Cần tìm phần mộ Liệt Sỹ : Khuất Minh Dũng

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
48
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
Liệt sĩ: Khuất Minh Dũng
Ngày sinh: 26/8/1953
Quê quán: Phúc Thọ, Hà Tây
Đơn vị: B2,C10,D3,E1,F324
Hy sinh: 5/4/1973 tại A Lưới,Thừa Thiên Huế

Mô tả:
Liệt sĩ Dũng trước khi nhập ngũ ở 24 Quang Trung, Hà Nội. Liệt sĩ cao khoảng 1m65, sinh tại Tuyên Quang nhưng lớn lên ở 18 Hạ Hồi.
Ai biết phần mộ Liệt sĩ Khuất Minh Dũng ở đâu xin vui lòng báo tin cho chúng tôi theo địa chỉ:
Địa chỉ: Khuất Minh Trí Công đoàn Đường sắt VN, 118 Lê Duẩn,Hà Nội
Điện thoại: 04.8221759-0913303571
Email: tri.khuatminh@vr.com.vn
 

thangnangkhuat

Administrator
13 Tháng mười hai 2008
320
0
0
Xem anh phong to <img>http://www.nhantimdongdoi.org/?ssoft=2006&item=0&EventID=1&subid=6&newsID=710&sid=</img>
Di ảnh lịêt sĩ Khuất Minh Dũng
Ai từng đồng đội có biết thông tin về anh trai tôi hoặc đã chôn cất anh trai tôi, xin vui lòng thông báo tới địa chỉ: Khuất Minh Hoa, 18 xóm Hạ Hồi, Hà Nội (nhà phía trong, bấm chuông); hoặc 42/81 phố Đặng Văn Ngữ, Hà Nội.

Liệt sĩ:Khuất Minh Dũng

Ngày sinh:26-3-1953

Trú quán:18 xóm Hạ Hồi,Hà Nội

Quê quán:thôn Thuần Mỹ,xã Trạch Mỹ Lộc,huyện Phúc Thọ,tỉnh Hà Tây

Nhập ngũ:ngày 4-9-1971,tại Hội đồng quân sự khu Hoàn Kiếm,Hà Nội.

Đơn vị:B2,C10,D3,E1,F324 (đại đội trưởng tên là Khôi)

Hòm thư đơn vị: 740.478.JB03 (trước là 740478TM01,643120JC13)

Ngày hy sinh: chưa rõ là ngày 5-4-1973, hay ngày 10-3-1973

Cấp bậc: Thượng sĩ, Tiểu đội trưởng, Tiểu đoàn 3-KH

Nơi mai táng: được nghe kể lại là anh hy sinh tại mỏm Ba Hy B (hoặc Pa Hy B), cạnh đường 72, A Lưới, Thừa Thiên-Huế

Ai từng đồng đội có biết thông tin về anh trai tôi hoặc đã chôn cất anh trai tôi, xin vui lòng thông báo tới địa chỉ: Khuất Minh Hoa, 18 xóm Hạ Hồi, Hà Nội (nhà phía trong, bấm chuông); hoặc 42/81 phố Đặng Văn Ngữ, Hà Nội

Điện thoại: 04.8522734; 04.9420394; 0904.355387

E-mail: lelongthanh@yahoo.com hoặc tr.khuatminh@vr.com.vn
 

thangnangkhuat

Administrator
13 Tháng mười hai 2008
320
0
0
Không điều gì có thể quên lãng
Ngày thương binh liệt sỹ 27-7-2008 cũng sắp tới rồi! Nhân chuyến đi này, anh em lính C10 D3 E1 F324 xin thắp nén hương trước hương hồn của tất cả hàng triệu, hàng triệu các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc. Giờ đây, các anh đã an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng, các anh hãy tin tưởng một điều rằng, chúng tôi - những người đồng đội của các anh còn sống sót lại sau cuộc chiến ấy, cũng như những người thân của các anh, cùng đồng bào cả nước ta luôn luôn nhớ về các anh.

Cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vô vàn kính yêu chính là cuộc kháng chiến vĩ đại nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta trong suốt chiều dài hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Để đi tới ngày tòan thắng 30 - 4 - 1975, “non sông đất nước ta thu về một mối” thì đã có biết bao, biết bao các anh hùng liệt sĩ đã dâng hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc khi tuổi đời mới đang ở độ thanh xuân. Chính nhờ có sự hy sinh của hàng triệu, hàng triệu các anh hùng liệt sĩ ấy mà giờ đây, tất cả những người dân Việt Nam chúng ta mới được sống trong hòa bình - độc lập - tự do và Tổ quốc Việt Nam ta mới mãi mãi xanh tươi, trường tồn cùng với vòng quay vĩnh cửu của thời gian.

Một trong số hàng triệu, hàng triệu các anh hùng liệt sĩ ấy có liệt sĩ Khuất Minh Dũng của đơn vị C10 D3 E1 F324 Quân đoàn 2 – Thừa Thiên Huế chúng tôi.

Liệt sĩ Khuất Minh Dũng sinh ra ở mảnh đất Tân Trào lịch sử, lớn lên tại số nhà 18 xóm Hạ Hồi - Phường Trần Hưng Đạo - quận Hoàn Kiếm (trước đây là Khối 100 - Khu Hoàn Kiếm) – Hà Nội. Liệt sĩ Khuất Minh Dũng hy sinh ngày 05-04-1973 tại mỏm 1 Pahy (nay thuộc xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), là khu vực chiến đấu do C10 D3 E1 F324 đảm nhiệm trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 năm 1973.

Kể từ ngày hy sinh cho tới nay, đã tròn 35 năm, gia đình anh luôn trăn trở tìm kiếm xem giờ này anh đang an nghỉ tại nơi đâu? Và thế là, tất cả các nghĩa trang của tỉnh Thừa Thiên Huế, từ A Lưới cho tới Hương Điền, Bình Điền, Phú Lộc… đều đã ghi dấu chân của những người thân trong gia đình anh.

Song những gì thu được về anh chỉ là những tin như những gì đã ghi trên tờ giấy báo tử ngày nào “Liệt sĩ Khuất Minh Dũng, hy sinh ngày 05 - 04 - 1973 tại Mặt trận phía Nam...Đơn vị đã mai táng tại Nghĩa trang mặt trận” mà thôi. Và rồi, thời gian cứ thế trôi đi… Ba mẹ anh cứ mỏi mòn chờ ngóng tin anh cho tới ngày tạ thế, bởi tuổi đã cao, sức đã cạn khi người ta đã gần cửu thập mùa xuân. Vậy mà trước lúc từ biệt cõi đời này (khi đó là năm 2002, 2004), ba mẹ anh vẫn còn dặn lại các con rằng: Hãy gắng tìm anh, cho dù chỉ là một nắm đất nơi anh đã sống, chiến đấu và hy sinh cả cuộc đời mình cho thắng lợi của dân tộc!

Năm này sang năm khác, những người thân trong gia đình của anh vẫn cứ miệt mài tìm kiếm tin anh, dù chỉ là những điều nhỏ nhất.

Thế rồi…điều gì đến sẽ phải đến như một lẽ tự nhiên. Đó là vào một ngày đầu năm 2007, chị Khuất Minh Hoa - em gái anh đã tìm được những người đồng đội của anh - những người đã cùng anh sống, chiến đấu chính tại mảnh đất khốc liệt này - mỏm Pahy, Tà Lương, A Lưới. Trong số các anh, có nhiều người cũng đã để lại một phần xương thịt của mình tại nơi chiến tuyến đầy máu lửa ấy. Đấy là anh Nguyễn Đức Cương, thương binh hạng 4/4, quê ở Cầu Giấy - Hà Nội; anh Lê Viết Thìn, thương binh hạng 3/4, quê ở Chí Linh - Hải Dương; anh Nguyễn Thư Dinh, quê ở Gia Lâm - Hà Nội; anh Vương Đức Mẽ, quê ở thành phố Hải Dương; anh Nguyễn Văn Khải, quê ở Gia Lâm - Hà Nội; anh Đinh Xuân Dịu, quê ở Đống Đa - Hà Nội; anh Hoàng Việt Thường, thương binh nặng, hạng 1/4, quê ở Gia Lâm - Hà Nội; anh Phạm Như Thường, thương binh hạng 3/4, quê ở An Dương - Hà Nội; anh Lưu Ngọc Tiến, thương binh hạng 2/4, quê ở Gia Lâm - Hà Nội; anh Lê Văn Thiện, quê ở Gia Lâm – Hà Nội; anh Nguyễn Văn Lai, thương binh hạng 3/4, quê ở Lò Đúc - Hà Nội; anh Đỗ Mạnh Tạo, quê ở Cẩm Khê – Phú Thọ; anh Lê Xuân Toàn, quê ở Hưng Hà – Thái Bình và còn một số những anh em khác nữa v.v., là những người lính C10 D3 E1 F324 còn sống sót lại sau cuộc chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc ta ngày ấy.

Vậy mà đã 35 năm rồi! Tại sao bây giờ mới gặp được các anh? Nhưng không, dù cho việc gặp lại các anh thật sự đã muộn mằn so với dòng chảy của thời gian, nhưng còn hơn là không. Bởi ở các anh - những người đồng đội C10 D3 E1 F324 ngày nào đến nay vẫn còn nguyên trong mình một tình đồng đội thuở xưa, dù cho mỗi người ở một quê: Hà Nội, Hải Dương, Hà Bắc, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Bình hay là Nghệ An, Hà Tĩnh… Cũng chính các anh, những người lính C10 D3 E1 F324 còn sống cho tới bây giờ vẫn luôn luôn và mãi mãi về sau, lúc nào cũng nhớ tới các đồng đội của mình đã ngã xuống trong trận chiến hôm qua với một lẽ thật giản đơn “ nếu mình hy sinh thì đồng đội của mình sẽ sống và ngược lại”. Chính với lẽ sống mộc mạc, giản đơn ấy mà khi gặp lại C10 D3 E1 F324, các anh đã khẳng định một điều chắc chắn rằng, dù có khó khăn vất vả đến đâu, việc tìm ra nơi chôn cất anh Dũng lúc hy sinh chỉ còn là thời gian, một sớm một chiều.

Ngày 6 tháng 5 năm 2008, điều mà những người thân của gia đình liệt sỹ Khuất Minh Dũng mong đợi bấy lâu nay cũng đã tới. Đoàn lính C10 D3 E1 F324 gồm có các anh Cương - Thìn - Dinh - Khải - Dịu - Việt Thường - Mẽ - Như Thường, cùng với em gái và em trai của liệt sỹ Khuất Minh Dũng là chị Khuất Minh Hoa và anh Khuất Minh Hoạt lên đường vào nơi chiến trường xưa tại mỏm Pahy - Tà Lương - A Lưới để tìm lại những dấu tích, dù là nhỏ nhất của liệt sỹ Khuất Minh Dũng để lại trước lúc hy sinh. Không chỉ có thế, mà trên đường đi tìm lại đồng đội liệt sỹ Khuất Minh Dũng nơi chiến trường xưa, đồng hành cùng các anh C10 D3 E1 F324 còn có những người bạn đời của mình, đó là các chị Nguyễn Thị Minh Hoa (vợ anh Cương), chị Đỗ Thị Dung (vợ anh Dinh), chị Vũ Thị Quyết (vợ anh Việt Thường), chị Dương Thị Nhung (vợ anh Khải). Vậy là từ lúc chuẩn bị cho tới khi lên đường cuộc hành trình đi tìm đồng đội liệt sỹ Khuất Minh Dũng, các anh C10 D3 E1 F­324 lúc nào cũng luôn luôn khẳng định với gia đình, người thân của anh Dũng một điều chắc chắn rằng, sẽ tìm được nơi chôn cất của anh. Song, có hai trường hợp có thể xảy ra, mà người thân trong gia đình anh phải sẵn sàng đón nhận, bởi vì đó là sự thật.

