Những ngày rét hại... ngày xưa

Khuất Đình Huy

Super Moderator
18 Tháng chín 2009
208
0
0
Khu vực Hà Nội mấy ngày đầu năm dương lịch rét hại. Đường phố trở nên vắng hơn bởi những người không có việc cần thiết phải ra đường đều chọn giải pháp ở nhà để tránh cái rét 9-10 độ. Ngoài đường, xe cộ đi lại có vẻ vội vã hơn - chắc cũng là để tránh cái rét... Mọi người đều lụ xụ trong các bộ quần áo chống rét dày cộm... Trộm nghĩ, nếu chẳng may có ai bị ngã chắc không phát nổi tiếng "bịch" vì đã có quần áo dày để "giảm âm" rồi???
Rét, buốt, gió lạnh... Ngồi trong phòng làm việc, nhìn mọi người co ro đi lại, chợt nhớ đến ngày xưa, ở quê, những người làm nông trong những ngày rét hại... Ngẫm ra mới biết không có gì khổ bằng đói - rét, mà sự đói thì thường kèm theo rét và ngược lại...
Đói ăn, cơ thể thiếu lực, khả năng chịu rét càng kém; đã đói ăn thì khả năng để mua sắm áo rét mặc cho ấm áp cũng không có, càng rét; đã thiếu đói rồi, đêm đi ngủ, bụng thì đói, lại không có tiền mua chăn ấm, nệm êm, càng rét, càng khó ngủ, càng đói...
Còn nhớ: Những ngày mưa phùn gió bấc, giá rét cắt tím thịt da, bà con vẫn phải xuống đồng để cấy cho kịp vụ, kịp xong trước Tết để nghỉ ngơi sắm Tết cho thong thả. Có lẽ chỉ đám học sinh gốc ở nông thôn đều thuộc và mới cảm nhận được đầy đủ nhất những câu thơ của Tố Hữu trong bài "Bầm ơi": "Bầm ơi có rét không bầm/Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn/Bầm ra ruộng cấy bầm run/Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non...".
Còn nhớ: Những ngày rét đậm, rét hại, gió thổi vù vù trên cánh đồng vắng, mấy đứa rủ nhau ra đồng, cởi quần dài buộc lên cổ, quần đùi, đeo giỏ, vác nơm đi bắt cá "điếng nước". Lúc đầu vừa thò chân xuống ruộng, chân chạm vào nước mà cảm thấy như có trăm cái kim châm vào ống chân và cái buốt xốc thấu lên tận óc. Qua làn nước trong vắt, lũ trẻ giương mắt nhìn xuống đáy ruộng, tìm những con cá rô, cá giếc, cá quả, cá trê dầm mình trong bùn tránh rét, chỉ thò cái đầu ra ngoài... là úp nơm chụp xuống bắt lấy cá. Có nhiều con "điếng nước", đờ ra như đã chết, chỉ cần thò tay xuống tóm lấy và đút vào giỏ... Khi mang cá về nhà, múc nước giếng lên, thả cá vào, một lúc sau, nước giếng ấm áp làm lũ cá lại hồi tỉnh bơi tung tăng như chưa từng bị ngất xỉu vì lạnh.
Còn nhớ: mẻ cá thập cẩm bắt về chỉ thường là kho, nướng và ít khi rán vì không có mỡ... Vậy mà khi cá nướng đã cháy lớp vảy, mùi thơm bốc lên, tỏa ngào ngạt thơm lừng cả xóm. Bữa ăn có cơm nóng, cá nướng chấm mắm sao mà ấm, mà thơm, mà ngọt, mà bùi, mà béo, mà ngon, mà ngọt đến tận chân răng... đến nhớ đời vậy. Thế mà bây giờ, từ quán cá Thùy Linh đến Toàn thắng, đến chợ hải sản Sầm Sơn, đến đặc sản Gió Biển, đến cả những quán cá đồng ngóc ngách ở Thổ Quan, ở Thái Hà... đều chẳng mang lại được một phần cảm giác, khẩu vị của những bữa cá đồng thập cẩm, ít ỏi nướng vội ăn trong buổi cơm chiều Đông ngày xưa ở quê ấy? Bây giờ ngồi ăn, gọi món, nhìn cá, mọi người cả chủ và khách đều "động viên" nhau: Cá đồng xịn đấy??? Vậy mà ăn vẫn không thấy "có cái kiểu" của cá đồng!!!
Còn nhớ: Rét buốt, một vài con trâu không chịu nổi, không có điều kiện được che chắn kỹ nên gục ngã - gọi là "trâu quỵ". Cái "đầu cơ nghiệp" ấy được quyết định cho thịt, rồi mỗi nhà được chia cho một ít nào thịt, nào xương, nào lòng... Những ngày đó, người già thì buồn vì mất con trâu, nhưng bọn trẻ thì hân hoan vì được đi xem thịt trâu, được chén một bữa thịt "ngập răng" cho bõ những ngày đói thịt. Thịt trâu mang về chủ yếu là được chế biến theo cách là phép cộng của Xào - Rang và Nấu. Không gia vị, chả có hành tây, tỏi tây, cần tây... chỉ có chút gừng và tỏi ta bỏ vào. Vậy mà nồi thịt trâu lõng bõng ấy là cả một món đặc sản - đặc sản sịn - chứ không như đặc sản tôm, cua, ốc ếch bây giờ. Chiều Đông, cơm nóng gạo mới, miếng thịt "trâu quỵ" ấy sao mà thơm, béo, ngọt lịm đến vậy; có cảm giác như là nuốt miếng thịt bào bụng, thịt trôi đến đâu biết đến đó!!! Bây giờ, cũng giống như những món cá đồng bán ở quán, vào ăn thịt trâu đặc sản dọc Đại lộ Thăng Long, hay dọc các tuyến đường đi các tỉnh trung du, miền núi sao mà cứ nhàn nhạt, nhàn nhạt...
Kinh tế xã hội phát triển, đời sống cả thành thị và nông thôn đổi mới nhiều, nhưng riêng ở thôn quê, dù rét vẫn có người ra đồng đi cấy như ngày xưa, nhưng họ không có những món ăn có được cảm giác ngon như ngày xưa nữa. Những tháng cuối năm cỗ bàn triển miên, cá thịt ngập mâm, nhưng hầu như không bao giờ nghe thấy một câu xuýt xoa "ngon quá" ở trong mâm cỗ nữa.
Chiều rét hại, ngồi nhớ mơ màng đôi chuyện này xưa, chợt giật mình ngẫm nghĩ: Chiều nay không biết về nhà ăn món "đặc sản" gì đây nhỉ???