Kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và Khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Khuất Đình Huy

Super Moderator
18 Tháng chín 2009
208
0
0
Ở Việt Nam, vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ mùng 8/3, đồng thời cũng là ngày kỷ niệm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng - Một cuộc khởi nghĩa của hai chị em sinh đôi đã từng đánh đuổi quân Đông Hán, giành lại bờ cõi nước Nam và xưng Vua được gần 3 năm...

Nhân ngày 8/3, chúc cho chị em phụ nữ nói chung và phụ nữ họ Khuất nhà ta nói riêng mãi mãi trẻ khỏe, xinh dẹp, đảng đang, chung thủy...

Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em gái sinh đôi, sinh ngày mồng Một tháng Tám năm Giáp Tuất - năm 14 sau Công nguyên - là con của một Lạc tướng thuộc dòng dõi Hùng Vương, đứng đầu bộ lạc huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc ngày nay), mẹ là bà Man Thiện. Hai Bà sớm bị mồ côi cha, nhưng lại được mẹ quan tâm nuôi nấng, dạy cho nghề trồng dâu, nuôi tằm, dạy cho hai con gái lòng yêu nước, rèn luyện sức khoẻ, võ nghệ.
Bà Trưng Trắc có chồng tên là Thi Sách, con trai của một Lạc tướng huyện Chu Diên (tỉnh Hà Tây cũ). Lúc đó, nhà Đông Hán đang cai trị nước Việt, do viên Thái thú Tô Định đứng đầu đã áp dụng chế độ cai trị hà khắc, bạo ngược. Trong tình cảnh đó, Hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị đã cùng Thi Sách chiêu mộ nghĩa quân, chuẩn bị khởi nghĩa chống lại chế độ hà khắc của Tô Định, nhưng Thi Sách đã bị bị Tô Định giết chết. Với lòng yêu nước, thù nhà, căm giận bọn giặc bạo ngược nhân dân, giết hại chồng mình, Trưng Trắc đã cùng em gái là Trưng Nhị đứng lên chiêu mộ nghĩa binh ở vùng Vĩnh phúc – Hà Tây, phát động cuộc khởi nghĩa ở cửa Sông Hát trên Sông Hồng (huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây). Trước giờ xuất binh, Hai Bà đã hô vang lời thề hùng tráng:

Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được nhân dân khắp nơi ủng hộ, tạo thành sức mạnh như vũ bão, đánh đuổi Tô Định phải bỏ chạy về nước. Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, nhiều cuộc khởi nghĩa ở các địa phương khác đã được thống nhất thành một phong trào rộng lớn từ miền xuôi đến miền núi, bao gồm cả người Việt và các dân tộc khác trong nước Âu Lạc cũ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà đã đánh chiếm được toàn bộ 65 huyện thành thuộc lãnh thổ nước Việt hồi đó. Cuộc khởi nghĩa thành công, đất nước được hoàn toàn độc lập. Hai bà lên làm vua, được suy tôn là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh. Hiểu rõ sự thống khổ của nhân dân, nên khi lên ngôi Vua, Trưng nữ Vương đã có những quyết sách quan trọng như miễn thuế khoá cho dân trong hai năm.
Chiến thắng oanh liệt trong cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Trưng nữ Vương đã lập nên và giữ vững nền độc lập, quyền tự chủ dân tộc gần 3 năm (từ năm 40 đến năm 43 sau Công nghuyên). Hai Bà Trưng là biểu tượng của ý chí hiên ngang và khí phách quật cường của dân tộc Việt Nam. Thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của phụ nữ Việt Nam với truyền thống và ý chí “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” từ những năm 40 sau Công nguyên.
Tháng Giêng năm Nhâm Dần- năm 42 sau Công nguyên), Mã Viện cầm quân tiến theo đường ven biển đánh nhau với Vua. Quân của Trưng Nữ Vương lúc đó có một số thủ lĩnh do không phục hai vua là phụ nữ nên có nơi tự ly khai, tan rã. Hai Bà thấy thế giặc mạnh, không chống cự nổi đã lui quân về giữ Cấm Khê. Năm Quý Mão, Hai Bà Trưng chống cự lại với quân nhà Hán, thế quân bị yếu nên thua trận. Mã Viện đuổi theo đánh số quân còn sót lại huyện Cư Phong thì tàn quân đầu hàng, nước Việt lại thuộc quyền kiểm soát của nhà Hán. Hai Bà đã tuẫn tiết ở Hát Giang. Sau khi Hai Bà mất, người dân đã dựng đền thờ Trưng Nữ Vương ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc (nay ở Hát Môn, huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội), nhân dân nhiều địa phương đã lập đền, miếu thờ phụng Hai Bà và các tướng lĩnh của Hai Bà. Đặc biệt, tại nơi kinh đô thời Trưng Nữ Vương (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc), Đền thờ Hai Bà Trưng được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt quan trọng năm 1980. Đền đã được gìn giữ, tôn tạo, mở rộng tương xứng với thân thế và sự nghiệp của Hai Bà Trưng. Thể hiện sự biết ơn của các thế hệ đối với các bậc tiền nhân, giáo dục truyền thống tự hào dân tộc, khí phách anh hùng, ý chí quật cường, dũng cảm của phụ nữ và nhân dân Việt Nam.
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận loài tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị, em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã tới gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên kinh thành
Đô kỳ đóng ở Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

