Chị Bùi Thị Nhàn, 32 tuổi, ở Cà Mau, bán thú nuôi nhiều năm nay. Cách đây 6 tháng, chị thấy đau nhức ở mũi. Đến bệnh viện địa phương, bác sĩ chẩn đoán có triệu chứng về xoang. Chị đã dùng nhiều loại thuốc nhưng cơn đau nhức vẫn không bớt. Thấy tình hình không ổn, chị Nhàn quyết định lên Trung tâm Y khoa TP HCM để chữa bệnh.
Sau nhiều lần kiểm tra, từ chụp hình, siêu âm đến xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện trong máu chị có những con vật lạ. Phần vỏ não của bệnh nhân xuất hiện nhiều chấm đốm. Đó là những ký sinh nhỏ như sợi tóc, sống bám và ra sức hút dưỡng chất máu đưa lên nuôi não bấy lâu nay.
Theo ước tính của các bác sĩ Trung tâm Y khoa TP HCM, cứ 100 bệnh nhân đến xét nghiệm nhiễm giun sán, có 60 trường hợp nhiễm loại giun đũa từ chó (tên gọi Toxocara Canis). Đây là một loài ký sinh khiến nhiều người ăn không ngon, ngủ không yên.
Các ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể bằng nhiều cách. Chẳng hạn, cún bị nhiễm giun, trứng giun sẽ theo phân ra ngoài. Vô tình trứng của loài ký sinh này bám vào lông, chủ nhân lại ôm cún vào lòng vuốt ve. Đây là cơ hội để các vị khách ghé thăm nội tạng con người.
Cũng có thể vì yếu tố nào đó, trứng giun từ phân chó dây vào thực phẩm, rau quả chưa nấu chín, rửa sạch. Nếu chúng ta ăn phải các loại này, những quả trứng bé xíu kia có dịp ngao du sang một môi trường mới đầy đủ dưỡng chất hơn.
Giun chó nhỏ như sợi tóc, chui vào cơ thể, hấp thụ các dưỡng chất và không gây triệu chứng nào ở giai đoạn đầu. Khi dưỡng chất cạn kiệt, các ký sinh trùng này mới tung hoành dữ dội hơn.
Khi phát bệnh, người bị nhiễm giun chó có thể gặp phải các triệu chứng như tiêu chảy, ăn không tiêu, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, dị ứng da, đau cơ bắp...
Nếu không chẩn đoán kịp thời , người bệnh có nguy cơ bị viêm gan, hen, viêm phế quản, xoang, mũi. Tình trạng này kéo dài, giun càng có cơ hội tấn công lên hệ thần kinh. Lúc này, người bệnh bị nhức đầu, chóng mặt, co giật nhẹ. Trường hợp nặng có thể dẫn đến động kinh...
Với bệnh nhân nhiễm giun chó cũng như các loại giun khác, điều trị với Albedazole (Zentel) sẽ đạt kết quả tốt. Thuốc này cần uống theo đợt, tùy mức độ của bệnh. Nếu thích nuôi cún, bạn nên tẩy giun định kỳ cho chúng với Albedazole liều nhỏ.
Thường xuyên tắm rửa cho thú cưng và vệ dinh giày dép trong nhà. Trước khi vệ sinh, nên tẩy trùng phân cún bằng thuốc sát trùng.
Thuốc xổ chỉ tiêu diệt giun cư ngụ trong đường ruột, không có tác dụng diệt các ấu trùng giun chó đi lạc trong cơ thể. Để biết mình có bị nhiễm giun hay không, tốt nhất bạn nên đi xét nghiệm..
(Theo Tiếp Thị và Gia Đình)