Khởi đăng : Sưu tầm các Món ăn tại các Vùng Miền của Tổ quốc

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
47
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
Ẩm thực Bến tre

Bánh bèo "cắc chú"


Những chợ nhỏ ở Bến Tre sáng nào cũng có vài gánh hàng bán món bánh có tên gọi là bánh bèo "cắc chú". Chữ "cắc chú" trong âm ngữ miền nam là nói trại từ chữ khách trú mà ra. Tuy nhiên, danh từ này ngày nay không còn ai dùng nữa. Phần vì không hiểu gốc tích ra sao, phần vì so về nguyên liệu bột gạo, nước cốt dừa, nước mắm thì không phải là ẩm thực truyền thống của người Minh Hương. Bây giờ người ta hay gọi là bánh mặn hoặc bánh ổ mặn.

Đây là một loại bánh dễ làm, đơn giản, rẻ mà lại rất ngon. Chủ yếu là bột gạo thêm chút ít bột mì, cứ một chén bột thì có hai chén nước cốt dừa, thêm tí muối, đường, quậy đều rồi lược lại cho sạch cặn. Sau đó đổ lớp bột chừng 5 mm vô xửng đã thoa dầu, để vào chõ hấp cách thủy. Lớp bột này vừa chín tới thì đổ lớp khác lên trên, nhớ lấy que tăm xăm đều khắp bề mặt lớp bột đã chín cho hai lớp bột cũ mới bám dính vào nhau. Tiếp tục làm như vậy cho đến hết.

Phần nhân khá giống nhân bánh bèo gồm tôm khô rửa sạch để ráo, thịt nạc thái mỏng xắt nhỏ, hành phi, tỏi băm nhưng có thêm củ sắn (củ đậu) xắt hạt lựu thật nhỏ. Bắc chảo mỡ nóng phi tỏi thơm, cho tất cả phần nhân vào xáo lên, nêm tiêu, muối, bột ngọt vừa ăn và đảo đều đến khi nhân thật khô. Khi ăn dùng dao xắt từng miếng chừng 3 ngón tay, dày mỏng tùy thích cho vào đĩa, bên trên rắc nhân, chan nước mắm tỏi ớt và ăn lúc bánh còn nóng thì ngon... hết sảy! Đây là món điểm tâm hấp dẫn, nó có khắp các chợ quê. Bột bánh mềm mại, không dai cũng không bở rệu, có vị hơi béo của nước cốt dừa lại thơm đậm mùi tôm khô, thịt xào, lại trơn dễ nuốt mà nhẹ bụng.



Lẩu cháo cua đồng


Lẩu cháo cua đồng có lẽ chỉ có ở thị xã Bến Tre (tỉnh Bến Tre). Chủ quán Hồng Thủy trên đường tránh Quốc lộ 60, cho biết, cô là người đầu tiên ở địa phương mở quán bán món này từ hơn 2 năm nay. Và hiện giờ có rất nhiều người mở quán bán món lẩu "chạy hàng" này hai bên quán cô.

Cua đồng cô Thủy mua ở Đồng Tháp về, rửa sạch, tách mai và yếm bỏ đi. Gạch cua lấy từ yếm ra, trộn với một số gia vị, để riêng. Phần còn lại của cua xay nhuyễn, hòa nước lạnh, quậy đều, lược lấy nước cốt. Nồi cháo gạo ngon nấu nhừ bằng nước lọc cua với đậu xanh cà, nấm rơm, nêm nếm vừa ăn rồi mới cho hành lá xắt nhỏ và hành gốc vào. Sau cùng cho lớp gạch cua làm mặt với màu vàng ruộm bắt mắt. Thưởng thức lẩu cháo cua đồng với 5 thứ rau đồng quê: rau ngót, rau má, rau mồng tơi, rau đay, cải xanh và mướp hương. Nhờ vậy mà món ăn này đậm đà bản sắc văn hóa ẩm thực thời khẩn hoang. Đặc biệt, ăn "kèm" cháo cua đồng còn có hột vịt lộn. Ngoài tiêu và ớt xắt, món ngon nhờ có nước mắm rươi trong.

Bên cạnh món cháo cua đồng còn có chả cua đồng cũng độc đáo không kém. Chả cua đồng được làm bằng cua đồng đâm nhuyễn, lược lấy nước. Bắc nồi nước lên nấu sôi, cho nước lọc cua vào. Đun sôi với ngọn lửa riu riu, chốc lát thịt cua nổi lên mặt nước. Vớt thịt cua cho vào tô với hột vịt tươi, tỏi phi, củ hành tím phi, cọng hành băm nhuyễn, dầu phi hạt điều, thịt bằm cùng tiêu, đường, bột ngọt. Trộn đều, cho vô khuôn nhôm hay tô đem hấp chín rồi chiên vàng với dầu phi tỏi. Món này ăn kèm với các loại rau, dưa leo, cà chua. Riêng nước cua còn lại thì cho vô nồi cháo cua đồng, "một công hai việc".


