Chuyện kể lịch sử Trung quốc về Khuất Nguyên

quocnamk

New member
6 Tháng hai 2009
9
0
0
2023
Khuất Nguyên ái quốc đầu giang

Nghe Online

Sau khi bị nước Tần đánh bại, nước Sở đã mất đi một vùng đất đai rộng lớn ở Trung Nguyên và thường xuyên bị nước Tần ức hiếp. Sở Hoài Vương muốn thay đổi cục diện này, đã cử đại phu Khuất Nguyên sang xin lỗi và kết lại liên minh Tề Sở.

Khuất Nguyên tên Bình, là một quý tộc hoàng thất nước Sở, là nhà thơ yêu nước vĩ đại và nhà chính trị, nhà tư tưởng kiệt xuất trong lịch sử TQ. Ông được học hành từ thời thơ ấu, giỏi về văn chương thơ phú, thời còn trẻ đã làm quan tới chức Tả Đồ Đại Phu.

Khuất Nguyên xuất sứ nước Tề đã làm tròn sứ mệnh. Ông đã phát huy tài ngoại giao của mình, khiến hai nước Tề Sở lại khôi phục liên minh. Tần Vương Chiêu Tương sau khi được tin Tề Sở lại liên minh với nhau, trong lòng thấp thỏm không yên, mới viết một lá thư cho Sở Hoài Vương, giả vờ thừa nhận nước Tần có lỗi và mời Sở Hoài Vương đến gặp mặt ở Vũ Quan. Sở Hoài Vương cầm thư của vua Tần mà như cầm bọc kim trên tay, do dự không quyết, nếu không đi thì sợ đắc tội với nước Tần, mà đi thì lại sợ nước Tần không thủ tín, nếu có mưu kế gì thì mình thật khó mà đảm bảo tính mạng. Nhà vua bèn triệu tập các đại thần lại thương nghị. Khuất Nguyên nói: "Nước Tần vốn hung hăng như hổ sói, không hề có chút tín nghĩa, nước ta không chỉ một lần bị chúng ức hiếp, đại vương chớ nên đi, đi thì tất sa vào cạm bẫy". Nhưng công tử Lan thì một mực khuyên vua cha nên đi và nói rằng: "Trước kia, ta coi nước Tần là kẻ thù, rút cuộc bị chết khá nhiều người, lại mất cả đất đai, nay nước Tần chủ động giao hảo, thì ta làm sao lại có thể từ chối được ?". Sở Hoài Vương tin nghe lời công tử Lan, liền lên đường đi sang nước Tần.

Nhưng sự việc xảy ra đúng như lời Khuất Nguyên đã nói, Sở Hoài Vương vừa đặt chân đến Vũ Quan nước Tần, thì bị binh mã nước Tần vây bắt rồi áp giải về Hàm Dương. Vua Tần bức Sở Hoài Vương cắt nhượng đất ở Kiềm Trung, Sở Hoài Vương không chịu liền bị giam lỏng ở nước Tần, đến lúc này nhà vua mới hối hận đã không nghe lời của Khuất Nguyên. Một năm sau, Sở Hoài Vương vì quá uất ức rồi mất ở nước Tần. Khuất Nguyên được tin nhà vua bị mất ở nơi đất khách quê người thì vô cùng thương xót, liền viết bài thơ "Chiêu Hồn".

Thái tử Hoành lên nối ngôi, tức Sở Khoảnh Tương Vương, nhà vua ngu si đần độn, không hề nghĩ tới thù nhà nợ nước, suốt ngày chỉ chìm ngập trong tửu sắc, không đoái hoài tới việc triều chính, Khuất Nguyên thấy vậy lòng dạ như lửa đốt, đã liên tiếp viết tấu chương, khuyên nhà vua hãy chiêu nạp hiền tài, cải cách nội chính, thao luyện quân mã để đợi thời cơ báo thù nước Tần. Nhưng tấu chương của Khuất Nguyên có khác nào trâu đất lăn xuống biển, không hề nhận được tin tức gì. Thì ra các bản tấu chương đều rơi vào tay công tử Lan, Lặc Thượng v v, chúng quay ra căm ghét Khuất Nguyên, rồi tìm đủ mọi cách nói xấu Khuất Nguyên trước mặt nhà vua, khiến Khuất Nguyên bị đầy đến một miền đất hoang ở phía nam sông Trường Giang.

