Người Lữ Hành Thời Gian

25 Tháng bảy 2009
84
0
0
Tập thơ đầu tay của Khuất Bình Nguyên (tức Khuất Văn Nga) tặng tôi đề ngày 3 tháng 6 năm 2009. Trang nhật kí của tôi viết về mấy bài thơ đầu tay của bạn vào ngày 15 tháng 6 năm 1971.
Picture1-2.jpg

Bao nhiêu năm nhỉ ? Đúng vừa tròn ba mươi tám năm.
Dạo ấy tôi đã rời lớp đi bộ đội, mặc áo lính phòng không, đang ngồi trên mâm pháo cao xạ 37 ly hai nòng ở sân bay Đa Phúc. Những buổi chiều khoáng đạt giữa đồng cỏ mênh mông, dãy Ba Vì nổi lên ở chân trời thật đẹp. Phía ấy là miền quê Nga. Tôi nhớ đến những trang ghi chép và những bài thơ của bạn. Những câu thơ ban đầu bạn viết về làng quê.
Cầu ao râm lẩn trong bụi tre dầm
Vẳng tiếng tay trưa đập áo
Luống vừng hoa trắng như bướm đậu
Luống khoai đầu nhà tháng hai đất nứt
Ngôi nhà buổi sáng cu bé nằm nghe tiếng cua bò trong ang đất

Trước đó, trong chuyến đi thực tế sưu tầm văn học dân gian ở huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, Nga đã cho tôi đọc mấy trang viết về bà Hoàn ở thôn An Thịnh hát ví trên sông Đà, về hát ca xẩm của ông Xẩm Điền ở thôn Mai Miếu, Thạch Đồng. Quả thật so với các bài viết khác trong lớp, bài của Nga là một trong những bài khá nhất, tinh tế và rất giàu cảm xúc, đã hé lộ một năng khiếu văn chương .
Chiến tranh vào giai đoạn ác liệt hơn, tôi đi các chiến trường phía Tây, phía Nam rồi khi hòa bình trở lại trường học tiếp. Bẵng đi hàng chục năm ít gặp lại các bạn cùng lớp cũ.Tôi ngạc nhiên khi biết Nga đã dạy văn ở một trường chuyên ngành của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Rồi bạn trở thành nhà nghiên cứu khoa học pháp luật, rồi thăng tiến…và hiện nay là phó viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân tối cao. Cũng chơi bời đi lại với nhau nhưng rất ít khi có thời gian nói chuyện dông dài văn chương. Tôi nghĩ bạn đã an bài, âu cũng là số phận từng người .
Thế mà sau ba tám năm, tôi đang cầm tập thơ của bạn, bìa màu đỏ, in trên giấy đẹp, có minh họa của Lê Thiết Cương. Lại một tiếng thở dài nữa, âu cũng là cái nghiệp văn chương
Về khía cạnh trí tuệ của con người Khuất Nga trong tập thơ, Nguyễn Quang Thiều đã viết cả rồi. Thiều nói bạn như một người lữ hành suốt đời đi tìm câu trả lời cho câu hỏi của chính mình, của con người.
Tôi vui mừng vì Nga vẫn là người bạn chân chất như gần bốn mươi năm về trước. Vẫn là người con của một miền quê nghèo.

Làng tôi suối chảy chia hai
Con gái dệt vải con trai cày bừa
Gốc đa lá rụng bốn mùa
Vẫn bà bán nước cổng chùa hắt hiu
Đồng xa lúa chín dập dìu
Lo mưa buổi sớm lo chiều bão giông
Em tôi lặn lội bờ sông
Khổ đau nhiều lắm mà không dối đời.


Bạn lại có những câu đầy ẩn ức từ một cội nguồn trong trẻo:
Con tìm trong cỏ giấc mơ
Thấy bông cúc trắng vẫn chờ áo nâu
Hoặc:
Giếng sâu đừng sợ dây dài
Cho em múc nước xứ Đoài rửa chân
Rất ít thôi vì bạn chỉ làm thơ khi có hứng, bạn không phải là nhà thơ chuyên nghiệp nhưng đôi khi có những câu làm người ta giật mình. Chẳng hạn khi đi qua Hà Nam nhìn những dãy núi đá ở chân trời mềm mại như bức tranh thủy mặc trong mưa, nghĩ đến một người bạn của chúng tôi cuối đời công chức đang chuẩn bị một chuyến công tác nhiệm kỳ xa xứ, bạn viết:
Dẫu tạc hết đá núi kia thành bia
Làm sao ghi hết được sự phù du của những kiếp người.
Hoặc mấy câu tản mạn ở Quy Nhơn:
Có một loài hoa vàng nở bên hàng rào những ngôi nhà nhỏ
Để ưu tư cho lữ khách xa về
Có một làn mây trắng bâng khuâng trên trời đêm thành phố.
Gác văn chương sang một bên, bạn đã dành cả đời cho một nghề, một nghề tưởng như khô khan nhất trong các nghề. Tuy nhiên cái nghề giám sát thực thi pháp luật này lại đưa bạn đến gần cái dòng chảy ngầm mạnh mẽ của cuộc đời. Cũng như cái nghề công an vậy. Hãy thử bỏ nó sang một bên, trật tự xã hội sẽ ra sao, cái ác sẽ thế nào.Tôi biết bạn luôn luôn day dứt trăn trở về lương tâm, về trách nhiệm đối với nghề nghiệp. Việc tưởng như đơn giản mà lại không đơn giản đối với mỗi người. Bởi vì bạn có một chút cội nguồn văn nhân. Viễn tổ họ Khuất của bạn cụ Khuất Quỳnh Cửu hơn 400 năm về trước đã từng là Thượng thư Bộ Lễ của Vương triều Mạc, rồi sau đó họ Khuất phải đổi sang họ Đỗ để tránh truy lùng đến vài trăm năm mới trở về họ cũ.
Những câu thơ như thế này mang đầy yếu tố tự sự:
Suốt đời đi luận tội
Hết sáng lại đến chiều
Ngày mưa như ngày nắng
Luật mang theo trăm điều

