:1351:
Đã đi khá nhiều nơi, được ăn nhiều loại bánh gio (có người gọi là bánh tro), kể cả bánh gio bán rong ở ngoài đường phố, nhưng tôi thấy không ở đâu có được bánh ngon và chuẩn như bánh gio ở Đại Đồng quê tôi.
Đã thoát ly xa quê mấy chục năm rồi, trừ những năm không ăn Tết ở Việt Nam, còn cứ mỗi dịp Tết cổ truyền đến, Tết năm nào nhà tôi cũng phải có mấy cân bánh gio để nhà ăn và biếu một vài bạn bè, đồng nghiệp thân thiết. Và, để có món bánh gio hấp dẫn ấy, năm nào tôi cũng phải đặt ở quê trước Tết vài ba tháng. Ngày Tết Nguyên đán, nếu bạn đến nhà ai đó chúc Tết, bạn sẽ được mời ăn một đĩa bánh gio.
Khác với những loại bánh thông thường, để làm bánh gio, người ta phải có một quá trình chuẩn bị rất lâu để có đủ các loại nguyên liệu cần thiết cho bánh. Đầu tiên là chọn gạo: Đó là gạo nếp cái, được chọn kỹ càng từng hạt một. Người ta đổ từng chén gạo ra chiếc mâm, tãi đều, cầm một thanh tre mỏng như que đóm để gạt gạo nếp, loại bỏ những hạt gạo tẻ, hạt thóc lẫn vào - như người bán thuốc tân dược gạt đếm từng viên thuốc khi bán cho khách; chọn được một mẻ gạo nếp tinh khiết không lẫn bất cứ một thứ nào khác. Có như vậy, khi cắt bánh gio, lát bánh mới đỏ tươi, trong vắt. Ngoài gạo, nhưng vật liệu không thể thiếu được là măng tre (có nơi gọi là tay tre - được nhặt nhạnh, tích trữ từng chiếc một suốt cả năm trời để treo trong bếp cho khô đợi đến cuối năm làm bánh), vỏ quả thầu dầu, thân cây vừng, nước vôi trong, lá dong và lạt giang. Bánh được gói bằng lá dong và buộc bằng lạt giang chẻ lột mỏng.
Để làm được một mẻ bánh gio đạt tiêu chuẩn đã rất cầu kỳ, nhưng có bánh rồi, làm thành một đĩa bánh cũng cầu kỳ không kém. Vì vậy, khi mua hoặc được biếu bánh gio, người ta phải kèm theo cả thức chấm (mật mía nấu loãng), hướng dẫn sử dụng và thậm chí cả đồ cắt bánh. Để cắt bánh gio, ta phải chuẩn bị đầy đủ: Cởi chiếc lạt buộc bánh ra, tước lạt lấy một sợi nhỏ như sợi chỉ khâu, buộc hai đầu vào hai chiếc đũa để cắt bánh; lấy một chậu nước sạch để nhúng tay trước khi bóc bánh và cắt bánh; có sẵn một vài chiếc đĩa nhỏ để bày bánh (nên dùng đĩa nhỏ, có hoa văn trang trí). Trước khi bóc bánh, ta nhúng tay vào chậu nước để khi bóc khỏi bị bánh dính tay, sau khi bóc hết lớp lá bọc ngoài, đến lượt lá trong cùng, ta chỉ lột khoảng 5-7 cm, miệng cắn một chiếc đũa đã buộc sợi lạt mỏng, một tay cầm bánh, một tay cầm chiếc đũa ở đầu dây cắt kia, vòng qua khúc bánh, chỉnh độ mỏng của lát bánh, kéo mạnh hai chiếc đũa để sợi lạt cắt bánh thành một lát mỏng, hứng vào đĩa. Cứ như vậy, những lát bánh gio mỏng được bày đều một lượt trên mặt đĩa. Bóc bánh đến đâu, cắt đến đó và bày ra đĩa luôn.