Cơm dừa Bến Tre


Bến Tre được mệnh danh là xứ dừa. Gần đây, trên bàn ăn dưới bóng dừa của xứ sở này đã có thêm một món ăn mới không kém phần quyến rũ: cơm dừa.

Làm cơm dừa, người ta dùng gạo ngon, sau khi vo sạch bằng... nước dừa, để cho ráo rồi cho vào trái dừa đem chưng cách thủy. Trái dừa dùng nấu cơm phải là dừa xiêm, sau khi chọn được trái vừa ý, người ta không đả động gì đến phần bên trong quả dừa, chỉ gọt cho quả dừa có hình dáng bắt mắt. Kế đó, cắt ngang một phần trên quả dừa để trút nước ra và dùng miếng cắt đó như cái nắp để đậy "nồi cơm dừa". Kế tiếp đầu bếp sẽ trổ tài cho gạo vào trái dừa, sau đó đổ nước dừa tươi vào vừa đủ rồi đậy nắp lại.

Nấu cơm dừa cái khó nhất là phải canh nước dừa và gạo phải đều nhau, nếu nhiều nước ít gạo và ngược lại thì cơm dừa sẽ nhão nhoẹt hoặc cứng ngắc, hỏng mất mùi vị. Cơm dừa ăn nóng mới ngon. Nếu để lâu, hạt cơm trắng ngần sẽ bị thấm thêm hơi dầu từ dừa sẽ ngả sang màu vàng nhạt.
Cơm dừa phải ăn cùng tôm rang dừa mới đúng gu. Tôm đất, tôm bầu, tôm lóng, tôm càng xanh sau khi lặt chân, rửa sạch và ướp gia vị từ đường, muối, bột ngọt để một lúc cho ngấm. Rang dừa cũng đơn giản, sau khi bỏ tôm lên chảo rang người ta cho nước cốt dừa vào chảo để lửa riu riu. Đến khi tôm ngấm nước cốt dừa chuyển sang màu đỏ quạch là coi như đã xong món tôm rang dừa. Lúc này thịt tôm ngấm dừa sẽ có mùi vị dai, giòn.

Tới Bến Tre mà chẳng nán lại dùng cơm dừa, tôm rang dừa thì xem như cuộc du lịch tới xứ dừa chưa trọn vẹn. Nếu đã có mặt xứ này thì hãy tranh thủ làm một "quả" cơm dừa để bổ sung thêm kho tàng ẩm thực phong phú và có thêm ấn tượng về vùng đất mang tên dáng đứng Bến Tre này.

Canh chua cá linh bông so đũa - Bến Tre

Nước bắt đầu rút trên Ðồng Tháp Mười thì ở dưới hạ lưu như Bến Tre người sành ăn cũng bắt đầu thưởng thức món canh chua cá linh nấu với bông so đũa. Cá linh được các ghe bầu ở miệt trên chở xuống còn sống, bán cho bạn hàng ở Bến Tre. Mấy bà nội trợ đi mua cá, người bán vớt ra làm trước mặt cho khách hàng coi (có khi cũng làm sẵn nhưng như thế cá kém tươi, nấu canh chua không ngon). Cá linh chọn con lớn, cắt ngang phía dưới mang, nặn cho mật vọt ra còn ruột thì để nguyên. Cá mùa này mỡ bám đầy, thịt béo ngậy! Hễ có cá linh là đúng lúc so đũa ra hoa. Bông so đũa đầu mùa ăn rất ngọt, cuối mùa thì đắng lại có nhiều sâu, cũng là lúc cá linh ăn hết béo. Khi mua, chọn so đũa còn búp hoặc mới nở, đã được nhặt sạch hết nhụy, cuống.

Canh chua cá linh ăn một lửa mới ngon, không hâm lại vì cá mềm, dễ nát. Có thể dùng me hoặc chanh để nấu canh chua. Còn rau nêm nên dùng rau om hoặc ngò gai... Nên chuẩn bị sẵn một tô nêm, gồm có các loại gia vị: rau thơm xắt nhỏ, ớt, đường, muối hoặc nước mắm... Khi nước sôi bỏ cá vào rồi đậy nắp lại. Canh chừng xem nồi canh sôi lại cho bông so đũa vào, dùng đũa đè chìm bông ngập nước nóng. bắc nồi canh xuống rồi mới nêm. Nêm canh chua cũng là một nghệ thuật: nêm sao cho có vị không chua quá cũng không quá ngọt, mà ngót ngót là được. Múc canh chua ra tô lớn, nhìn những chấm mỡ li ti của cá linh nổi lên trên mặt nước canh và khói từ tô canh bốc lên thơm ngạt ngào rất... thèm ăn! ăn canh chua, dù nấu với cá nào, cũng nên ăn với nước mắm nguyên chất. Ðừng quên cho thêm vào đĩa nước mắm vài khoanh ớt!