Một là, nếu rơi vào trường hợp thứ nhất, đấy là phần mộ của anh - liệt sỹ Khuất Minh Dũng, đã được đồng đội làm công tác quy tập sau khi chiến tranh kết thúc, đưa anh về an nghỉ ở một nghĩa trang nào đó của tỉnh Thừa Thiên Huế và như vậy, liệt sỹ Khuất Minh Dũng sẽ nằm trong số những liệt sỹ không tên.

Hai là, rơi vào trường hợp phần mộ của anh vẫn còn sót lại nơi chiến trường xưa, thì khi đó gia đình sẽ tìm lại được anh.

Đúng 6h sáng, từ Hà Nội, xe chuyển bánh khởi hành đưa đoàn lên đường đi tìm đồng đội - liệt sĩ Khuất Minh Dũng, cái ngày mà bấy lâu nay cả gia đình anh vẫn khát khao, ngóng đợi, chờ mong.

Hôm ấy, xe đưa đoàn đi qua những miền đất của các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh , Quảng Bình Vĩnh Linh, Quảng Trị, những dẻo đất mà các anh đã đi qua từ thời còn trai trẻ, nay sau 35 năm mới lại có dịp được ghé qua. Trước kia, con đường các anh phải qua là những cung đường gập ghềnh sỏi đá bởi những ổ trâu, ổ gà đan xen với những hố bom của kẻ thù, thì nay là những con đường thênh thang êm ru nhẵn bóng chạy qua các thành phố, thị xã, làng mạc cùng những cánh đồng bao la bát ngát xanh rờn một màu xanh của lúa.

Khoảng 19h tối cùng ngày, xe đưa đoàn dừng chân nghỉ đêm tại nhà nghỉ 27 tháng 7 phía Bắc cầu Đông Hà - Quảng Trị, nơi đón tiếp các gia đình thân nhân liệt sĩ.

Hôm sau, 7h sáng ngày 7 - 5 - 2008, xe lại khởi hành từ nhà nghỉ 27 tháng 7 Đông Hà theo đường 9 qua cầu Đakrông lên thị trấn A Lưới - Thừa Thiên Huế. Quãng đường dài khoảng 150 km.

Khi xe lăn bánh trên con đường trải nhựa phẳng phiu của đường 9 năm xưa, được ngắm phong cảnh dưới ánh nắng của bầu trời tháng 5, một cảm xúc khó tả đang dần dần dâng lên xâm chiếm trong lòng mỗi người lính C10 D3 E1 F324 chúng tôi. Rồi như với cùng một ý nghĩ mách bảo nhau rằng: Chao ôi! Sao đất nước mình lại đẹp và hùng vĩ đến thế! Bởi những vết thương chiến tranh xưa nay đã không còn nữa, mà thay vào đó là một màu xanh bất tận của núi rừng đang tỏa bóng che mát cho những mái nhà dân bản chạy dọc theo hai bên của con đường.