Đủ loại người phạm tội
Cướp của đến giết người
Cả mấy ông tham nhũng
Bụng miệng to hơn người

Đừng nói điều oán trách
Luận tội vì công tâm
Nhân danh công lý buộc
Mong nhận ra lỗi lầm

Luận tội vì nhân ái
Vì hạnh phúc cuộc đời
Nếu có ai oán trách
Cũng đành lòng vậy thôi

Luận tội là hệ trọng
Động tới sinh mệnh người
Chỉ một lần tắc trách
Sẽ mang tội với đời …

Đọc xong người ta thấy ấm áp, nhất là khi những câu thơ này lại là tâm sự của một người làm nghề pháp luật, mỗi quyết định đều liên quan đến vận mệnh cuộc đời của nhiều người. Đó là sự hổ thẹn về lương tâm về trách nhiệm, là văn hóa của mỗi nghề. Người ta mong cuộc đời làm sao có được nhiều tấm lòng như thế.
Hoài Nguyên.

Chùm ảnh về Khuất Văn Nga

Luat-gia-11111.jpg


2011.gif




KhuatVanNga-Lao.png


KhuatVanNga-DoanNgoaigiaoLa0.png

 
Chỉnh sửa lần cuối:
25 Tháng bảy 2009
84
0
0
Tiến sĩ Khuất Văn Nga, Phó Viện trưởng VKSNDTC

Tiến sĩ Khuất Văn Nga, Phó Viện trưởng VKSNDTC
được Tặng thưởng tại cuộc thi Thơ về Hà Nội

KhuatVanNgaGiaithuongvanhc.jpg


Nằm trong các hoạt động hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, Vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ sơ kết và trao tặng thưởng cho các tác giả tiêu biểu tham gia cuộc thi sáng tác “Thơ về Hà Nội” giai đoạn I. Đến dự có nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà văn Đỗ Kim Cuông – Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TW, cùng đông đảo các nhà thơ, các phóng viên báo chí TW và Hà Nội.
Sau một năm phát động, cuộc thi sáng tác “Thơ về Hà Nội” do Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) và Đài Phát thanh-truyền hình Hà Nội phối hợp tổ chức, đã nhận được hàng nghìn tác phẩm thơ trữ tình của các văn nghệ sĩ và những người yêu thơ trên khắp mọi miền đất nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Hầu hết các tác phẩm dự thi đều bám sát chủ đề, nội dung và thể hiện tình yêu nồng nàn, sâu sắc đối với mảnh đất, con người và văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm Văn Hiến. Cũng như nhiều vùng quê khác của Tổ quốc, Hà Nội đã trải qua biết bao nhiêu biến cố từ thời vua Lý đọc Chiếu dời đô, qua thời Trần, thời Lê với biết bao chiến công hiển hách anh hùng đến những tháng năm gian khổ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Hà Nội đã trở thành kỷ niệm, kí ức không quên qua bao thế hệ. Đúng như nhà thơ Nguyễn Đức Mậu – Phó Chủ tịch Hội đồng thơ Việt Nam nhận xét: “ Một năm thơ dự thi viết về Hà Nội, cần phải khẳng định: mặt bằng cuộc thi rất vững. Chính đề tài về mảnh đất nghìn năm Văn Hiến đã tác động đến cách nhìn, cách nghĩ và khơi nguồn cho cảm xúc người viết”.
Tại Lễ sơ kết lần này, Ban tổ chức đã trao tặng thưởng và Bằng chứng nhận cho 15 tác giả tiêu biểu, đại diện cho các vùng đất, các giọng điệu và các khuynh hướng sáng tạo...có các tác phẩm thơ hay về Hà Nội. Tiến sĩ Khuất Văn Nga, Phó Viện trưởng VKSNDTC là một trong số những tác giả đó. Bạn đọc cả nước đã biết đến tác giả Khuất Văn Nga (bút danh Khuất Bình Nguyên) với những tác phẩm dung dị, mộc mạc đầy chất ca dao về quê hương như “Xứ Đoài”, “Quê nhà”...nay lại thêm một lần cảm nhận được nét thăng hoa của ông trong những bài thơ đầy chất sử thi về Hà Nội như: Thành phố và dòng sông, Hà Nội- Thành phố Hoà bình- Thành phố nghìn năm, Phố Phái ngày xuân muộn....Việc Khuất Bình Nguyên nhận được tặng thưởng vinh dự lần này là một tín hiệu vui cho những cán bộ tham gia sáng tác văn học nghệ thuật trong ngành KSND.Chỉ còn hơn 300 ngày nữa Thủ đô Hà Nội thân yêu của chúng ta sẽ tròn 1000 năm tuổi cùng với ngành KSND kỷ niệm một nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành. Hy vọng, cuộc thi sẽ là một trong những hoạt động khởi đầu cho những ngày Đại lễ của dân tộc và thơ ca sẽ cất lên tiếng nói sang trọng, linh thiêng và hào hoa, đồng điệu với tâm hồn của người Hà Nội trong những ngày hội lớn, đồng điệu với lớp lớp cán bộ VKSND trên mọi miền của đất nước đang phấn đấu làm tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp để góp phần giữ vững sự yên bình cho Tổ quốc, cho nhân dân và cho Hà Nội.


Linh Hương
 
Chỉnh sửa lần cuối: