Tư tưởng Nho gia

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
48
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
Thuyết nhân, ái thông, hòa của Nho gia

Học thuyết nhân của Nho gia có thể gọi là học thuyết nhân, ái, thông, hòa. Đó là tinh hoa của Nho học và tinh hoa này có thể cung cấp cơ sở tư tưởng quan trọng cho sự chuyển đổi và phát triển cao hơn của văn minh nhân loại.

Khổng Tử quy định nội hàm của nhân là ái nhân (yêu người). Còn Mạnh Tử cho đó là lòng trắc ẩn hoặc gọi là lương tâm. Nhân là một loại tình yêu của loài người, là sự đồng tình rộng lớn. Con người sinh ra trong tình yêu lớn lên trong tình yêu, bởi thế tất nhiên có lòng yêu, chỉ khác nhau ở rộng, hẹp, mạnh, yếu mà thôi. Nếu mất lòng yêu thì con người ấy cũng không còn nhân tính. Lòng nhân ái là viên đá làm nền cho mọi hành vi đạo đức. Bồi dưỡng ái tâm, mở rộng ái tâm là công trình nền tảng xây dựng văn minh, đạo đức. Đối với xây dựng luân lý phổ biến mà nói, nhiệm vụ cấp bách nhất, khó khăn nhất là mở rộng ái tâm ra toàn nhân loại. Thông thường, người ta không khó thực hiện yêu gia đình, yêu dân tộc, yêu quốc gia, yêu đồng đao song khó hơn là vượt khỏi những giới hạn đó để yêu nước khác, yêu dân tộc khác bởi vì họ cảm thấy quan niệm và quyền lợi hai bên có xung đột hoặc cách xa nhau quá, không liên quan gì với nhau. Thực ra lợi ích chung của nhân loại càng ngày càng lớn hơn mâu thuẫn và chia rẽ giữa họ do vậy, đề xướng tình yêu nhân loại càng có tính tất yếu. Nho gia nhấn mạnh “người trong bốn biển đều là anh em" coi thiên hạ như một nhà thì đời sống xã hội của loài người mới tiến tới hòa bình, ổn định.

Khổng Tử cho rằng kẻ nhân yêu người phải thể hiện bằng đạo trung, thứ. Nói theo cách khắng định thì đó là "kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân" (bản thân muốn đứng được trong xã hội thì cũng làm cho người khác đứng vững, bản thân muốn việc gì cũng thông suốt thì làm cho việc của người cũng thông suốt như thế), như vậy là trung. Nói theo cách phủ định thì “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (cái gì mình cũng không muốn thì chớ có đùn cho người khác) vậy là thứ. So với trung thì thứ có tính nền tảng và phổ biến hơn, là mực thước tối thiểu để xã hội loài người duy trì được trật tự bình thường. Đạo trung, thứ của Nho gia dùng tương đối nhiều vào việc tu dưỡng đạo đức cá nhân ngày nay, chúng ta nên mở rộng trung, thứ thành chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc chính trị giữa các dân tộc và quốc gia khiến cho trung, thứ khắp thế giới. Đặc biệt, đạo trung, thứ cần được thực hiện trong hành vi chính trị có như thế thì mọi tranh chấp quốc tế và xung đột ở từng miền mới dễ dàng giải quyết hoặc tránh được như vậy có lợi cho tất cả mọi người.

Đạo trung, thứ cần phối hợp với học thuyết thông hòa với hai quan niệm cơ bản: một là hòa, hai là thông. Hòa là sư thể hiện tinh thần nhân ái khi xử lý những khác biệt giữa con người, thông là con đường để thực hiện hòa. Không Tử nói: "Lê chi dụng, hòa vi qúy”. Quy định về lễ có làm người ta khác nhau nhưng không nên khiến người ta xa lánh, đối kháng nhau, mà nên giữ được quan hệ hài hòa giữa những sự khác nhau đó. Đạo nhân ái không đưa cái đơn phương cho người. không đòi hỏi người khác sống theo kiểu của mình mà tôn trọng tính đặc thù, tính độc lập của người khác, khiến đôi bên không đối kháng nhau mà phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau. Quan niệm hòa của Nho gia là một quan niệm đạo đức phù hợp nhất với nhân tính. Đó cũng là một quan niệm văn hóa và một quan niệm chính trị, bởi Nho gia chủ trương khoan đung về đạo đức đa dạng về văn hóa, hòa bình về chính trị. Nhờ quan niệm chủ hòa ấy của Nho gia mà Trung Quốc có truyền thống khoan dung, đôn hậu tốt đẹp, trong lịch sử từng có bách gia tranh minh. Nho và Đạo bổ trợ lẫn nhau ba đạo Nho, Phật, Lão dung hợp với nhau, không có bi kịch chiến tranh đổ máu vì tín ngưỡng bất đồng luôn giữ được thế cộng đồng đoàn kết, thống nhất giữa nhiều dân tộc. Đó chính là nhờ có cống hiến của Nho gia.

Quan niệm thông được nêu ra nhằm đối ứng với trạng thái tắc. Thông là đánh thông, liên hệ, bình đắng, cởi mở, giao lưu, hiểu biết lẫn nhau. Chu dịch cho rằng tinh thần dịch có thể "cảm hóa, thông suốt khắp thiên hạ". Một nhà tư tưởng thời cận đại là Đàm Tự Đồng có làm sách Nhân học, trong đó ông viết: " Thông là nghĩa đầu tiên của nhân là thông”, “hình tượng của thông là bình đẳng". Thông có bốn nghĩa: một là "thông trong, ngoài”, hai là "thông trên, dưới", ba là "thông nam, nữ", bốn là "thông người, ta”. Người nhân đương nhiên yêu người nhưng không thông thì chưa thật sự yêu. Xã hội tắc mà không thông thì nhất định là xã hội nghèo nàn, lạc hậu, ngu tối, tuy có ý nguyện yêu thương đấy nhưng không thực hiện được. Còn xã hội khai thông thì tất nhiên công, thương phát đạt chính trị thông dân chúng hòa, văn hóa, giáo dục phồn vinh, tự do bình đẳng. Cho nên mới có nhận định: "Phân biệt nhân và không nhân thì cần xem thông hay tắc". Từ đó có thể thấy rằng, quan niệm thông bao gồm cả dân chủ hóa về chính trị, quốc tế hóa về kinh tế, đa dạng hóa văn hóa, bình đẳng về nhân cách đạo đức. Từ góc độ luân lý mà xét, thông vừa là một thái độ đạo đức, vừa là phương pháp thực tiễn của đạo đức, thông có tinh thần hiện đại hơn cả những yêu cầu khác của đạo đức. Hòa là mục tiêu, thông là biện pháp thực hiện, vì hòa mà thông, thông rồi sau đó mới hòa, hai đằng kết hợp với nhau không thể cắt chia. Không thông hiểu thì không thực sự hài hòa được.

Ngày nay, vận dụng thông vào văn hóa tức là dùng đối thoại về văn minh để thay thế xung đột về văn minh, mở rộng giao lưu, học tập lẫn nhau cùng chung sức giữ gìn sự muôn màu muôn vẻ của cuộc sống tinh thần trên toàn thế giới. Vận dụng thông, hòa vào đạo đức nhân loại tức là phá bỏ tính hẹp hòi thích gây họa cho người, mở rộng lòng yêu nước, yêu dân tộc mình tới nước khác, dân tộc khác, thực hiện bác ái thực sự: ít nhất cũng uốn nắn lại tâm lý thù hận dân tộc hoặc nhóm người.

Thuyết nhân, ái, thông, hòa của Nho gia còn nên mở rộng thành triết học sinh thái nhân loại thời nay, dùng để xử lý mối quan hệ giữa xã hội loài người và hoàn cảnh tự nhiên. Nho gia hủ trương mở rộng lòng yêu đến vạn sự, vạn vật, để xuất tư tưởng "người nhân là cùng một thể với vạn vật trong thiên hạ". Người có lòng nhân thì tâm của họ không chỉ tương thông với nhân loại, mà còn tương thông với động vật và thực vật. Tấm lòng bác ái ấy là một phần không thể thiếu làm nên sự phát dục lành mạnh của nhân tính.

Như vậy, thuyết nhân, ái, thông, hòa của Nho gia có thể đạt tới ba loại hài hòa: hài hòa giữa người và thiên thiên, hài hòa giữa người với người, hài hòa trong nội tâm của con người. Ba loại hài hòa này gắn liền với hạnh phúc mai sau của nhân loại. Bởi vậy, đó là một học thuyết vĩ đại, xứng đáng được toàn thế giới tôn trọng và quan tâm, khiến cho học thuyết đó phát huy được tác dụng vốn có trong cuộc sống hiện thực.
 

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
48
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
HỌC VẤN NGƯỜI QUÂN TỬ.
Quan niệm Nho giáo xưa chia con người ta thành hai hạng chính là quân tử và tiểu nhân. Để cho mọi cá nhân hoàn mỹ, nền văn hoá cổ đưa ra hàng loạt khái niệm quan trọng: nhân, đức, lễ, hiếu, nghĩa nhằm ràng buộc, chế ngự hành vi con người, mong muốn con người nhanh chóng được hoàn thiện.

Cần phải hiểu rõ các danh từ riêng quân tử và tiểu nhân thì mới biết xã hội xưa đã đề cao nhân cách cao đẹp trong cuộc sống biểu hiện qua tư duy biểu đạt, giáo dục và hành vi của bậc chính nhân quân tử. Con người ta đi trên đường đời cũng giống như người lữ khách nhìn thấy trước mặt rất nhiều lối rẽ phải lựa chọn. Nếu đi đường thẳng quang minh thì sẽ đến đích suôn sẻ, nếu đi đường cong queo sẽ lạc bước sa chân, vì thế người quân tử bao giờ cũng xác định chọn đường thẳng, còn kẻ tiểu nhân toàn chọn những đường gấp khúc ngoắt ngoéo. Hai danh từ chủ yếu trong các sách vở, ngôn từ, sinh hoạt cổ này thoạt đầu chỉ đề cập đến địa vị trong xã hội, về sau mở rộng nghĩa ra thành người quân tử luôn đàng hoàng, phẩm cách cao thượng. hiên ngang chính đại, vì nghĩa quên thân, kẻ tiểu nhân chí khí bạc nhược, hèn hạ cúi luồn, hám lợi bỏ nghĩa. Ngay cả trong những người có văn hoá giáo dục, cũng vẫn chia làm hai loại là nho quân tử và nho tiểu nhân Nho quân tử là người học và làm theo đạo thánh hiền, lo tư thân sửa mình để hoàn thiện nhân cách chứ không nghĩ học lấy bằng cấp chỉ cốt lấy nghề kiếm ăn. Người quân tử làm việc dựa vào sức mình là chính, làm sai điều gì trước hết phải tự trách mình rồi sửa mình, khi thấy việc thiện thì phải cố làm cho được thấy điều ác thì phải sợ hãi tránh xa. Muốn học làm quân tử cần phải thành thực, không bao giờ tự lừa dối mình mà làm hại sự hiểu biết của chính bản thân và biết giữ chất phác trong nội dung và văn hoá ngoài hình thức.

Đối với một người nhân nghĩa trung chính thì học vấn là điều tối quan trọng. Người quân tử bao giờ cũng muốn có đức'' nhưng phải có học thì cái đức mới có giá trị bởi nhân, trí tín trực dũng, cương đều là đức tốt cơ bản để tư thân, nhưng nếu chỉ muốn đức mà không muốn học để hiểu lý lẽ hay dở, đúng sai thì rất sai lầm. Muốn nhân lại bị tình cảm chi phối, che mờ đi thành ra ngu tối. Muốn trí lại bị ham muốn phân tâm thành mông lung. Muốn tín lại cố chấp hẹp hòi đâm ra ích kỷ. Muốn trực lại bị nóng nảy khống chế đâm ra ngang ngạnh. Muốn dũng lại không kiềm chế được thành ra bạo loạn. Muốn cương nhưng cố bảo thủ kiểu gàn dở đâm ra ngông cuồng... hậu quả của việc có đức nhưng không có học vấn là vậy. Sự học cũng như việc trồng lúa, có cây lúa mọc lên không tốt, có cây mọc tốt lại không có hạt. Người đi học thì có người học mãi vẫn không giỏi, có người giỏi thì đức lại không ra gì, vì thế mà con người ta cần giáo dục bồi đắp, tu dưỡng đạt được cả tài và đức. Người đi học thì phải say mê thì mới mong tiến bộ, nhất là đừng vội đặt ra mục đích cầu danh, kiếm lợi thì kiến thức mới sâu sắc, chắc chắn.

Người quân tử phải chuyên tâm nghiên cứu mọi diều hay, điều tết trên lý thuyết và trong thực tế cuộc sống chứ không phải học vẹt, khoe mồm chỉ biết nghe qua tai rồi nói ra miệng lấy mẽ thì học kiểu gì cũng vô bổ. Khổng tử còn cho rằng: "Người quân tử có ba điều lo nghĩ không thể không xét đến. Trẻ mà không học thì khi lớn lên không có tài năng gì. Già mà không chỉ dạy người, khi chết rồi không ai tưởng nghĩ đến mình. Khi giàu có mà không đem của giúp người thì lúc cùng quẫn không ai giúp mình. Cho nên người quân tử lúc trẻ nghĩ đến tuổi già mà lo học, lúc già nghĩ đến cái chết mà lo dạy người, lúc thịnh nghĩ đến lúc suy mà lo giúp người". Sách Đại học xưa cũng dạy rằng: từ vua đến dân ai cũng phải lây tự sửa mình làm gốc vì kết quả học vấn là biểu hiện rõ nhất của phép tu thân. Muốn hoàn thiện mình, quan trọng nhất phải giữ được tâm và ý. Giữ được tâm cho chính tức là không bị chi phối và điều khiển của tức giận, sợ hãi, vui say. Còn khi tâm đã loạn thì mắt trông không thấy, tai nghe không hiểu, mồm ăn không biết mùi vị. Giữ được ý cho thành nghĩa là không bao giờ tự lừa dối mình, đối với mọi việc đều thành thực như như ghét mùi thối, yêu sắc đẹp. Nho giáo lấy thành ý là chìa khóa của phép tư thân. Khi đã biết cách sửa được mình thì biểu hiện đầu tiên là không làm điều gì bất thường, trái đạo, không dùng lời nói khéo mà hại đạo đức, không nóng nảy làm bậy, không bo bo tính lấy lợi ích của riêng mình, tuy ai cũng muốn có phẩm giá nhưng không được dựa trên danh lợi phi nghĩa. Đã là người quân tử thì không bao giờ thấy điều lợi mà bỏ việc nghĩa, nếu làm việc phi nghĩa mà được phú quý thì đành chịu bần tiện còn hơn. Sách Luận ngữ nhận xét: "Quân tử lo nghĩ giữ đức hạnh, tiểu nhân chỉ nghĩ đến địa vị mình. Quân tử nghĩ sợ pháp luật, tiểu nhân chỉ nghĩ đến sự lợi lộc. Quân tử có tính cách trung hoà mà không a dua bè phái, tiểu nhân thích a dua bè phái mà không có tính dung hoà". Vì vậy mà trong mọi hoàn cảnh, người quân tử đều tím thấy niềm vui kể cả khi ăn gạo hẩm, uống nước lã, nằm đất. Ngoài ra, người quân tử có học vấn thật sự còn biết tuỳ vị trí và cảnh ngộ của bản thân để ứng xử cho đúng. Phú quý thì hành lễ theo cách phú quý, bần tiện thì hành xử theo cảnh bần tiện, gặp người hoang dã thì đối xử theo cách hoang dã, khi lâm nạn thì hành động theo cảnh ngộ hoạn nạn. Trong mọi lúc, mọi nơi, mọi điều kiện đểu biết cách ứng xử cho thích hợp, đó là thành quả của học vấn, hiểu biết, giáo dục trong đối nhân xử thế của người quân tử, như Mạnh tử đã nói: “Người quân tử lấy đức nhân làm nhà ở, lấy đức nghĩa làm đường đi, lấy lễ làm cửa. Chỉ có mỗi người quân tử mới có thể đi đường ấy, ra vào cửa ấy mà thôi"
 

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
48
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG HỌC THUYẾT NHO GIÁO
CỦA KHỔNG TỬ VÀ PHÉP TRỊ NƯỚC

*Nguyễn Xuân Tế
( PGS.TS, Phó Hiệu trưởng Trường Cán Bộ TP. Hồ Chí Minh)


