Ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng Mười tháng Ba âm lịch, từ một lễ hội truyền thống từ xa xưa đã trở thành ngày Quốc giỗ của Việt Nam.
Theo truyền thống, người Việt Nam có phong tục thờ cúng tổ tiên và tổ chức ngày Giỗ Thường (hay còn gọi là ngày Cát Kỵ) để tưởng nhớ người đã mất, vì vậy thờ cúng tổ tiên và làm Giỗ đã trở thành “Quốc đạo”. Đối với dân tộc Việt Nam, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày “quốc Giỗ” để tưởng nhớ đến công lao dựng nước và giữ nước của các vị Vua Hùng. Từ xa xưa, nhân dân ta đã có câu:
Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba.
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng, Phú Thọ vào ngày mùng 10 tháng Ba âm lịch hàng năm là một lễ hội văn hóa tâm linh truyền thống của dân tộc đã có lịch sử từ xa xưa. Theo lịch sử ghi lại thì đã có hai lần nhà nước chính thức quy định lấy ngày mùng Mười tháng Ba âm lịch là ngày Quốc Giỗ.
Vào năm 1917, triều Nguyễn - đời Vua Khải Định - lấy ngày Mười tháng Ba hằng năm làm ngày “Quốc tế” (Quốc lễ, Quốc giỗ); trong văn bia Hùng miếu điển lệ bi đã ghi rõ: “... Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn bị ngày Quốc tế tại miếu Tổ Hùng vương là ngày mùng Mười tháng Ba hằng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán từ ngày mùng Chín. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…”.
Năm 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06/01/2001, quy định về quy mô và nghi lễ tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng hằng năm, ngày hội lớn của cả nước quy tụ cộng đồng dân tộc Việt Nam khắp mọi miền ở trong nước và nước ngoài, trong đó nêu rõ:
- Năm lẻ: Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thông tin dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội;
- Năm tròn: Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự lễ dâng hương;
- Năm chẵn: Bộ Văn hoá - Thông tin và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự lễ dâng hương.
Lễ hội gồm có hai phần là phần lễ và phần hội, riêng lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương có một đặc thù riêng là trọng phần lễ hơn phần hội bởi trong ngày lễ hội, tâm tưởng của mọi người về là tham dự Giỗ Tổ, hướng về tổ tiên cội nguồn với sự tôn kinh và lòng biết ơn “Uống nước nhớ nguồn” đối với tổ tiên đã có công dựng nước và giữ nước. Trong ngày lễ, các làng xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đều có cỗ bày lễ vật dâng cúng. Phần lễ thực hiện theo trình tự sau tế lễ của Nhà nước là lễ của nhân dân. Phần hội gồm các trò chơi dân gian như đánh vật, đu tiên, ném còn, cờ người, bắn cung nỏ và biểu diễn hai làn điệu dân ca độc đáo của vùng đất Châu Phong là hát xoan, hát ghẹo...
Theo quy định của Chính phủ thì năm 2011 là năm lẻ, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay sẽ do Ủy ban Nhân dân tỉnh phú Thọ chủ trì tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thông tin dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội.
Để tạo điều kiện cho nhân dân có thời gian đi lễ hội trong ngày Giỗ Tổ, từ đầu năm nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Thông báo số 24/TB-BLĐTBXH ngày 06/11/2011 về việc hoán đổi ngày làm việc của cán bộ công nhân viên chức, mọi người đi làm vào thứ Bảy (ngày 9/4/2011, tức ngày mùng Bảy tháng Ba năm Tân Mão) để nghỉ liền 3 ngày từ 8/4 đến hết ngày 10/4/2011.
Chỉnh sửa lần cuối: