Hướng tới kỷ niệm 36 năm ngày chiến thắng 30/4

Khuất Đình Huy

Super Moderator
18 Tháng chín 2009
208
0
0
Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (21/3-29/3/1975).

Gần cuối Chiến dịch Tây Nguyên, thừa thắng trên các mặt trận, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ươngđã mở Chiến dịch Huế - Đà Nẵng là chiến dịch lớn thứ hai trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Với vị trí chiến lược vô cùng quan trọng ở miền Trung, địa bàn Huế - Đà Nẵng được chính quyền Sài gòn xác định và đánh giá là cánh cửa thép bảo vệ thủ phủ Sài Gòn của chế độ ngụy, bao gồm các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trên đà thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở chiến dịch Huế-Đà Nẵng nhằm đánh bại về cơ bản kế hoạch “bình định” của địch, tạo ra ở Trị - Thiên một tình thế mới có ý nghĩa quyết định cho quân ta chuẩn bị giành thắng lợi trong năm 1975, giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên – Huế.
Trước ngày mở chiến dịch, từ ngày 5/3 – 20/3, phối hợp với chiến dịch Tây Nguyên, Quân khu V và Quân khu Trị - Thiên - Huế đã làm tan rã một bộ phận quan trọng của địch ở vùng giáp ranh và đồng bằng, giải phóng phần còn lại của tỉnh Quảng trị, thị xã Quảng Trị, các quận lỵ Tiên Phước, Phước Lâm, Sơn Trà, Trà Bồng của Quảng Đà – Nam Quảng Ngãi, tạo thế uy hiếp Huế - Đà Nẵng.
Gần cuối Chiến dịch Tây Nguyên, đánh giá đúng tình hình và nhanh chóng chớp thời cơ thừa thắng xốc tới, sau khi địch rút khỏi Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã hạ quyết tâm tổ chức Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, lấy tên là “Mặt trận 475”, chính thức thành lập Bộ tư lệnh và Đảng ủy chiến dịch.
Chiến dịch Huế - Đà Nẵng diễn ra trong 2 đợt, đợt I từ ngày 21 đến ngày 26/3: Quân ta tiến công chia cắt Huế - Đà Nẵng, tiêu diệt sinh lực địch gồm: Sư đoàn bộ binh số 1, lữ đoàn 147/F TQLC, liên đoàn biệt động quân... Giải phóng Thừa Thiên – Huế, giải phóng Tam Kỳ, Quảng Ngãi và uy hiếp Đà Nẵng từ phía Nam, hướng Trị – Thiên. Ngày 25/3, thành phố Huế được hoàn toàn giải phóng; cùng ngày, thị xã Tam Kỳ, thị xã Quảng Ngãi cũng được giải phóng. Ngày 26/3, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được giải phóng hoàn toàn. Đợt II từ 27/3 – ngày 29-3: Về phía quân địch, sau khi Thừa Thiên - Huế bị mất, Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố “tử thủ” Đà Nẵng bằng mọi giá. Chính quyền Thiệu đã đánh giá tình hình tương quan lực lượng và cho rằng nếu quân ta muốn tiến công Đà Nẵng thì sau ta chiếm được Huế, ta phải mất ít nhất một tháng chuẩn bị. Nhưng ngược lại, ngay sau khi giải phóng Huế, quân ta đã ngay lập tức thừa thắng tiến công giải phóng Đà Nẵng chỉ trong vòng 3 ngày; loại khỏi vòng chiến đấu 120 ngàn tên địch, làm tan rã 137 ngàn phòng vệ dân sự; thu 129 máy bay, 179 xe tăng thiết giáp, 327 khẩu pháo, 1.084 xe quân sự và nhiều vũ khí đạn dược khác; giải phóng 5 tỉnh, hai thành phố với 2,5 triệu dân.
Cùng với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng thắng lợi có một ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, đã làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh. Quân ta đã tạo nên vùng hậu phương chiến lược hoàn chỉnh có lợi cho việc bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, thuận tiện cho việc cơ động bằng đường bộ, đường biển, đường không nối liền với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương lớn của cả nước, đáp ứng kịp thời việc tăng cường lực lượng, bổ sung vật chất cho cuộc tiến công quy mô lớn vào Sài Gòn trong một thời gian ngắn nhất. Tạo ra những điều kiện tiên quyết rất cơ bản để Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến công giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam một cách nhanh chóng.