Nguồn gốc của Tết Trung thu của người Việt Nam

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
47
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
Tết Trung thu bắt nguồn từ Trung Hoa?

Trước tiên xin được nhắc lại với bạn đọc rằng từ Tết là biến âm của từ ‘Tiết’ trong ‘Tiết khí’ mà ra. Ban đầu là dùng để chỉ những lễ đặc biệt của người dân Việt xưa, những dịp này nương theo mùa vụ, còn mùa vụ lại nương theo thời tiết mà thành. Lớn nhất trong năm là Tết Nguyên đán (Xuân) tháng Giêng, hay dân gian còn gọi là Tết cả. Rồi đến Tết Trung thu (Thu) rằm tháng Tám, Tết Đoan ngọ (Hạ) mồng năm tháng Năm, Tết Hàn thực mồng ba tháng Ba….

Thứ hai, Tết Trung thu là của người Việt, tất nhiên không chỉ người Việt, cho dù về sau và hiện nay, các sản phẩm văn hóa gắn liền với sự kiện này đều xuất xứ từ văn hóa Trung Hoa như múa lân (trong Nam)/ múa sư tử (ngoài Bắc), đèn lồng, các câu chuyện về thỏ ngọc và chị Hằng…. khiến gây ra một ngộ nhận rằng tục ăn Tết Trung thu của người Việt bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa. Song đấy là một quy kết nhược tiểu hồ đồ.

Người Việt ăn cái Tết lớn nhất của mình vào tháng Giêng và lấy tháng này (tháng Dần) làm tháng mở đầu trong năm âm dương hợp lịch của mình theo người Hoa, điều ấy thì đã hẳn. Song vấn đề được đặt ra ở đây là trước giai đoạn bắt đầu Hoa hóa trong việc ăn Tết ấy thì người Việt ăn Tết hay tổ chức lễ hội chính của mình vào thời gian nào trong năm? Xin thưa, ấy là mùa Thu.

Tết của người Việt cổ.

Các nhà khảo cổ học đã tìm ra và chứng minh được rằng, Lễ hội lớn nhất của người Việt cổ là vào mùa Thu. Bằng cớ là trên mặt trống đồng in khắc hình ảnh lễ hội, hẳn phải là lớn nhất hoặc/và tiêu biểu nhất nên mới được người xưa chọn khắc lên mặt trống, có thấy hình bông lau, là thứ chỉ nở vào mùa thu. Ở một số nơi tại Đồng bằng Bắc Bộ còn giữ tục ăn Tết Cơm Mới mồng mười tháng Mười, và cả Tết Trùng cửu mồng chín tháng Chín. Nhà văn Vũ Bằng có đề cập tới 2 tết này cùng với hàng loạt tết khác trong tác phẩm nổi tiếng nhất của mình ‘Thương nhớ mười hai’, hồi ức của một nhà văn di cư về đặc sản và những nét văn hóa Bắc Việt men theo 12 tháng.

Mong mỏi quanh năm của người dân Việt cũng là nông dân Việt thời xưa thể hiện trong ca dao là ‘Bao giờ cho đến tháng mười’, cũng tức là thời điểm thu hoạch vụ mùa, vụ chính trong năm, bắt đầu một thời gian có ăn và được ăn no, may ra được mùa thì còn là no ấm cho cả năm đó.

Trăng trong đời sống người Việt.

Người Việt xưa sống bằng nghề nông, thứ nghề phụ thuộc vào thiên nhiên còn hơn là vào con người. Họ phải “Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm…” trước khi trông vào bản thân mình: “Trông cho chân cứng đá mềm’, chỉ ước ao sao cho “Trời yên bể lặng…” rồi “… mới yên tấm lòng” để mà tính chuyện làm ăn. Và trong hàng loạt cái trông đó thì “Trông trời” là việc đầu tiên. Tất nhiên là phải kết hợp cả việc quan sát trời, trăng, sao, mây mà đoán định thời gian và thời tiết. Song họ quan sát kỹ càng nhất vẫn là mặt trăng.

