Nhớ món "Tôm bay"...

Khuất Đình Huy

Super Moderator
18 Tháng chín 2009
208
0
0
Nhớ món “Tôm bay”...
Trận mưa đầu mùa Thu, đi qua chợ cóc đầu phố, nhìn thấy một người phụ nữ ngồi bên vỉa hè bày bán mẹt châu chấu vàng nhạt. Bất chợt lại nhớ đến món “Tôm bay” thủơ nào ở quê mà chạnh lòng mang mác...
Ở nông thôn ngày trước - như đã xưa lắm rồi, nguồn thực phẩm của bà con nông dân chủ yếu là tự cấp tự túc. Muốn cải thiện bữa ăn tươi, phải đi bắt cua, tát cá, mò ốc... Thịt, cá là những loại thực phẩm sa xỉ chỉ có ở trong hôm giỗ, ngày Tết. Có lẽ vì vậy nên mới tồn tại một cụm từ “đi đóng cỗ” mà ai cũng thích, nhất là trẻ con..., bởi vì chỉ “đi đóng cỗ” mới có cơ hội được ăn thịt, ăn cá.
Ngày ấy ở quê, sau mỗi mùa gặt, lũ châu chấu không còn cây lúa để đậu nữa nên tụ tập hết vào những bờ ruộng để ăn cỏ. Mỗi khi có người đi qua, đàn châu chấu lại bay rào rào. Cùng với những món ăn dân dã khác, châu chấu rang là một món được ưa chuộng và gần như “đặc sản” vì chỉ có mùa này mới có. Chính vì vậy nên món ăn này được gọi một cách mỹ miều là “tôm bay”. Muốn bắt châu chấu, phải đợi những ngày mưa. Khi những ruộng lúa vừa gặt xong ngập chìm trong nước, cả một cánh đồng chỉ còn nổi lên những vệt xanh của bờ ruộng là lúc bọn trẻ rủ nhau đi bắt châu chấu. Những đứa trẻ gầy guộc, đen nhẻm vì nắng gió và thiếu ăn, mặc quần đùi, đội mũ lá, tay cầm vỏ chai, tay cầm vỉ toả ra những cánh đồng kiếm thức ăn. Dụng cụ chủ yếu để bắt châu chấu là những chiếc vỉ bằng tre tự làm lấy; đầu vỉ hình tam giác đan nan tre, cán liền với vỉ dài khoảng 1,5 mét để đập châu chấu. Châu chấu được đựng vào những cái vỏ chai 0,75 lít để tiện lợi cho việc cầm, chạy đuổi bắt, lội nước và sợ bị châu chấu “xổ lồng” mất vì miệng chai hẹp, lại trơn. Bọn trẻ dùng vỉ xua châu chấu trên mặt bờ cỏ; trời mưa to, châu chấu bị ướt cánh nên chỉ nhảy trên mép cỏ hoặc bay được một đoạn ngắn. Con nào không bay được thì bị đập một vỉ và bị đút vào chai, con nào bay được một đoạn rơi xuống mặt ruộng nước ngay lập tức bị tóm. Người ta chỉ bắt những con châu chấu cái vì vừa to, vừa có trứng ăn mới ngon, con châu chấu đực thì được tha vì vừa bé, vừa gầy ăn vào chỉ tổ rát lưỡi...
Sau hàng trăm lần chạy, đuổi và ngã oành oạch; khi mà đứa nào đứa nấy đều đã “ướt như chuột lột”, người ngợm lấm lem, mặt môi tái xám vì rét, hai bàn tay nhăn nhúm vì ngâm lâu trong nước mưa... thì cũng là lúc những chiếc chai đựng châu chấu đã đầy. Lũ trẻ rủ nhau ào xuống mương nước tắm, gột quần áo và không quên đổ nước vào chai để “tắm gội” cho lũ châu chấu để ra về.
Châu chấu được chế biên không cầu kỳ nhưng phải đúng bài bản thì ăn mới ngon. Đun một nồi nước sôi, nhân tiện ngồi sưởi luôn cho đỡ lạnh. Khi nước đã được 70 - 800C, bắc nồi nước xuống và dốc ngược chai cho châu chấu rơi vào nồi nước nóng. Những con châu chấu nổi bềnh trên mặt nước, chuyển sang màu vàng ươm, cặp đùi căng mập duỗi ra. Người ta vặt hết cánh, vặt phần cẳng chân đầy gai, vặt bỏ đầu và nhân tiện kéo theo luôn cả một cái dạ dày xanh đen của nó. Sau khi được làm sạch, châu chấu được cho vào chảo rang với nước muối cà. Lúc châu chấu chuyển sang màu vàng sậm, cho một ít là chanh thái chỉ vào đảo đều là đã có một món “tôm bay” hấp dẫn.
Thu trời se se lạnh, ngoài sân vẫn lất phất mưa, Trong nhà í ới gọi nhau ăn cơm trưa. Cơm gạo mới được nấu bằng xong gang, đun bằng củi, khi đơm ra bát cơm bốc hơi toả hương đồng quê thơm ngát. Mâm cơm chỉ đơn giản với một bát cà pháo muối trắng ngần, một đĩa rau muống luộc xanh mướt, một đĩa “tôm bay” vàng sậm và một bát tương sóng sánh. Ngồi ăn cơm, bố mẹ gắp thức ăn mời ông bà trước, con cái gắp thức ăn mời bố mẹ sau, chị gắp cho em, anh gắp cho chị... Gắp những con châu chấu bỏ vào miệng chậm rãi nhai để cho hương vị của “tôm bay” ngấm dần vào chân răng đầu lưỡi mới cảm nhận được hết cái hay, cái ngon của món “đặc sản” đặc sệt quê này. Ăn châu chấu rang, đầu tiên ta như thấy được vị mằn mặn của những giọt mồ hôi lăn xuống khoé miệng người nông dân giữa trưa hè đi gặt; cái giòn tan, ngậy béo của hạt lúa, bắp ngô và một mùi thơm đặc biệt như hội tụ của rau, của khoai, của sắn... Cả đại gia đình quây quần bên nhau ăn uống vui vẻ, đầm ấm. Bao mệt nhọc, vất vả, lam lũ của những người nông dân bỗng như được tạm thời gác lại, tan đi...
Bây giờ, ở Hà Nội vào Thu, “tôm bay” vẫn thỉnh thoảng được bán ở những ngõ nhỏ, góc phố, nhưng đó là món châu chấu hổ lốn được bắt bằng vợt. Bày trên những cái mẹt là thập cẩm những châu chấu đực, cào cào, mùm mũm đủ loại... còn châu chấu cái ít lắm. Chúng không được làm lông mà mới chỉ chần qua nước nóng. Một số quán ăn ở Gia Lâm và vài quán nhậu trong nội thành cũng có món “tôm bay” này nhưng đều không ngon bởi được mua từ nguồn châu chấu “vỉa hè” không được chọn lựa, không được tươi ngon. Ăn mon “tôm bay” rang và uống rượu Tây ở những quán nói trên, không những người ta chả tìm thấy được chút hương vị nào của đồng quê. mà còn bị rát hết cả đầu lưỡi, khô hết cả cuống họng vì phải ăn những con châu chấu đực khô như rơm và nhạt thếch...
Giữa Thu. Chắc giờ này ở quê xa, có một nhà ai đang rang món “tôm bay” để chuẩn bị cho một bữa trưa uống với bia hơi Việt Hà...
Hà Nội Thu
Khuất Đình Huy
 

