Bà Khuất Thị Hải Oanh - người Việt lọt vào danh sách nhà lãnh đạo trẻ thế giới

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

khuathieu

New member
13 Tháng một 2009
140
0
0
HCMC
Hôm nay tình cờ đọc được bài báo "Hai người Việt lọt vào danh sách nhà lãnh đạo trẻ thế giới" thật bất ngờ khi một trong hai vị đó là người họ Khuất, lại là phụ nữ nữa, niềm tự hào cho họ Khuất của chúng ta. chỉ tiếc là không có ảnh của bà trên báo.
http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Kinh-nghiem/2009/03/3BA0BE35/
Việt Nam góp 2 đại diện trong danh sách 230 nhà lãnh đạo trẻ thuộc nhiều lĩnh vực từ kinh tế, chính phủ, khoa viện, truyền thông và tổ chức phi lợi nhuận được lựa chọn từ khắp nơi trên thế giới.


Hai gương mặt của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới chọn là ông David Thái, CEO kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Việt Thái, chủ chuỗi cà phê Highland, và bà Khuất Thị Hải Oanh, đồng sáng lập và hiện là trưởng phòng Nghiên cứu sức khỏe, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội ISDS.

Vào ngày 25/2, tại Geneva, Thụy Sĩ, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã công bố danh sách những nhà lãnh đạo trẻ 2009. Đây là danh hiệu trao hàng năm dành cho 200-300 người vì những thành tựu xuất sắc của họ trong công việc, đóng góp cho xã hội và góp phần xây dựng tương lai thế giới.

Diễn đàn năm nay chọn ra 230 nhà lãnh đạo xuất sắc từ 71 quốc gia, từ các giám đốc doanh nghiệp, đến lãnh đạo chính phủ, khoa viện và tổ chức phi chính phủ. Nước Mỹ góp nhiều đại diện nhất với 37 người, tiếp theo đó là Trung Quốc có 16 người. Một số nước chỉ có 1 đại diện như Zimbabwe, Gabon, Zambia, Uganda, Nigeria, và Mali.

Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn nói: “Diễn đàn Kinh tế thế giới là nơi hội tụ của cộng đồng những người đại diện cho tương lai thế giới. Chúng ta đang ở trong thời kỳ khó khăn về kinh tế xã hội, nên vai trò của các nhà lãnh đạo trẻ sẽ càng quan trọng trong việc phát triển, và lãnh đạo thế giới hướng đến những thay đổi tích cực hơn”.


Bản danh sách 2009 phản ánh rõ nét sự đa dạng vùng miền và lĩnh vực. Trong đó có những nhân vật như hiệu trưởng một trường đại học của Indonesia, Đại sứ Tiểu vương quốc Ảrập, CEO của Youtube, và có cả một thợ ảnh của Nam Phi.

Nancy Lublin, CEO của công ty Do Something, Mỹ, người được lựa chọn năm 2007 đã phát biểu: “Trở thành một nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu không chỉ là phần thưởng cho những thành tựu chúng tôi đã làm mà còn là tấm vé gia nhập cộng đồng những nhà lãnh đạo thế giới, tiếp thêm sức mạnh và cảm hứng để chúng tôi nỗ lực cao hơn nữa”.

Thanh Bình (theo World Economic Forum)
 

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
47
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
Vài nét về bà Khuất Thị Hải Oanh:

Quê ở Hà Tây

Tốt nghiệp trường ĐH Y năm 1993.

Đã từng công tác nhiều nơi. Trước khi chuyển về làm Trưởng phòng Sức khỏe Xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã Hội - chị đã từng là Bác sĩ ở Bệnh viện Y học Dân tộc Quân đội.

Ngoài bằng ĐH Y loại trung bình, chị còn có trong tay bằng chuyên Khoa siêu âm và chuyên Khoa Y học Dân tộc.

