Quy hoạch Hà Nội không được để nhóm lợi ích chi phối

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
47
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
Lãnh đạo Hà Nội phải dám chịu trách nhiệm đưa ra những quyết định không bị tác động bởi các nhóm lợi ích - ý kiến của nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mại.
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, hôm qua (2/4), Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức hội nghị xin ý kiến các nhà khoa học về Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
"Còi xương"
Đa phần các nhà khoa học đánh giá bản dự thảo đã được chuẩn bị công phu, tâm huyết. Tuy nhiên, bộ phận soạn thảo cả hai đồ án đều chưa bám sát phân tích kỹ bối cảnh kinh tế và xã hội hiện thời của cả nước và của Hà Nội, đặc biệt các giải pháp đưa ra chưa thuyết phục.
Nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc HN: Bí thư Thành ủy và Chủ tịch TP phải được tuyển cử, bầu chọn đúng người kiệt xuất...Ước tính dân số năm 2010 của Hà Nội là 6,6 triệu dân, dự báo năm 2020 là 8,5 triệu, năm 2030 là 10,9 triệu nhưng theo ý kiến của nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội Trần Trọng Hanh, việc dự báo dân số theo phương pháp tăng trưởng cho Thủ đô là không hợp lý.
"Sự phát triển nóng, khó kiểm soát dẫn đến sự xuất hiện bệnh "đầu to", "còi xương", và "siêu thành phố", trái với những mong đợi về một thủ đô xanh, sinh thái, bền vững và mỹ quan. Tóm lại, Thủ đô phải lớn về mặt chất lượng", ông Hanh nhấn mạnh
Về mặt thể chế, ông Hanh cho rằng cần xác định lại vị trí của Thủ đô Hà Nội như một "đặc khu kinh tế - hành chính", có quyền tự chủ, tự quyết các vấn đề lớn, tránh tình trạng bị lệ thuộc quá nhiều vào các bộ, ngành như hiện nay làm cản trở quá trình phát triển, đổi mới của Thủ đô.
Với quan điểm này, theo ông Trần Trọng Hanh, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP phải được tuyển cử, bầu chọn đúng người kiệt xuất, có uy tín, bản lĩnh và đủ năng lực để dẫn dắt chiến lược quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội sớm trở thành hiện thực.
Còn theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, trước hết phải định vị Hà Nội năm 2030, 2050 ra sao, cái gì được coi là đặc sắc của Thành phố. Hà Nội cần phải được thể hiện có tầm văn hóa, phải có bản sắc riêng.
Ông cho rằng, Chiến lược phát triển và Quy hoạch phát triển chưa có điểm nhấn phát triển cho Hà Nội. Phần giải pháp thực hiện được đề cập chưa cụ thể, chưa thuyết phục và thiếu tính sáng tạo.
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế thương mại Nguyễn Văn Nam thắc mắc: "Tiềm năng lớn nhất của Hà Nội là trí tuệ, là con người. Tại sao không phát huy, khai thác "mỏ vàng" đó cho Hà Nội?".
Không thể coi Hà Nội như mọi địa phương khác, khép kín tự lực mà phải là "Hà Nội mở", trước hết là mở chính sách, mở tấm lòng thu hút trí tuệ, thu hút nhân tài xây dựng Thủ đô.
“Hà Nội cần một sự chuyển mình thật sự, thay đổi thực sự từ nhận thức, tư duy đến tổ chức hành động, từ người lãnh đạo cao nhất đến từng nhân viên cơ quan", ông Nam nhấn mạnh.
Kiểm soát bằng công cụ hành chính sẽ thất bại
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng cần nói tới tàn dư của cơ chế bao cấp còn tồn tại đáng kể trong tư duy lãnh đạo ở nhiều cấp, ngành như một điểm hạn chế cần lưu tâm.