Nho giáo của Khổng Tử được du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc và ảnh hưởng của nó vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay. Cùng với Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo của Không Tử đã tác động, chi phối nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội (kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, luân lý… ). Không phải ngẫu nhiên mà một số nhà khoa học được giải thưởng Nobel đã cho rằng, nhân loại muốn tồn tại được trong thế kỷ XXI, cần phải tìm học triết lý của Khổng Tử. Còn học giả William James Durant, trong cuốn “The story of civilisation” đã nhận xét: Càng hiểu biết về Nho giáo và người sáng lập ra Nho giáo là Khổng Tử, chúng ta càng ngạc nhiên khi thấy những lời giáo huấn của ông rất ít bị lỗi thời trước những tiến bộ như vũ bão của khoa học và những biến đổi của thời thế.
Thật vậy, cho đến nay nhiều tư tưởng, quan niệm về xã hội, con người, đạo đức, giáo dục… của Khổng giáo vẫn còn giá trị và mang tính thời sự. Vì vậy, việc nghiên cứu và trao đổi về những ảnh hưởng của học thuyết này trong xã hội ta hiện nay là việc làm cần thiết, hữu ích.
Khổng Tử tên là Khâu, tự là Trọng Ni, sinh năm 551 TCN tại huyện Khúc Phụ, nước Lỗ, nay thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Sinh ra và lớn lên ở thời Xuân Thu – thời kỳ rối ren, loạn lạc trong lịch sử Trung Quốc cổ đại. Đó là thời đại “vương đạo suy vi, bá đạo nổi lên”, chế độ tông pháp nhà Chu đảo lộn, đạo lý nhân luân suy đồi, các nước chư hầu tranh giành lẫn nhau, trăm dân rơi vào bể khổ. Khổng giáo ra đời nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội: “chuyển loạn thành trị” và đi đến “trị quốc, bình thiên hạ”.
Những tư tưởng sâu sắc của Khổng Tử về thế giới, về xã hội, về con người, đặc biệt là học thuyết “Chính Danh” và đạo đức đã đưa ông lên tầm cao của nhà triết học thông thái, nhà chính trị tài ba và nhà giáo dục nổi tiếng.
Có thể nói, mục đích chủ yếu của Khổng giáo là tu kỷ (đạo đức, luân lý) và nhân trị (chính trị). Trong lĩnh vực đạo đức, “nhân” được Khổng tử coi là nguyên lý đạo đức cơ bản quy định bản tính con người và quan hệ giữa người với người từ gia đình đến xã hội. Như vậy, “nhân” có ý nghĩa sâu sắc, bao quát mọi mặt của đời sống con người, lúc trừu tượng khái quát, khi thì cụ thể sinh động, tùy hoàn cảnh mà biểu hiện ra một cách khách quan. Chẳng hạn, khi Nhan Uyên hỏi thế nào là nhân Khổng tử nói: “Sửa mình theo lễ là nhân” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 1). Phan Trì hỏi về nhân, Khổng Tử đáp: “Khi ở nhà thì giữ gìn cho khiêm cung, khi làm việc thì kính cẩn, khi giao tiếp với người thì trung thành. Dù đi tới các rợ Di, Dịch cũng không thể bỏ qua được ba cái đó” (Luận ngữ, Tử lộ, 19). Theo đó, có thể hiểu nhân là cái đức của con người, còn gọi là “đức nhân”.
Theo Khổng Tử, đạt được “đức nhân” không phải là dễ. Người đạt được “đức nhân” ở bậc cao nhất là thánh nhân, điều này ở trên đời khó có thể thấy được; người đạt được “đức nhân” ở bậc thứ là quân tử, ở đời này có thể thấy được. Từ đây, có thể thấy rằng, nhân cách mô phạm của Khổng giáo là người quân tử. Người quân tử , theo đạo Khổng là con người hoàn thiện mang tính lý tưởng hội đủ cả ba yếu tố: Nhân, trí, dũng. Đó là con người “chỉ lo đạo mà không lo nghèo” (luận ngữ, Vệ linh công, 31). “cái gì biết thì nói là biết, cái gì không biết thì nói là không biết, đó là biết vậy” (Luận ngữ, Vi chính, 17).
Là một nhà chính trị, Khổng Tử phản đối việc nhà cầm quyền dùng luật pháp, hình phạt để cai trị dân. Ông cho rằng, nguyên nhân làm cho xã hội loạn lạc, dân tình khổ sở là do không “chính danh”, muốn xã hội ổn định và phát triển thì phải giáo hoá đạo đức và thực hiện “chính danh, định phận”. “Chính danh, định phận” là làm mọi việc cho ngay thẳng, người nào có địa vị, bổn phận chính đáng của người ấy cứ thế mà làm, trên dưới, vua tôi, cha con, chồng vợ trật tự được phân minh, “Vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho ra con” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 11). Khi Tử Lộ hỏi về chính trị, Khổng Tử đáp: Muốn trị nước, trước hết phải thực hiện “chính danh”, bởi vì “nếu không chính danh thì lời nói sẽ không đúng đắn, lời nói không đúng đắn sẽ dẫn đến việc thi hành sai… Cho nên nhà cầm quyền xưng danh thì đúng với phận, với nghĩa, đã xưng danh đúng với danh phận, thì phải tùy theo đó mà làm” (Luận ngữ, Tử Lộ, 3).
Là một nhà giáo dục, Khổng Tử cho rằng tri thức không phải ngẫu nhiên mà có, nó chỉ có được khi người ta chịu khó học tập, tu dưỡng. Nếu không học thì dù có thiện tâm, nhân đức, trung tín đến dâu cũng bị cái ngu muội, phản loạn che mờ (Luận ngữ, Dương hoá, . Mục đích của học, theo Khổng Tử không chỉ để biết đạo, “khắc kỷ phục lễ vi nhân” mà điều quan trọng là để làm quan, tham gia chính sự quốc gia. Ông chỉ rõ: “Trong lúc xã hội rối ren, không ra làm quan không phải là người nhân” (Luận ngữ, Dương Hoá, 1). Trong quá trình dạy học, Khổng Tử tập trung rèn luyện trí tuệ cho các môn sinh cách thức, phương pháp suy luận sáng tạo và tinh thần mẫn nhuệ. Ông đòi hỏi người học phải nỗ lực không mệt mỏi: “Kẻ nào không cố công tìm hiểu ta chẳng dạy cho, kẻ nào không bộc lộ được tư tưởng của mình, ta chẳng khai sáng cho, kẻ nào ta bày một mà không biết hai ta chẳng dạy nữa” (Luận ngữ, Thuật Nhi, .
Tóm lại, trong học thuyết Nho giáo của Khổng Tử, các khái niệm “chính danh, định phận”, “nhân, lễ, trí, dũng” có nội dung rất phong phú và luôn thâm nhập, tác động, chi phối mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng luôn cố gắng giải đáp những vấn đề thực tiễn lịch sử – xã hội đặt ra. Tuy nhiên, trong xã hội loạn lạc, “vương đạo suy vi, bá đạo nổi lên”, chiến tranh triền miên… thì “nhân tri” (“đức trị”) cũng bộc lộ những hạn chế của mình. Điều này không làm giảm đi giá trị của Khổng giáo. Học giả Will Durant nhận xét rằng, Khổng Tử chỉ thành công khi ông đã qua đời, nhưng sự thành công ấy thật là trọn vẹn, một dân tộc luôn tự hào về nền văn hiến của mình đã coi ông như một vị thánh sư, đúng là một hiện tượng ly kỳ cổ kim chưa từng có.
Một số học giả Trung Quốc cho rằng, trong đạo Khổng có cái gì cố chấp, nghiêm khắc trái với những xung đột tự nhiên của con người. Tuy nhiên, không nên chê trách Khổng Tử về tất cả những hạn chế nói trên, bởi không ai lại đòi hỏi một triết gia phải suy xét và giải quyết tất cả mọi việc trong hàng thế kỷ. Khi nghiên cứu Khổng giáo, Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng, song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học. Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu hái được những hiểu biết quý báu của đời trước để lại” . Nghị quyết Trung ương II (Khoá VIII) của Đảng đã nhấn mạnh: “Bước vào thời kỳ đổi mới, chúng ta phải nêu cao tinh thần độc lập tự chủ… chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ chính là nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống Nhân, Trí, Dũng, nhân lên gấp bội sức mạnh của cả dân tộc trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá…”.
 

