Tết bây giờ ở quê

Khuất Đình Huy

Super Moderator
18 Tháng chín 2009
208
0
0
Cứ đều đặn hàng năm, trước Tết khoảng 29, 30 là bố con lại về quê để đi Tết nội ngoại, người thân, đồng thời đi thắp hương mời các Cụ về ăn Tết; và mùng Hai Tết cả nhà lại hành quân về quê chúc Tết.
Cái Tết ở Hà Nội thì giông giống hàng năm và có vẻ ngày càng được làm phong phú hơn với các hoạt động vui chơi, lễ hội.
Còn cái Tết ở quê có vẻ ngày càng "lạnh" hơn, "công nghiệp hóa" hơn và nhàn nhạt hơn.
- Thứ nhất là sự chuẩn bị cho Tết: Không khí trước Tết ở quê bây giờ không còn cái nhộn nhịp trước Tết như ngày xưa nữa với chuẩn bị lá gói bánh chưng, bánh gio, gói giò...; đánh sẵn gốc tre từ trước hay đi mua củi nấu bánh chưng, luộc giò... Không còn cảnh vài ba gia đình chung nhau đụng thịt một con lợn để ăn Tết với tiếng băm xương, tiếng giã giò cạch cạc ầm ĩ cả xóm làng...; không còn tiếng bỏng nếp nổ lách tách khi rang thóc và tiếng giã chè lam thụp thụp từ những ngày 20-25 tháng Chạp nữa (vì bây giờ đã có kiểu nổ áp suất và xay bột bằng máy).
Trước Tết, mọi người hờ hững, không hề vội vã vì phải đi sắm Tết như ngày xưa nữa vì nếu cần, cầm cục tiền trong tay, lướt qua chợ khoảng 1-2 tiếng là có đủ một cái Tết thịnh soạn không thiếu thứ gì cả. Tiện lợi, nhanh gọn đấy nhưng làm cho cái Tết ở quê nhàn nhạt đi, trầm lắng đi; và đặc biệt mấy thứ hàng chợ không thể ngon như ở nhà tự làm được; kể cả thẩm mỹ và chất lượng -không có "chất quê" trong mỗi miếng giò lụa, mỗi "lát" chè lam, mỗi đĩa bánh gio! bởi gốc của giò lụa là phải giã mới ngon, chè lam phải giã mới ngon và giò "mỡ", giò xào phải gói bằng mo cau, buộc lạt giang chẻ nghiêng mới ngon...
- Thứ hai là trong Tết: Tập quán rồng rắn kéo nhau đến nhà nhau chúc Tết đã bớt dần, mọi người bây giờ chỉ đi thăm "có chọn lọc" thôi. Ngày Tết trở thành ngày tụ tập nhau để đánh chắn cạ, tổ tôm, tá lả phổm, ba cây, xóc đĩa... mà ít bị CA bắt, ít bị vợ con nói. Và, tiền công tích cóp của cả một năm đi làm thợ ở bốn phương Tết về quê, mấy ngày ngồi "nướng luộc" cho nhau bằng hết.
Việc quây quần các gia đình thân thiết ngồi "đóng cỗ" cũng bớt đi vì nhu cầu ăn uống ngày càng trở thành thứ yếu.
Các trò chơi truyền thống không còn, trẻ con, người già không còn được xem những trò "bịt mắt bắt dê", "bơi thuyền bắt vịt", "đánh cờ người" ở giữa sân Đình, ao Đình làng nữa...
Thanh niên vì không có chỗ chơi, ngồi xe máy kẹp ba, bốn, không đội mũ bảo hiểm và phóng vèo vèo trên đường làng vì nghĩ rằng ngày Tết thì ""được như vậy"!?!
Đường quê ngày Tết vắng hơn.
Sân Đình nhộn nhịp ngày xưa, bấy giờ ngày Tết cũng chỉ thưa lưa vài nhóm trẻ tụ tập chuyện trò.
Duy nhất chỉ còn ngày Mùng Năm hội làng có vài hàng bún riêu cua, rau cần... với ngày càng thưa người ăn uống.
Giá như cái Tết cổ truyền ở quê mà giữ được nét truyền thống ở quê với những trò chơi, lễ hội như ngày xưa thì hay quá. Nó không chỉ là mong đợi, ấn tượng đối với trẻ thơ ở quê, niềm vui đối với người già; mà nó còn là nỗi nhớ, sự lôi kéo của quê hương đối với những người con đi xa làm ăn, háo hức trở về thăm quê mỗi khi Tết đến, Xuân về...