Các nữ tướng của Hai Bà Trưng sau khi mất cũng được nhân dân ở các địa phương lập đền thờ tưởng nhớ, gồm:
Lê Chân - Nữ tướng miền biển: Khởi nghĩa ở An Biên, Hải Phòng, được Trưng Vương phong là Nữ tướng quân miền Biển. Hiện có đền Nghè, ở An Biên, Hải Phòng thờ.
Bát Nạn Đại tướng: Tên thực là Thục Nương, khởi nghĩa ở Tiên La (Thái Bình), được Trưng Vương phong là Bát Nạn Đại tướng, Trinh Thục công chúa. Hiện có đền thờ ở Phượng Lâu (Phù Ninh, Phú Thọ) và Tiên La (Quỳnh Phụ, Thái Bình).
Nàng Nội - Nữ tướng vùng Bạch Hạc: Khởi nghĩa ở xã Bạch Hạc (thành phố Việt Trì, Phú Thọ ngày nay) được Trưng Vương phong là Nhập Nội Bạch Hạc Thủy Công chúa. Hiện thành phố Việt Trì có đền thờ.
Lê Thị Hoa - Nữ tướng anh hùng: Khởi nghĩa ở Nga Sơn (Thanh Hóa) được Trưng Vương phong là Nữ tướng quân. Hiện có đền thờ ở Nga Sơn.
Hồ Đề - Phó Nguyên soái: Khởi nghĩa ở Động Lão Mai (Thái Nguyên), được Trưng Vương phong là Đề Nương công chúa lãnh chức Phó nguyên soái. Đình Đông Cao, Yên Lập (Phú Thọ) thờ Hồ Đề.
Xuân Nương, Trưởng quản quân cơ: Khởi nghĩa ở Tam Nông (Phú Thọ), được Trưng Vương phong làm Đông Cung công chúa chức Nhập nội trưởng quản quân cơ nội các. Hiện có đền thờ ở Hưng Nha (Tam Nông, Phú Thọ).
Thánh Thiên - Nữ tướng anh hùng: Khởi nghĩa Yên Dũng, Bắc Đái - Bắc Giang. Được Trưng Vương phong là Thánh Thiên Công chúa. Hiện có đền thờ ở Ngọc Lâm, Yên Dũng, Bắc Ninh.