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
48
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
Thầy của Khổng tử
(Trích Luận ngữ Tân thư )

Tục nhân lỡ một người thầy thì ôm hận suốt đời. Thánh nhân lỡ một người thầy thì ôm hận nghìn thu. Tục nhân ôm hận vì không gặp cơ hội được trên người. Thánh nhân ôm hận vì cảm thấy có lỗi nặng với những đời sau. Việc hôm nay, té ra có nguyên do từ bao đời trước nữa. Ví dụ cái chuyện thật, giả của muôn đời. Muôn đời thật thà là món trang sức rẻ tiền của dối trá, dối trá là chủ nhân đích thực của thật thà. Than ôi! cái đạo nói thật chẳng phải tầm thường. Đến thánh nhân cũng muốn cầu còn chẳng được. Thế gian xưa nay vẫn leo lẻo đấy, cứ tưởng mọi chuyện rồi sẽ rõ như ban ngày. Vậy mà rốt cuộc, tìm mãi có thấy tí sự thật nào đâu. Chung quy cũng tại một bận lỡ làng của bậc Vạn thế Sư mà sinh ra cả... Vẫn “lời tựa” trong Luận ngữ Tân thư. Sau đây lại xin trích một phần của bộ sách đó:

Khổng Tử có lúc dạy tới ba ngàn học trò. Vậy mà vẫn lũ lượt người đến xin học. Vì thế mới đặt ra lệ phải kiểm tra, phỏng vấn trước khi nhận, đại khái cũng hao hao như thi đại học hoặc cao đẳng bây giờ. Phụ trách khâu tuyển sinh này gồm các thầy Tử Cống, Tử Nạp, Tử Hối, Tử Lộ, Tử Thâm, Tử Thượng, Tử Hạ. Toàn những thầy mà đời sau xếp vào bậc Tiên hiền cả. Từ khi đặt ra lệ ấy, thiên hạ càng đua nhau đến xin nhập học, công việc giáo dục phát đạt lên trông thấy. Bận rộn nhất là các thầy Tử Cống, Tử Nạp, Tử Hối, Tử Lộ. Các thầy thay nhau bán hồ sơ, xét duyệt hồ sơ, kiểm tra thí sinh bằng mồm, bằng mũi, bằng mắt, cả bằng tay... nữa. Kẻ thì cho nhập học, kẻ thì đuổi thẳng cổ. Chung quy cái việc thi tuyển thì xưa nay đều có trong, có đục cả, không có gì đáng chép lại. Chỉ xin chép ra đây mấy chuyện lạ xảy ra trong lúc tuyển sinh ấy. Không hiểu sao lại chỉ rơi vào các thầy Tử Thâm, Tử Thượng và Tử Hạ.

