Mối nguy hiểm của uống rượu, bia khi tham gia giao thông

Khuất Đình Huy

Super Moderator
18 Tháng chín 2009
208
0
0
Tháng An toàn giao thông quốc gia năm 2011 được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động với chủ đề: “Phòng, chống uống rượu, bia với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông”.
Uống rượu, bia - một “tâm lý ăn nhậu bất khả cưỡng”: Ăn, uống là nhu cầu hết sức bình thường của mỗi con người chúng ta. Ngoài những bữa cơm bình thường hàng ngày ở mỗi gia đình; trong mối quan hệ xã hội, con người ta còn ăn uống với nhiều lí do khác nhau như: Ăn uống khi gặp gỡ giao lưu bạn bè, ăn uống khi gặp gỡ bàn chuyện với đối tác (mà lẽ ra việc này phải diễn ra ở công sở...), ăn uống chức mừng, chào mừng các sự kiện vui như sinh nhật, cưới xin, nhà mới, lên chức lên lương... và cả ăn uống khi có người gặp sự không may để “chia buồn”...
Khác với “sự ăn uống truyền thống”, hiện nay ở khắp mọi nơi từ thành thị đến nông thôn, bất kể sáng, trưa, chiều, tối và đêm - bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào chúng ta cũng đều thấy mọi người ăn nhậu với đủ mọi lý do và kể cả không có lí do. Khắp nơi nổi lên một phong trào “nhà nhà bán hàng ăn, rượu bia; người người ăn nhậu rượu, bia”. Người bình dân thì nhậu kiểu bình dân, VIP nhậu kiểu VIP...; đàn ông nhậu, đàn bà cũng nhậu; người già nhậu và thanh niên, thiếu niên cũng đều ăn nhậu... Trong mỗi quán nhậu, rượu bia nổ bôm bốp và những tiếng hò hét “một, hai, ba... dô”, rồi tiếng hét ép nhau uống, nhậu hết mình. Cùng một nhóm người, hôm nay gặp mặt, ngày mai lại hội ngộ, ngày kia lại tái ngộ. Bất chấp thiên hạ có lo lắng trăn trở bởi bão giá, vì khủng hoảng hay lạm phát, mọi người ăn nhậu vẫn cứ vô tư hồ hởi nâng cốc, chạm ly bởi sự ăn uống bây giờ hình như đã vượt qua sự cầu no hay ngon, mà đã và đang trở thành một nhu cầu về thói quen, một tâm lý ăn nhậu và là một niềm vui sống bất khả cưỡng thì phải. Tại Hà Nội, buổi trưa thì còn chưa đông, buổi chiều vào giờ tan tầm hiện nay ở các quán nhậu là cả một rừng người và mọi người khi đã bước chân vào quán là phải uống, uống hết mình và uống “như chưa bao giờ được uống”! Tôi còn nhớ, một lần mời anh bạn ở Đức lâu năm mới về phép đi uống bia hơi buổi trưa, nhìn thấy một rừng người đang đứng ngồi uống bia chúc tụng nhau, anh ta thốt lên: “Dân Việt Nam mình bây giờ ăn nhậu thật khủng khiếp! thế những người này không đi làm việc à?”
Những số liệu đáng lưu ý: Theo kết quả nghiên cứu về “Tình hình lạm dụng bia, rượu tại Việt Nam” của Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế công bố mới đây đã báo động tình trạng uống rượu, bia quá mức của người Việt Nam: Trung bình một người đàn ông uống 6,4 chén rượu/ngày và 26,1 chén/năm. Bình quân người đàn ông uống 15,8 lít bia/năm và 3,9 lít rượu/năm. So với quy định về lạm dụng rượu, bia của Tổ chức Y tế Thế giới thì người VN đang lạm dụng rượu 18%, bia là 5%. Độ tuổi bình quân bắt đầu biết đến mùi rượu bia là 24 tuổi. Thời gian lý tưởng nhất để uống là buổi tối song vẫn có tỉ lệ đáng kể uống vào buổi sáng, buổi trưa. Đáng lưu ý là dân nhậu thường uống rượu nấu thủ công (chiếm 95%), uống bia nhà máy chỉ khoảng 40%, còn lại là uống các loại bia "cỏ" của cơ sở tư nhân - một loại đồ uống rất khó nói về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm!!!