Khuất Nguyên ôm ấp chí lớn cứu nước cứu dân, ngược lại bị gian thần bài xích, nên trong lòng rất bất bình, khi đến bên sông Mịch La ở Tiêu Tương, ông thường men theo bờ sông vừa đi vừa ngâm vịnh những bài thơ do mình sáng tác, trong những năm tháng lưu vong ấy, ông cùng người địa phương cày cấy, cuộc sống rất kham khồ, ông đã viết được nhiều bài thơ nổi tiếng như Ly Tao, Quất Tụng, Cửu Chương v v, trong đó Ly Tao là nổi tiếng nhất. Trong thơ ca của mình, ông đã nguyền rủa lũ gian tham bán nước, ca ngợi người quân tử chính trực, gửi gắm lòng yêu nước vô hạn của mình vào từng gốc cây ngọn cỏ của nước Sở.

Do lâu năm bị đầy ải, khiến tinh thần của Khuất Nguyên bị vùi dập, nhưng ông vẫn kiên nhẫn chịu đựng, quyết không khuất phục trước thế lực gian tà. Ông hy vọng vua Sở sẽ thay đổi ý định, triệu ông về để cứu nhà nước khỏi cơn nguy khốn. Nhưng thời gian cứ thấm thoát trôi qua, sự mong đợi của Khuất Nguyên đều hóa thành bong bóng, khiến lòng ông bi phẫn đến cực độ.

Một hôm, Khuất Nguyên đến dạo bên bờ sông Mịch La, ông vừa đi vừa ngâm vịnh thơ ca của mình, thì có một dân chài nhận ra ông và hỏi rằng: "Ông có phải là Tam Lư đại phu Khuất Nguyên đó không? Làm sao lại đến nông nỗi này?". Khuất Nguyên đáp: "Có khá nhiều người rất bẩn thỉu, nhưng tôi là một người trong sạch. Có khá nhiều người đã uống say, duy có tôi là vẫn tỉnh táo, nên mới bị phát vãng tới đây". Ngư ông nói; "Ông hà tất phải tự cho mình thanh cao, không chịu theo gió bẻ măng, bằng không làm gì đến nông nỗi này". Khuất Nguyên phản bác rằng: "Áo mặc trên người rất sạch sẽ, nào ai muốn lăn vào vũng bùn để làm nhơ bẩn nó? Tôi thà nhảy xuống sông để nuôi cá, còn hơn là đi đồng lõa với bọn gian nịnh để chà đạp nước Sở".

Năm 278 trước công nguyên, đại tướng Bạch nước Tần dẫn quân tiến đánh nước Sở, rồi chiếm được Ảnh Đô. Khuất Nguyên vì không muốn nhìn thấy nước Sở sa vào cảnh diệt vong, liền ôm một tảng đá rồi nhảy xuống sông Mịch La sóng nước cuồn cuộn, dân chúng địa phương nghe tin, đều hò nhau chèo thuyền đến để vớt xác Khuất Nguyên, nhưng không sao tìm thấy nữa, tức thì họ liền đổ gạo xuống sông, những mong cá không động chạm đến thân xác của Khuất Nguyên.

Đến mùng 5 tháng 5 năm sau, người dân địa phương lại chèo thuyền ra giữa sông, đem gạo trong ống bương đổ xuống nước để tế Khuất Nguyên. Về sau, người ta đã dùng thuyền rồng thay thế cho thuyền con, dùng bánh tro thay thế cho gạo tế. Hoạt động cúng tế này còn giữ mãi đến ngày nay và gọi là Tết Đoan Ngọ. Những bài thơ yêu nước của Khuất Nguyên, được người đời sau chỉnh lý thành cuốn "Sở Từ" và lưu truyền đến ngày nay.