Viet_H

New member
22 Tháng bảy 2009
42
0
0
Đọc bài của Bác Huy mà em như thấy từng cánh đồng lúa manh đang bung ra mạnh mẽ, đâu đó còn sót lại mảnh ruộng chưa gặt vì giống luá dài ngày. Từng đám trẻ chạy ào ào dưới mưa đuổi châu chấu. Tuổi thơ em cũng từng đi bắt châu chấu với một cây vỉ làm bằng đế dép tông hỏng ( để đập châu chấu không bị dập nát ) và một túi ni lông mà miệng được gắn với một ống tre có lỗ đút vừa con châu chấu. Dư vị của món châu chấu rang nước dưa cà như còn vương vất đâu đây nhưng có lẽ mình không thể tìm được nó nữa. Thời gian đã quá xa và mọi thứ đã đổi thay. Các lọai thuốc bảo vệ thực vật đã tận diệt tôm, cua, ốc, ếch và cả những con “tôm bay” nữa, bây giờ những cánh đồng ở quê đã vắng bóng chúng rồi; và nếu có món “ tôm bay tân thời " uống với rượu tây như bác Huy nói thì em cũng chẳng dám xơi. Những con châu chấu thời nay đâu còn hương vị đồng quê, đâu còn bùi bùi, béo ngậy , an lành. Trong mình chúng bây giờ chứa đựng sự khô rát và cả môi trường ô nhiễm của đồng quê.
Bác làm em nhớ quê quá bác Huy ơi !!!
 
Chỉnh sửa lần cuối:

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
47
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
Ngày xưa tôi cũng được đi đánh châu chấu, cái này không biết các bác lơn có còn nhớ không. Chứ hồi đó Tôi chuyên đi xách bao cho các anh chị lớn bắt Châu chấu mạ non. Còn châu chấu thường chia làm mấy loại nhỉ để mình nhớ xem : Có châu chấu lúa và Châu chấu tre, Châu chấu tre thì không ăn được. Vậy là mình đi bắt châu chấu lúa. Châu chấu lúa được chia làm 02 loại đực và cái, nhiều khi còn gặp cả châu chấu ma, châu chấu rạ.
Bắt châu chấu thì phải dùng một cây gậy tốt nhất là dùng nan giường tre, phần đầu cột 01 miếng xốp thì phải, lấy từ dép lào hoặc dép tông.
Nhìn thấy châu chấu là phải căn mà đập chứ không nó nát bét. Tôi thường đi đánh châu chấu ở những cánh đồng gần làng như : Đồng Chiêm, Đồng Xéo, Đồng bòi, những cách đồng xanh mướt của Làng Thanh phần quê tôi.
Mới đó mà đã gần 30 năm rồi giờ nhớ lại thấy bồi hồi. Tuổi thơ không được sung sướng như các bạn khác có lẽ vì vậy mà ý chí của tôi khác các bạn cùng lớp.
Tôi vào Bình Dương năm 1984 lúc đang học lớp 3. Bây giờ về làng thấy các bạn cùng lớp ngày nào đều có chồng có vợ hết thậm chí có người chuẩn bị 3 năm nữa là ngồi sui gia. Nói chuyện đánh châu chấu chả ai còn nhớ, Buồn quá.
Họ như bị cuốn vào công việc, vào mưu sinh, vào ruộng đồng. Nhìn quê nhà vẫn còn nghèo mà chưa có cách gì vực lên.
Buồn.