Thơ rượu ngày xuân

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
47
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
25/01/2010 8:36

thoruou250.jpg

Vếu váo câu thơ cũ rích
Khề khà chén rượu hăng xì
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)​
(TNO) Rượu và thơ là hai thứ dường như có duyên với nhau, chúng thường đi bên nhau tạo thành một cặp sóng đôi. Từ xa xưa, con người đã biết dùng rượu, và không biết từ thuở nào con người mới biết làm thơ và thưởng thức thơ.

Tuy chưa có ai có thể chứng minh được rằng, thơ và rượu xuất hiện trong khoảng thời gian nào. Nhưng khi con người đã biết dùng rượu để cúng tế trời đất, tổ tiên ông bà, dùng rượu để giao lưu với nhau, cùng nhau đối ẩm, và khi con người biết làm thơ và biết thưởng thức thơ, cùng nhau uống rượu, ngâm thơ, họa thơ thù tạc với nhau thì chắc chắn rằng, xã hội đó đã phát triển, vượt ra khỏi cuộc sống của bộ tộc, đã tiếp cận được luồng ánh sáng văn minh của nhân loại.
Mặc dù vậy, trong quá trình tìm kiếm, truy tìm nguồn gốc của các sự vật hiện tượng thì người ta đã chứng minh được rằng, ngay từ thời xa xưa, khi các tộc người còn sống hoang dã, còn chưa hề biết đến sự giao lưu thì mỗi tộc người đều có cách làm rượu riêng của mình. Rượu đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người. Vui thì có rượu chia vui, buồn thì có rượu giải buồn. Tang ma, cưới hỏi, giỗ chạp, lúc sống, lúc chết… con người ta đều "cặp kè" với rượu.
Có rượu ắt phải có say, và chỉ một từ say thôi thì con người có biết bao từ ngữ để chỉ các hiện tượng say đó. Dĩ nhiên ai uống rượu mà không say? Nhưng tùy uống ít hay nhiều, tùy thể chất mỗi người mà có các kiểu say khác nhau: say ngà ngà, say chếnh choáng, say tít cù lèo, say nhừ tử, say bò, say nhè, say tí bỉ… rồi hết thấy đường, cho chó ăn chè cũng là để chỉ hiện tượng say.
Ở phương Đông, mà cụ thể là Việt Nam và Trung Quốc, rượu và thơ thường gắn chặt với nhau, có rượu là có thơ và ngược lại. Để chứng minh điều này ta thử điểm qua một số gương mặt, một số nhà thơ của hai nước ắt sẽ biết. Dường như có rất ít nhà thơ không uống rượu, dĩ nhiên cũng có rất nhiều người thích uống rượu nhưng không biết làm thơ. Nhưng cũng có điều may mắn là, mặc dù không biết làm thơ nhưng họ biết thưởng thức thơ.
Nói chung, rượu và thơ là hai thứ gắn bó máu thịt với nhà thơ nói riêng, văn nghệ sĩ nói chung. Nói về việc uống rượu thì xem ra phải gọi Lưu Linh là tổ sư mới đúng, ông thường ngồi trên xe hươu kéo với vò rượu lớn, uống triền miên, sai người vác cuốc theo sau bảo chết đâu thì chôn đấy. Ông uống nhiều đến nỗi mà ngày nay những kẻ sáng say chiều xỉn thường được “ban” cho một cái hiệu là: Đệ tử Lưu Linh.
“Có một tiên sinh đại nhân lấy trời đất làm một buổi, muôn năm là chốc lát, lấy mặt trăng mặt trời làm cửa ngõ, thiên hạ làm sân làm đường, đi không thấy vết xe, ở không cần nhà cửa, màn trời chiếu đất thích thế nào thì làm thế ấy. Lúc ở thì nâng chén, cầm bầu. Lúc đi thì vác chai, xách nậm. Lúc nào cũng chỉ có việc rượu chè không thèm biết đến gì nữa.
Có một công tử và một vị quan sang nghe thấy tiên sinh như thế bèn tìm đến. Kẻ thì trừng mắt, nghiến răng. Người thì giảng giải lễ phép, lời phải trái xôn xao như đàn ong vậy.
Lúc đó tiên sinh ôm vò, ghé vào thùng rượu tợp một chén, mồm đầy rượu, vểnh râu, dang chân gối đầu vào men, lăn lưng vào bã, không nghĩ không lo, hớn hở vui thú, ngất ngưỡng say sưa, thoáng rồi lại tỉnh. Lắng tai cũng không nghe tiếng sấm sét. Nhìn kỹ cũng không thấy hình núi Thái Sơn. Nóng, rét đến thân không biết, lợi dục cảm đến tình cũng không hay. Cúi xuống trông vạn vật rối rít ở trước mắt khác nào như bèo nổi bập bềnh trên sông Giang, sông Hán.
(Huống nữa) hai vị xin đứng cạnh, tiên sinh bây giờ chỉ xem như con tò vò sâu róm mà thôi”.
(Tử đức tụng - Lưu Linh, Nguyễn Sĩ Đại dịch)​
Kế đến phải kể là Lý Bạch, ông rất thích uống rượu, ông uống rượu rất nhiều mà làm thơ cũng rất hay. Không biết có phải rượu là chất kích thích cho nguồn cảm hứng sáng tạo của ông hay không mà thơ của ông hay đến thế. Hay đến nỗi người đời gọi ông là "thi tiên".
Do đó có một giai thoại kể rằng: Một hôm, Lý Bạch uống quá chén, say bí tỉ, ôm vò rượu vừa đi vừa uống, đi đến cạnh bờ sông, thấy ánh trăng vằng vặc soi xuống mặt sông đẹp quá. Lý Bạch là người yêu trăng, và khi có rượu vào thì tình yêu đối với trăng càng dâng lên cao độ. Đang chếnh choáng hơi men, Lý Bạch ngỡ là nàng Hằng Nga đã xuống thế gian, nên ông nhảy xuống để ôm trăng. Ngờ đâu dòng nước ấy đã cướp đi mạng sống của ông. Liên quan đến rượu và trăng, Lý Bạch có một bài thơ rất nổi tiếng, đó là bài Nguyệt hạ độc chước (một mình uống rượu dưới trăng):
Có rượu không có bạn
Một mình chuốc dưới hoa
Cất chén mời trăng sáng
Mình với bóng là ba
Trăng đã không biết uống
Bóng chỉ quấn theo ta
Tạm cùng trăng và bóng
Chơi xuân cho kịp mà!
Ta hát, trăng bồi hồi
Ta múa, bóng rối loạn,
Lúc tỉnh cùng nhau vui
Say rồi đều phân tán
Gắn bó cuộc vong tình,
Hẹn nhau tứ Vân Hán

