Kỷ niệm về ngày 20/11

Khuất Đình Huy

Super Moderator
18 Tháng chín 2009
208
0
0
Kỷ niệm về ngày 20/11

“Dù có đi bốn phương trời”, những học trò của ngày xưa chúng ta vẫn luôn nhớ và biết ơn công lao của các thầy cô đã từng dạy dỗ, nhất là mỗi dịp đến ngày 20/11.

Sáng ngày 19/11/2010, đứng trên cửa sổ phòng làm việc, tôi vô tình nhìn thấy các em học sinh xúm quanh nhau đóng phong bì chuẩn bị vào hội trường chúc mừng các thầy cô (chắc hôm nay có một trường nào đó thuê hội trường để làm mít tinh kỷ niệm ngày “Nhà Giáo Việt Nam”); các em thảo luận, băn khoăn khi thì định đút từ 200 ngàn, khi thì thêm vào 100 ngàn nữa, rồi lại có em gạt tay bỏ bớt ra, em khác thì có ý thêm nữa vào... Tôi chợt nhớ đến những ngày học phổ thông ngày xưa đi chúc mừng các thầy cô nhân ngày 20/11.
Thủa ấy, chúng tôi đã duy trì hàng chục năm trời việc đến thăm các thầy, cô. Hằng năm, cứ đến ngày “Nhà Giáo Việt Nam”, lớp chúng tôi lại họp bàn về việc tổ chức góp tiền mua quà để đến nhà thăm và chúc mừng các thầy cô. Thường thường lớp cử các bạn lớp trưởng, lớp phó, cán sự môn, quản ca... đại diện cho lớp đến nhà các thầy cô để chúc mừng. Đầu tiên là đến nhà thầy cô chủ nhiệm lớp, sau đó là các thầy cô bộ môn. Quà chúc mừng đối với học sinh cấp I, cấp II là một bó hoa tươi (thời đó ở nông thôn, hoa còn hiếm lắm, chúng tôi phải đạp xe đi hơn chục cây số mới mua được), một túi hoa quả, chủ yếu là cam vì hoa quả, bánh trái lúc bấy giờ cũng không nhiều và phong phú như bây giờ. Đến năm cấp III, ngoài hoa tươi, túi quả trái còn có thêm một tấm vải áo hoặc vải quần để biếu thầy, cô may quần áo.
Đã mấy chục năm qua rồi, nhưng hầu như chúng tôi còn nhớ mãi những kỷ niệm nho nhỏ khi mỗi lần đến nhà thầy cô chúc mừng. Sau khi xếp hàng chúc thầy (hoặc cô) và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc và chào mừng nhân dịp “Ngày Nhà Giáo Việt Nam”, thầy (cô) mời chúng tôi ngồi uống nước, nói chuyện và bổ những quả cam của những người đến chúc trước chúng tôi, mời chúng tôi ăn. Thậm chí có thầy cô còn mua cả bánh kẹo để sẵn ở nhà để mời học sinh khi các trò đến chúc mừng. Thầy (cô) chuyện trò, hỏi han tình hình học tập chung, tình hình hoàn cảnh, sức khỏe cha mẹ của các học sinh, kể chuyện gia đình thầy... cho chúng tôi nghe. Thầy cũng nhắc nhở một số bạn học tốt cố gắng kèm cặp các bạn còn mải chơi, lơ là học tập, nhắc mọi người cần cố gắng tập trung học để được lên lớp, không phụ công lao của bố mẹ và các thầy cô đã nuôi dạy học trò chúng tôi. Có những học sinh cá biệt hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn, hầu như thầy (cô) đều biết, hỏi thăm và gửi lời động viên học trò. Những câu chuyện của thầy, của các trò thường kéo dài rất lâu, chan hòa, gần gũi và đầm ấm đầy tình tình nghĩa Thầy – Trò... Ngoài dịp 20/11, dịp Tết Nguyên đán hàng năm, chúng tôi cũng tổ chức thành đoàn như vậy để đến nhà chúc Tết các thầy cô. Đặc biệt, trong những dịp Tết, lễ, hầu như không bao giờ có chuyện cha mẹ chúng tôi đến nhà chúc Tết, lễ các thầy cô.
