Xa lộ Đại Hàn: xe chạy 10km/h

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
47
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
SGTT.VN - Đoạn quốc lộ 1A, hay còn gọi xa lộ Đại Hàn, dài 43km nối từ ngã ba Thủ Đức đến ngã ba An Lạc, quận Bình Tân. Tuy nhiên, để đi hết đoạn đường này, có khi các tài xế xe tải, container… phải mất gần bốn giờ.

Để trực tiếp chứng kiến cảnh tượng ùn tắc, kẹt xe trên tuyến xa lộ Đại Hàn, chúng tôi xin theo một xe container do tài xế Nguyễn Ngọc Công điều khiển.

ImageHandler.ashx

Hình ảnh thường thấy trên xa lộ Đại Hàn. Ảnh: Từ An
Gần ba giờ đi được 40km

Đúng 10 giờ sáng chủ nhật ngày 19.12, tài xế Công cho xe rời khỏi bãi đậu gần trạm 2, theo xa lộ Đại Hàn hướng về ngã ba An Lạc. Sau 4km tương đối thoáng, tài xế Công hãm phanh và bắt đầu “cuộc thi chạy chậm” vì trước mặt là những hàng xe nối đuôi kéo dài đến hết tầm mắt. Đến 10 giờ 30, xe mới qua khỏi cầu vượt Linh Trung và lần lượt vượt khỏi cầu vượt Sóng Thần.

Nguyễn Thành Vinh, phụ xe của tài xế Công, cười giải thích: “Chưa đâu các chú ạ, đây mới chỉ là khởi đầu”. Lời của anh Vinh vừa dứt thì ngay lập tức trước mặt là cảnh ùn xe ôtô. Ngay cả phần đường dành cho xe hai bánh vẫn có hàng chục xe tải, xe buýt chiếm lấn như để cố “chui” lên khiến không gian trở nên nghẹt thở. Mùi khói, mùi xăng và tiếng còi inh ỏi, liên tục.

Châm điếu thuốc, tài xế Nguyễn Ngọc Công tỏ vẻ thảnh thơi, nói: “Không còn đường nào khác ngoài chờ đợi”. Còn người phụ xe tên Vinh, hết xuống mua nước, mua thuốc… anh liên tục đóng cửa và mở cửa nhìn về phía trước. Tuy nhiên, hành động đó của anh cũng chỉ bằng thừa khi trước mặt mình luôn có hàng trăm xe dừng đợi.

Đúng 11 giờ 30, chiếc xe cũng “bò” được đến gần giao lộ quốc lộ 1A – tỉnh lộ 43 (nơi có cầu vượt Gò Dưa – PV). Tuy nhiên tại đây, để vượt qua nút giao thông này, tài xế Công lại phải mất thêm gần 30 phút nên đến gần 12 giờ chiếc xe mới dần thoát khỏi vòng vây của hàng ngàn phương tiện. Lúc này, dòng phương tiện có vẻ thông thoáng hơn, vận tốc cũng tăng lên so với trước. Tuy nhiên, khi xe qua khỏi cầu vượt Bình Phước, tình trạng ùn xe tái diễn. Xe cộ lại tiếp tục nối đuôi “nhích” trên xa lộ đầy khói bụi.

Tài xế Công cho biết, từ cầu vượt Bình Phước đến ngã ba An Lạc tuy không có cảnh tượng kẹt xe khủng khiếp như khu vực nút giao thông Gò Dưa nhưng toàn bộ đoạn đường này thường xuyên ùn ứ. Vận tốc tối đa cũng chỉ 20km/h.

Tại kỳ họp HĐND TP.HCM mới đây, đại biểu Nguyễn Minh Hương bức xúc: “Cầu vượt Gò Dưa sau bảy năm vẫn giậm chân tại chỗ. Theo tính toán, cứ trễ một ngày là thiệt hại 1,4 tỉ đồng”.

Ông Trần Quang Phượng, giám đốc sở Giao thông vận tải trả lời: Cầu vượt Gò Dưa chậm là do còn 72 hộ dân không chịu giao mặt bằng.

Lời nói của anh Công được chứng minh khi trên suốt tuyến đường này có hàng chục điểm ùn ứ. Hầu hết những vị trí xảy ra ùn ứ này theo quan sát của chúng tôi chủ yếu do tuyến quốc lộ có quá nhiều ngã ba ngã tư khiến dòng xe bị ách lại để chờ đèn đỏ.

Cuối cùng, sau đúng ba giờ len lỏi trên xa lộ “siêu ùn tắc”, xe anh Công mới tới được gần vị trí vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) để hướng về miền Tây. Đưa tay lau vội những giọt mồ hôi trên trán, tài xế Nguyễn Văn Công, tâm sự: “Hôm nay là chủ nhật nên như vậy là chấp nhận được, chứ ngày thường hoặc khi có tai nạn đâu đó trên đường thì thời gian có thể gấp rưỡi, gấp đôi hôm nay”.

Ám ảnh mang tên… Gò Dưa!

Theo tài xế Công, nguyên nhân chính khiến tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến xa lộ Đại Hàn ngày càng nghiêm trọng là do nút giao thông Gò Dưa, với cầu vượt Gò Dưa.

Ông Lương Hoàng Trung, phó chủ tịch hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM, nhớ lại: “Ngay từ năm 2003 để giải quyết tình trạng kẹt xe ở xa lộ Đại Hàn, bộ Giao thông vận tải đã cho xây cầu vượt Gò Dưa để xe cộ không cắt ngang xa lộ. Đến nay, cầu xây xong đã lâu nhưng đường dẫn lên cầu vẫn chưa xong. Điều này khiến các doanh nghiệp vận tải vô cùng bức xúc”.

Ông Trung tính, ít nhất mỗi lượt xe tải lưu thông qua nút giao thông Gò Dưa phải tốn thêm nửa lít xăng, dầu. Mỗi ngày có khoảng 50.000 lượt xe qua lại ở đây, như vậy ước tính thiệt hại thấp nhất cũng gần 500 triệu đồng/ngày. Đó là chưa kể mức hao tổn máy móc.

Còn đối với xã hội, theo ông Trần Văn Vinh, một người dân sống ở đường Gò Dưa, từ nhiều tháng qua, để chạy khỏi chỗ kẹt, xe cộ đã thi nhau rẽ vào tuyến đường Gò Dưa, theo tỉnh lộ 43 thoát thân. Con đường Gò Dưa nhỏ hẹp hiện tại một ngày cũng cả chục ngàn lượt xe ôtô các loại chạy qua. Đưa tay chỉ một đoạn vỉa hè đường Gò Dưa bị nát bấy do xe tải leo lề quay đầu, ông Vinh bức xúc: “Từ 8 giờ sáng đến 11 giờ đêm, lúc nào xe cũng chạy ầm ầm, không ai chịu nổi”.

Cũng để né nút giao thông Gò Dưa, từ lâu, rất nhiều tài xế đã chọn đường Kha Vạng Cân ra xa lộ Hà Nội, biến con đường nhỏ hẹp này thành “con đường tử thần”.

TỪ AN – ĐÀO LÊ