Lê Ngọc Trinh - Đại tướng: Khởi nghĩa ở Lũng Ngòi, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Được Trưng Vương phong là Ngọc Phượng công chúa giữ chức Đại tướng quân. Hiện có miếu thờ ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Lê Thị Lan - Tướng quân: Khởi nghĩa ở Đường Lâm - Sơn Tây. Được Trưng Vương phong là Nữ tướng quân. Hiện ở Hạ Hoà, Vĩnh Phúc có miếu thờ.
Phật Nguyệt- Tả tướng thuỷ quân: Khởi nghĩa ở Thanh Ba, Phú Thọ. Được Trưng Vương phong là Phật Nguyệt công chúa giữ chức Thao Giang Thượng tả tướng thuỷ quân.
Phương Dung - Nữ tướng: Khởi nghĩa ở Lang Tài (Bắc Ninh). Được Trưng Vương phong là Phương Dung công chúa giữ chức nữ tướng quân.
Trần Nang - Trưởng Lĩnh trung quân: Khởi nghĩa ở Thượng Hồng (Hải Dương). Được Trưng Vương phong là Hoàng công chúa giữ chức Trưởng lĩnh trung quân. Hiện ở Yên Lãng, Vĩnh Phúc có đền thờ.
Nàng Quốc - Trung dũng đại tướng quân: Khởi nghĩa ở Gia Lâm - Hà Nội. Được Trưng Vương phong là Trung Dũng đại tướng quân. Hiện ở Hoàng Xá, Kiêu Kỵ, Gia Lâm thờ nàng Quốc.
Tam Nương - Tả đạo tướng quân: Ba chị em Đạm Nương, hồng Nương và Thanh Nương khởi nghĩa ở Quất Lưu, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Trưng Vương phong Đạm Nương làm Tả đạo tướng quân. Hồng Nương và Thanh Nương làm phó tướng. Đình Quất Lưu, Vĩnh Phúc thờ Tam Nương.
Quý Lan - Nội thị tướng quân: Khởi nghĩa ở Lũng Động, Chí Linh (Hải Dương). Được Trưng Vương phong là An Bình công chúa giữ chức nội thị tướng quân. Hiện ở Liễu Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc có đền thờ Quý Lan.
Nàng Quỳnh - Nàng Quế tiên phong phó tướng: Khởi nghĩa ở Châu Đại Man (Tuyên Quang), được Trưng Vương phong làm tiên phong phó tướng. Hiện ở Tuyên Quang còn miếu thờ hai vị nữ anh hùng.
Đàm Ngọc Nga - tiền đạo tả tướng: Khởi nghĩa ở Thanh Thuỷ, Thanh Sơn, Phú Thọ được Trưng Vương phong là Nguyệt Điện Tế thế công chúa giữ chức Tiền đạo tả tướng quân.
Thiều Hoa - Tiên phong nữ tướng: Khởi nghĩa ở Tam Thanh, Phú Thọ. Được Trưng Vương phong là Đông Cung công chúa giữ chức Tiên phong hữu tướng. Hiện ở xã Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ có miếu thờ.
Quách A - Tiên phong tả tướng: Khởi nghĩa ở Bạch Hạc, Phú Thọ. Được Trưng Vương phong là Khâu Ni công chúa giữ chức tả tướng tiên phong. Hiện có đền thờ ở trang Nhật Chiêu (Phú Thọ).
Vĩnh Hoa - Nội thị tướng quân: Khởi nghĩa ở Tiên Nha (Phú Thọ). Được Trưng Vương phong là Vĩnh Hoa công chúa giữ chức nội thị tướng quân. Đình Nghênh Tiên, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc thờ Vĩnh Hoa.