Bây giờ, mỗi dịp Tết, lễ đến, hầu như các gia đình có con cái đang đi học đều phải chuẩn bị lo từ rất sớm: Nào là chuẩn bị sắp xếp thời gian để kịp đi trước ngày 20/11 bởi mỗi người một việc, nhiều người đi công tác xa, công việc bận rộn...; rồi chuẩn bị tiền để mua hoa, mua quà và tiền phong bì... để đưa con đến nhà chúc mừng thầy cô. Tôi thấy đối với nhiều bậc phụ huynh, những ngày đi Tết, lễ thầy cô thực sự là những ngày vất vả... thường mỗi gia đình chỉ có một vợ hoặc chồng đi tùy theo sự phân công, nhưng cũng có gia đình cả vợ và chồng đều phải chia nhau đi. Ở nông thôn cả làng đều biết nhau nên dễ tìm, dễ hỏi thăm nhà thầy cô. Còn ở thành phố, khó hỏi khó tìm, nhiều khi có gia đình đi tìm cả buổi tối mà vẫn chẳng thấy được nhà, chẳng gặp được thầy cô để tặng quà, chúc mừng, cuối cùng đành về không và để hôm sau đi sớm cho kịp trước ngày lễ. Một vấn đề nữa luôn được các bậc phụ huynh băn khoăn là tiền phong bì: Thầy cô chủ nhiệm nên bao nhiêu thì hợp lý, thầy cô bộ môn “quan trọng” thì để bao nhiêu là “vừa”? rồi năm ngoài đưa biếu như vậy, nhưng năm nay vàng lên giá, trượt giá thì đưa bao nhiêu là hợp lý? Đưa nhiều thì hoàn cảnh nhiều gia đình không có, để ít thì khó nghĩ??? Hiện nay, với một gia đình công nhân viên chức hưởng lương, có hai con đang đi học, với trách nhiệm đi thăm của mỗi con là 3 thầy cô, tính cả tiền quà, tiền phong bì cũng thường chi từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng.
Việc gia đình học sinh ngày nay trực tiếp đến nhà chúc mừng các thầy cô nhân dịp Tết, lễ đã trở thành thông lệ. Ngày trước chỉ có học sinh chúng tôi đi thăm chúc mừng thầy cô, nhưng không hẳn là gia đình không quan tâm đến việc học hành của con cái; chúng tôi chỉ có bó hoa và chút quà chúc mừng nhưng tình cảm thầy trò vẫn luôn đằm thắm sâu sắc,thầy cô hiểu trò và học trò quý mến, kính trọng thầy cô. Bây giờ sự vận động đi lên của cuộc sống – xã hội cũng có tác động đến mối quan hệ thầy trò, học sinh, phụ huynh và thầy cô đều phải điều chỉnh cho phù hợp. Nếu nói “văn hóa phong bì” là cầu nối phải có cho quan hệ thầy trò mỗi khi đến chúc mừng thầy cô các dịp Tết lễ thì có vẻ không xuôi mặc dù nó đang diễn ra và có vẻ hợp lý nhất. Chúng ta thử tưởng tượng, nếu không dùng phong bì, cứ mối gia đình một bó hoa, một túi quả (hoặc bánh) đến biếu thầy cô, thì trong dịp Tết lễ, chắc nhà các thầy cô sẽ có quá nhiều quà biếu mà trong đó nhiều thứ không có nhu cầu dùng tới. Trong khi đời sống của giáo viên hiện nay nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn thì tại sao chúng ta không dùng quà chúc mừng là phong bì tiền, để thầy cô chủ động, tùy ý mua những thứ cần thiết cho bản thân và gia đình? Vậy là “Văn hóa phong bì” đã trở thành quà biếu gọn nhẹ, hợp lý và hữu ích nhất đối với cả phụ huynh học sinh và các thầy cô.
Dù sao, hoa quả, phong bì cũng chỉ là hình thức chúc mừng của học sinh và các bậc phụ huynh đối với các thầy cô giáo nhân ngày Tết, lễ. Dân ta có câu “không thầy, đó mầy làm nên”, tất cả chúng ta ai cũng đều có thầy cô đã từng dạy dỗ mình và tình cảm kính trọng của học trò đối với thầy cô là mãi mãi. Xin chúc mừng các thầy cô giáo nhân ngày “Nhà giáo Việt Nam”, đặc biệt là các thành viên là giáo viên của họ Khuất chúng ta.