Viết gia phả thế nào?

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
47
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
Không ít gia đình vẫn còn giữ được những cuốn gia phả từ xa xưa. Song việc dựng lại gia phả dòng họ trước đây và viết tiếp về thế hệ mình cho con cháu lưu lại của nhiều gia đình, dòng họ đang gặp không ít khó khăn. Bởi vấn đề được đặt ra là: Viết thế nào cho đúng?

Viết gia phả - việc làm cần thiết của mỗi dòng họ

Trong văn hoá Hán, “gia” có nghĩa ban đầu là tổ hợp hai người nam nữ kết hôn với nhau, sau đó được dịch là “nhà” (có lẽ bắt nguồn từ đây mà người Việt Nam thường gọi vợ/chồng của mình là “nhà tôi”). Một khái niệm liên quan mật thiết tới vấn đề gia phả nữa, đó là khái niệm “họ”.

Trong văn hoá Trung Quốc chữ “tính” có nghĩa là Họ. Tính dùng để chỉ mối liên hệ dòng máu, chỉ những người cùng sinh ra từ một ông tổ. Còn chữ “họ” trong ngôn ngữ người Việt được hiểu là hàm ý là một thị hay một tộc. Gia phả xuất hiện trong văn hoá Trung Quốc vào khoảng thời Chiến quốc - khi đã hình thành những dòng họ lớn.

Trong tiếng Việt, những khái niệm liên quan tới vấn đề này có cha, mẹ, con, cháu, chắt, chít (5 thế hệ - ngũ đại đồng đường). Như thế có thể hiểu, hệ thống thân tộc nội ngoại hiện hành cũng như dòng họ là kết quả giao lưu văn hoá Việt - Trung thời xa xưa. Và sự ra đời gia phả ở nước ta có quan hệ tới sự hình thành những đại gia tộc Nho học - thường là những gia tộc có người đỗ đạt làm quan.

Ngày nay, khi đời sống được cải thiện, “phú quý sinh lễ nghĩa”, mọi người đã có nhiều điều kiện để nhìn lại dòng tộc mình hằng mong tìm lại cội nguồn – cái nôi đã sản sinh ra mình ra gia tộc của mình. Và gia phả chính là phương tiện để ghi lại dòng tộc đang hiện hữu trong tâm thức của mỗi chúng ta. Đó cũng là những nét đẹp trong văn hoá truyền thống của người Việt Nam.

Từ gia phả để nối phả


Việc thay tên đổi họ đã từng xảy ra trong lịch sử, đặc biệt là những dòng họ vì lý do tồn tại mà phải đổi thành họ khác. Ví như khi nhà Lý mất nước, con cháu họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn để tránh bị trả thù. Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, khi nhà Mạc đổ thì con cháu họ Mạc cũng phải đổi sang họ khác.

Giờ đây chúng ta thường có khái niệm “vấn tổ tầm tông” – mà gia phả là một trong những “chỉ điểm” chính xác và lâu đời nhất. Từ xưa, ông cha ta rất có ý thức về cội nguồn nên thường mở đầu một bản gia phả bằng cách ghi gốc tích dòng họ mình, ví như: “Họ Nguyễn ta vốn gốc từ thôn X, xã Y, huyện Z...”. Chính nhờ những dòng ghi chép này mà người ta có thể tìm hiểu để nối phả. Nối phả là xem xét gốc tích cụ tổ dòng họ mình, tìm về gốc tổ, so sánh gia phả để phát hiện ra cụ tổ của dòng họ mình thuộc chi nào, nhánh nào từ một dòng họ có gốc gác lâu đời hơn.

Hiện nay, trong trào lưu chung, nhiều dòng họ đang tiến hành viết lại gia phả. Có những dòng họ có điều kiện thì in ấn rất đẹp và trang trọng. Việc viết lại gia phả là rất cần thiết, bởi vì, gia phả của các cụ ta xưa viết bằng chữ Hán, nay số người biết chữ Hán trong các làng xã đã rất hiếm hoi, nếu không kịp thời dịch ra quốc ngữ thì nguy cơ sau này không còn ai đọc được gia phả nữa. Mà đã dịch ra quốc ngữ thì nhân tiện, những người “phụ trách” vấn đề gia phả biên soạn lại cho hợp lý hơn và bổ sung thêm những chi tiết mới.

Mặt khác, đất nước ta trải qua mấy mươi năm chiến tranh, bộn bề công việc, nhiều dòng họ chưa có điều kiện bổ sung gia phả mà các thành viên trong dòng họ thì được bổ sung thường xuyên theo thời gian. Người già mất đi, lớp trẻ sinh ra và lớn lên thay thế. Trung bình cứ 25-30 năm đã là một thế hệ mới. Vì vậy, việc viết lại và tục biên gia phả là điều không thể không làm.

Viết thế nào cho đúng?

Gia phả được hiểu là lịch sử của một dòng họ. Để cho gia phả có giá trị, phát huy được tác dụng đối với con cháu, qua tham khảo gia phả của một số dòng họ, xin chia sẻ đôi điều như sau:

Thứ nhất, phải hiểu rằng, viết gia phả là viết sử, sử của dòng họ, chứ không phải viết văn. Vì thế, hành văn phải ngắn gọn, giản dị, trong sáng, dùng từ phải chính xác, rõ ràng, dễ hiểu, không nên dùng ẩn nghĩa, gây hiểu nhầm.

Thứ hai, viết gia phả là sưu tầm, biên soạn những tư liệu về cuộc sống đã qua của các bậc tiên tổ cũng như nhiều thế hệ trong dòng họ để nêu cao truyền thống tốt đẹp của dòng họ để cho con cháu noi theo.

Thứ ba, muốn viết gia phả phải có một hội đồng. Người chép phả phải là người có kiến thức sâu rộng (nhất là kiến thức về lịch sử) để khi viết về nhân vật nào, thời đại nào, đều có thể hình dung được bối cảnh lịch sử của thời kỳ đó. Không nên thiên vị chi nọ, cành kia, gây ấn tượng không tốt cho con cháu về sau;

Thứ tư, không nên duy trì quan điểm “trọng nam khinh nữ” mà không ghi tên con gái trong gia phả, vì như thế sẽ gây khó khăn cho việc tìm hiểu tư liệu sau này.

Có nhiều cách trình bày gia phả. Có thể viết theo chiều ngang, tức là những người bằng vai, cùng thế hệ thì viết về họ cùng một lượt, sau đó mới viết đến thế hệ sau. Có thể viết theo chiều dọc, tức là chép từng chi, từ trên xuống dưới, hết chi này đến chi kia.. Điều này thường được quyết định bởi hội đồng viết gia phả của từng họ.