Lễ hội Đền Hai Bà

Lễ hội Đền Hai Bà tại Hát Môn, bên dòng Hát Giang (thuộc huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây), nơi đây không chỉ là nơi Hai Bà tuẫn tiết, mà trước hết, Hát Môn là nơi Hai Bà tụ nghĩa, trước lúc đăng quang lên ngôi Vua đóng đô ở Mê Linh. Mê Linh cách Hát Môn không xa, chỉ vượt qua sông Hổng, qua mấy dặm đường là tới nơi.
Sau khi chiến thắng Tô Định, thu lại non sông gồm 65 thành quách, bụi chinh chiến còn vương áo bào, Hai Bà đến tụ quân ở Hát Môn để chuẩn bị nghi vệ, voi ngựa, tàn quạt và cả việc tắm gội, trước lúc qua sông để đăng quang.
Tại khu vực Hát Môn - nơi có ngôi đền lớn được nhân dân xây dựng để thờ Hai Bà, trong ngày lễ hội đã diễn lại mọi nghi vệ và dấu tích cũ với những nét độc đáo, khác lạ:
Nơi Hai Bà tắm gội, hiện nay còn lại ngôi đền, gọi là đền Mộc Dục. Trong lễ rước Hai Bà đi tắm gội, khi rước đi, kiệu bà Trưng Trắc đi trước, kiệu bà Trưng Nhị đi sau.
Nhưng khi rước về, lại rước kiệu bà Trưng Nhị đi trước, kiệu bà Trưng Trắc đi sau.
Các bậc kỳ lão trong làng kể lại vẻ nghi vệ này, tương truyền rằng, vì bà Trưng Nhị trẻ hơn, mọi công việc đều xông pha, nhanh nhẹn hơn, việc tắm gội, bà Trưng Nhị cũng tắm gội xong trước nên kiệu bà Trưng Nhị được rước đi trước.
Câu chuyện thật chân thành, gần gũi tình đời và rất thật. Trong lễ hội Hai Bà, nghi thức nghiêm trang: Đây là lễ hội rước Vua. Nhưng Vua lại là nữ, cũng không phải là một vị Vua, mà là hai Vua. Tất cả mọi nghi vệ, mọi lễ tiết, chính vì thế mà có dấu tích khác thường với các lễ hội ở mọi nơi khác.
Khi lễ rước Hai Bà được bắt đầu, nghi vệ trang hoàng theo chiều dài gần một khi. Đi đầu là đoàn nữ binh tề chỉnh cẩm cờ lệnh, tiếp theo sau là hai con ngựa trắng, yên cương, chuông nhạc như nhau. Theo tài liệu còn lưu lại thì đây là hai con ngựa trắng cỗ nhất và đẹp nhất từ thời kỳ còn gọi là Trấn Sơn Tây xa xưa. Ngựa được tết bằng mây đan, ngoài bọc bằng vải sơn trắng. Hai con ngựa trắng như đang sắp phóng nước đại: ít nhất hai con ngựa này đã có cách đây chừng vài trăm năm, không hiểu kỹ thuật đan mây và bồi vải như thế nào, đến nay vẫn nguyên như mới. Trong Viễn Đông Bác Cổ cũng ghi? Hai con ngựa trắng là di vật đẹp nhất của đền Hát Môn.
Sau hai con ngựa trắng, lại là đoàn nữ binh, tay cầm binh khí và bát bửu . Sau đó là rước hai hương án lớn để thờ Hai Bà, sau hương án là rước hai long ngai. Long ngai có nghĩa là ngai vàng có đầu rồng ở hai tay ngai để vua ngồi. Nhưng tôi thấy có nét khác thường trong hai ngai vàng ở đây. Mọi long ngai hai đầu rồng đều hướng về phía trước nhưng long ngai ở hai đầu rống lại quay đầu trở lại. Tiếp theo là hai chiếc kiệu để rước Hai Bà. Cũng có điều khác thường là những trai thanh, gái lịch chọn trong lứa tuổi 20 trở lại, mọi người rước kiệu đều đi thẳng, riêng người đi kiệu ở hàng đầu thì đi lùi hướng mặt vào kiệu. Việc đầu rồng tay ngai quay đầu trở lại và người rước kiệu đứng ở hàng đầu đi giật lùi, đây là tục "hèm" trong lễ hội Hai Bà ở Hát Môn, mà các nhà sử học cần nghiên cứu . Có các cụ cao tuổi ở trong làng giải thích rằng, người rước đầu đi giật lùi là theo tục "cha đưa, mẹ đón". Nhân dân quý trọng Hai Bà là mẹ, nên đây là nghi lễ "Đón mẹ". Còn tục đầu long ngai quay đầu trở lại, là một hướng "hèm" nghiêm ngặt. Các bình hương trong gia đình cũng thường có Lưỡng Long chầu nguyệt, nhưng nếu gia đình nào vì sơ ý, để Lưỡng Long chầu nguyệt quay đầu vào phía trong, giống như đầu rồng quay lại ở ngai thờ Hai Bà, coi đó là cấm kỵ và "đầu rồng quay lại", có thể coi là một tượng trưng Hai Bà nhìn lại non sông đất nước một lần nữa, trước khi nhảy xuống dòng sông Hát Giang tuẫn tiết.
Một đặc điểm của dấu hiệu nữ giới khi rước kiệu Hai Bà là sau mỗi kiệu, có người bưng hộp đôi hài, người bưng hộp gương lược, người rước kiệu trầu cau. Riêng đôi hài được thêu công phu "tiên rồng, hậu phượng". Rống là tượng trưng cho Vua.