Người Việt có hẳn một bài ca dao tả hình dáng của trăng qua từng ngày một trong tháng: “Mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa. mồng ba câu liêm, mồng bốn lưỡi liềm, mồng năm…., mồng sáu thật trăng……”. Rõ ràng trăng là một thứ lịch treo trên trời với người Việt. Ở Việt Nam trước đây, học sinh lớp ba đã được học bài ca dao này. Sau cải cách giáo dục thì nó không còn nằm trong sách giáo khoa nữa nên bây giờ trẻ con thành phố ít em biết. Nhưng ở nông thôn thì chắc vẫn vậy. Cách đây vài năm lúc còn ở Việt Nam, có lần vô tình một cậu sinh viên nói với tôi rằng: “Trong tất cả các bài thơ và ca dao, em chỉ còn nhớ mỗi bài ‘Mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa…’ vì ngày bé phải thuộc bài này để còn đi chăn trâu.”


Nông lịch.

Thứ lịch mà người Việt dùng là nông lịch, quen được gọi là âm lịch, thực chất là lịch mặt trăng. Từ ‘tháng’ trong tiếng Việt bắt nguồn từ từ ‘trăng’, cũng như ‘month’ có gốc từ ‘moon’. Trong cái tháng theo lịch mặt trăng đó thì đến bây giờ người Việt vẫn giữ lệ thờ cúng vào hai ngày sóc, vọng tức là ngày đầu tháng và giữa tháng, một ngày mặt trăng mờ nhất và một ngày mặt trăng tỏ nhất, trong quan sát của người trần gian.

Mùa thu lại là lúc tiết trời mát mẻ, khí hậu dễ chịu nhất so với những khắc nghiệt quanh năm. Ngày rằm tháng Tám là khi trăng sáng nhất và đẹp nhất mà việc nông lại đang lúc nhàn. Lẽ nào một tộc người ưa Lễ hội và thường trực ngắm trăng không chỉ để lo công việc làm ăn mà còn là thưởng ngoạn lại có thể bỏ qua thời khắc này mà không tổ chức một cái gì đó, phải đợi cho đến khi người láng giềng phương Bắc, không mấy khi thân thiện, mách nước dùm?


Trăng trong văn hóa Việt Nam và Trung Hoa.

Hiện tượng thờ mặt trăng trước cũng rất phổ biến với người Việt, nhất là những vùng ven biển, nơi cuộc sống của cư dân theo nhịp thủy triều. Giờ còn lưu lại ít nhất là câu chuyện thần thoại về thần Độc Cước cùng đền thờ ngài ở Thanh Hóa và Lễ hội trọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Các nhà nghiên cứu cho rằng câu chuyện đứa bé còn có nửa thân hình trong thần Độc Cước là hình ảnh ám dụ của mặt trăng khi khuyết nhiều hơn khi tròn cũng như sừng trâu trong Hội trọi trâu chính là hình trăng khuyết (lưỡi liềm).

Sau cùng, quan niệm về giới của mặt trăng với người Việt cổ là khác với người Hoa. Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã lưu ý tới sự khác biệt về văn hóa giữa các sắc dân căn cứ vào quan niệm của từng tộc người về giới tính của các thiên thể như mặt trăng, mặt trời, sao… Ở Việt Nam cũng đã có hai giáo sư là Kim Định (trong Nam) và Trần Quốc Vượng (ngoài Bắc) cùng dựa vào văn hóa dân gian mà cho rằng mặt trăng trong văn hóa Việt mang ‘giống đực’ còn trong văn hóa Trung Hoa là ‘giống cái’. Người Việt nói: ‘Ông trăng mà lấy bà trời’, hay bài đồng giao: ‘Ông giẳng, ông giăng (trăng). Xuống chơi với cháu. Có bầu có bạn…’ hoặc câu chuyện về: ‘Thằng Cuội ngồi gốc cây đa. Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời…’. Trong khi văn hóa Trung Hoa là câu chuyện Ông Tơ Bà Nguyệt và Hằng Nga…..

Tất cả những điều trên chỉ để nói rằng Tết Trung thu của người Việt đã có từ xưa, có chăng là sau khi tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, khi tự nguyện, lúc cưỡng bức, suốt một thời gian dài trong lịch sử mà người Việt có du nhập một số tập tục cùng những thành tố văn hóa của người Hoa vừa để làm phong phú thêm nhưng cũng có khi là thay thế hẳn những tập tục khác của mình. Thế cho nên đến bây giờ, nhìn dưới con mắt của người phương Tây chẳng hạn, thì Tết Trung thu của người Việt cũng chẳng khác gì với của người Hoa, có khi còn không phong phú bằng.