Tết Trung Thu Rằm tháng Tám

Khuất Đình Huy

Super Moderator
18 Tháng chín 2009
208
0
0
Tết Trung Thu được coi là một trong 4 cái Tết quan trọng trong năm của người Việt Nam và một số nước khác ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Ngày Rằmtháng Tám, mọi người ai cũng mong thời tiết thật đẹp để tối đến cho trẻ em quây quần “phá cỗ” ngắm trăng Thu. Vậy mà Trung thu năm nay, Hà Nội và một số tỉnh ở khu vực phía Bắc có thời tiết không thuận. Từ chiều hôm qua, trời đã rả rích mưa. Sáng nay mưa vẫn nặng hạt, đêm nay trẻ em ăn cỗ Trung thu nhưng chắc là khó được trông thấy ông Trăng.
Tết Trung Thu có nguồn gốc từ nền văn minh lúa nước Việt. Tại thời điểm này khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch. Nông dân nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa. Sau này người Hoa tiếp nhận từ văn hóa Việt và tiếp đó phổ biến thành ngày lễ truyền thống của một số dân tộc Đống Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, cha mẹ bày cỗ cho các con để mừng Trung Thu. Họ làm và mua các loại đèn lồng bằng nến để treo trong nhà và để con cháu rước đèn. Thông thường, cỗ mừng Trung Thu gồm bánh Trung Thu (bánh nướng, bánh dẻo), kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để cha mẹ tùy theo khả năng kinh tế gia đình thể hiện tình thương yêu con cái một cách cụ thể. Trong ngày Tết Trung Thu, mọi người mua bánh trung thu, trà, rượu; nhiều nhà sắm cỗ mặn để cúng tổ tiên vào buổi tối khi Trăng Rằm vừa mới lên cao. Đồng thời trong ngày này, mọi người thường biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác Bánh Trung Thu, hoa quả, trà và rượu. Ở các địa phương, Đoàn thanh niên thường chủ trì cuộc vui Trung Thu cho trẻ em, học sinh; tổ chức múa sư tử (miền Bắc) và múa lân (miền Nam).
Trong dịp Tết Trung Thu, đồ chơi phổ biến nhất là mặt nạ và đèn ông sao. Ở miền Bắc trước đây, trong thời kỳ bao cấp, đồ chơi cho trẻ em vào dịp tết Trung thu rất hiếm, phần lớn là do các gia đình thường tự làm lấy đồ chơi như trống bỏi, đèn , đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ, tò he, chong chóng... cho trẻ em trong gia đình. Các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, với các hình phổ biến về các nhân vật trẻ em yêu thích bấy giờ như: đầu sư tử, ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh... Ngày nay, phần lớn đồ chơi ở Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, các loại mặt nạ được làm bằng nhựa mỏng, không đẹp bằng mặt nạ thời trước.
Trước Tết, tại nhiều vùng nông thôn, Đoàn thanh niên và những người lớn tuổi tập trung làm kiệu rước cỗ Trung Thu cho trẻ em và để thi cỗ, thi kiệu trong đêm trăng. Kiệu thường được làm bằng một chiếc bàn gỗ có 4 chân, bốn góc được buộc 4 chiếc cột để dựng mái kiệu như mái nhà. Mái được lợp bằng lá dừa, lá cọ... và được trang trí bằng các loại giấy màu sặc sỡ. dưới chân bàn được luồn hai hoặc 4 đoạn tre để khiêng. Trên mặt bàn là mâm cỗ được bày biện rất công phu, màu mè gồm đủ các loại hoa quả, bánh kẹo và trang trí giấy màu, đèn màu sặc sỡ...
Đêm đến, từng đoàn (có thể chia theo xóm, theo đội sản xuất, theo khu vực...) rước kiệu bắt đầu, đi trước là kiệu, đi sau là đoàn trẻ rồng rắn với mặt nạ, đèn ông sao đi vòng quanh xóm làng với tiếng trống, tiếng reo vui. Sau khi rước quanh làng, các đám kiều tập trung về sân đình hoặc sân nhà văn hóa để chấm điểm. Ban giám khảo chấm cỗ kiệu gồm các bậc phụ huynh có uy tín; tiêu chí kiệu đoạt giải thường là kiệu được làm đẹp, cầu kỳ, duyên dáng; cỗ bày trong kiệu phong phú về chủng loại, được chủ nhân chế biến, bày biện cầu kỳ đẹp mắt, sáng tạo. Trăng lên, sau khi chấm kiệu xong, tất cả bày biện cỗ xuống sân và tổ chức liên hoan văn nghệ, “phá cỗ” và mọi người vui vẻ ăn uống trông trăng. Tại một số vùng ở miền Nam, người ta tổ chức những đám rước đèn, múa lân với hàng ngàn người tham gia rất vui vẻ.
Đối với Việt Nam, trong nền văn minh lúa nước có nhiều phụ thuộc vào thời tiết, cùng với ý nghĩa ngày Tết, ngày Rằm Trung Thu còn là thời điểm để những bậc cao niên ngắm trăng mà tiên đoán vận mệnh của quốc gia và xem đoán mùa màng. Theo kinh nghiệm dân gian: Nếu trăng Trung Thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ; nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai; và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ yên bình, thịnh trị. Về kinh nghiệm mùa màng, trong daangian có câu: Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám”; “Tỏ trăng Mười Bốn được tằm, đục trăng hôm Rằm thì được lúa chiêm”...
Ngày nay, theo cơ chế thị trường, đồ chơi cho trẻ em và các loại bánh Trung Thu đã có nhiều sự khác biệt so với cổ truyền: Đồ chơi cổ truyền ngày càng bị “mất gốc” và thay vào đó là đồ chơi của Trung Quốc đưa sang bày bán tràn lan khắp các “hang cùng ngõ hẻm” của cả nước. Bánh trái cũng vậy, tuy ít bánh nhập ngoại, nhưng bánh Trung Thu trong nước sản xuất có chất lượng và khẩu vị khác với bánh cổ truyền; nhiều cơ sở sản xuất vì lợi nhuận đã mua nhân bánh, chất liệu không đảm bảo chất lượng để làm bánh gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tại Hà Nội, trong dịp Trung Thu năm nay, cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, bắt giữ và tiêu hủy rất nhiều những chất liệu làm bánh ngoại nhập không rõ nguồn gốc, không đạt tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm... Người tiêu dùng năm nay cảm thấy yên tâm hơn khi mua bánh. Đối với nhiều gia đình, theo thói quen, trong dịp Tết Trung Thu, họ chỉ đặt mua bánh ở những chỗ quen biết, làm bánh theo phương pháp cổ truyền. Như vậy mua bánh về thắp hương Tết hoặc đi biếu vừa yên tâm vì chất lượng, vừa ăn hợp khẩu vị.