Một hôm, có một lão già nom hơi cổ quái, gương mặt tuy gồ ghề song hai mắt rất long lanh, dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát đến gõ cửa xin nhập học. Tử Thâm được phân công ra tiếp. Tử Thâm hỏi:
“Cụ già thế này, sắp xuống lỗ rồi còn học làm gì nữa cho mệt?”
Lão kia trả lời:
“Lão chẳng học cái gì khác. Song trước khi xuống lỗ cũng muốn học cho được mỗi cái cách nói thật đó mà thôi.”
Tử Thâm ngạc nhiên hỏi lại:
“Tại sao cụ phải học cách nói thật?”
Lão kia trả lời:
“Lão từng nghe cổ nhân truyền lại rằng nói thật một câu sẽ kinh động đến cả trời đất, quỷ thần. Vậy mà lão sống ngần này tuổi đầu rồi, tuyệt chẳng bao giờ thấy trời đất, quỷ thần động lòng gì cả. Điều đó phải chăng vì thiên hạ toàn kẻ nói dối. Tất nhiên trong đó có cả lão nữa. Vì thế lão mới phải đến đây để học cái đạo nói thật. Rất mong Phu Tử chiếu cố chỉ giáo cho, dẫu lão nói thật được một câu rồi chui xuống lỗ cũng hả lòng.”
Tử Thâm nghe ra bèn bảo:
“Rất tiếc ở đây chỉ dạy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Không dạy nói thật. Cụ đi tìm nơi khác mà học thôi.”
Lão kia nghe Tử Thâm nói thì có vẻ hơi thất vọng, song vẫn cố vớt vát:
“Lão nghe tiếng Phu Tử nức nở cả thiên hạ. Vậy ngoài Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín ra, Phu Tử còn dạy cái gì nữa?”
Tử Thâm trả lời:
“Dạy đủ lục nghệ. Từ làm chính trị đến đi buôn, từ làm hàng thật đến hàng giả, từ chế đồ xịn đến đồ lô… Học đến đâu sáng ra đến đó. Cứ gọi là vua ra vua, tôi ra tôi. Bố ra bố, con ra con. Chồng ra chồng, vợ ra vợ. Thầy ra thầy, trò ra trò. Trên đời này động đến môn nào Phu Tử cũng tuyệt đối tinh thông cả. Duy có cái môn nói thật ấy thì bản sự đây quả chưa nghe nói đến bao giờ.”
Lão kia nghe thấy thế thì thất vọng quá, bèn thở dài một tiếng rồi than:
“Thế mà lão phu đây cứ tưởng bở. Ôi! Đến cửa này cũng không học được cách nói thật nữa thì lão đành nói dối cho trọn kiếp cùng với thiên hạ thôi.”
Than xong, lão ta vái Tử Thâm một cái rồi đi ra. Tử Thâm bèn vào kể lại toàn bộ đầu đuôi với Khổng Tử. Khổng Tử nghe kể đến đâu ngạc nhiên đến đấy. Nghe xong, Ngài trầm ngâm một lát rồi bảo:
“Ngươi chưa nghe nói đến cái môn nói thật bao giờ cũng phải. Học thuyết của ta toàn thị là chính trị. Mà đã gọi là chính trị thì cần gì phải biết cách nói thật. Thời thế này mà vẫn còn người muốn học cái đạo nói thật ư? Thì chính ta cũng đang muốn tìm thầy để học cái môn đệ nhất ngu ngốc ấy mà chưa tìm ra đấy.”
Một hôm khác, có người ăn mặc sang trọng ra dáng một vị quan to, xe cộ rình rang, tiền hô hậu ủng đến xin học. Tử Thượng được phân công ra tiếp. Tử Thượng lễ phép hỏi:
“Dám xin hỏi ông làm chức quan gì?”
Ông kia trả lời:
“Chức gì lớn nhất mà thầy có thể nghĩ tới được.”
Tử Thượng hỏi tiếp:
“Vậy ông còn muốn học Phu Tử để làm gì nữa?”
Ông kia trả lời:
“Ta học để bịt mõm thiên hạ.”
Tử Thượng nghe thấy hơi lạ tai. Bèn hỏi tiếp:
“Thế nào là bịt mõm thiên hạ?”
Ông kia trả lời:
“Thầy còn giả đò không biết ư? Ta vốn xuất thân làm nghề hoạn lợn, song từ khi thành đạt thì chẳng thiếu thứ gì. Tước vị, bổng lộc, quyền hành, vây cánh... đủ cả. Chỉ phải cái bọn kẻ sĩ trong thiên hạ thấy ta không học hành gì, cứ chửi vụng ta là đồ thượng đẳng vô học. Ta thì không thèm chấp, song vợ con, cháu chắt ta thì không khỏi có lúc phiền lòng. Nay ta đến đây cốt để bù cái chỗ khiếm khuyết duy nhất ấy của mình mà thôi, để chúng nó không còn chửi vào đâu được nữa.”