Quy hoạch chung Hà Nội chọn định hướng phát triển không gian phía Tây. Ông dẫn ví dụ: Ai cũng biết tình trạng di dân cơ học từ nông thôn ra các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, luôn gây ra áp lực lớn lên quá trình phát triển. Vấn đề là dùng giải pháp nào để khắc phục, kiểm soát hành chính để ngăn chặn hay điều tiết kinh tế trong thị trường để hạn chế.
“Hiện nay Hà Nội vẫn đang hướng theo cách sử dụng công cụ hành chính để kiểm soát, tôi tin rằng cách này sẽ không thành công”, ông Đăng Hùng Võ khẳng định.
Chia sẻ với ông Võ, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mại nhận định cái khó của việc xây dựng chiến lược hay quy hoạch phát triển là cách tiếp cận vấn đề.
Theo ông, cho đến nay ở nước ta vẫn thường làm theo cách đánh giá tình hình thực hiện trên cơ sở so sánh với các chỉ tiêu kế hoạch, nêu lên một số nhận định chung về thế giới và trong nước rồi vạch ra định hướng và chỉ tiêu phát triển.
Chúng ta cần tiếp cận theo phương pháp mới, theo đó khi đánh giá thực trạng tình hình kinh tế -xã hội của Thủ đô 2001-2010 không chỉ so với các chỉ tiêu kế hoạch, mà chủ yếu so với khả năng các nguồn lực mà Hà Nội có thể huy động và sử dụng có hiệu quả hơn. Theo ông, "chúng ta cần so sánh Thủ đô với vài thành phố lớn trong khu vực để đo lường trong cùng một khoảng thời gian vì sao Hà Nội phát triển chậm hơn".
Ông cũng dẫn chứng Tokyo chỉ sau 15 năm sau chiến tranh từ đống tro tàn biến thành thủ đô của 12 triệu người sánh ngang New York, Quảng Châu mất 10 năm để vượt Bangkok. 3 năm là thời gian để xây dựng cơ bản Thủ đô hành chính tráng lệ của Malaysia.
Ông Mại cũng nhắc lại việc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng 3 dự án trọng điểm quốc gia với quyết tâm tạo nên bộ mặt mới của đất nước: khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu đại học Quốc gia và đường cao tốc Láng - Hòa Lạc.
"12 năm kể từ ngày ông ký quyết định về 3 dự án đó, đến nay chưa có dự án nào hoàn thành. Không thể kể hết sự lãng phí do kéo dài thời gian thực hiện và cũng chẳng ai chịu trách nhiệm trước nhân dân về tình trạng đó", GS Nguyễn Mại nói.
Theo ông, tư duy phát triển đô thị hiện đại cần trở thành nền tảng nhận thức và quan điểm phát triển Hà Nội trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Trên cơ sở cách tiếp cận đó, các mục tiêu trong từng giai đoạn xây dựng Hà Nội thành thủ đô văn minh, hiện đại sẽ được thực hiện như thế nào tùy thuộc vào việc lựa chọn mô hình phát triển và lộ trình thực hiện mô hình đó.
"Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo của Hà Nội phải biết lựa chọn trọng tâm và trọng điểm, phải dám chịu trách nhiệm đưa ra những quyết định không bị tác động bởi các nhóm lợi ích, những người có quyền lực cao hơn, hoặc đôi khi để thỏa mãn ý đồ cá nhân", nguyên Phó Chủ tịch Hà Nội nói.

  • Cao Nhật
 

khuatthaihanh

New member
20 Tháng năm 2009
30
0
0
Clip ý tưởng Quy họach Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050
attachment.php


Xem clip tại đây:
http://w12.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/04/3BA1A791/
Với mục đích giới thiệu đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trang web hanoi.org.vn/planning vừa được khai trương nhằm tập hợp ý kiến phản biện.
Clip "Great Hanoi" được giới thiệu sau khi liên danh tư vấn quốc tế PPJ, đơn vị lập quy hoạch, báo cáo Thường trực Chính phủ lần 3 về đồ án quy hoạch Hà Nội. Với thời lượng 10 phút, clip diễn tả khá sinh động về quy hoạch, định hướng phát triển không gian thủ đô năm 2030, tầm nhìn 2050.

Theo thông tin liên danh PPJ đưa ra, Hà Nội năm 2030 với gần 10 triệu dân sẽ có một đô thị trung tâm (gồm vùng lõi lịch sử và mở rộng) cùng 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn). Trong đó, đô thị trung tâm sẽ bảo tồn nghiêm ngặt các di sản văn hóa Thăng Long cổ và lối sống truyền thống của người Hà Nội, khống chế kiểm soát mật độ và tầng cao xây dựng
Trung tâm hành chính quốc gia trong tương lai sẽ đặt tại đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Xen giữa là vành đai xanh với 3 thị trấn sinh thái Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn...
Các khu vực này sẽ được liên kết chặt chẽ bởi một hệ thống giao thông gồm đường hướng tâm, đường vành đai, đường quốc lộ chính, đường cao tốc và đường cảnh quan. Mạng lưới giao thông công cộng sẽ được chú trọng phát triển với hệ thống đường sắt trên cao, tàu điện nhẹ, xe buýt... Mạng lưới này được khẳng định sẽ giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông ở Hà Nội.
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị VN, tuy chỉ nêu được những nét chính của đồ án, song đoạn phim đã mang tới người xem hình dung khá rõ ràng về không gian Hà Nội trong tương lai. Qua đó, mọi người có thể đóng góp ý kiến.
Nguyễn Hưng (vnexpress.net)
 

Đính kèm

  • 20964_294887804383_294875049383_4565005_3351610_n.jpg
    20964_294887804383_294875049383_4565005_3351610_n.jpg
    65.6 KB · Xem: 13
  • 20964_294887749383_294875049383_4564999_3585645_n.jpg
    20964_294887749383_294875049383_4564999_3585645_n.jpg
    92.1 KB · Xem: 1
Chỉnh sửa lần cuối:

khuatthaihanh

New member
20 Tháng năm 2009
30
0
0
Nghiên cứu về phong thuỷ trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội​

Tác giả: KTS. Trần Thanh Vân

Đỉnh Ba Vì là nơi tỏa khí thì chân Ba Vì không thể là nơi thụ khí. Đó là "góc chết" của vòng tròn vận khí. Đặt Trung tâm hành chính Quốc gia ở chân núi Ba Vì là ta xây một "Ẩn Long", không còn là một Thăng Long nữa.

Cách đây không lâu, ngày 15/12/2009, lần đầu tiên tại Hà Nội, Hội thảo "Tính khoa học của phong thủy trong kiến trúc và xây dựng" do Trung tâm Lý học Đông phương thuộc Trung ương Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á tổ chức đã diễn ra sôi động; thu được kết quả rất đáng ghi nhận.

Muốn hạnh phúc ấm êm

Lần đầu tiên trước đông đảo người nghe, các chuyên gia đã phân tích mối quan hệ tương tác giữa con người với thiên nhiên, nêu rõ để có một cuộc sống gia đình hạnh phúc êm ấm, thì gia chủ phải biết chọn hướng nhà, mở ngõ, trổ cửa, phải biết đón ngọn gió lành, hứng dòng nước trong...

Cũng như xây dựng một đô thị, một vùng dân cư, các nhà quy hoạch phải biết xác định các địa điểm công năng hợp với thiên nhiên, khí hậu, địa hình địa chất và thủy văn, đảm bảo cho đô thị phát triển bền vững và trường tồn. Hội thảo đã được chuẩn bị công phu, tuy chưa bàn hết mọi điều cần thiết nhất, nhưng đã giúp ta hiểu về cấu trúc phong thủy tựa Núi nhìn Sôngvà Rồng cuộn Hổ chầu, một cơ sở khoa học mà Đức Lý Thái Tổ đã viết ra trong bản Thiên Đô Chiếu 1000 năm trước.

Sau 1000 năm, Thủ đô Hà Nội đã có rất nhiều thay đổi, ảnh hưởng không nhỏ tới cấu trúc phong thủy, trong đó thay đổi lớn nhất là là dân số đã phát triển lên gấp trên 10 lần năm 1010. Đất chật người đông là một vấn nạn rất lớn khiến chúng ta phải chật vật xoay xở khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.

Thay đổi tiếp theo là hệ thống đê điều dài 1600 km đã ngăn sông Hồng đưa phù sa bồi đắp làm mầu mỡ đồng bằng Bắc Bộ sau mỗi mùa nước lên, khiến cho vựa lúa sông Hồng ngày nay trở nên nghèo kiệt, sụt lún, đáy con sông mỗi năm một nâng cao, nên mùa mưa thì nước lũ như sắp tràn mặt đê và luôn luôn đe dọa vỡ đê, còn mùa khô thì dòng sông bị cạn kiệt, trơ đáy, nạn hạn hán đe dọa mùa màng, đời sống dân cư hàng ngày.

Phong là gió, thủy là nước. Dòng nước trong và ngọn gió lành là hai yếu tố thiên nhiên quan trọng mà con người muốn sống tốt, muốn phát triển tốt phải biết tôn trọng và gìn giữ. Đó là chưa nói đến vấn nạn lớn nhất mà cả nhân loại đang bị uy hiếp là biến đổi khí hậu sẽ đưa đến những tai họa đột ngột ngoài sự dự báo thông thường của con người như động đất, núi lửa, sóng thần, lũ quét, mưa bụi mang khí độc hại dẫn tới hủy diệt...

Thủ đô hôm nay đã mở rộng tới 3344 km2 là một thuận lợi rất lớn và cũng đặt ra nhiều thử thách mà các nhà quy hoạch phải biết vận dụng sự hiểu biết rất tổng hợp để hoạch định bức tranh đô thị trong tương lai.
picture.php


Thụ khí và tỏa khí

Năm 2000, Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương (1927-2003) đã hoàn thành công trình nghiên cứu đồ sộ dùng khoa học hiện đại phương Tây là Toán học và Vật lý lý thuyết, để lý giải triết học cổ Đông phương, trong đó ông đặc biệt coi trọng cơ sở Kinh dịch cổ và Lý thuyết Tập mờ của nhà toán học người Mỹ L.A.Zadeh mới xuất hiện năm 1965.

GS Hoàng Phương cũng là một tín đồ trung thành với lý thuyết tương đối của Albert Einstein. Một trong những đóng góp lớn của GS là ông đã dùng lý thuyết Y học Đông phương để "giải phẫu" một cơ thể người, khẳng định con người là một vũ trụ thu nhỏ. Trên cơ sở đó, ông lý giải một quốc gia, hay một đô thị, cũng giống như một cơ thể người. Cơ thể đó cần có một cái đầu chứa bộ não thông minh, một bộ khung xương vững vàng, các khớp xương linh hoạt, một hệ tuần hoàn lưu thông máu để nuôi mọi bộ phận trên cơ thể.

Trong suốt 700 năm của ba triều đại Lý, Trần, Lê, dân số rất ít nên Thăng Long gần như không thay đổi. Hoàng thành nhỏ hẹp ở phía Nam Hồ Tây, quân lính bảo vệ kinh thành đồn trú ở phường Nhật Chiêu phía Bắc Hồ Tây, án ngữ toàn bộ sông Hồng và ngã sông Đuống.

Nằm giữa hai bộ phận trên là "não thủy" Hồ Tây. Nơi đó cách đỉnh Ba Vì 26 km theo đường chim bay. Nếu đỉnh Ba Vì là nơi "tỏa khi", thì vùng này là nợi "thụ khí". Hồ Tây là nơi tạo nên niềm kiêu hãnh của văn hóa Thăng Long, nơi có huyệt đạo quốc gia, nơi lui tới của anh hùng hào kiệt, nơi tập trung các phường hội thủ công buôn bán.

Đặc biệt góc Tây Nam là Bến Hồng Tân (Chợ Bưởi ngày nay ) là Ngã ba Tam hợp, nơi sông Tô Lịch gặp sông Thiên Phù nối với Hồ Tây qua phường Hồ Khẩu, có thuyền buôn trong nước ngoài nước ra vào tấp nập. Các làng quanh Hồ Tây xưa đều được gọi là "phường" và sông Thiên Phù (Trời giúp) làng Bái Ân và Đình, Chùa Bái Ân (nơi Vua tôi xưa đến làm lễ tạ ơn trời đất)

Từ đầu thế kỷ 19, Kinh đô chuyển vào Huế, thành phố Hà Nội đô thị hành chính phục vụ Chính quyền bảo hộ xuất hiện. Sông Tô Lịch bị lấp, Ngã ba Tam hợp bị xóa, Trung tâm thương mại chuyển sang phía Đông Nam thành phố. Hồ Lục Thủy, nơi thủy binh tập trận thời Lê Trịnh trở thành Hồ Hoàn Kiếm, còn Hồ Tây và các phường hội quanh hồ trở thành làng xã của huyện ngoại thành Từ Liêm. Quy hoạch cũ của người Pháp có lúc vẽ Hồ Tây là một "Đại công viên", nhưng có lẽ vì thiếu ngân sách, ý tưởng đó mới chỉ dừng lại trên bản vẽ.

Từ khi Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ công hòa (năm 1945) cho đến nay, Hà Nội xinh đẹp khi xưa bị phá nát từng ngày. Hà Nội - "thành phố trong sông" ngày càng chật chội, tù túng. Người Hà Nội sống khép mình, không dám nghĩ, không dám làm và không sao thoát ra khỏi tâm lý tự ty, mặc cảm. Từ ngày Quốc hội thông qua nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, các nhà quy hoạch, các nhà chiến lược bị ngợp trước cánh cửa đã mở rộng và không ý thức được bước đi của mình phải từ đâu đến đâu?

"Ẩn Long" hay Thăng Long?

Qua bốn lần báo cáo, bản vẽ ngày càng nhiều, thuyết minh ngày càng dài, Video clip hiện lên một đô thị lõi và 5 đô thị vệ tinh lộng lẫy rực rỡ ánh đèn, ở đâu cũng thấy nhà cao tầng, ở đâu cũng có đường giao thông trên cao bay lượn như những con Rồng khổng lồ. Xem xong, đọc xong những sản phẩm đó, người có ý thức không thể không đặt ra câu hỏi:

1- Hoàng thành Hà Nội ở đâu? Hoàng thành là nơi Vua ở, là bộ mặt của đất nước, là nơi phát ra "Lệnh Trời". Ngày nay không có Vua nhưng vẫn có những người cầm đầu đất nước. Ta gọi đó là trung tâm chính trị hay trung tâm hành chính quốc gia đều được. Nhưng phải là nơi thể hiện bộ mặt của Thủ đô, nơi linh thiêng, ổn định, trường tồn. Để đảm bảo vị thế của dân tộc với bên ngoài, lòng tin của nhân dân và biểu tượng trường tồn của đất nước, Thủ đô của quốc gia nào cũng cần phải có Hoàng thành xứng đáng.

Năm 1945 đến nay, Hoàng thành ở tạm tòa nhà Phủ toàn quyền Đông Dương và các nhà phụ kế bên. Đã đến lúc dứt khoát Thủ đô ta phải có một Hoàng thành hoàn chỉnh, thể hiện rõ tư thế, bộ mặt của đất nước.

Không thể tiếp tục tình trạng trước kia ở trong phố cũ là tạm, nay đưa một phần ra Mỹ Đình cũng tạm, để tương lai rất xa sau này sẽ chui vào chân núi Ba Vì? Đỉnh Ba Vì là nơi tỏa khí thì chân Ba Vì không thể là nơi thụ khí. Đó là "góc chết" của vòng tròn vận khí, đặt Trung tâm hành chính Quốc gia ở chân núi Ba Vì là ta xây một "Ẩn Long" không còn là một Thăng Long nữa.

Theo các chuyên gia về phong thủy kiến trúc, chọn đất xây dựng Hoàng thành cần xem xét một trong 2 khả năng:

- Chọn nơi thụ khí linh thiêng nhất là Tây Hồ Tây. Hồ Tây hiện nay chỉ còn Tây Hồ Tây thuộc phường Xuân La, nhưng Hà Nội đã duyệt chỗ đó cho khu đô thị mới 210 ha gồm trung tâm thương mại, tài chính, khách sạn, biệt thư do Hàn Quốc đầu tư. Đó là nơi duy nhất còn lại của "não thủy". Bởi vậy dù ai là chủ đầu tư cũng không bao giờ được biến nơi đây thành nơi buôn bán lừa lọc để kiếm lợi. Hơn nữa, về quy hoạch không nên là bàn cờ ô vuông như đã duyệt. Đất nước sẽ thịnh hay suy chính là việc nhìn nhận cho đúng vùng đất này.

- Chọn nơi ổn định địa tầng không bị sụt lún, đảm bảo trường tồn vĩnh cửu là vùng huyện Quốc Oai, bên bờ sông Đáy. Muốn vùng này có khả năng "thụ khí" tốt, dứt khoát phải cải tạo đập Phùng và khơi lại sông Đáy để đưa được nước sông Hồng vào sông Đáy và làm mát vùng đất này.

2 -Trục Thăng Long đi từ đâu đến đâu? Theo sơ đồ PPJ đưa ra thì Trục Thăng Long đi qua Phủ Tây Hồ, tức là trên đường 21 độ Vĩ Bắc, 3' cộng trừ 30''. Nhưng báo cáo lần 4 nói nhiều tới Trục Thăng Long kéo dài đường Hoàng Quốc Việt tới chân núi Ba Vì. Trục này sẽ có giao thông bộ, giao thông ngầm, giao thông trên cao và rất nhiều nội dung phong phú khác.

Dư luận đang xôn xao muốn biết đề xuất này xuất phát từ nhu cầu nào? Lưu lượng giao thông sẽ là bao nhiêu? Trục Thăng Long nối Ba Vì với trung tâm thành phố, vậy "trung tâm" sẽ là dốc Chợ Bưởi hay còn đi tiếp đến làng Yên Thái? Phải chăng ý đề xuất trên còn quá sơ sài và khiên cưỡng, nhưng lại được dự định bắt đầu khởi công từ năm 2011.

Đề xuất này có thể sẽ biến con đường rất tốn kém này thành "con đường chết" vì sẽ không ai có nhu cầu đi 30 km từ Ba Vì đến mua một bó hoa ở Chợ Bưởi và nhìn sông Tô Lịch bị chặt cụt ở đầu đường Hoàng Quốc Việt một lát rồi quay về.

Nếu các tác giả muốn có một đề xuất hoàn chỉnh nối sông Tô Lịch, sông Nhuệ với Hồ Tây, tái tạo một ngã ba Tam hợp đô hội sầm uất như khi xưa thì phải có một phương án nghiên cứu tổng hợp và khái quát sơ bộ. Còn hiện nay, bỗng dưng chúng ta bàn đến việc năm 2011 khởi công Trục Thăng Long để nối văn hóa Thăng Long với văn hóa Xứ Đoài, nghe ra hơi hấp tấp và khập khiễng.

Dư luận cũng cho rằng nếu các tác giả đồ án muốn coi đây là một "Trục tâm linh" thì cần xem xét lại, vì "Trục tâm linh" là trục không gian được nối bằng đường đi xoáy trôn ốc và phải dịch lên hướng Bắc 1 km nữa, vì đó mới là Đại Minh Đường. Khi nói đến tâm linh, người ta kiêng một đường thẳng tắp đi đến một địa điểm giống như một mũi tên xuyên thẳng vào tim, mà cần phải tạo nên đường chéo, đường xoáy trôn ốc hoặc dùng biện pháp "yếm cảnh" (trốn) và "chướng cảnh" (che chắn)

3-Bảo tồn đô thị lõi. Đô thị lõi của Hà Nội nên hiểu gồm 2 khu vực: Khu vực bên trong vành đai 1 là khu Hà Nội cũ của người Pháp để lại và khu vực mở rộng ra tới đường vành đai 3 là khu mới hình thành 30 năm qua.

Khu vực bên trong vành đai 1 sẽ "bảo tồn" ra sao nếu Hà Nội vẫn tiếp tục cho xóa kiến trúc thấp tầng để xây dựng trung tâm thương mại và khách sạn cao tầng? Để thu hút ngày càng nhiều người đến chen chúc kinh doanh buôn bán? Để diện mạo Hà Nội không ngừng thay đổi, càng thêm tắc nghẽn giao thông, càng thêm ngột ngạt? Hơn nữa, để hiểu đúng nghĩa "bảo tồn" thì không chỉ cần bảo tồn công trình kiến trúc mà còn rất cần bảo tồn giá trị văn hóa, bảo tồn "thần thái" của Hà Nội thanh lịch.
 

thangnangkhuat

Administrator
13 Tháng mười hai 2008
320
0
0
Quy hoạch Hà Nội: Sẽ mở rộng vành đai xanh

04-03-2010



img.php
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ 3 từ phải) xem Bản đồ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Chinhphu.vn)​


ThienNhien.Net - Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 02/2010, ngày 03/03, các thành viên Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về Đồ án “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố xanh – văn hiến – văn minh - hiện đại”. Theo đó, đồ án dự kiến sẽ xây dựng hệ thống vành đai xanh, chiếm 68% tổng diện tích đất tự nhiên, có chức năng bảo vệ những khu vực tự nhiên quan trọng của Thủ đô Hà Nội.

Đồ án cơ bản bám sát yêu cầu của nhiệm vụ Quy hoạch chung

Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, phát triển không gian Thủ đô Hà Nội được đặt trong mối quan hệ Vùng Thủ đô Hà Nội với sự tương hỗ hai chiều, trong đó Thủ đô Hà Nội tác động đến Vùng và ngược lại.

