Mùa "đóng cỗ" ở quê...
Những ngày cuối năm, về quê mới thấy đã bắt đầu vào mùa cỗ với đủ hình thức, nội dung và lý do. Chính vì vậy, mọi việc đều “tạm dừng” để ưu tiên cho lịch “đóng cỗ” của mọi người dân ở quê...
Năm nào cũng vậy, và càng ngày càng nhiều hơn, đó là khi trời bắt đầu lăn phăn mưa phùn, tờ lịch treo trên tường mỏng dần chớm vào tháng 11, tháng Chạp âm lịch... làng tôi bắt đầu bước vào mùa “cỗ” như một bản trường ca “cỗ”. Tất nhiên, từ nguyên nhân sâu xa, việc đóng cỗ thường dồn đến cuối năm đều cũng có cái lý riêng của nó, bao gồm:
- Cỗ cưới: Là đương nhiên rồi bởi đến mùa thì trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng, cho nên cả làng đều liên tục, tới tấp được đi ăn cưới. Có những gia đình phúc trùng lai đến tổ chức cho cả 2 con lấy chồng, cưới vợ trong một dịp... Thế là họ hàng, anh em, bạn bè tha hồ đóng cỗ.
- Cỗ chẵn tháng của trẻ sơ sinh: Bởi các đám đều cưới nhau vào cuối năm, theo lô gics thông thường, cuối năm sau những đôi vợ chồng trẻ có con bồng, con bế là chuyện đương nhiên. Ngày đón cháu về, ngày chẵn tháng là các cụ, các ông bà, họ hàng ruột thịt nội ngoại... vui mừng phấn khởi đến đóng cỗ mừng cháu.
- Cỗ nhà mới: Cả đời tích cóp, tiết kiệm; chọn ngày lành tháng tốt động thổ làm nhà, cố gắng hoàn thiện trước Tết để được đón cái Tết ở nhà mới. Khánh thành ngôi nhà, mời họ mạc, anh em liên hoan chung vui đóng cỗ nhà mới.
- Cỗ sang cát, bốc chuyển mộ: Mùa hanh khô, sạch sẽ nên mọi người chọn dịp cuối năm để sang cát, bốc chuyển mộ cho người đã khuất, để sang năm mới người đã khuất được ở nhà mới, ổn định lâu dài. Việc tâm linh nên mọi người phải đều lưu ý và khi xong việc, cùng đóng cỗ.
- Cỗ xây mộ mới: Tùy theo điều kiện hoàn cảnh kinh tế cụ thể, mỗi gia đình đều muốn vào mùa hanh khô, sạch sẽ sửa sang, tôn tạo, xây cất ngôi mộ của người thân cho đẹp dẽ khang trang...; tùy to nhỏ, thân sơ, rất nhiều người phi nội tắc ngoại lại được mời đóng cỗ.
- Cỗ giỗ kị: Có lẽ từ nguồn gốc xa xưa thiếu đói, rét mướt nên khá nhiều các cụ đã ra đi vào dịp cuối năm, một số cụ nữa chắc do “hạn nặng” nên không cố thêm một tuổi nữa mà ra đi khi Tết gần đến... Vậy là nhiều gia đình có người thân như vậy và làm cỗ cúng giỗ kỵ các cụ. Không nhiều thì ít cũng phải sắm vài mâm để mời những chỗ thân cận, các bậc cao niên đóng cỗ.
- Cỗ mừng thọ: Có lẽ Đại Đồng là một trong rất ít làng xóm ở VN có cách tổ chức mừng thọ riêng một kiểu. Các nơi họ thường tổ chức mừng thọ vào dịp đầu năm mới cho các cụ lên bậc tuổi chẵn từ 60, 70 trở lên và cho cả các cụ ông và cụ bà. Riêng làng Đại Đồng thì từ 50 tuổi (tuổi đẻ là 49) đã bắt đầu tổ chức khao cỗ mừng thọ. Cũng có thể từ nguồn gốc xa xưa, cuộc sống khó khăn, đói khổ nên người ta được đến 49 là khó qua, 50 – 53 tuổi là khó đạt tới – vì vậy phải làm ngay từ lúc 49 tuổi (bắt sang 50). Bây giờ, những bậc lên “ông” tuổi 50 vẫn còn ttrai tráng lắm. Người ở quê làm lụng thì khả dĩ trông còn “trán nhăn, da chì, tóc bạc” có vẻ “ông” kẻ thoát ly thì đang còn phơi phới, roi rói... nhưng theo phong tục vẫn cứ lên “ông”.
Thế là cả làng phi nội - tắc ngoại đều được nô nức đi ăn cỗ khao. Cỗ khao cũng vui như cỗ cưới, cỗ chẵn tháng con trẻ nhưng vui hơn, trân trọng hơn bởi đối tượng đã là bậc ông, bậc cụ... Các “ông tuổi chớm 50, nếu làm cỗ khao thì thường né, lái sang là cỗ mừng sinh nhật hoặc kỷ niệm ngày cưới... cho đỡ... ngại. Nhưng “ông” nào sớm có dâu, rể là cũng có một bức ảnh chúc thọ trang trọng, cũng thủ tục đuề huề như đối với các các cụ lớn tuổi trong ngày mừng thọ...
Chỉ trong hơn một tháng, ở một làng quê thuần nông, với gần chục lý do để làm cỗ, mời đóng cỗ nên người ta phải chia nhau ra kiểu mời và cách đi ăn cỗ. Đa số đều mời, đi ăn theo thời gian đã điều chỉnh thành 4 bữa ăn chính như: 8 giờ 30, 10 giờ; 14 giờ 30 và 16 giờ. Chính vì lịch đóng cỗ như vậy nên mọi người phải sắp xếp thời gian, sinh hoạt trong dịp cuối năm cho phù hợp. Cũng chính vì lịch đóng cỗ như vậy, nên khó khăn nhất là những người đi “thoát ly”, công tác: Nếu không đúng vào ngày thứ 7, Chủ nhật mà có cỗ bàn phải về quê để dự là phải hoặc xin nghỉ để về dự, hoặc là sẽ không thể dự được...vì công việc ở cơ quan đơn vị... Nhiều lần như vậy, chắc chắn sẽ khó xử và có lỗi với “các cụ” ở quê vì khó trọn vẹn được.