Và cũng đến lúc phải chia tay đường 9. Khi chỉ còn cách cửa khẩu Lao Bảo 40km, xe rẽ trái tại ngã ba sông Đakrông rồi lăn bánh qua cầu treo, đưa đoàn theo đường 14 lên thị trấn A Lưới. Từ cầu treo Đakrông lên A Lưới, chúng tôi đi qua khu vực Tà Rụt. Khi tới vùng đất này thì những kỷ niệm về tháng ngày chiến đấu gian khổ ác liệt nơi Động Tranh, Mái Nhà, cao điểm 372 và cao điểm 360 của năm 1972 như lại hiện lên trước mắt chúng tôi. Vì Tà Rụt đây chính là vùng đất hậu phương của những người lính chiến thuộc quân khu Thừa Thiên Huế chúng tôi. Tất cả những người lính, khi bị thương lúc xung trận, cùng những anh em sức khỏe bị suy giảm bởi các cơn sốt rét triền miên thì đều được đưa về điều trị và tĩnh dưỡng tại đây cho tới lúc phục hồi thể lực. Và khi ấy, sẽ lại trở về đơn vị cũ của mình để tiếp tục công tác và chiến đấu cho tới ngày đất nước thắng lợi hoàn toàn.

Từ Tà Rụt lên A Lưới còn độ 60km. Xe đưa đoàn tiếp tục hành trình theo đường 14. Khoảng 11h trưa thì thị trấn A Lưới đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Thật không thể ngờ rằng, xưa kia, cũng tại thung lũng này chỉ có một con đường đất đỏ chạy qua trong một không gian hoang vắng đến tĩnh lặng, thì nay, đã là một thị trấn xinh đẹp và đầy thơ mộng cùng một sức sống tràn trề, mãnh liệt, được bao quanh bởi những ngọn núi điệp trùng của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Trải theo chiều dài gần 10km của thị trấn là đôi làn đường nhựa với hai hàng cột đèn cao áp song hành cùng những ngôi nhà xinh xắn mọc lên dọc theo hai phía của con đường…

Xe của chúng tôi dừng lại ở trung tâm thị trấn, trước cửa trụ sở Bưu điện huyện A Lưới, nơi mà anh Hồ Sỹ Bình, một chiến sĩ quân giải phóng năm xưa, nay đã là giám đốc Bưu điện huyện A Lưới.

Tại đây, đoàn lính C10 D3 E1 F324 được anh Hồ Sỹ Bình, anh Hồ Văn Kỳ cùng toàn thể anh chị em đang công tác tại Bưu điện A Lưới đón tiếp như những người ruột thịt của mình sau bao năm xa cách, nay mới được một lần trở về thăm quê. Cũng đúng thôi, bởi những người lính C10 D3 E1 F324 chúng tôi ngày nào đã coi A Lưới là quê hương thứ hai của mình rồi, vì nơi đây chính là mảnh đất như đã sinh ra chúng tôi lần thứ hai.

Sau bữa cơm trưa, nghỉ ngơi một lúc, khoảng 1h30 chiều, xe lại đưa đoàn rời A Lưới, qua Bốt Đỏ rồi rẽ trái theo đường 12 ( nay là đường 49) xuống khu vực Tà Lương - Pahy, nơi đã xảy ra những cuộc giao tranh giữa ta và địch trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5 năm 1973. Vì thời gian đã quá lâu, cảnh vật xung quanh cũng không ngừng đổi thay nên đoàn đã cho xe xuôi về khu vực Động Tranh – Mái Nhà rồi ngược xe trở lại đến cao điểm 620 (nơi địch chiếm giữ thời ấy, nay gọi là đèo Kim Quy) thì dừng lại và đoàn leo lên đỉnh của cao điểm này. Từ đỉnh cao điểm 620, đoàn lính C10 D3 E1 F324 chúng tôi đã xác định được đâu là khu vực Tà Lương – Pahy. Lúc đó là vào khoảng 4h chiều ngày 7-5-2008.