Phượng là tượng trưng cho nữ. Đám rước có trấu, có cau, có rồng, có phượng, có gương, có lược, mang đầy đủ ý nghĩa của một vị vua và cũng là nữ giới.
Hai Bà trước khi tuẫn tiết, trải qua một trận huyết chiến lớn, nên ở đây các kiệu rước, các long ngai và hương án thờ đều dùng màu đen, kiêng kỵ màu đỏ.
Trước khi Hai Bà tuẫn tiết, Hai Bà có trở lại Hát Môn và dừng lại, mỗi bà ăn một đĩa bánh trôi ở một quán hàng ven đê. Lúc ấy là buổi sáng ngày mùng Sáu tháng Ba âm lịch.
Phong tục ấy, đến nay còn được tôn trọng và là sự thiêng liêng kính cẩn đối với Hai Bà. Đã là người làng Hát Môn, dẫu đi Nam về Bắc, hay là Việt kiều ở nước ngoài, từ Tết Nguyên đán đến trước sáng ngày sáu tháng ba âm lịch, mọi người kiêng không ăn bánh trôi. Cho đến sáng ngày sáu tháng ba, sau khi làm đại lễ dâng hai đĩa bánh trôi cúng Hai Bà, các gia đình mới cúng bánh trôi lễ tổ tiên trong gia đình. Và đến chiều hôm đó, các gia đình mới làm đại tiệc, mời khách đến ăn bánh trôi tại nhà mình. Nơi quán hàng Hai Bà ăn bánh trái, hiện còn dấu tích. Nhân dân địa phương xây một ngôi đền nhỏ, gọi là đền các cô bán hàng, ngay gần lối vào đền Hai Bà.
Đại lễ dâng hương tại đền Hai Bà có nhiều nét độc đáo khác lạ. Trong các nơi thờ các vị anh hùng khác, khi tiến hành đại lễ, chỉ có một người đứng làm chủ lễ. Nhưng đền Hát Môn là nơi thờ Hai Bà, nên mọi nghi vệ đều có hai. Trong đền thờ, có hai hương án, hai long ngai, hai kiệu rước, hai lư hương, và khi tiến hành đại lễ, có hai chủ lễ, hai người đọc chúc văn nói lên công đức của Hai Bà. Và khi đọc chúc văn, có hai đội nữ binh, mặc áo nâu, tay cầm binh khí đứng tề chỉnh ở hai bên, hai người cầm hai chiếc quạt lúa dài chừng một mét, giống như hình chiếc quạt giấy vẫn dùng hiện nay, nhưng có khác là trên nền quạt có thêu rồng, hai người cầm quạt che cho hai chúc văn, thể hiện sự tôn kính đối với công ơn oanh liệt của Hai Bà.
Khi đến dự ngày lễ hội của Hai Bà, dẫu ta được biết thềm rất nhiều dấu tích từ xa xưa truyền lại, nhưng giây phút thiêng liêng nhất vẫn là được chiêm ngưỡng đền Hát Môn, nơi tôn thờ Hai Bà. Từ hai phía đầu đê để đi xuống chiêm ngưỡng đền Hát Môn là hai tấm bia có chữ "Hạ mã". Xưa kia, khi các quan thuộc các triều đại qua đây, đều phải xuống ngựa và đi bộ để tôn kính Hai Bà. Hai tấm bia xa xưa, tuy rêu phong, nhưng hàng chữ còn rất rõ. Đền Hát Môn ở bên này đê, dưới những tán cây cổ thụ um tùm. Trong đền, phía sâu nhất là cung cấm, phía ngoài là nhà Đại lễ, ở ngoài sân, tuy nhỏ, nhưng nhân dân địa phương tôn kính, gọi là "sân rồng". Tương truyền rằng, nền móng ngôi đền này từ đời Lý, qua nhiều lần trùng tu xây dựng, đến nay, trong đền vẫn uy nghiêm. Trên bàn thờ ở chính gian giữa có 4 chữ lớn' 'Lạc Hùng chính thống ". Chỉ bốn chữ ấy đã nói lên công huân rực sáng của Hai Bà.
Danh sĩ, thánh thơ Cao Bá Quát - một bậc tài danh và khí phách hào hùng, đã tiến cúng đền Hát Môn một đôi câu đối ca ngợi công đức Hai Bà, khắc ngay trên cột trụ lối vào đền:
Tùng bắt kim đao, thiên khai vận,
ưng vô đồng trụ, đá phân cương ".
Đôi câu đối ấy có nghĩa là: Nếu không có kim đao do Hai Bà (ví như trời) mở vận thì đâu có được đất nước này một bờ cõi riêng ".
Đền Hát Môn cách Hà Nội chỉ trên 20km. Đến thăm đền Hát Môn là đến thăm một vùng mang nhiều dấu tích anh hùng của Hai Bà - hai vị nữ lưu hào kiệt, những người đã làm rạng danh cho truyền thống anh hùng bất khuất của phụ nữ Việt Nam.
 

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
48
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
Cám ơn bác HUy nhiều. đọc bài này em hiểu thêm về Hai Bà Trưng. Đáng tiếc là về quê bao lần rồi mà chưa ghé Đền thờ Hai Bà được.
Kỳ này về quê em nhất định sẽ ra viếng đền thờ.
Nhận dịp 8/3 cũng kính chúc tòan thể các Cụ, Các Bà, Các Mẹ, Các dì, Các Cô, các chị, các em gái Họ Khuất gặp nhiều may mắn và thành công.