MsOanh.jpg
 

thangnangkhuat

Administrator
13 Tháng mười hai 2008
320
0
0
Em bổ xung

Hải Oanh và hành trình “làm người khác hạnh phúc hơn”

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh - “Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2009” - Ảnh: K.L.
TTCT - Có những người làm việc để được người khác công nhận thành tựu. Có những người lại lặng lẽ làm thay đổi cuộc sống của những nhóm dân ít được nhìn thấy, đôi khi không muốn được nhìn thấy trong xã hội. Đến một ngày, công sức của họ cũng được nhìn nhận và đánh giá. Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh thuộc nhóm người thứ hai. Chị nói danh hiệu “Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2009” mà Diễn đàn kinh tế thế giới vừa trao tặng chị “như từ trên trời rơi xuống”.

Buổi sinh hoạt của người có HIV tại văn phòng của Mạng lưới các nhóm tự lực phía Nam diễn ra ngày 3-4-2009 ở quận Tân Bình (TP.HCM). Những người có HIV mang theo bạn tình của họ và điền vào bảng hỏi của đợt “Nghiên cứu về nhu cầu, quyền sức khỏe tình dục và sinh sản của người có HIV ở Việt Nam” mà Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận - do chị Hải Oanh đồng sáng lập đang thực hiện.

Để mọi người chấp nhận nhau

Kết quả nghiên cứu này giúp đưa ra giải pháp nhằm hạn chế và đi đến chấm dứt sự kỳ thị của cộng đồng với những người có HIV và chịu ảnh hưởng của HIV/AIDS.

Hạnh phúc, đó là vẻ đẹp trong sự đa dạng. Bản thân mỗi người sẽ hiểu hạnh phúc với họ là gì, họ cần gì để hạnh phúc chứ không ai áp đặt chuẩn mực hạnh phúc của mình lên người khác. “Mỗi cá nhân thấy hạnh phúc và không làm cản trở hạnh phúc của người khác. Đó là xã hội lý tưởng”.

HẢI OANH
Cộng sự của chị Oanh - phần lớn là những người có HIV - giúp giải thích, lắng nghe, trao bảng câu hỏi đến những người có HIV. “Họ hoàn toàn không phải là những người bỏ đi, vô tích sự như mọi người vẫn hay nghĩ. Họ là người rất có trách nhiệm và nhiệt tình trong công việc” - chị Oanh nói. Các cộng sự của chị làm việc với những người biết chữ, tự đọc được bảng hỏi. Có hai người có HIV là phụ nữ, tầm 20 và 40 tuổi, dáng vất vả cần chị giải thích, đọc bảng câu hỏi và điền giúp. Họ từ chối chụp hình từ phía sau vì lo ngại người quen “nhận ra chiếc áo mình đang mặc”. Dù đó là những chiếc áo khoác ngoài, hơi nhàu nhĩ và không hề đặc biệt.

Tốt nghiệp thạc sĩ ngành y và có nhiều hoạt động gắn bó với những người bị xã hội kỳ thị, chị Hải Oanh biết rõ không chỉ căn bệnh thế kỷ này có thể giết người mà chính sự kỳ thị, xa lánh, không yêu thương, không thấu hiểu cũng gây chết người tương tự. Những gì chị làm là để hi vọng một ngày nào đó những người có HIV sẽ không còn sợ hãi vì sự kỳ thị của xã hội và người thân, vì như chị xác quyết: “Họ có quyền như tất cả chúng ta, trong đó có quyền về bảo vệ sức khỏe sinh sản và tình dục”.

Làm thế nào để giảm và đi đến chấm dứt sự kỳ thị của xã hội đối với những nhóm cá nhân bị cho là tạo ra “tệ nạn xã hội” như người có HIV, có xu hướng tình dục đồng tính, những người bán dâm, tiêm chích ma túy? Làm thế nào để xã hội có cái nhìn đúng và yêu thương, giúp đỡ những người tàn tật; hiểu, cảm thông và chia sẻ khó khăn của những phụ nữ phải tìm việc làm hay lấy chồng ở nước ngoài? Chị Oanh đã theo đuổi những vấn đề hóc búa và gai góc trên ít lâu sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội năm 1993, đặc biệt kể từ khi chị đồng sáng lập Viện Nghiên cứu phát triển xã hội năm 2002. “Ngắn gọn, mục đích là để mọi người hiểu nhau và chấp nhận nhau cùng sống” - chị nói.

Từ Yale tới Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu

Ủy ban bầu chọn danh sách các nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu do nữ hoàng Rania Al Abdullah của Vương quốc Jordan đứng đầu. 230 cá nhân đã được chọn trong số 5.000 ứng viên thuộc 71 nước. Họ là các lãnh đạo từ khối kinh doanh, chính phủ, học thuật, truyền thông và tổ chức phi chính phủ. Ngoài Khuất Thị Hải Oanh, gương mặt còn lại của VN là David Thái, sinh năm 1972, nhà sáng lập kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Việt Thái quốc tế, vốn được biết đến nhiều với chuỗi nhà hàng - cà phê Highland tại các địa điểm được coi là đẹp nhất ở các thành phố lớn VN.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nổi tiếng với cuộc gặp hằng năm của những nhà lãnh đạo thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Từ năm 2004, họ lập ra giải thưởng Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu, với mục đích tạo diễn đàn kết nối những người dưới 40 tuổi, thành công trong công việc họ đang thực hiện, có ảnh hưởng lớn đến nhiều người khác. Quan trọng hơn, những người này dành sự quan tâm đặc biệt của họ để tìm cách giải quyết những thách thức của thời đại.

Năm 2009, WEF chọn bác sĩ Oanh cùng 229 người khác để trao giải, vì đánh giá cao những đóng góp của họ trong việc “định hình một thế giới mới”, mà ở đó con người cởi mở và yêu thương nhau hơn.

WEF tìm thấy Hải Oanh sau khi chị trở thành người VN đầu tiên được chọn vào nhóm nghiên cứu sinh quốc tế của Đại học Yale (Mỹ) năm 2005. Chương trình danh giá này ra đời năm 2002, là một trong những sáng kiến quốc tế hóa của chủ tịch Đại học Yale Richard C. Levin nhằm tạo ra mạng lưới toàn cầu những nhà lãnh đạo và mở rộng sự hiểu biết quốc tế.

Trong 17 người tham gia đợt nghiên cứu năm 2005, chị tự thấy mình “còi” nhất, về cả thể chất và thành tựu. “Nhưng bốn tháng đó đã gợi cho tôi rất nhiều cảm hứng. Biết những cá nhân đặc biệt xuất sắc đến từ các nước, những con người giản dị nhưng thay đổi cuộc đời của hàng ngàn người bằng những việc rất cụ thể mà vĩ đại khiến tôi thật sự tin rằng có thể công việc của tôi tại viện không đem lại tiền bạc cho những người bị kỳ thị nhưng sẽ giúp họ tự tin, vui hơn trong cuộc sống, để họ hỗ trợ con cái trưởng thành. “Think big - act small”, tôi nghĩ lớn, đặt mọi việc trong bối cảnh toàn cầu, nhưng tôi làm từng việc nhỏ và cụ thể, từng bước một”.

Một trong những việc chị làm là “trao quyền” cho họ. Chính bản thân những người bị kỳ thị đó mới là những người làm thay đổi cuộc sống của chính mình.

Đổi “màu” muộn

Chị Hải Oanh và hai con - Ảnh do nhân vật cung cấp
Hải Oanh không tạo ấn tượng ban đầu về một người lãnh đạo oai phong, hào sảng hay uy nghi. Có vẻ ngược lại. Người phụ nữ 39 tuổi này, với mái tóc cắt ngắn gọn, chiếc đầm hoa không cổ và đôi dép kẹp, vóc dáng nhỏ nhắn và giọng nói nhẹ, khiến người ta dễ liên tưởng chị là mẫu người của gia đình.

Tập trung cho các nghiên cứu về xã hội từ năm 2002, nhưng chị chỉ thật sự hiểu một xã hội lành mạnh là xã hội của những “mảng màu” khác biệt thông hiểu nhau, chấp nhận nhau khi chị sang Anh học thạc sĩ về sức khỏe sinh sản và tình dục năm 2003. “Tôi đã thay đổi rất nhiều, dù đó là sự thay đổi muộn màng. Khi tôi đã 33 tuổi”.

Vài tháng đầu, chị ngơ ngác khi thấy lớp học chỉ là “đọc tài liệu, trong các buổi thảo luận trên lớp thì sinh viên trao đổi, đưa ra ý kiến của mình” và bản thân mình thì “không biết đâu là kết luận đúng”. “Sau này tôi mới biết đó chính là dạy và học để lắng nghe ý kiến của người khác. Tôi học nhìn đa chiều”.

Chị kể trước khi tới Anh, con người chị “màu đen”, luôn tự ti, mặc cảm vì nghĩ mình không xinh đẹp, không giỏi giang, lại có những đổ vỡ trong hôn nhân. “Tuổi thơ và tuổi trẻ của tôi chỉ biết một xã hội có hai màu trắng - những người hợp chuẩn mực, và đen - những người không theo chuẩn mực. Những người trộn lẫn khác, dù nhiều, không được chấp nhận”.

Nhưng rồi những năm gắn bó với công tác xã hội khiến chị thấy mình “người hơn”, hiểu và thông cảm, có cái nhìn bao dung hơn với người khác.

Không ảo tưởng

Trong danh sách vài trăm lãnh đạo toàn cầu trẻ đến nay của WEF, VN mới có hai người. “Tôi không ảo tưởng mình vĩ đại hay lớn lao. Công việc của tôi liên quan tới một tập thể, là nỗ lực của tất cả, chẳng có gì là cá nhân cả”.

“Ai đó nói lời chúc mừng, mình nói rằng chẳng qua cái tên của mình hiện lên trong đầu nhóm bầu chọn. Khi người ta bầu cho mình, họ nghĩ đến phụ nữ, người VN, dưới 40 tuổi. Vì lý do nào đó mà tên mình hiện ra”. Chị nói thêm còn nhiều người nếu đưa lên bàn cân thì họ xứng đáng hơn chị.

Khi không đi công tác, chị trở về nhà với chồng chị là một bác sĩ người Pháp chuyên về HIV hiện đang sống ở Vientiane (Lào) cùng ba con trai. Người chồng ấy, như chị nói, chăm sóc những đứa con và kiên nhẫn chờ đợi chị sau những chuyến công tác ở VN hay nước ngoài. Một chút tự hào, chị nói chồng chị luôn cần nói chuyện và chia sẻ với chị về cuộc sống. “Anh ấy nói anh không sống khi không có em bên cạnh”. Đôi khi rảnh họ cùng nhau xem phim và khi ấy chị trở thành một người nội trợ vui vẻ với những món ăn và công việc nhà cửa mất thời gian.

Hành trình dài dằng dặc với bao khó khăn cản trở, nhưng có những người đi xuyên qua khó khăn đó. Vì họ thấy một mục tiêu rất rõ, dù nó ở xa.

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh:

- 39 tuổi, quê quán Hà Tây

- Thạc sĩ sức khỏe sinh sản và tình dục Trường Dược nhiệt đới và vệ sinh London, 2003-2004

- Nghiên cứu sinh Đại học Yale 2005

- Trưởng Phòng sức khỏe xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội

- Chủ tịch Diễn đàn xã hội dân sự hợp tác phòng chống AIDS VN (VCSPA)

- Sở thích: trò chuyện, xem phim, làm việc nhà khi rảnh rỗi

- Hiện sống với chồng là bác sĩ người Pháp tại Lào cùng ba con trai

- Thần tượng: Bác Hồ, “vì Bác là người chủ trương giải phóng phụ nữ, khích lệ dân chủ. Bác có khả năng huy động các lực lượng xã hội khác nhau cho mục tiêu chung của dân tộc”.

Nguồn http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=310945&ChannelID=119
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.