Một đĩa bánh gio đạt tiêu chuẩn là: Bánh phải có màu cánh gián nhạt, trong đều, các lát cắt phải mỏng đều nhau, chỉ bày một lượt trên đĩa; để khi nhìn vào đĩa bánh phải thấy được cả hoa văn của đĩa mới đẹp. Nếu bánh có lẫn gạo tẻ, bánh sẽ không trong đều mà có vón cục màu trắng đục nhìn không đẹp và ăn mất ngon. Nếu bánh làm chuẩn rồi, nhưng người cắt không đều tay để lát dày, lát mỏng, bày chồng lên nhau thì cũng không đạt yêu cầu (vì bánh dính vào nhau, khi ăn khó lấy bánh). Khi có khách đến chơi, người ta mang những đĩa bánh ra mời, đổ một lớp mật mỏng trên bề mặt đĩa bánh, người ăn dùng dĩa lấy từng lát bánh đưa lên miệng nhai nhẹ để cảm thấy cái mát, cái thơm, cái ngọt, cái dẻo của bánh ngấm vào chân răng, quyện vào đầu lưỡi.
Nhìn đĩa bánh gio hấp dẫn, ta như thấy được cả hương vị, sắc màu của thiên nhiên, đất trời và sự cần cù, chịu khó của người nông dân hội tụ vào một đĩa bánh. Ngày Tết đầu Xuân, người ta ăn bánh gio vừa để thưởng thức hương vị của thiên nhiên, vừa có tác dụng điều hoà tiêu hoá và trong tâm lý mỗi người, đầu năm ăn bánh gio (màu đỏ) hy vọng một năm mới sẽ có đầy sức khoẻ và mọi sự may mắn trong cuộc sống.
Bây giờ ở quê, ngày Tết không phải nhà nào cũng có bánh gio bởi vì vật liệu ngày càng khan hiếm, nhất là vỏ thầu dầu và cây vừng phải mua ở miền núi (mà rừng thì đang bị người ta tàn phá), còn măng tay tre cũng trở nên hiếm hoi vì hồ ao đã và đang bị lấp dần, những luỹ tre làng đang bị chặt phá hết để người dân xây nhà ống.
Hà Nội se lạnh, có cảm giác như Tết đang đến gần. Có lẽ phải chuẩn bị về quê để đặt trước bánh gio ăn Tết, mà cũng chẳng biết Tết này có còn bánh gio để ăn nữa không...
Khuất Đình Huy
Bánh gio quê tôi
Đã đi khá nhiều nơi, được ăn nhiều loại bánh gio (có người gọi là bánh tro), kể cả bánh gio bán rong ở ngoài đường phố, nhưng tôi thấy không ở đâu có được bánh ngon và chuẩn như bánh gio ở Đại Đồng quê tôi.
Đã thoát ly xa quê mấy chục năm rồi, trừ những năm không ăn Tết ở Việt Nam, còn cứ mỗi dịp Tết cổ truyền đến, Tết năm nào nhà tôi cũng phải có mấy cân bánh gio để nhà ăn và biếu một vài bạn bè, đồng nghiệp thân thiết. Và, để có món bánh gio hấp dẫn ấy, năm nào tôi cũng phải đặt ở quê trước Tết vài ba tháng. Ngày Tết Nguyên đán, nếu bạn đến nhà ai đó chúc Tết, bạn sẽ được mời ăn một đĩa bánh gio.
Khác với những loại bánh thông thường, để làm bánh gio, người ta phải có một quá trình chuẩn bị rất lâu để có đủ các loại nguyên liệu cần thiết cho bánh. Đầu tiên là chọn gạo: Đó là gạo nếp cái, được chọn kỹ càng từng hạt một. Người ta đổ từng chén gạo ra chiếc mâm, tãi đều, cầm một thanh tre mỏng như que đóm để gạt gạo nếp, loại bỏ những hạt gạo tẻ, hạt thóc lẫn vào - như người bán thuốc tân dược gạt đếm từng viên thuốc khi bán cho khách; chọn được một mẻ gạo nếp tinh khiết không lẫn bất cứ một thứ nào khác. Có như vậy, khi cắt bánh gio, lát bánh mới đỏ tươi, trong vắt. Ngoài gạo, nhưng vật liệu không thể thiếu được là măng tre (có nơi gọi là tay tre - được nhặt nhạnh, tích trữ từng chiếc một suốt cả năm trời để treo trong bếp cho khô đợi đến cuối năm làm bánh), vỏ quả thầu dầu, thân cây vừng, nước vôi trong, lá dong và lạt giang. Bánh được gói bằng lá dong và buộc bằng lạt giang chẻ lột mỏng.
