Trung thu...toả sương khô

Khuất Đình Huy

Super Moderator
18 Tháng chín 2009
208
0
0
2. Trung thu, toả sương khô... :jump:
... Ngày Rằm Trung thu, mang hộp bánh về quê biếu các cụ ở quê. Đã lâu lắm rồi tôi mới cảm thấy có một Trung thu đẹp, phần vì thời tiết năm nay đẹp cho trẻ vui đùa đón Tết; phần vì ở quê mùa màng đã xong xuôi nên mọi người, mọi nhà đều có thời gian thong thả mà sắm cỗ; phần vì ngày Rằm lại trùng với ngày nghỉ cuối tuần nên con cháu đi học hành, đi làm ở xa đều về quê xum họp với gia đình; phần nữa vì năm nay tôi cố tình ở lại quê, ra Hà Nội muộn một chút để lướt qua quang cảnh đón Trung thu ở quê nhà xem sao... và thấy không khí ngày Rằm thật rôm rả.
Những quán nhậu, quán bia hơi ở quê hôm nay vắng khách, có lẽ do các thực khách nhậu quen mọi ngày hôm nay phải tạm dừng để ở nhà ăn Tết với gia đình. Nhà nhà đều sắm những mâm cỗ Trung thu với đầy đủ quả bưởi vàng ươm, quả hồng đỏ mọng với bánh nướng, bánh dẻo đủ nhãn mác từ Kinh Đô, Hữu Nghị, bánh đặt cổ truyền cho đến bánh rởm các loại... Nhà nhà đều quây quần bên nhau bên mâm cỗ với thịt gà, thịt vịt, thịt mèo, thịt cầy... đủ kiểu. Khác với dân Thủ đô vào những ngày Rằm, mùng Một thường kiêng khem những thứ bị cho là chậm chạp như vịt, đen như chó, sui như mèo... Ở nhà quê, có lẽ vì cuộc sống ít phức tạp hơn, suy nghĩ đơn giản hơn nên họ tự do chén những loại thức ăn nào mà họ khoái.
Từ 18 giờ 30, sân Đình làng đã rộn ràng tiếng trống, tiếng nhạc và tiếng loa của Ban tổ chức ầm ĩ gọi trẻ nhỏ đến tập trung để đón Trung thu. Năm nay, các xóm (đội sản xuất) đều đã xây được một Nhà văn hoá riêng để sinh hoạt nên xã tổ chức thi kiệu cỗ Trung thu và biểu diễn văn nghệ rất là rôm rả. Trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế, sân chơi cho trẻ em, thanh niên còn thiếu thốn, nội dung sinh hoạt văn hoá còn nghèo nàn thì việc tổ chức những hoạt động lồng ghép như thế này cho trẻ đã là một cố gắng rất lớn của địa phương. Có chăng, do cộng thêm yếu tố mới là quê mình vừa tái nhập về Hà Nội...
Trăng Trung thu không được sáng vằng vặc như ngày xưa nên trẻ không có điều kiện để ngắm chú Cuội ngồi gốc cây đa. Thay vì cái se lạnh giữa Thu, một màn sương khô làn toả khắp nơi và thoảng mùi khen khét của khói đã làm cho trời bớt trong đi, trăng bớt sáng đi. Ở nông thôn bây giờ không dùng rơm rạ để đun nữa nên sau mùa gặt họ đắp đống hai bên đường để đốt. Từ ngoài cánh đồng, hai bên ven đường khói bay mù mịt làm nghẹt thở, mờ mắt những người đi đường. Vậy mà, từng tốp, từng tốp “nam thanh nữ tú” đèo đôi, kẹp ba vẫn phóng xe ầm ầm, lạng lách, đánh võng và bóp còi inh ỏi mà tuyệt nhiên thấy một ai đội mũ bảo hiểm cả. Quan sát kiểu tham gia giao thông của các chàng, nàng ở quê bây giờ, tôi luôn ghê ghê vì cảm thấy ở họ luôn tiềm tàng khả năng bị tai nạn...
Dọc đường ra Hà Nội, những vùng dân cư mới mở bám theo tỉnh lộ cũng rôm rả tổ chức cho trẻ đón Trung thu, chỉ có điều đất hẹp nên người lớn phải lấn đường, lấn vỉa hè để làm sân chơi cho trẻ.
Trung thu bây giờ quá thiếu vắng những chiếc đèn Ông sao, đèn lồng... truyền thống. Trẻ em đón Trung thu với những đồ chơi bằng nhựa như siêu nhân, ô tô chạy pin, gươm kiếm, đại đao... được sản xuất từ Trung quốc, nên không có những tiếng hát “tùng dinh dinh” của trẻ rước đèn ông sao đi vòng quanh kiệu cỗ.