, tạo cho người TGGT kém ý thức vi phạm rồi “bắt phạt” (tức là chặn xe, đưa ra những yêu cầu theo đúng quy định rồi gợi ý hoặc bắt họ đưa tiền để đút túi!).
Trên các tuyến đường dài, CSGT thường ăn chặn tiền của lái xe ca và xe tải đường dài kể cả lái xe có vi phạm hay không vi phạm trật tự ATGT. Có hai cách CSGT ăn chặn tiền của lái xe:
Ăn tiền hối lộ: Khi lái xe vi phạm về ATGT như chạy quá tốc độ, chở quá tải, an toàn kỹ thuật phương tiện... CSGT bắt dừng phương tiện, nêu lỗi vi phạm, đưa mức phạt tiền và phương tiện...; nếu CSGT không gợi ý, vì công việc, bao giờ lái xe cũng xin nộp tiền cho CSGT mà không muốn làm thủ tục biên lai giấy tờ. Như vậy CSGT đút túi tiền “phạt”, lái xe chỉ phải đưa mức tiền bằng 1/3 đến 2/3 mức tiền phạt theo quy định của luật - đôi bên cùng có lợi - chỉ có Nhà nước là bị thất thu và từ những kiểu xử lí trên đã dung túng hành vi vi phạm luật lệ ATGT, tiềm tàng khả năng gây ra TNGT.
Đòi ăn tiền mãi lộ: Tài xế xe khách, xe tải chạy thường xuyên trên một tuyến đường thường xuyên phải cống nạp tiền mãi lộ cho CSGT. Mỗi chặng, lái xe và CSGT rất quen thuộc và hiểu rõ nhau. Dù tình trạng kỹ thuật của xe tốt, chở đúng quy định, tuân thủ nghiêm luật lệ ATGT, nhưng khi đến mỗi trạm của CSGT, lái xe đều phải dừng xe khi có một chiến sĩ đứng ven đường vẫy nhẹ cây gậy điều hành chuyên dụng; lái xe đều phải biết kẹp tiền vào cuốn sổ nhỏ (trong đó có giấy phép lái xe, giấy tờ xe...) đưa cho CSGT, và mỗi chiến sĩ CSGT đều nhẹ nhàng luồn tay lấy tiền cuốn nhanh vào cây gậy thuần thục như làm xiếc (bởi họ đã làm đi làm lại động tác này hàng trăm, hàng ngàn lần mỗi ngày và ngày này qua tháng khác... rồi). Tuy nhiên mức tiền mãi lộ CSGT đòi lái xe không nặng như tiền hối lộ, mà tùy thuộc vào ước tính giá trị lượng hàng vận chuyển của xe ca hay xe tải do CSGT ấn định.
Còn một kiểu “ăn tiền” nữa của CSGT khi giải quyết tai nạn giao thông: Tai nạn giao thông xảy ra khi có một bên vi phạm và một bên bị hại, hoặc có khi cả hai bên vi phạm. Đối với CSGT, họ luôn có biện pháp “nghiệp vụ” để ăn tiền của cả hai bên dù nguyên nhân xảy ra tai nạn như thế nào. Chứng kiến và đã từng đi xử lý nhiều vụ tai nạn giao thông do lái xe của đơn vị gây ra, hoặc do lái xe bên ngoài gây ra tai nạn cho người lao động của đơn vị, tôi rất rõ điều này.
Ở một bộ phận CSGT, cùng với những cách ăn tiền của họ, họ luôn có tác phong không đúng điều lệnh quy định, có thái độ không tôn trọng, thậm chí miệt thị, thô lỗ, tục tằn một cách thiếu văn hóa đối với người vi phạm. Đây cũng là một vấn đề gây bức xúc đối với người TGGT và dư luận thời gian gần đây.
Liệu có thuốc chữa: Trong Tháng An toàn giao thông quốc gia năm 2011, báo chí lại có một loạt bài nói về tiêu cực của một bộ phận CSGT thì thật đáng buồn và rất đáng quan tâm bởi, một trong những biện pháp hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả Tháng ATGT là tăng cường sự quản lý, điều hành và chấn chỉnh tác phong, ý thức của lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ.
Nói về nguyên nhân của những tiêu cực trong một bộ phận CSGT, đã có không ít ý kiến cho rằng việc CSGT ăn tiền, kiếm tiền ngoài đường là một “sự tất yếu của đặc thù ngành nghề”; rồi lương thấp, công việc vất vả như “phu đường” nên phải kiếm thêm thu nhập; rồi do lái xe tự giác đưa chứ CSGT không hề đòi hỏi... nhưng có lẽ đó chỉ là những ý kiến ngụy biện. Là lực lượng trong một Ngành thực thi, bảo vệ pháp luật, dù bất kỳ lý do mà hành dân, gây bức xúc dư luận, vi phạm pháp luật... thì phải được cấp quản lý có biện pháp xử lý kịp thời.
Cùng với những biện pháp của Ngành chức năng, ngành Công an và các bộ ngành có liên quan nên có một chính sách phù hợp, thích đáng với công lao thành tích của lực lượng CSGT ví dụ như trích tỷ lệ tiền thưởng thích đáng; khoán tiền thưởng theo danh thu trên biên lai phạt vi phạm ATGT... để tăng thu nhập, khuyến khích động viên CSGT nghiêm chỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình...