Văn hoá doanh nghiệp, yếu tố vàng...

Khuất Đình Huy

Super Moderator
18 Tháng chín 2009
208
0
0
Văn hoá doanh nghiệp, yếu tố vàng của sự thành công
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp, các nhà văn hoá, nhà quản lý rất quan tâm và nói nhiều về văn hoá doanh nghiệp. Họ đều thống nhất xác định văn hoá doanh nghiệp chính là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp, là yếu tố quyết định sự thành bại của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên trong nền kinh tế thị trường, việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp là một vấn đề vô cùng cần thiết, quan trọng nhưng cũng không hề đơn giản.
Tổng công ty XDCT giao thông 8 là một doanh nghiệp đã có quá trình xây dựng và trưởng thành gần nửa thế kỷ, đã từng trải qua một thời kỳ hoạt động gian khổ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc; đã từng có một quá trình liên tục lâu dài làm nhiệm vụ quốc tế trên đất nước bạn Lào, thực hiện một phần sứ mệnh lịch sử trong mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào. Tổng công ty - CIENCO 8 đã có những điều kiện cần và đủ, có những yếu tố thuận lợi góp phần hình thành văn hoá doanh nghiệp của Tổng công ty - Tôi gọi là văn hoá doanh nghiệp CIENCO 8.
Với đề tài này, tôi chọn lọc và xin giới thiệu với độc giả những vấn đề, thông tin về văn hoá doanh nghiệp qua một số bài viết.
Môi trường văn hoá doanh nghiệp quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp đó. Mọi người đều khẳng định như vậy, nhưng câu một hỏi đặt ra: Thế nào là văn hoá doanh nghiệp? Làm cách nào để tạo ra được một môi trường văn hoá trong doanh nghiệp? Phải chăng Giải thưởng Doanh nhân văn hoá hàng năm được trao cho các doanh nhân đã đủ để khẳng định doanh nghiệp đó có môi trường văn hoá tốt?.. Đó là những câu hỏi lớn mà mỗi doanh nghiệp cần phải tìm được cho mình một đáp số.
Khái niệm văn hoá doanh nghiệp và câu trả lời
Trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa và sự chuyển đổi cơ chế hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp - trong đó có doanh nghiệp nhà nước - phải trở thành những đơn vị sản xuất kinh doanh tự chủ. Nếu mỗi doanh nghiệp muốn đứng vững trong sự cạnh tranh thị trường gay gắt, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp đó nhất thiết phải tiến hành xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp là sự tổng hòa của quan niệm giá trị, tiêu chuẩn đạo đức, triết lý kinh doanh, quy phạm hành vi, ý tưởng kinh doanh, phương thức quản lý và quy tắc chế độ được toàn thể thành viên trong doanh nghiệp chấp nhận, tuân theo. Văn hóa doanh nghiệp lấy việc phát triển toàn diện con người làm mục tiêu cuối cùng. Cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp là tinh thần doanh nghiệp và quan điểm giá trị của doanh nghiệp.
Với những tiêu chí trên, văn hoá doanh nghiệp thể hiện khá trừu tượng. Tuy nhiên, vấn đề sẽ đơn giản hơn khi chúng ta nhìn vào doanh nghiệp và thấy một thực tế: Nơi nào có nhiều người muốn đến làm việc, cán bộ nhân viên đang làm việc ở đó không muốn bỏ đi, nơi đó chắc hẳn phải có một môi trường làm việc tốt. Nghĩa là người chủ doanh nghiệp đó đã biết tạo ra được một môi trường có văn hoá. Và, chúng ta xác định doanh nghiệp đó có văn hoá.
Giám đốc hay là “vua”?
Trong bản tham luận được đọc tại Hội thảo “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp ở nước ta hiện nay” do Báo điện tử Tổ quốc, trung tâm thông tin công tác tuyên giáo, trung tâm hỗ trợ XTTM và ĐT công nghệ tổ chức, ông Nguyễn Lê Anh - Chuyên gia tư vấn về văn hoá cho công ty EUROWINDOW - cho rằng, dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm bị ngoại xâm đô hộ, nên ở trong một góc sâu nào đó trong mỗi con người đều tiềm ẩn một sự phản kháng ngấm ngầm. Về mặt tích cực, đây là yếu tố quan trọng khiến dân ta không bị đồng hoá, giữ được bản sắc dân tộc và đã từng đứng lên giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Nhưng mặt khác, nó đã tạo nên một thói quen xấu: Hạn chế về ý thức kỷ luật, luôn phê phán, thậm chí chống đối lại lãnh đạo. Ông cũng thẳng thắn đưa ra ý kiến:“Với một lối định hướng tư duy như thế, vô tình người lao động Việt Nam đã trở thành nạn nhân của văn hoá dân tộc mình. Họ tự co cụm với nhau thành các “đốm loang”, ngấm ngầm chống đối lại lãnh đạo và coi hành động chống đối là chiến tích. Cứ như thế, nhân viên chia bè phái, các quy định trở nên hình thức và biến lãnh đạo thành một thứ bù nhìn”.
Trong một doanh nghiệp, người lãnh đạo có bản lĩnh, kiến thức, có “tầm“ là người nhìn ra được vấn đề này, không bị phân tâm bởi những sự chống đối nho nhỏ và phần lớn đều ở “phía sau lưng”. Họ tự cho mình cái quyền “làm vua” trong doanh nghiệp. Nghĩa là có quyền tối thượng trong tất cả các quyết sách, buộc các nhân viên phải nghiêm chỉnh tuân lệnh. Điều này nghe có vẻ khó chịu nhưng thực tế đã chứng minh, những doanh nghiệp có “vua” thường lại là những doanh nghiệp ăn nên làm ra. Nói một cách khác, họ đã xây dựng được một nền văn hoá trong doanh nghiệp, một “ngôi nhà có nóc”, có trên có dưới, tránh được tình trạng cố hữu “trên bảo dưới không nghe”. Thực tế trong doanh nghiệp đó, về cường độ làm việc, những ông “vua” này còn lao động hơn cả “khổ sai”.
Người lao động - Tài sản của doanh nghiệp
Trong thời kỳ lạm phát hiện nay, khi nói đến hoạt động và những khó khăn của doanh nghiệp, một trong những điều mà các nhà lãnh đạo thường phàn nàn là: Người lao động đòi tăng lương, gây thêm áp lực cho chi phí đầu vào. Chúng ta không phủ nhận một thực tế là ở trong các doanh nghiệp thường hay có một vài nhân viên luôn đưa ra những đòi hỏi quá đáng, không gắn quyền lợi của mình với doanh nghiệp. Tuy nhiên thông thường việc nhân sự đòi tăng lương đều là có lý do chính đáng: Có thể họ có những đóng góp quan trọng tạo ra lợi nhuận cho công ty nhưng mức thu nhập chưa xứng tầm; cũng có thể nếu được trả lương cao hơn, họ toàn tâm toàn ý với công ty hơn...; nhưng một lý do phổ biến hiện nay là do giá cả tăng cao, đời sống của đại bộ phận người lao động đã thực sự gặp khó khăn. Để giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận bỏ thêm chi phí tăng lương cho họ. Nhưng những doanh nghiệp có “tầm” họ thường có cái nhìn xa hơn, có những quyết sách sớm và hiệu quả của nó được chứng minh bằng sự gắn bó, cống hiến của người lao động với doanh nghiệp.
NAGAKAWA - doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện tử, điện lạnh - là một ví dụ về sự khôn ngoan: Vào 10 giờ sáng ngày 19/7/2008, khi thông tin về tăng giá xăng chính thức được loan báo, ngay lập tức Ban lãnh đạo doanh nghiệp đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để bàn biện pháp ứng phó. Bên cạnh việc cắt giảm chi phí không cần thiết, NAGAKAWA đã đi một “nước cờ ngược”: Tăng 20% lương cho người lao động vào ngày 1/8. Thông tin này ngay lập tức tạo nên sự phấn chấn trong toàn doanh nghiệp. Chưa nói đến vấn đề “thêm tiền”, quyết định tăng lương đột ngột này đã khiến họ cảm thấy “ấm lòng”, vì họ cảm thấy mình được tôn trọng, được Ban lãnh đạo thấu hiểu và chia sẻ về những khó khăn trong hoàn cảnh ngặt nghèo.
Anh Nguyễn Thái Hoà - Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ M & T kể: “Khi quyết định về M & T làm Tổng giám đốc, tôi đã phải rất vất vả mới “rút chân” ra khỏi vị trí Giám đốc của công ty truyền thông thuộc một tập đoàn lớn”. “Vì lý do gì?”. “Chính vì không có lý do gì thuộc về doanh nghiệp nên mới bị cái tình nó làm cho lăn tăn”. Anh cho rằng, công ty cũ của anh có một môi trường làm việc tốt, người chủ doanh nghiệp rất quan tâm đến xây dựng văn hoá doanh nghiệp mà biểu hiện rõ nhất là quan tâm đến đời sống người lao động, từ Ban lãnh đạo đến các nhân viên. “Tôi còn trẻ, còn có nhiều khát vọng nên đã tìm đến một môi trường hoạt động rộng hơn. Tuy nhiên, những kinh nghiệm mà tôi thu nhận được từ công ty cũ đã giúp tôi rất nhiều trong việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp trong M & T”. Anh nói. Chúng ta thấy rằng, chỉ vì lý do cá nhân mà Anh chia tay với đơn vị cũ, nhưng những ấn tượng tốt đẹp, cái tình, cái ân nghĩa thì Anh vẫn luôn giữ và trân trọng đối với đơn vị cũ.
Như vậy, khác với những ông vua trong lịch sử, những ông “vua” thông minh trong các doanh nghiệp, một mặt áp đặt quy chế hoạt động, mặt khác luôn tôn trọng người lao động, không coi họ là “công cụ”, “phương tiện”, mà coi họ là tài sản vô giá của mình trong đồng hành phát triển của doanh nghiệp. Đó chính là một trong những bí quyết thành công, và đó cũng chính là một nét làm nên văn hoá doanh nghiệp.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
K.Đ.H