Để làm được một mẻ bánh gio đạt tiêu chuẩn đã rất cầu kỳ, nhưng có bánh rồi, làm thành một đĩa bánh cũng cầu kỳ không kém. Vì vậy, khi mua hoặc được biếu bánh gio, người ta phải kèm theo cả thức chấm (mật mía nấu loãng), hướng dẫn sử dụng và thậm chí cả đồ cắt bánh. Để cắt bánh gio, ta phải chuẩn bị đầy đủ: Cởi chiếc lạt buộc bánh ra, tước lạt lấy một sợi nhỏ như sợi chỉ khâu, buộc hai đầu vào hai chiếc đũa để cắt bánh; lấy một chậu nước sạch để nhúng tay trước khi bóc bánh và cắt bánh; có sẵn một vài chiếc đĩa nhỏ để bày bánh (nên dùng đĩa nhỏ, có hoa văn trang trí). Trước khi bóc bánh, ta nhúng tay vào chậu nước để khi bóc khỏi bị bánh dính tay, sau khi bóc hết lớp lá bọc ngoài, đến lượt lá trong cùng, ta chỉ lột khoảng 5-7 cm, miệng cắn một chiếc đũa đã buộc sợi lạt mỏng, một tay cầm bánh, một tay cầm chiếc đũa ở đầu dây cắt kia, vòng qua khúc bánh, chỉnh độ mỏng của lát bánh, kéo mạnh hai chiếc đũa để sợi lạt cắt bánh thành một lát mỏng, hứng vào đĩa. Cứ như vậy, những lát bánh gio mỏng được bày đều một lượt trên mặt đĩa. Bóc bánh đến đâu, cắt đến đó và bày ra đĩa luôn.
Một đĩa bánh gio đạt tiêu chuẩn là: Bánh phải có màu cánh gián nhạt, trong đều, các lát cắt phải mỏng đều nhau, chỉ bày một lượt trên đĩa; để khi nhìn vào đĩa bánh phải thấy được cả hoa văn của đĩa mới đẹp. Nếu bánh có lẫn gạo tẻ, bánh sẽ không trong đều mà có vón cục màu trắng đục nhìn không đẹp và ăn mất ngon. Nếu bánh làm chuẩn rồi, nhưng người cắt không đều tay để lát dày, lát mỏng, bày chồng lên nhau thì cũng không đạt yêu cầu (vì bánh dính vào nhau, khi ăn khó lấy bánh). Khi có khách đến chơi, người ta mang những đĩa bánh ra mời, đổ một lớp mật mỏng trên bề mặt đĩa bánh, người ăn dùng dĩa lấy từng lát bánh đưa lên miệng nhai nhẹ để cảm thấy cái mát, cái thơm, cái ngọt, cái dẻo của bánh ngấm vào chân răng, quyện vào đầu lưỡi.
Nhìn đĩa bánh gio hấp dẫn, ta như thấy được cả hương vị, sắc màu của thiên nhiên, đất trời và sự cần cù, chịu khó của người nông dân hội tụ vào một đĩa bánh. Ngày Tết đầu Xuân, người ta ăn bánh gio vừa để thưởng thức hương vị của thiên nhiên, vừa có tác dụng điều hoà tiêu hoá và trong tâm lý mỗi người, đầu năm ăn bánh gio (màu đỏ) hy vọng một năm mới sẽ có đầy sức khoẻ và mọi sự may mắn trong cuộc sống.
Bây giờ ở quê, ngày Tết không phải nhà nào cũng có bánh gio bởi vì vật liệu ngày càng khan hiếm, nhất là vỏ thầu dầu và cây vừng phải mua ở miền núi (mà rừng thì đang bị người ta tàn phá), còn măng tay tre cũng trở nên hiếm hoi vì hồ ao đã và đang bị lấp dần, những luỹ tre làng đang bị chặt phá hết để người dân xây nhà ống.
Hà Nội se lạnh, có cảm giác như Tết đang đến gần. Có lẽ phải chuẩn bị về quê để đặt trước bánh gio ăn Tết, mà cũng chẳng biết Tết này có còn bánh gio để ăn nữa không...
Khuất Đình Huy