Chiều hôm ấy, xe lại đưa đoàn về ăn tối và nghỉ đêm tại thị trấn A Lưới. Nơi tá túc của chúng tôi là nhà nghỉ Đức Anh. Phải chăng, đây là định mệnh của số phận, bởi chính nơi đây, cũng tại mảnh đất này, cách đây đã tròn 35 năm, những người lính C10 D3 E1 F324 chúng tôi ngày ấy chỉ có biết đến ăn hầm ngủ rừng, mưa dầm cơm vắt để chiến đấu chống lại kẻ thù cho tới ngày giành thắng lợi hoàn toàn. Và đêm nay, có nằm mơ cũng không thể nghĩ rằng, sau 35 năm, cũng tại nơi này, chúng tôi lại được ăn, ngủ trong những căn phòng với đủ đầy các tiện nghi sinh hoạt hiện đại, nào là bình nóng lạnh, nào là máy điều hòa nhiệt độ… với những bộ giường chiếu được trải bởi những tấm ga đệm thơm tho…Sao mà ấm êm đến thế!

Hôm sau, ngày 8-5-2008, vào lúc 7h sáng, xe đưa đoàn từ A Lưới tiếp tục xuống khu vực Tà Lương – Pahy. Đến khoảng 8h30’ thì xe dừng ở cầu Tà Ve, rồi mọi người xuống xe để bắt đầu cuộc hành trình leo đèo, lội suối, xuyên rừng vào nơi chiến sự diễn ra ngày đó.

Trước tiên, đoàn leo lên đỉnh đồi Tà Lương, nơi quân ta chiếm được sau khi đã đẩy địch ra khỏi khu vực Pahy. Cũng trên đỉnh của đồi Tà Lương này, giờ vẫn còn nguyên những đoạn thông hào đã được đào bởi chính tay các anh lính C10 D3 E1 F324 ngày ấy (tại đây, đoàn có chụp một số bức ảnh để kỉ niệm). Rồi từ đỉnh Tà Lương, đoàn chúng tôi cắt đường sang thẳng dãy núi Pahy nhờ sự chỉ đường của hai dân quân (tên là Mác, Xiên), một bác người dân địa phương (bác Bình), 2 cán bộ Bưu điện A Lưới (Kỳ, Mạnh) cùng đi với đoàn.

Thật không thể tin nổi ! Dãy núi Pahy gồm 7 mỏm, từ mỏm 1 thấp dần cho tới mỏm 7, tạo thành một vòng cung ôm lấy đồi Tà Lương ngày ấy thật rậm rạp, chỉ toàn là lau với chít đan xen những búi tre, nứa, giang rừng, vậy mà, nay đã được phủ bởi một màu xanh của những rừng cây keo tai tượng (một loại cây làm nguyên liệu cho ngành giấy). Thế rồi, sau hơn 3 giờ đồng hồ leo núi, trèo đèo lội suối, ở cái tuổi xấp xỉ lục tuần, các anh đã tới được nơi mà mình cần phải tới. Đó là mỏm 1 - ngọn núi cao nhất, cũng là dốc nhất của dãy núi Pahy. Chính tại nơi đây, sau thân cây đổ, liệt sĩ Khuất Minh Dũng đã hi sinh cùng với người cán bộ trung đội trưởng của mình là liệt sĩ Nguyễn Văn Hội, quê ở Hà Tĩnh (Đến giờ phút này, chúng tôi cũng chỉ biết anh Hội là người quê ở Hà Tĩnh mà thôi, chứ không rõ anh ở xã, huyện nào của tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng những kí ức về anh thì vẫn luôn luôn còn mãi trong tâm trí của những người lính C10 D3 E1 F324 từ những ngày cùng nhau chiến đấu cho tới tận bây giờ và mãi mãi về sau).