Đồ án cơ bản bám sát các yêu cầu của nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1878/QĐ-TTg ngày 22/12/2009, phù hợp với những định hướng lớn của Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 05/05/2008).

Hà Nội là đầu tàu tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy toàn Vùng phát triển thông qua sự mở rộng, lan toả các hoạt động kinh tế, đô thị hóa ra các tỉnh xung quanh Thủ đô. Thủ đô Hà Nội liên kết phát triển, hợp tác khai thác các công trình hạ tầng kĩ thuật đầu mối mang tính liên vùng, phát triển các trung tâm thương mại, văn hóa, y tế, giáo dục lớn, chuyên sâu và chất lượng cao để giải quyết sự quá tải trong khu vực nội đô và phục vụ cho cả Vùng Thủ đô.

Xây dựng vành đai xanh cho Thủ đô

Đồ án dự kiến xây dựng hệ thống vành đai xanh, chiếm 68% tổng diện tích đất tự nhiên, có chức năng bảo vệ những khu vực tự nhiên quan trọng như hệ thống sông hồ, vùng núi Ba Vì, Hương Tích, Sóc Sơn; bảo vệ vùng nông thôn, nông nghiệp năng suất cao, các làng xóm, làng nghề truyền thống, các di tích văn hoá và kiểm soát lũ lụt. Hành lang xanh dọc sông Đáy, sông Tích, sông Cà Lồ nhằm phân tích kiểm soát ngưỡng phát triển của đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh.

Vành đai xanh sông Nhuệ tạo vùng đệm cách biệt giữa đô thị lõi lịch sử với phần mở rộng mới của đô thị hạt nhân trên tuyến vành đai IV kiểm soát phát triển lan tỏa tự phát. Trong vành đai xanh sông Nhuệ tiến tới không phát triển dân cư đô thị, chỉ có các làng xóm bảo tồn và công trình công cộng sinh thái cây xanh và mặt nước.

Về mạng lưới không gian xanh, đất cây xanh trong đô thị sẽ được tăng từ 2-3m2/người lên 10-15m2/người, cải thiện môi trường sống của đô thị. Khai thác bảo vệ cảnh quan các hệ thống cây xanh tự nhiên tại các khu vực Sóc Sơn, Ba Vì, Hương Tích và hệ thống sông hồ, kết nối với các công viên đô thị và công viên chuyên đề như: Công viên Lịch sử Cổ Loa, Đền Sóc; công viên văn hóa gắn với trung tâm các khu đô thị, khu làng nghề trồng hoa, gốm sứ...; Công viên vui chơi giải trí Hồ Tây, Vườn thú, Công viên Thống Nhất, Yên Sở, Mễ Trì…; các công viên thể thao, phục vụ các hoạt động thể thao (Khu liên hợp Thể thao Quốc gia, Trung tâm thể thao…).

Tiếp tục hoàn thiện Đồ án

Các thành viên Chính phủ đề nghị cần xem xét kỹ sự phát triển của các đô thị trong Vùng Hà Nội và gần Vùng Hà Nội, tính toán thêm về qui mô dân số, quy hoạch sử dụng đất của các đô thị vệ tinh. Gắn kết những việc cần làm ngay và tầm nhìn lâu dài về các vấn đề như: hệ thống giao thông đô thị; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị; giải quyết các vấn đề quá tải về dịch vụ y tế, giáo dục khu vực nội đô; bảo tồn và tôn tạo các khu phố cổ, phố cũ và các di sản, di tích khác; khai thác nguồn tài nguyên sông, hồ cho phát triển đô thị, kiểm soát việc thoát nước và lũ lụt…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP Hà Nội tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, Hội đồng Thẩm định Nhà nước, Tư vấn phản biện, các hội nghề nghiệp và của các tầng lớp nhân dân… để bổ sung, hoàn chỉnh Đồ án trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội.

Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo … phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong quá trình triển khai, hoàn chỉnh Đồ án; chỉ đạo cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ các số liệu, tài liệu liên quan và phối hợp với Tư vấn để tiếp thu, hoàn thiện Đồ án.

UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng để xin ý kiến HĐND TP, tổ chức triển lãm, lấy ý kiến nhân dân và các hội nghề nghiệp; lập quy chế quản lý quy hoạch, lập kế hoạch triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với tư vấn trong quá trình tiếp thu, hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch chung.



Theo Cổng TTĐT Chính phủ, 03/03/2010