Ngày Chạp Mả ở quê tôi : Thôn Phú Thụ, xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, Hà Nội

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
48
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
Bài viết của chú Khuất Văn Liêm gửi BQT Diễn đàn, Xin mới các ACE cùng đọc.


Hàng năm, cứ vào sáng ngày Mồng Một Tết Dương lịch là ở quê tôi nhà nhà đều tỏa ra đồng đi Chạp Mả (tức là Tảo Mộ). Mộ phần các cụ được táng rải rác khắp các cánh đồng, nằm xen kẽ nhau, có những ngôi của cùng một gia đình, một dòng họ nhưng cách nhau đến bốn, năm cây số. Từ sáng sớm, khi sương còn chưa tan, ngoài đồng người đã đi như mắc cửi. Đàn ông trừ một vài người ở nhà giết lơn mổ gà, còn lại là ra đồng. Từ các cụ ông bảy tám mươi, đến những đứa con trai mới sáu bảy tuổi, người vác cuốc, người cầm hương, vừa đi đường vừa chuyện trò rôm rả. Ở quê tôi xưa nay trên mộ không có bia ghi
tên. Các cụ bảo rằng người già đi để chỉ cho bọn trẻ biết vị trí, đồng thời dạy chúng cách vun đắp, trồng cỏ, thắp hương phần mộ của tổ tiên ông bà. Rồi lũ trẻ lớn lên, lại chỉ bảo cho các thế hệ sau. Các gia đình, các dòng họ gặp nhau chào hỏi ríu rít. Bao nhiêu nỗi ưu phiền, kể cả những trục trặc trong quan hệ thường nhật, hôm nay bỗng dưng bay đi đâu hết.

Phong tục Chạp Mả ở quê tôi không biết có từ bao giờ, nhưng trước đây cứ vào dịp cuối năm mỗi dòng họ, thậm trí mỗi chi họ làm vào một ngày khác nhau. Cách đây khoảng hai chục năm, “bếp” họ Khuất Văn nhà tôi (thôn Phú Thụ, xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) có sáng kiến chọn ngày Một Tết Dương lịch để con cháu đều được nghỉ, đồng thời hàng năm không phải thông báo, những người ở xa cứ đến ngày đó thì rủ nhau mà về. Các “bếp”, các họ khác thấy hợp lý, cũng lần lượt lấy ngày này. Dần dần, cách đây khỏang bốn năm năm, cả làng tôi, rồi nhiều làng xung quanh, và nay thì nhiều xã quê tôi đã chọn ngày 01 Tết Dương lịch làm ngày Chạp Mả.

Qua sinh hoạt này, ngoài ý nghĩa tâm linh, thờ cúng tổ tiên, uống nước nhớ nguồn, bà con trong xóm làng được gặp gỡ, gần gũi nhau hơn. Trẻ con thì biết dần các mối quan hệ họ hàng, anh em, làng xóm.
Thanh niên được dịp giao lưu, tìm hiểu lẫn nhau, … Đây là một nét đẹp văn hóa. Tôi nghĩ, nét đẹp này sẽ còn mãi mãi cùng Họ Khuất, cùng quê hương yêu quý của chúng ta.

Khuất Văn Liêm, 23/12/2012