Tử Thượng nghe ông ta nói, lưỡng lự không biết giải quyết ra sao. Cũng đành phải vào thưa lại với Khổng Tử. Khổng Tử thản nhiên phán ngay:
“Kẻ ấy đâu có cần học hành gì. Hắn đến đây chỉ cốt cho thiên hạ trông thấy hắn cũng từ cửa ta mà đi ra giống như những kẻ sĩ khác đó thôi.”
Tử Thượng nghe thầy nói chợt tỉnh ngộ, bèn lập tức trở ra. Quả nhiên thấy ông kia cùng đám lâu la, xe cộ đã rầm rĩ quay ra đến cổng, vừa đi vừa quảng cáo oang oang, cố tình cho thiên hạ chú ý. Chẳng thèm nói gì đến chuyện xin học nữa. Tử Thượng phục Khổng Tử quá, chỉ biết vừa nhìn theo vừa lẩm bẩm:
“Ta ở ngay trong nhà thầy, đọc sách thầy, nghe thầy giảng... Mà đến bây giờ mới hiểu được ý nghĩa của hai chữ: Cửa Khổng.”

Lại một hôm khác, có người đội nón tơi, đi chân đất, dáng như ăn mày đến xin nhập học. Cố nhiên là Tử Hạ được phân công ra tiếp. Tử Hạ hỏi:
“Anh muốn làm học trò của Phu Tử với mục đích gì?”
Bất ngờ người ấy không trả lời mà hỏi lại:
“Thầy hãy cho tôi hỏi trước. Thầy học Phu Tử để làm gì?”
Tử Hạ thấy thế thì hơi cáu, song vẫn nhã nhặn trả lời:
“Bình sinh ta học Phu Tử chỉ cốt để làm người.”
Người ấy hỏi tiếp:
“Thế đã làm người được chưa?”
Tử Hạ vẫn cố gắng nhã nhặn:
“Tất nhiên là chưa. Vậy cho nên vẫn đang phải học tiếp.”
Người ấy bảo:
“Thì ra thiên hạ đều cùng một giuộc cả. Kẻ nào cũng chỉ được cái leo lẻo cái lỗ mồm. Có biết đâu rằng làm người mà dở dang thì chi bằng làm vật quách cho rồi. Còn tôi muốn làm học trò của Ngài chỉ cốt được ăn thịt.”
Tử Hạ tròn mắt ngạc nhiên, bởi chưa nghe ai trả lời như thế bao giờ. Bèn hỏi tiếp:
“Tại sao anh lại nghĩ rằng làm học trò của Phu Tử thì sẽ được ăn thịt?”
Người ấy trả lời:
“Tôi nghe nói Phu Tử thịt thái không vuông thì không ăn. Mà con lợn, con gà, con dê, con bò... có con nào vuông đâu. Thế thì dứt khoát sẽ có nhiều chỗ phải bỏ đi. Tôi chỉ xin được chén những chỗ bỏ đi ấy mà thôi.”
Tử Hạ nghe nói cảm thấy hơi có lý. Song cũng chẳng biết quyết định ra sao, đành phải vào thưa lại nguyên văn với Khổng Tử. Khổng Tử ngẩn người ra một lát rồi mừng quớ lên bảo:
“Kẻ ấy chính là thầy ta đó. Ta vốn đã để ý dò tìm bấy lâu nay mà chưa tìm thấy. Ngươi mau mau ra mời y vào đây, để chính ta phải làm lễ bái sư.”
Tử Hạ vội vàng chạy ra thì người kia đã bỏ đi đâu mất. Làm cho không những Khổng Tử, mà những đời sau, cho đến tận bây giờ, ai nghe đến câu chuyện này cũng than thở, tiếc rẻ mãi.

Về sau, cũng nhân chuyện này, có ông Mục công người đất Kinh còn bình luận một câu đại ý: “Chỗ bỏ đi hay là phần còn lại. Thế gian này, trừ thánh nhân ra, chính cái phần còn lại ấy của thiên hạ mới là thầy của thánh nhân vậy.”
Thiên hạ rộng lớn, vẫn có những con đường gọi là độc đạo. Vũ trụ mênh mông, vẫn để cho thánh nhân độc hành. Sướng một đời là kẻ tục nhân, hận nghìn thu là bậc cao sĩ. Thế mà gọi là tục nhân thì bị cho là mắng, gọi là cao sĩ thì lại bảo rằng khen. Có ai ngờ đạo lý lại sinh ra từ đạo tặc? Lừa một người thì khó, lừa cả thiên hạ xem chừng dễ như trở bàn tay. Việc gặp trên đường té ra không đến nỗi phải ôm hận, việc chứng kiến cả đời, té ra vẫn phải ôm hận nghìn thu. Vui đến tận cùng thì nét mặt hoảng hốt, buồn đến tận cùng thì thần thái tỉnh bơ. Ngu đến tận cùng lại chính là đang ở chỗ chân lý. Hiểu đến tận cùng lại chính là quay trở lại cái lúc ngu… Rốt cuộc thánh nhân cái gì cũng giống hệt mọi người, chỉ khác duy nhất chỗ tận cùng đó mà thôi.