Văn hoá giao thông

Khuất Đình Huy

Super Moderator
18 Tháng chín 2009
208
0
0
An toàn giao thông, tai nạn giao thông đã và đang là một vấn đề gây bức xúc đối với người quản lý và toàn xã hội. Nó liên quan trực tiếp tới mỗi cá nhân, gia đình... Tôi gửi diễn đàn Họ Khuất bài viết về văn hoá giao thông để chúng ta cùng nhắc nhở nhau giữ gìn mỗi khi tham gia giao thông nhé.

Văn hoá giao thông -

Yếu tố quan trọng quyết định an toàn giao thông


Văn hoá giao thông - một yếu tố ảnh hưởng quan trọng tới hành vi con người tham gia giao thông, đóng vai trò quyết định đến việc cải thiện an toàn giao thông ở nước ta.

Vừa qua, ngày 31/8/2009, Bộ Giao thông vận tải đã phát động cán bộ công nhân viên toàn Ngành hưởng ứng Tháng An toàn giao thông (ATGT) năm 2009. Tháng ATGT năm nay có chủ đề Văn hoá giao thông, bắt đầu từ ngày 01/9/2009 nhằm tạo bước chuyển biến mới về ý thức chấp hành pháp luật, trật tự an toàn giao thông của mọi tầng lớp nhân dân.
Văn hoá giao thông (VHGT) là một yếu tố ảnh hưởng quan trọng tới hành vi con người tham gia giao thông. Cùng với các yếu tố khác, văn hoá giao thông đóng vai trò quyết định đến việc cải thiện an toàn giao thông ở nước ta hiện nay. Văn hoá giao thông gồm nhiều tiêu chí, trong bài viết này, tôi chỉ đề cấp đến văn hoá của người tham gia giao thông đường bộ, người quản lý giao thông và sử dụng hạ tầng giao thông.
Văn hoá người tham gia giao thông: Về nguyên tắc, cơ bản mọi người tham gia giao thông (TGGT) đều được học và phải hiểu biết về luật lệ giao thông. Người điều khiển phương tiện xe mô tô, ô tô đều được đào tạo, sát hạch và cấp bằng hay chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc đủ điều kiện để TGGT theo quy định của pháp luật. Đối với các đối tượng khác TGGT bằng xe buýt, ô tô, xe đạp và người đi bộ cũng đều cơ bản đã được trang bị kiến thức về luật lệ giao thông trong trường học, qua tuyên truyền báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng... Như vậy, vấn đề ở đây là văn hoá - ý thức tự giác của người TGGT quyết định đến vấn đề trật tự an toàn giao thông bao gồm giảm thiểu tai nạn giao thông và hạn chế nạn ùn tắc giao thông.
Nếu tất cả mọi người chúng ta khi TGGT có văn hoá - Văn hoá tham gia giao thông - thì chắc chắn sẽ rất ít xảy ra tai nạn, cụ thể: Người TGGT hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông bao gồm điều khiển phương tiện đi đúng tốc độ, đúng làn đường, chấp hành tốt các hệ thống biển báo thông tin giao thông; kiểm tra phương tiện tốt trước khi vận hành, sử dụng, đảm bảo tốt các yếu tố an toàn theo quy định như đèn báo, còi hiệu, gương chiếu hậu; có trách nhiệm đối với bản thân, tôn trọng, nhường nhịn và hỗ trợ những người, phương tiện khác đang cùng tham gia giao thông, có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông. Khi vi phạm hành chính về giao thông phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định xử phạt. Ngược lại với những ý thức có văn hoá TGGT đã nêu trên là những hành vi thiếu văn hoá giao thông. Khi TGGT, những hành vi thiếu văn hoá, vi phạm luật lệ giao thông luôn là nguyên nhân gây ra tai nạn và ùn tắc giao thông. Trên một tuyến đường, trong khi cả một luồng phương tiện đang vận hành theo đúng luật lệ quy định, một số cá thể thiếu văn hoá phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng lạng lách, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu giao thông sẽ tiềm tàng nguyên nhân gây ra tai nạn đối với những người tham gia giao thông có văn hoá. Như vậy, an toàn giao thông đòi hỏi tất cả mọi cá thể TGGT đều phải có văn hoá.
Đối với người quản lý: Ý chí của người quản lý được xác định đóng một vai trò rất quan trọng hình thành văn hoá giao thông và tính tự giác của người TGGT, bao gồm việc quản lý tốt công tác đào tạo, cấp giấy phép lại xe; kiểm tra kỹ thuật an toàn phương tiện, kiểm tra giám sát tải trọng phương tiện vận chuyển; công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Nếu người điều khiển phương tiện TGGT thiếu ý thức văn hoá, đối phó, vi phạm luật lệ an toàn giao thông nhưng được người quản lý làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, không đồng loã với các vi phạm, xử phạt vi phạm nghiêm minh thì sẽ có tác dụng điều chỉnh các hành vi vi phạm, ngăn chặn khả năng gây tai nạn đồng thời có tác dụng hình thành ý thức văn hoá cho người tham gia giao thông.
Người quản lý phải thường xuyên có sự phối hợp đồng bộ giữa đào tạo, xử phạt vi phạm với công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí văn hoá giao thông. Trong những năm gần đây, ngành Giao thông vận tải thường xuyên quan tâm đến việc phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông đối với cán bộ công nhân viên trong ngành. Cảnh sát giao thông phối hợp với ngành giáo dục đưa chương trình phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông vào các cấp học để phổ biến luật lệ giao thông cho các đối tượng học sinh, sinh viên. Nhiều đơn vị, cơ quan phối hợp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về luật giao thông đường bộ, thi lái xe mô tô an toàn... Những hoạt động trên đã có tác dụng rất tích cực đến việc trang bị kiến thức pháp luật về giao thông và hình thành văn hoá giao thông cho các đối tượng.
Quan sát môi trường giao thông hiện nay, văn hoá giao thông đang thể hiện theo vùng miền và khu vực văn hoá xã hội. Khu vực thành phố, đô thị văn hoá giao thông cao hơn các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngay trong từng vùng cũng thể hiện phân chia theo từng nhóm đối tượng: Ở đô thị, thành phố, nhóm đối tượng là cán bộ công nhân viên chức thể hiện văn hoá giao thông cao hơn các nhóm khác như: học sinh sinh viên, công nhân thợ thủ công, những người kinh doanh buôn bán nhỏ và lao động ngoại tỉnh đến làm ăn. Lấy một ví dụ, sau khi thực hiện Công điện số 1928/CĐ-TTg ngày 10/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông bằng mô tô và xe gắn máy, ở Hà Nội có gần 100% người điều khiển phương tiện đã chấp hành tốt quy định. Qua một thời gian thực hiện, việc đội MBH đã trở thành ý thực tự giác chấp hành pháp luật và ý thức trách nhiệm đối với bản thân mỗi người; hiện nay ra đường, nếu một người đi mô tô, xe máy không đội MBH sẽ tự cảm thấy lạc lõng và bị coi là “lạc hậu”. Nhưng chỉ ra khỏi Hà Nội chừng 20 - 30 km - Sau một thời gian được quản lý, giám sát chặt chẽ - chúng ta sẽ thấy hiện nay số người điều khiển mô tô, xe máy chạy trong nội vùng địa phương không đội MBH chỉ chiếm tới trên dưới 40%. Vừa qua, ngày 01/7 quy định trẻ em trên 6 tuổi phải đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy. Nói về vấn đề này, ông Greig craft, Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong Châu Á (AIF) chia sẻ: “Tất cả tình yêu thương trên thế gian này cũng không thể nào bù đắp được những mất mát do tai nạn giao thông gây ra. Để giữ gìn những khoảnh khắc hạnh phúc mãi mãi, hãy đội MBH cho trẻ”
Quản lý hạ tầng giao thông: Hiện nay, việc quản lý hạ tầng giao thông ở nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn, bao gồm sự chấp hành pháp luật, sự phối hợp đồng bộ và ý thức sử dụng hạ tầng giao thông. Hiện nay, trong khi Ngành giao thông luôn cố gắng khắc phục khó khăn để không ngừng xây dựng những tuyến đường, những công trình cầu để đáp ứng yêu cầu về giao thông phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của đất nước thì việc quản lý sử dụng hạ tầng giao thông ở khắp nơi lại luôn biểu hiện sự yếu kém, thiếu đồng bộ. Rất nhiều tuyến đường, đoạn đường vừa được cải tạo, xây dựng vừa mới hoàn thiện đã bị đào phá ngổn ngang bởi ngành nước, ngành điện... Trong khi công tác bảo trì, sửa chữa khắc phục những hư hỏng của hệ thống cầu đường, bổ sung hệ thống cọc tiêu, biển báo được ngành giao thông quan tâm thì ở nhiều địa phương cọc tiêu bị phá, biển báo bị tháo dỡ, gương cầu lồi bị đập hỏng... Mặt đường nhựa được sử dụng làm sân phơi thóc lúa, hành lang an toàn được sử dụng để làm nơi bán hàng hoá, vật liệu xây dựng. Những sai phạm, vi phạm trên hầu như ở địa phương nào cũng có nhưng những người quản lý hầu như chưa làm hết trách nhiệm của mình. Sự thờ ơ hoặc đồng loã của người quản lý đã dung túng hành vi vi phạm, làm mất ý thức văn hoá giao thông của những người sử dụng hạ tầng giao thông trái phép. Tạo một điều kiện tiềm tàng gây ra tai nạn giao thông cho người TGGT vì bị làm thiếu mất hoặc hạn chế các điều kiện cần thiết về thông tin an toàn giao thông.
Ý nghĩa thiết thực và lợi ích to lớn: Việc hình thành văn hoá giao thông có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đến việc giảm thiểu tai nạn giao thông, đồng nghĩa với việc giảm bớt những thiệt hại vô cùng to lớn về người, tài sản và tác động xã hội. Những tai nạn giao thông đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở khắp mọi miền đất nước, đều dặn hàng năm đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người; làm ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn gia đình và gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng đã đặt ra một yêu cầu bức xúc về vấn đề kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông. Để giải quyết được vấn đề này, văn hoá giao thông phải được coi là điểm nhấn quan trọng cần có sự quan tâm, phối hợp đồng bộ. Vừa qua, tại Hà Nội Vụ Tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Trung ương và cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) giới thiệu Dự án quy hoạch tổng thể an toàn giao thông đường bộ Việt Nam và tổ chức toạ đàm “Văn hoá giao thông ở Việt Nam” nhằm tạo ra một bước tiếp cận ban đầu về khái niệm văn hoá giao thông, góp tiếng nói đối với các nhà hoạch định chính sách hiểu được tầm quan trọng của văn hoá giao thông, quan tâm một cách đặc biệt đến vấn đề này trong việc cải thiện an toàn giao thông ở nước ta trong những năm tới.
Khuất Đình Huy