Mãi mãi tri ân các Anh hùng Liệt sĩ

Khuat dinh huy

New member
16 Tháng bảy 2013
4
0
0
65
Buối sáng ngày 27/7, hai bố con về nghĩa trang liệt sĩ quê ở Đại Đồng để thắp hương cho Bác Cả liệt sĩ được đưa về từ Quảng Bình ba năm trước. Trời mưa tầm tã nhưng trong nghĩa trang vẫn đông thân nhân đến thắp hương và mời các Liệt sĩ về nhà ăn cỗ nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ. Có lẽ ở bất kỳ gia đình liệt sĩ nào, ngoài ngày giỗ riêng, ngày 27/7 này đã trở thành ngày giỗ thứ hai của tất cả các liệt sĩ của nước ta đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Hai bcon vào nghĩa trang bày lễ thắp hương, con trai cầm ô che ngôi mộ Bác cho hương khỏi tắt vì nước mưa. nhưng khi đi thắp hương cho mấy bác, chú liệt sĩ trong họ, để ý thì mình phát hiện ra: dù mưa to nhưng những ngọn hương vẫn cháy và tỏa khói hương nghi ngút. Thấy nhiều người khác vẫn ngồi hoặc đứng để che cho hương cháy ở những ngôi mộ, mình định nói cho họ biết nhưng lại thôi. Cứ để họ che như vậy cũng tốt bởi cùng với ý nghĩ che cho hương cháy hết, không bị mưa ướt làm tắt hương, trong sâu thẳm tâm linh, còn có nỗi lòng của thân nhân đối với các liệt sĩ nữa... Mình chợt nghĩ: Có lẽ dù mưa to, nhưng vì mật độ giọt mưa thưa nên ít giọt nào rơi trúng ngọn hương đang cháy; còn nữa, hay vì các liệt sĩ linh thiêng nên mưa không thể làm tắt được những ngọn hương thắp viếng trong ngày tri ân này... Chắc vì cả hai.
Từ nghĩa trang trở về nhà ông chú họ, gia đình ông chú cũng đã cúng xong cho người chú út liệt sĩ. Cả đại gia đình quây quần, gia đình cố mời hai bố con ở lại ăn cơm, nhưng đành phải từ chối để về nội thành ngay vì trong chương trình, đồng thời khi về quê, ở ngoài nhà cũng đang làm mâm cỗ mời Bác Cả về ăn vào buổi trưa nay.
Theo một lẽ tự nhiên, hầu như rất nhiều gia đình có thân nhân là Liệt sĩ đều gặp phải một giai đoạn khó khăn về kinh tế, bởi những người chồng, người con của họ đều là trụ cột, là lao động chính của gia đình thì đã phải sớm ra đi đánh giặc và rồi hy sinh... Đất nước dần phát triển, bớt khó khăn nên trong những năm gần đây, Nhà nước càng ngày càng có những chế độ đãi ngộ hiệu quả đối với các đối tượng chính sách này với tinh thần đạt được bằng mức thu nhập trung bình so với khu vực. Nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiêp thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động "Đền ơn, đáp nghiã" để góp phần giảm bớt khó khăn cho thân nhân các liệt sĩ, thương binh.
Chiến tranh đã lùi xa, nỗi đau mất mát trong mỗi gia đình liệt sĩ, thương bình rồi cũng sẽ dần nguôi ngoai qua chuyển giao thế hệ, nhưng trên khắp dải đất hình chữ S này, ở bất cứ địa phương nào - có lẽ khác với các nước trên thế giới - t các xã, đến mỗi huyện, tỉnh, rồi khu vc, vùng miền đều có ít nhất một nghĩa trang liệt sĩ . Mỗi lần đi công tác qua hoặc đến viếng Liệt sĩ ở một nghĩa trang các địa phương, tôi đều trữu lòng thầm nghĩ: Sự hy sinh của những người con của Tổ quốc và vì Tổ quốc thật vô cùng lớn lao, vĩ đại. Mỗi Nghĩa trang Liệt sĩ như một cột mốc vững chãi khẳng định sự chủ quyền của đất nước; mỗi ngôi mộ Liệt sĩ lặng thầm nằm trong Nghĩa trang cũng thầm lặng và vĩ đại như sự hy sinh cao cả của họ, nhưng đó là những nốt nhạc đã viết nên bản tráng ca oanh liệt của dân tộc ta qua các thế hệ trong các cuộc chiến tranh vệ quốc.
Có lẽ chính vì vậy nên trong ý thức, suy nghĩ và tâm linh của mỗi người Việt Nam, mọi người luôn dành cho các Liệt sĩ tình cảm cao nhất, sự yêu quý nhất, kính trọng nhất và sự tôn thờ trân trọng nhất.
Khuất Đình Huy