(Tương Như dịch)
Các thi nhân Việt Nam cũng có kém cõi gì, cũng uống rượu nhiều và cũng làm thơ hay. Mỗi người có một cảm tình riêng với rượu. Có người mượn rượu để quên sự đời; có người mượn rượu để làm phương tiện giao du; có người xem rượu như là người bạn thân thiết của mình… Nói chung, dù ít dù nhiều các thi sĩ ở ta vẫn thích uống rượu, làm thơ thì dĩ nhiên rồi, họ là thi sĩ mà. Hãy xem Tản Đà nghĩ về rượu:
Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thì hư vậy say thì cứ say
Đất say đất cũng quay cuồng
Trời say trời cũng đỏ gay ai người

Trời đất còn say huống hồ gì con người. Quá ra thì Tản Đà nói trời đất cũng say không phải là một lời nói ngoa. Vì gần đây các nhà thiên văn học trên thế giới đã xác định được trong cấu trúc, nhân của mặt trời cũng có nhiều phần tử rượu (cồn). Trách gì Tản Đà nói: Đất say, trời say. Rượu ngon cũng cần có bạn hiền, cần có người đối ẩm, để chia sẻ những nỗi niềm tâm sự trong cuộc đời, để cùng nhau ngâm vịnh, thoát khỏi cuộc sống trần tục để tâm hồn được lâng lâng đi vào cõi mộng hay để quên đi những phiền não của cuộc đời. Về điều này thì Trần Huyền Trân thể hiện rất rõ trong bài Với Tản Đà về bạn rượu, bạn thơ:
Cụ hâm rượu nữa đi thôi
Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy và đau lòng này
Tôi say?
Thưa, trẻ chưa đầy???
Cái đau nhân thế thì say nỗi gì
Đường xa ư cụ?
Quản chi
Đi gần hạnh phúc là đi xa đường
Tôi là nắng, cụ là sương
Tôi bừng dậy sớm, cụ nương nắng chiều
Gió mưa tóc cụ đã từng
Lòng còn gánh nặng bao nhiêu khối tình
Huống tôi mái tóc đang xanh
Vâng, tôi trăm thác ngàn ghềnh còn đi
Với đời một thoáng say mê
Còn hơn đi chán về chê suông đời
Rót đi rót rót đi thôi
Rót cho tôi cả mấy mươi tuổi đầu
Nguồn đau cứ rót cho nhau
Lời say sưa mới là câu chân tình.

Nguyễn Du, đại thi hào của dân tộc cũng không tránh khỏi say sưa. Ai cũng biết Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiều nổi tiếng, thế nhưng, có ai biết Nguyễn Du cũng là một tửu đồ. Có điều Nguyễn Du uống rượu là để ngẫm sự đời. Sự đời với bao nhiêu vinh nhục, vui sướng và khổ đau. Nguyễn Du sợ lúc sống không được uống, chết rồi không biết có ai tưới rượu lên mồ mình không? Tâm sự đó của Nguyễn Du được thể hiện qua bài Đối tửu:
Ngồi xếp, bên sông, chếnh choáng say
Tả tơi hoa rụng với rêu bày
Sinh thời, không cạn xong vò ấy
Lúc chết, mồ ai tưới rượu đây?
Xuân sắc dần thay oanh vút mất,
Tháng ngày thấm thoát, tóc hoa dày,
Trăm năm ví được luôn say khướt
Mấy nỗi cuộc đời nẫu ruột thay.

(Ngô Văn Phú dịch)
Đến Nguyễn Công Trứ thì thơ và rượu đã trở thành duyên và nợ rồi, mà đã là duyên là nợ thì không sao dứt khỏi được, nó luôn đeo bám theo ông. Ông uống rượu là để quên sự đời, mặc sự đời, không cần biết thế gian là gì. Một con người tài hoa như Nguyễn Công Trứ mà cuộc đời cứ mãi lận đận nên ông mượn rượu và thơ làm thú chơi tao nhã cũng là điều dễ hiểu:
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi
Dở duyên với rượu khôn từ chén
Chót nợ cùng thơ phải chuốt lời
Cờ sẵn bàn son xe ngựa đó
Đàn còn phím chúc tính tình đây
Ai say ai tỉnh ai thua được
Ta mặc ta mà ai mặc ai

(Cầm kỳ thi tửu)
Bích Khê thì uống rượu thâm trầm hơn, ông nhã nhặn mời khách ngồi lại uống với mình, bởi vì cuộc đời vui được bao lâu. Uống cho quên nỗi sầu nhân thế, uống cho cuộc đời bớt khổ đau. Lúc ấy chỉ có nhà thơ và khách. Hay chỉ có anh và em, nhớ làm chi chuyện bể khổ ở hồng trần:
Trăm năm vui được mấy hồi
Rượu ngon còn đó còn nòi vương tôn
Ngựa hồng nghỉ dặm quan sơn
Thuyền bơi: sen động, khe đờn, trăng lên
Chén này khách hãy cạn liền
Ngó đôi mắt ngọc thì quên bụi hồng!
Tóc mây chảy suối hương nồng
Em là Ngọc Nữ. Kim Đồng là ai?
Chén rồi lại chén nữa đây
Núi không, đêm tịnh, nhỡ say chớ sầu
Xuân thơm tuy hết mặc dầu
Rượu ngon còn mãi khách lưu lại cùng.

(Mỹ tửu ca)
Nói về quan hệ giữa rượu và thơ, người xưa còn có câu “phi tửu bất thành văn”, vì người ta quan niệm rằng, uống rượu vào sẽ kích thích sự sáng tạo, mang lại nguồn cảm hứng cho việc sáng tác thơ ca. Hay táo bạo hơn, người ta còn ví: “Nam vô tửu như kỳ vô phong” (nam nhi mà không uống rượu như cờ không có gió). Cờ không có gió thì ủ rũ, buông xuôi, làm sao bay phất phới được. Cho nên, nam mà không uống rượu thì cũng tiu nghỉu, mất sức sống, không hăng hái được.
Ngày nay rượu đã trở thành một thứ hàng hóa không thể thiếu được trên thị trường toàn cầu. Trong chừng mực nào đó rượu làm cho con người thêm sức sống, tăng sự hưng phấn, tăng tình giao hảo và yêu đời hơn. Và không biết từ bao giờ, rượu đã trở thành đề tài muôn thuở cho văn nghệ sĩ mọi thời.
Cho nên, ngày xuân bạn bè thăm viếng nhau không thể không nâng cốc chúc mừng, mừng một năm mới với bao vận hội mới, với bao thắng lợi mới. Tuy nhiên, uống đến thân tàn ma dại, đến tan cửa nát nhà, gây phiền hà cho bạn bè, làng xóm thì quả thật không nên. Vâng, ngày xuân hãy cùng nhau nâng cốc chúc mừng, nhưng đừng quá chén, hãy cùng nhau cạn chén chung tình.
Trần Phỏng Diều
 

thangnangkhuat

Administrator
13 Tháng mười hai 2008
320
0
0
Cả 1 năm làm việc lúc nào cũng chỉ mong đến năm mới. Nhưng em nhận thấy xã hội ngày càng phát triển con người cũng biến chuyển theo. Tết cổ truyền cũng dần mất đi cái phong vị tết, em nhận thấy so với những năm trước kia thì tết của vn mình bây giờ cũng chỉ mang tính thủ tục không còn được vui như ngày xưa nữa.