Kỷ luật lao động - Nếp sống công nghiệp

Khuất Đình Huy

Super Moderator
18 Tháng chín 2009
208
0
0
Kỷ luật lao động - Nếp sống công nghiệp
Vừa rồi về quê, vào một quán bia hơi Việt Hà tôi gặp lại Thành - con trai của người thầy giáo dạy cấp II cũ. Thành là người ngày xưa Thầy giáo đã nhờ tôi cho đi công nhân, đưa đi học đại học và hiện đang làm chủ nhiệm công trình xây dựng giao thông. Khi tôi hỏi “Về nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật à”? Thành nói “Nghỉ mấy hôm về gặt giúp vợ”, rồi than thở: “Công việc đang rất bận, yêu cầu tiến độ gấp mà công nhân nghỉ, bỏ về quê gặt giúp gia đình hết cả anh ạ - Hết quân, em cũng buộc phải nghỉ mấy ngày...”
Nghe Thành tâm sự, tôi lại nhớ đến chuyện của ông bạn đồng tuế, đồng môn hồi phổ thông. Anh vốn là một chủ thầu xây dựng có tiếng, nhưng hôm họp lớp hồi phổ thông (chúng tôi định hình họp lớp 10 phổ thông hằng năm vào ngày 30/4 ở quê) thì lại thấy anh toàn nói chuyện, giảng giải về đồ điện dân dụng. Khi được hỏi, anh tâm sự là: “Ngày xưa đi làm, thợ tìm mình xin việc, bây giờ mình chiều thợ như “chiều vong” mà vẫn không xong việc. Ai đời tiến độ công việc đến ngày đổ bê tông thì đồng loạt công nhân xin nghỉ về quê ăn Tết Trung thu; thế là việc chậm, mình mất uy tín với chủ công trình, con anh em cứ vô tư ăn Tết ở quê vài ba ngày mới túc tắc quay trở lại làm việc. Kỷ luật ư, vâng! Em đi chỗ khác...” Qua nhiều lần bị như vậy, anh đã bỏ nghề xây dựng chuyển sang làm điện dân dụng.
Ở các khu công nghiệp lớn từ Bắc vào Nam, tình trạng công nhân - gốc nông nghiệp - về quê ăn Tết Nguyên đán rồi không trở lại làm việc đã và đang là nỗi khổ về nhân lực cho mỗi doanh nghiệp.
Từ thực trạng trên đặt ra một vấn đề lớn cần giải quyết đối với các doanh nghiệp và đối với cả người lao động trực tiếp - gốc nông nghiệp - nữa, đó là: Kỷ luật lao động và nếp sống công nghiệp. Đối với lao động tự do, lao động thời vụ, những người có tay nghề khá thông thường là do tích luỹ kinh nghiệm qua làm việc lâu năm chứ không phải do được đào tạo bài bản. Do vậy ý thức kỷ luật lao động rất kém bao gồm: Việc chấp hành giờ giấc, tinh thần gắn kết đồng đội, trách nhiệm cá nhân đối với doanh nghiệp, chất lượng công việc và kỷ luật an toàn lao động... Đây chính là điểm khác biệt giữa lao động tự do với lao động kỹ thuật được đào tạo chính quy. Cũng chính vì yếu tố tự do và sự hạn chế về ý thức kỷ luật lao động nên đối với những người thợ tự do thường công việc không ổn định, dẫn đến thu nhập thấp và cuộc sống không ổn định.
Còn đối với các doanh nghiệp, do đặc thù sản xuất theo dây chuyền nên việc tuyển dụng ồ ạt lao động phổ thông, chỉ qua một thời gian ngắn hướng dẫn kiểu “cầm tay chỉ việc” là họ có thể làm được việc theo yêu cầu tối thiểu. Ở mỗi người lao động trong khi chưa hình thành được tác phong, kỷ luật lao động công nghiệp, thì lại luôn tiềm tàng tác phong, suy nghĩ, ý thức lao động của người “con nông nghiệp”. Người lao động do tay nghề hạn chế, thu nhập thấp, đời sống không được đảm bảo nên không có ý thức gắn bó “sống còn” với doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, họ sẽ thường trực ý nghĩ và hành động theo ý thức đó, là “Sống ngày Tết, chết ngày giỗ, em phải về quê ăn cỗ đã - Bố mẹ em bảo phải về - Em không làm chỗ này thì làm chỗ khác...”
Ở các vùng quê của chúng ta, thực trạng này còn đang rất phổ biến. Rất mong các bạn trẻ Họ Khuất hãy xác định cho mình một hướng, học lấy một nghề để có việc làm ổn định. Hạnh phúc có từ cuộc sống, cuộc sống có là do làm việc.
Hà Nội cuối tuần
Khuất Đình Huy