Cũng qua khảo sát, lứa tuổi nghiện rượu từ 30-50, chiếm 64,25%; đối tượng nghiện rượu chủ yếu là cán bộ, công nhân chiếm 89%, có trình độ học vấn cấp 2 chiếm 64%. Thói quen sử dụng nhiều loại rượu: 89%. Ở các nước có thu nhập cao, có 20% số trường hợp chết vì tai nạn giao thông đường bộ là do sử dụng rượu bia khi điều khiển các phương tiện cơ giới tham gia giao thông. Ở các nước có thu nhập thấp, tỷ lệ này là từ 33% - 69%. Qua khảo sát tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội: 62% số nạn nhân bị TNGT đường bộ có nồng độ cồn cao trong máu (cao nhất 458 mg/100 ml máu, gấp chín lần cho phép); bình quân cả nước có 12 nghìn người chết/năm và 32 người chết/ngày vì TNGT, trong đó hơn 23% do sử dụng rượu, bia gây nên.
Biện pháp hạn chế TNGT do uống rượu, bia, một bài toán khó giải: Để hạn chế TNGT do rượu bia cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó yếu tố ý thức - văn hóa của người TGGT là quan trọng nhất. Ý thức tự giác của mỗi người tham gia giao thông phải hiểu rõ được sự nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện giao thông trong khi mình đã uống rượu, bia với nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép. Mỗi người cần cương quyết từ chối uống rượu bia nếu sau đó phải lái xe và chỉ điều khiển phương tiện khi đã đủ tỉnh táo và bảo đảm sức khỏe. Ðối với những người ngồi trên xe có trách nhiệm nhắc nhở cũng như phản đối những người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia.
Cùng với ý thức tự giác của người điều khiển phương tiện khi TGGT là tăng cường các biện pháp cưỡng chế: Tăng cường sự kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông, có trang bị thiết bị đo nồng độ cồn bảo đảm đạt tiêu chuẩn để thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn, tập trung ở thời gian cao điểm (buổi trưa, buổi chiều tan tầm) và ở những khu vực có nhiều cửa hàng bia, rượu, có thể xảy ra nhiều TNGT. Tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Áp dụng biện pháp mạnh như tước giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với những trường hợp gây TNGT khi nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở vượt quá mức cho phép. Trong khi ý thức của người TGGT còn hạn chế thì việc tăng cường các biện pháp cưỡng chế là cần thiết và quan trọng để góp phần giảm thiểu TNGT do rượu, bia.
Để nâng cao ý thức tự giác của người TGGT, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền rộng rãi các quy định về nồng độ rượu, bia khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông (quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy là 50mg/100ml hoặc 0,25mg/1 lít khí thở và bằng 0 đối với người điều khiển xe ô-tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng). Tăng cường tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành vi cho người TGGT; đặc biệt là công tác tuyên truyền ở các vùng miền, địa phương có phong tục tập quán uống rượu nhiều trong các dịp lễ Tết... Tăng cường các biện pháp phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn; thực hiện các biện pháp khuyến cáo trên sản phẩm hoặc những nơi kinh doanh rượu, bia về tác hại của uống nhiều rượu, bia khi TGGT...
Việc hạn chế TNGT do sử dụng rượu, bia là vấn đề của toàn xã hội cần có sự phối hợp đồng bộ với nhiều biện pháp của mỗi cá nhân, gia đình, địa phương và các cơ quan chức năng; nhưng quan trọng nhất và trước hết phải là ý thức tự giác không uống rượu, bia quá mức quy định của mỗi người khi TGGT để đảm bảo ATGT cho mình và mọi người trên mỗi tuyến đường.
Anh em họ Khuất nhà mình, qua nhiều lần liên hoan gặp mặt thì thấy "bia lượng" cũng đều vào "hạng trung" cả! Còn về khoản "nhậu" thì có lẽ vào chung hạng với tửu lượng. Được một điều là những lần liên hoan gặp mặt thường chỉ làm ngắn gọn trong tầm nửa buổi sáng đến gần hết buổi chiều thôi. Còn uống thì từ Trưởng ban cho đến anh em, mọi người đều rất "chừng mực" nên chua thấy ai "xơi" quá dăm chục vại bia và vài chục li rượu cả. Còn về mật độ, cứ mỗi năm vài ba lần là hợp lý.
Tai nạn giao thông là một kiểu gây và tạo thương tích rất vô lý, rất bực mình và gây thiệt hại không đáng có - Nhất là khi xẩy ra TNGT do uống bia rượu say nữa lại càng vô lý và bực mình. Rất mong anh em nhà mình luôn an toàn trên mỗi nẻo đường mỗi khi dắt xe ra khỏi nhà tham gia giao thông.
Sắp cuối năm rồi, không biết Trưởng ban LL phía Bắc có chương trình chào mừng Quốc khánh không nhỉ? Chắc lại bia hơi gặp mặt thôi!