Hà Tây quê tôi - Danh lam thắng cảnh

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
47
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
Địa dư chí (Lịch triều hiến chương loại chí) viết: "Trấn Sơn Nam phía tây theo ven núi... địa thế trấn này rộng, xa, người nhiều cảnh tốt... là đất tụ khí anh hoa, tục gọi là văn nhã, thực là bình phong phên chắn của trung đô...". Tỉnh Hà Tây ngày nay về mặt địa giới nằm hoàn toàn trong trấn Sơn Nam ấy.
Hà Tây - mảnh đất "địa linh" hội tụ khí thiêng của núi Tản sông Đà để sinh ra "nhân kiệt": Phùng Hưng, Ngô Quyền - hai ông vua trí dũng, tài đức hơn người; Nguyễn Trãi - nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, vị anh hùng dân tộc; Tản Đà - nhà thơ lớn của Việt Nam... Hà Tây - kho tàng của văn hóa, tín ngưỡng bao gồm hàng trăm đền chùa, lăng tẩm mang đường nét kiến trúc, điêu khắc độc đáo.

Chùa Hương: Chùa Hương là một trong những danh thắng nổi tiếng nằm trong khu di tích danh thắng Hương Sơn, thuộc huyện Mỹ Đức, cách Hà Nội 70 km (44 miles). Từ Hà Nội đi ô tô qua thị xã Hà Đông, tới Vân Đình, đến Bến Đục thì dừng xe để chuyển sang đi thuyền trên dòng sông Yến Vĩ chừng 3 km (1.9 miles) là đến đường bộ vào chùa. Ai không muốn ngồi thuyền, có đường bộ xuyên qua rừng mơ.
Hội chùa Hương hàng năm bắt đầu từ sau Tết Nguyên Đán, kéo dài từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 3 âm lịch. Mỗi mùa hội có tới ba, bốn chục vạn người đến chùa Hương. Từ cụ già sáu, bảy chục tuổi đến em nhỏ được bố mẹ cõng trên lưng đều nô nức đi hội. Gặp nhau trên đường vào chùa, tất cả đều chào nhau bằng câu niệm Phật:"A-di-đà-Phật".
Điều hấp dẫn của chùa Hương là cảnh núi cao, rừng thẳm, suối dài được kết hợp rất hài hòa, xếp đặt tài tình giữa một vùng đồng bằng có các đồng lúa xanh mơn mởn. Nếu chỉ đi chương trình một ngày, du khách hãy thăm động đẹp nổi tiếng nhất: Hương Tích. Thế kỷ 17, chúa Trịnh Sâm đến vãn cảnh động, đã tự tay đề 5 chữ Hán lên cửa động "Nam Thiên đệ nhất động" (Động đẹp nhất trời nam). Động được tìm ra cách đây khoảng hơn 2.000 năm. Bước vào động, một sắc cảnh kỳ diệu hiện ra trong ánh sáng kỳ ảo. Chính giữa động có pho tượng đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát. Xung quanh là nhũ đá tạo thành những hình cây vàng, cây bạc, buồng tằm, nong kén, núi cô, núi cậu... và đây là tòa cửu long hình chín con rồng nhũ đá long lanh ánh biếc đang châu đầu xuống trần thế... Người Việt Nam ham thích đi chùa Hương để lễ Phật cầu phúc và để được hòa mình với thiên nhiên cao rộng.

Chùa Tây Phương: Thuộc huyện Thạch Thất. Chùa xây từ thời thế kỷ thứ 8, được trùng tu nhiều lần. Đời Tây Sơn cho đúc chuông lớn và gọi là Tây Phương Cổ Tự, chùa cất bằng gỗ, lợp ngói ngũ sắc, có hai mái cong ở góc và trang trí hình rồng, kỳ lân rất đẹp. Trong chùa thờ nhiều tượng Phật và Thánh Thần được tạt rất công phu. Phật Tích Ca, Phật Bà Quan Âm, Phật Di Lặc, Thiên Vương, Kim Cương.

Đình Chu Quyến: Đình thuộc xã Chu Minh, huyện Ba Vì, thờ Nhã Lang con trai của Lý Phật Tử. Đây là đình lớn của tỉnh Hà Tây. Đình dài 30 m (90 ft), ba gian, hai chái, bố cục hình chữ nhất, mỗi vì kèo có 6 cột theo lối chồng rường. Cột cái có chu vi khoảng 2 m (6 ft). Mái đình thấp nhưng các góc đao lại vút cong lên nên trông ngôi đình rất trang nghiêm. Trang trí nghệ thuật ở trên các xà, cốn, ván long, cửa võng là rồng, phượng và các cảnh sinh hoạt của con người như gảy đàn, múa hát, chọi gà...

