Tiến sỹ Khuất Thị Thu Hồng trả lời phỏng vấn của BBC nhân ngày 8/3/2011

khuatquangthin

Tự hào là người họ Khuất
12 Tháng mười hai 2008
1,183
0
36
48
Bình Dương
www.hokhuatvietnam.org
Muốn tiếng nói phụ nữ VN có tác động hơn

Nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3, phụ nữ tại Việt Nam đang quan tâm đến các chủ đề gì?

Liệu các tin nóng sốt về thu nhập và mức sống như lạm phát, vật giá gia tăng đang làm cho nhiều người bận tâm?

Và tạm quên đi các mục tiêu to lớn hơn, như tăng tính đại diện trên các diễn đàn, trong các hoạt động xã hội?

Trao đổi với BBC Việt Ngữ, Bà Khuất Thị Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội từ Hà Nội cho rằng sự quan tâm của phụ nữ Việt Nam ngày nay khá đa dạng.

Khuất Thị Thu Hồng: Tôi nghĩ phụ nữ cũng phải chịu những tác động rất nặng nề của lạm phát, của khủng hoảng kinh tế. Tất nhiên phụ nữ phải tham gia vào để làm sao giảm đi cái tác động tiêu cực của lạm phát và khủng hoảng kinh tế. Hơn ai hết phụ nữ là những người chịu tác động trực tiếp của lạm phát và vật giá leo thang.

Để có tiếng nói của phụ nữ đại diện được một cách gọi là bình đẳng ở trên mọi diễn đàn, tôi nghĩ cái tương lai đấy còn khá là xa

BBC: Nhưng họ đâu có công cụ gì trong tay để làm thay đổi chính sách kinh tế vĩ mô, thưa bà?

Khuất Thị Thu Hồng: Trong mọi hoàn cảnh, phụ nữ (hay mỗi người chúng ta) đều tìm cách điều chỉnh, làm sao đấy mà có thể sống sót được. Trước lạm phát, giá cả leo thang, những người nội trợ trong gia đình, người phụ nữ sẽ tìm cách giảm bớt các chi tiêu của gia đình, có thể là tiết kiệm hơn, có thể có những sáng kiến nào đó để cuộc sống gia đình nó không bị quá xáo trộn.

Và tất nhiên là để làm cái việc đấy người phụ nữ sẽ phải lao tâm khổ tứ rất là nhiều. Tôi coi đó là gánh nặng phụ nữ phải đương đầu trong thời buổi hiện nay.

BBC: Hiện bà đang tham gia điều hành một tổ chức nghiên cứu tư nhân. Có bao giờ bà nghĩ đến việc tăng tính đại diện của phụ nữ tại các diễn đàn khác nhau, như kinh tế, chính trị, xã hội dân sự, chẳng hạn?


Khuất Thị Thu Hồng: Đương nhiên. Tôi cho rằng rất nhiều người hướng tới mục tiêu đó, rất nhiều người làm việc để đạt được mục tiêu đó. Để tiếng nói của phụ nữ có thể được lắng nghe nhiều hơn. Tiếng nói của phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhiều hơn trên mọi diễn đàn, từ kinh tế, chính trị, đến xã hội và văn hóa. Nhưng mà mình cũng phải biết rằng cái vạch xuất phát ban đầu của chúng ta là từ đâu.

Điểm xuất phát của Việt Nam ở mức khá thấp. Và cũng đã có nhiều cố gắng để đạt được cái mức độ như ngày hôm nay. Đương nhiên là còn phải cố gắng nhiều lắm, kể cả phụ nữ, nam giới cũng như toàn xã hội. Để có tiếng nói của phụ nữ đại diện được một cách gọi là bình đẳng ở trên mọi diễn đàn, tôi nghĩ cái tương lai đấy còn khá là xa.

BBC: Nhiều người cho rằng Việt Nam vẫn là xã hội nghiêng về đàn ông, đàn ông chiếm ưu thế, và để đạt được sự bình đẳng có thể nói là sẽ khó khăn?

Khuất Thị Thu Hồng: Tôi nghĩ rằng đấy đúng là vấn đề của Việt Nam và cũng là vấn đề của thế giới nữa. Nếu xét về toàn cầu thì vẫn thấy rằng là đàn ông chiếm ưu thế trên nhiều lĩnh vực. Tại nhiều nước quyền lãnh đạo vẫn thuộc về nam giới. Cơ hội về kinh tế, về học vấn, rất nhiều thứ khác, chủ yếu thuộc về nam giới. Phụ nữ chúng tôi vẫn còn nhiều thiệt thòi. Chính vì thế mà thế giới chúng ta đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề. Như kinh tế, lao động, việc làm, kể cả chính trị, các vấn đề gây xung đột nữa.

Nếu mà cả phụ nữ và nam giới cùng được tham gia một cách bình đẳng, tiếng nói của phụ nữ được lắng nghe như nam giới thì câu chuyện có thể nó đã khác, bức tranh thế giới cũng đã khác so với ngày nay.