Việc DN xăng dầu tự nguyện giảm giá là điều khó có thể xảy ra - Ảnh: D.Đ.Minh
Lỗ vì tỷ giá tăng, chưa đủ điều kiện để giảm giá... đó là một số trong nhiều lý do để các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho rằng chưa thể giảm giá xăng thời điểm này, dù giá xăng A92 nhập khẩu bình quân 30 ngày qua đã giảm xuống còn 79,4 USD/thùng, giảm khoảng 3 USD so với thời điểm tăng giá bán lẻ cách đây 1 tháng. Xem thêm những tin tuc về Tin The gioi và Chinh tri Xa hoi. Cập nhật nhanh và liên tục!
Có thể giảm ít nhất 200 đồng/lít xăng
Ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu VN (Petrolimex) cho biết mỗi lít xăng nhập khẩu doanh nghiệp (DN) này đang lãi khoảng 200 đồng, “mức lãi này chưa đủ điều kiện để giảm giá”, ông Dũng nói. Theo ông Dũng, giá nhập khẩu quan trọng, nhưng không quyết định hoàn toàn việc tăng hay giảm giá trong nước, mà còn phụ thuộc vào các tác động chi phí khác. Cụ thể, ở đợt điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ vừa qua của Ngân hàng Nhà nước VN, cứ mỗi 1 USD nhập khẩu khiến DN này phải tốn thêm 300 đồng, và hiện Petrolimex đã lỗ khoảng 400 tỉ đồng do điều chỉnh tỷ giá.
Petrolimex đang chiếm trên 60% thị phần kinh doanh xăng dầu. Các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khác đều cho rằng một khi Petrolimex chưa giảm giá họ vẫn phải chờ.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, hiện tại các DN xăng dầu đã lãi ít nhất 500 đồng/lít xăng. Do đó, mức giảm giá từ 200 - 300 đồng/lít xăng là hoàn toàn trong khả năng. Ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Sài Gòn Petro, cũng cho biết giá cơ sở đang thấp hơn 200 đồng/lít so với giá bán lẻ, có thể giảm ít nhất 200 đồng/lít xăng. Tuy nhiên, có giảm giá xăng thực hay không thì DN này lại không khẳng định.
Trong khi đó, đại diện một DN đầu mối xăng lớn phía Nam cho hay họ sẵn sàng giảm giá với điều kiện khoảng cách các lần tăng/giảm giá từ 30 ngày theo quy định phải điều chỉnh thành 10 ngày, tức trong 10 ngày tới nếu giá thế giới tăng, DN cũng phải được quyền tăng giá bán lẻ.
Trở lại với lần tăng giá xăng gần đây nhất (ngày 9.8), giá cơ sở Petrolimex tính toán là 82 USD/thùng (giá cơ sở ngày 9.7 là 81,37 USD/thùng), tức giá xăng A92 nhập khẩu bình quân gia quyền 30 ngày tăng không đáng kể. Tuy nhiên, thời điểm đó Petrolimex kêu đã lỗ tới 600 đồng/lít xăng và tăng giá thêm 410 đồng/lít.
Câu chuyện kêu lỗ để tăng giá hay chưa đủ bù lỗ để biện minh cho việc chưa giảm giá đã là điệp khúc quen thuộc của các DN kinh doanh xăng dầu. Theo các chuyên gia, dù giá cơ sở được tính toán trên các số liệu công khai, nhưng rất khó kiểm soát các mức giá mà DN đưa ra cũng như lỗ lãi thực tế của DN là đến đâu. Ngay cả định mức chi phí kinh doanh 600 đồng/lít (mức tối đa theo Thông tư số 234 của Bộ Tài chính) ở mỗi DN cũng rất khác nhau. Có DN như Sài Gòn Petro cho rằng, mức chi phí này thực tế còn cao hơn, có thể tới 700 - 800 đồng/lít xăng, đẩy lợi nhuận định mức xuống còn 100-200 đồng/lít.
Tuy nhiên, một chuyên gia khác thì cho rằng cách tính chi phí kinh doanh, thù lao cho đại lý của các DN đang quá cao. DN cũng vin vào việc bị lỗ do điều chỉnh tỷ giá, nhưng các đầu mối xăng dầu luôn được ưu tiên mua USD với giá thấp hơn thị trường.
Khó chờ DN tự nguyện
Trao đổi với báo chí, đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng Nhà nước sẽ không can thiệp, DN được tự quyết giá theo quy định của Nghị định 84. Nhưng bất cập của nghị định ở chỗ, khó chờ đợi được DN tự nguyện giảm giá.
Theo TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, DN kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận, để DN tự quyết định thì chẳng có DN nào tự nguyện giảm giá. “Vấn đề vẫn nằm ở cơ chế, vì giá thế giới hạ DN đâu có hạ, phải “áp” thật mạnh DN mới chịu hạ. Xăng dầu vẫn là lĩnh vực độc quyền, nếu Petrolimex chỉ chiếm dưới 30% thị phần thay vì trên 60% như hiện nay sẽ là vấn đề khác. Petrolimex hiện vừa giữ vị thế thống lĩnh thị trường, vừa được quyền ra giá”, ông Long nói.
Mai Hà