Chùa Trăm Gian: Cách chùa Trầm 5 km (3 miles) thì đến núi Trúc Sơn, trên núi có chùa Trăm Gian (chùa Quang Nghiêm Tự) rất rộng rãi phong quang, phía sau có một cái trống và một cái khánh thật lớn. Chùa còn có tên là Tiên Lữ, xây vào năm 1200, bên trong thờ Phật và thờ ông Lý An Bình. Ông là người làng Khê, huyện Thanh Oai, đi tu từ thuở nhỏ; lúc về già, ông xây chùa Tiên Lữ; sau đắc đạo, được vua Trần Thái Tông, vốn cũng là một bậc đại trí của Thiền Tông triệu về triều phong Phật hiệu.

Đình Tây Đằng: Đây là ngôi đình to và đẹp nổi tiếng thuộc huyện Ba Vì. Đình Tây Đằng được dựng vào khoảng thế kỷ 16 gồm 5 gia 4 mái và 48 cột lớn nhỏ. Các đầu đao đều uốn cong có gắn long, lân, quy, phụng bằng đất nung màu gan trâu. Xà, đấu, kèo, cốn đều có chạm khắc. Các hình chạm khắc rồng đều mang phong cách rồng đời Trần, chim phượng được chạm theo lối phượng múa xòe cả hai cánh,... Nét độc đáo ở đình Tây Đằng còn được thể hiện qua những bức chạm khắc trên các cấu kiện kiến trúc mà đề tài thiên về hoạt động của con người trong làng xã Việt Nam thế kỷ 16 như bơi thuyền, đốn củi, uống rượu, gánh con, múa hát...
Ngoài giá trị về mặt kiến trúc chạm gỗ đặc sắc, đình Tây Đằng còn là nơi thờ Tản Viên - Sơn Tinh một nhân vật anh hùng theo truyền thuyết đã chế ngự được thiên nhiên, được dân chúng suy tôn là bậc thánh, nên córất nhiều người lui tới viếng thăm.

Chùa Trầm: Ở làng Long Châu, cách tỉnh lỵ Hà Đông khoảng 25 km (15.6 miles), xây trên ngọn núi Tử Trầm. Địa thế chùa rất đẹp với các núi nhỏ chung quanh như núi Ninh Sơn, Đồng Lư. Tiên Lữ. Núi Tử Trầm có hang Long Tiên Động rất lớn và bàn thờ Phật bên trong. Ở đây có đường lên đỉnh núi gọi là đường lên Trời và đường xuống hang sâu gọi là đường xuống Âm phủ, Gần lại có chùa Võ Vi. Trước đây chúa Trịnh Phủ Lê lập cung điện ở núi Tử Trầm.

Thành Cổ Sơn Tây:
Thành thuộc thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội 42 km (26 miles). Thành được xây dựng từ năm 1822, có hình vuông, mỗi chiều dài gần 400 m (1,200 ft). Tường thành được xây bằng đá ong, loại đá rất rắn. Thành có 4 cổng: đông, tây, tiền, hậu, mỗi cổng đều có Vọng Lâu. Xung quanh thành có hào sâu 3 m (9 ft), rộng 20 m (150 ft), chu vi khoảng 2000 m (6,000 ft). Trong thành có 4 khẩu súng ở 4 góc thành, có điện Kính Thiên (nơi nghĩ của nhà Vua khi đi kinh lý), có dinh thự và công đường của các quan đầu tỉnh, kho lương thực, trại lính...
Thời gian và chiến tranh đã hủy hoại nhiều công trình trong khu vực thành cổ. Hiện nay, thành cổ Sơn Tây chỉ còn lại vết tích một số đoạn tường thành, cổng thành và một vài công trình còn sót lại trong khu vực thành cổ. Di tích này hiện nay đang được gìn giữ và tôn tạo lại.

Chùa Đậu: Chùa tọa lạc ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín. Chùa thờ thần Pháp Vũ nên còn có tên là chùa Pháp Vũ. Theo văn bia còn lại ở chùa thì chùa được dựng từ thời Lý và đã qua nhiều lần trùng tu. Chùa được dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc". Tam quan chùa đồng thời là gác chuông, bên trong có quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ 9 đời Tây Sơn.
Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều di vật và đồ thờ tự đặc biệt là nhục thân Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh ngồi theo tư thế nhập thiền, mình gập hẳn, đầu hơi cúi về phía trước. Toàn bộ pho tượng nặng 7 kg, và cao 57 cm (1.7 ft). Tượng Thiền sư Vũ Khắc Trường được quét sơn trắng, môi tô son, mắt và lông mày được tô vẽ. Hai pho tượng này đang được các nhà nghiên cứu khoa học quan tâm tìm hiểu.

Đền Hai Bà Trưng: Thuộc làng Hát Môn (cửa sông Hát), huyện Phúc Thọ. Đền thờ rất trang nghiêm, các đền thờ bên trong đền đều sơn màu đen tuyền. Trước đền có bàn thờ bà hàng bán bánh trôi đã theo giúp hai Bà Trưng trước đây. Các huyện gần sông Hát như Phúc Thọ, Thạch Thất và Quốc Oai có rất nhiều miếu thờ các vị anh hùng anh thư thời Trưng Vương; Thương Cát, Bạch Hoa Công Chúa, Đào Khang, Hoàng Đạo, Đỗ Năng Tế, Giám Sát Đại Vương, Ả Tú, Ả Huyền, Nhất Trung Á, Mai thị Trang, Chàng Năm, Thủy Hải Công Chúa.

Đền Thờ anh hùng Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương) và anh hùng Ngô Quyền: Thuộc xã Cam Lâm, cách Hà Nội trên 40 km (25 miles). Đền và lăng anh hùng Ngô Quyền nhìn ra núi Tản Viên. Gần đấy có giếng Chuông Sa, dù nông nhưng không bao giờ cạn nước. Tục truyền rằng các bà mẹ sinh con nhưng ít sữa đã đến uống nước giếng thì lại có thêm sữa, sau đem nước ở nhà đổ vào giếng tạ ơn và để người sau có dịp dùng tới.

Đền thờ ông Lộc Hộ: Ở xã Đông Bang, ông Lộc Hộ là một võ sĩ sống vào thế kỷ thứ 13, có công đánh đuổi giặc Nguyên ở Vân Nam tràn vào Bạch Hạc và Sơn Vị ngày nay.

Núi Tản Viên (Ba Vì) và đền Tản Viên: Núi Tản Viên trông xa như hai cánh Phượng nên còn gọi là núi Cánh Phượng hoặc Phượng Hoàng Sơn, thuộc huyện Bất Bạt. Đứng trên núi ở cao độ 1.000 m (3,000 ft), có thể nhìn thấy sông Đà, sông Hồng và dãy núi Tam Đảo, phong cảnh sông núi thật đẹp. Trên núi có đền thờ Tản Viên Sơn Thần tức là Sơn Tinh.

Chùa Thầy: Chùa Thầy có núi Sài Sơn có tên chữ là "Thiên Phúc Tự", nằm dưới chân núi Sài Sơn, thuộc huyện Quốc Oai. Trước đây dân chúng mở hội hàng năm rất to để kỷ niệm Thiền sư Từ Đạo Hạnh đời nhà Lý. Đây là ngôi chùa rất cổ có từ đời nhà Lý Thần Tông. Trước cửa chùa có hồ rất rộng, ở giữa dựng thủy đình; bên trái là hai cây cầu xây bằng gạch có mái gọi là Nhật Kiều và Nguyệt Kiều. Chùa chia làm ba phần, phần ngoài là nơi tế lễ, phần giữa thờ Phật, phần trong cùng thờ Đạo Hạnh Thiền Sư. Ở lưng chừng núi Sài Sơn có động Thánh Hoa, chùa Đinh Sơn, cổng Am Hiển Thụy, động Thanh Hóa. Sau chùa Đinh Sơn gần ven núi có chùa Một Mái trông đẹp và lạ. Cạnh chùa này có một hang thông hai đầu rất mát gọi là Hang Gió. Lên cao một chút sẽ gặp hang Bụt Mọc, bên trong có tượng Phật bằng đá. Rồi đến hang Thần rất sâu có cả cốt người. Trước kia có một toán quân của Lã Dương tự Lã Tá Công, một trong Thập Nhị Sứ Quân, bị vây hãm trong hang núi và bị chết đói hết cả. Hang Thần còn gọi là Cắc Cớ vì có nhiều ngõ ngách nguy hiểm, đi dễ bị lạc lối. Trên núi Sài Sơn còn có một bia dựng lên từ đời Thiệu Trị, ghi chép công trạng của quan Lễ Bộ Thượng Thư Phan Huy Chú, người có công viết ra bộ Bách Khoa Toàn Thư rất giá trị là lịch Triều Hiến Chương Loại Chí. Trên đỉnh núi Sài Sơn là "chợ Trời", nhìn thấy toàn huyện Quốc Oai, cảnh trí thật ngoạn mục.