Và rồi, điều ngày đêm mong mỏi tìm kiếm cũng đã đến. Đó là thời khắc chúng tôi tìm thấy nơi hai ngôi mộ chôn cất các anh. Thật buồn, nhưng cũng cảm thấy được an ủi khi biết rằng, vào khoảng từ năm 1992 đến năm 1994, sau hơn 20 năm nằm lại nơi rừng hoang sâu thẳm, không một bóng người ghé qua thì các anh đã được quân dân địa phương xã Hồng Hạ (nay là xã Hương Nguyên), huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đưa về an nghỉ tại một trong số các nghĩa trang liệt sĩ nào đó của tỉnh Thừa Thiên Huế cùng với hàng vạn, hàng vạn những anh hùng liệt sĩ không tên khác. Sự khác biệt chính là ở chỗ này, bởi tại nghĩa trang, nơi các anh đang an nghỉ ấy, hàng ngày hàng giờ các anh luôn luôn nhận được sự chăm nom hương khói của đồng bào cả nước để linh hồn của các anh đâu còn cô đơn, giá lạnh giữa cõi trần gian của những người dương thế, mà trong đó có những người thân cùng những đồng đội của các anh.

Công việc còn lại của đoàn lính C10 D3 E1 F324 và gia đình anh là đặt một tấm bia đá nơi anh đã ngã xuống, có khắc dòng chữ: “Đồng đội C10 D3 E1 F324 đã tới đây tìm hài cốt đồng đội tháng 5-2008”. Và gia đình anh đã mang một phần đất, nơi anh yên nghỉ lúc hi sinh mang về đặt song hành với tấm ảnh anh cùng tấm bằng Tổ quốc ghi công. Đây là điều mà tròn 35 năm sau mới trở thành hiện thực với gia đình của anh.

Khi công việc nơi Pahy kết thúc, vào lúc 16h chiều cùng ngày, chúng tôi trở về nhà nghỉ Đức Anh, thị trấn A Lưới. Đến khoảng 17h30, đoàn lính C10 D3 E1 F324 chúng tôi đã ra nghĩa trang liệt sĩ huyện A Lưới để thắp nén hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã an nghỉ nơi đây với một tấm lòng thương tiếc vô hạn trước sự hi sinh cao cả, vĩ đại của các anh.

Sau khi rời nghĩa trang liệt sĩ A Lưới, đoàn về ăn cơm chiều và ngủ lại một đêm nữa, tức là đêm thứ hai tại thị trấn A Lưới, và cũng vẫn ở chính tại nhà nghỉ Đức Anh.

Sáng hôm sau, ngày 9-5-2008, đoàn lên đường về Huế trong sự bùi ngùi nhớ thương của vùng quê A Lưới. Trên con đường 49 dẫn về Huế, đoàn đã ghé thăm lăng Minh Mạng cùng lăng Khải Định, rồi về nghỉ tại nhà khách Bưu điện, 14 phố Lý Thường Kiệt -Thành phố Huế. Hôm sau, đoàn rời cố đô Huế thân thương để trở về Hà Nội, kết thúc cuộc hành trình tìm kiếm đồng đội - liệt sĩ Khuất Minh Dũng.


Ngày thương binh liệt sỹ 27-7-2008 cũng sắp tới rồi! Nhân chuyến đi này, anh em lính C10 D3 E1 F324 xin thắp nén hương trước hương hồn của tất cả hàng triệu, hàng triệu các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc. Giờ đây, các anh đã an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng, các anh hãy tin tưởng một điều rằng, chúng tôi - những người đồng đội của các anh còn sống sót lại sau cuộc chiến ấy, cũng như những người thân của các anh, cùng đồng bào cả nước ta luôn luôn nhớ về các anh; Tổ quốc Việt Nam - mẹ hiền của chúng ta mãi mãi ghi nhớ công ơn to lớn của các anh. “Không ai bị lãng quên! Không điều gì có thể quên lãng ! “. Trước sự hi sinh to lớn ấy của các anh, chúng tôi cùng nhân dân cả nước xin hứa với các anh rằng, sẽ làm hết sức mình để xây dựng cho Tổ quốc ta, cho non sông đất nước Việt Nam chúng ta “ngày một to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”, đúng như lời dặn dò của Bác Hồ, vị cha già của dân tộc đã để lại trước lúc Người đi xa.