Chùa Mía: Chùa tọa lạc ở làng Mía, xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, trên một ngọn đồi đá ong. Chùa có tên chữ là Sùng Nghiêm tự, được xây dựng lại vào năm Đức Long thứ 4 (1632) thời Lê Thần Tông. Chùa Mía có tới 287 pho tượng lớn nhỏ, trong đó một nữa bằng gỗ, một nữa bằng đất luyện. Tất cả được sơn son thếp vàng rất đẹp. Tiêu biểu nhất là 8 bộ Kim Cang ở tòa thượng điện, bằng đất luyện. Pho tượng "Quan Âm Tống Tử" với đường nét chạm khắc mềm mại, sinh động, độc đáo là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác. Chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật như đại hồng chung đúc năm 1743, khánh đồng (1846), bia Bà Chúa Mía dựng năm 1632.

Chùa Bội Am: Chùa cổ trên núi Thạch Thất. Dưới đời vua Mạc Mậu Hợp (1562-1592), con gái Đà Quốc Công là Mạc Thị đã bỏ ra công đức dựng chùa.

Thác Ao Vua: Cách tỉnh lỵ 16 km (10 miles) về hướng Bắc, thác cao khoảng 25 m (75 ft), chảy theo triền núi đá rồi đổ xuống ao hình bầu dục khá lớn phía dưới. Nước ao trong xanh tuyệt đẹp.

Huyện Quốc Oai: Làng Thụy Khuê, nơi sinh trưởng của Phan Huy Ích (nguyên quán ở làng Hữu Phương, huyện Cam Lộc, tỉnh Hà Tỉnh) em rể là bạn đồng triều với ông Ngô Thời Nhậm. Ông là một nhà ngoại giao, chính trị, văn thơ nổi tiếng thời Tây Sơn, đã nhiều lần cầm bút kích động tinh thần chiến đấu của quân sĩ Tây Sơn chống lại quân Nguyễn Ánh. Ông là tác giả của tập Dụ Am Ngâm Lục, Dụ Am Ngâm Tập, Tinh Sà Kỷ Hành và nhiều tác phẩm chữ Nôm khác, kể cả nhiều bài hịch, bài biểu và một bản dịch Nôm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn. Em ruột ông là Phan Huy Ôn, danh sĩ đời vua Lê Hiển Tông, tác giả các sách Nghệ An Nhân Vật Chí, Lịch Triều Liệt Huyện Đăng Khoa Khảo (chép về các bậc khoa giáp dưới các triều vua) và sách Tiêu Bảng Tiêu Kỳ (nêu các điều lạ về những người thi đỗ nổi tiếng). Người con thứ ba của ông là Phan Huy Chú, danh sĩ triều Nguyễn, tác giả Lịch Triều Hiến Chương (49 quyển kê cứu về các chế độ, điều lệ nước ta thời xưa), Hoàng Việt Địa Dư Chí (2 quyển), Hoa Thiều Ngâm Lục (2 quyển), Dương Trình Kỳ Kiến (tập ký sự ghi lại chuyến đi Batavia) và Hoa Trình Lục Ngâm. Xã Lạp Hạ là quê của Kiều Phú trung thần là danh sĩ đời Lê Thánh Tông. Ông soạn và hiệu đính nhiều tác phẩm văn học, trong đó có Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh do ông hiệu đính và đề tựa. Làng Sài Sơn là quê đại thần Binh Bộ Thượng Thư Mai Thế Kiệt đời vua Lê Dụ Tông; tính ông tất trung trực không chịu được cảnh lộng quyền của Trịnh Cương nên xin về ẩn dật.

Huyện Thạch Thất: Làng Phùng Xá (làng Bùng), là quê Phùng Khắc Khoan (gọi là trạng Bùng), danh sĩ đời vua Lê Thế Tông, tác giả Nghị Trai Thi Tập, Ngư Phủ Nhập Đào Nguyên Truyện (văn quốc âm); ông còn là ông Tổ nghề dệt the lượt và nghề trồng hai thứ ngô, vừng ở nước ta.

Huyện Thường Tín, làng Nhị Khê: Anh hùng Lương Văn Can, người có công lớn trong việc xây dựng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (1907), để truyền bá tư tưởng cách mạng, nêu cao lòng ái quốc và tinh thần tự cường của dân tộc. Ông có năm người con trai và hai người con gái; trong số này, ba người con của ông là Lương Trúc Đàm, Lương Ngọc Quyến, Lương Nghị Khanh và cô con gái thứ năm đều tham gia kháng chiến hết sức kiên trì; đặc biệt là anh hùng Lương Ngọc Quyến, người con thứ hai, một chiến sĩ của Việt Nam Quang Phục Hội đã cùng với anh hùng Trịnh Văn Cấn khởi nghĩa ở Thái Nguyên.

Làng Thịnh Hào: Anh hùng Đỗ Chấn Thiết, người có công rất lớn trong việc kinh tài hỗ trợ cho Đông Kinh Nghĩa Thục; sau ông chuyển vũ khí về nước bị quân Pháp bắt mang ra xử tử cùng 17 chiến hữu khác, ngày 2-12-1914, ông có hai người con là Đỗ Bàng và Đỗ Thị Tâm đều chết vì nước. Anh thư Đỗ thị Tâm là một chiến sĩ gan dạ thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng...

Huyện Ứng Hòa làng Liên Bạt: Anh hùng Nguyễn Thượng Hiền (đỗ tiến sĩ làm quan tới Án Sát, bỏ quan đi đánh giặc Pháp), cùng với anh hùng Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Quang Phục Hội chống quân Pháp; ông còn làm văn thơ làm vũ khí, kêu gọi toàn dân kháng chiến và bài Gọi Hồn Nước là một điển hình....

Huyện Thường Tín: Quê của ông Doãn Hành, Quốc Tử Giám đời vua Lê Thái Tổ, tác giả Văn Biểu tập; quê ông Nguyễn Văn Tích, văn thần đời vua Lê Nhân Tông tác giả Tiêu Sơn Thi Tập. Xã Triều Đồng, quê ông Lý Tử Tấn, tác giả Hoàng Việt Thi Tuyển và Tuyết Trai Văn Tập. Làng Bình Vọng, quê ông Trần Công, làm quan đời vua Lê Nhân Tông, là Tổ nghề chế sơn và thếp vàng bạc ở nước ta.

Huyện Chương Mỹ: Có làng Chúc Lý, quê ông Ngô Sĩ Liên, sử gia đời vua Lê Thánh Tông, tác giả Đại Việt Sử Ký toàn thư. Xã Lương Xá. quê ông Đặng Thụy, danh sĩ đời Lê Hi Tông, tác giả tập thư Trúc Ông Phụng Sứ, cũng là quê ông Trình Thanh, danh sĩ đời vua Lê Thánh Tông, tác giả Khúc Khê tập.

Huyện Thanh Oai: Làng Bối Khê, quê ông Nguyễn Trực, văn thần đời vua Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông tác giả Bộ Vu Liêu tập. Làng Đôn Thư là quê Vũ Phạm Hàm, thông minh xuất chúng, đỗ Nhất giáp Tam nguyên lúc 27 tuổi, triều Nguyễn có ba Tam nguyên; Vị Xuyên Trần Bích San, Yên Đỗ, Nguyễn Khuyến và ông. Nhưng Vị Xuyên và Yên Đỗ tiên sinh đỗ Nhị giáp. Nước ta chỉ có Vũ Phạm Hàm và Lê Quý Đôn (triều Lê) là đỗ Nhất giáp trong ba kỳ thi.

Huyện Hoài Đức: Có làng Đông Ngạc (làng Vẽ) nổi danh đàn ông anh hùng, đàn bà khéo tay. Đây là quê ông Phan Phù Tiên. sử gia đời Lê Thái Tổ và Lê Nhân Tông, tác giả Đại Việt Sử Ký tục biên và Việt Âm Thi Tạâp (ghi lại sử từ đời vua Trần Thái Tông đến hết đời Minh thuộc và sưu tập thơ văn chữ Hán của đời Trần, Lê.