Về "nhà ngoại cảm - cậu Hồng" tìm liệt sĩ ở Nam Hà

Khuất Đình Huy

Super Moderator
18 Tháng chín 2009
208
0
0
Suy nghĩ về việc tìm mộ liệt sĩ
qua “nhà ngoại cảm” Hoàng Thị Hồng (“cậu Hồng") ở tỉnh Hà Nam


Chỉ trong một thời gian ngắn, ở quê tôi (Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội) đã có gần 30 gia đình dễ dàng tìm được mộ liệt sĩ thời kỳ chống Mỹ thông qua “nhà ngoại cảm – cậu Hồng” ở Nam Hà. Nhân khi có tin về một đoàn người ở xã bên bị ngộ độc khi uống “nước” của “cậu”, tôi xin nêu một số suy nghĩ để mọi người tham khảo.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đối với mỗi gia đình có thân nhân là liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc thì vẫn luôn canh cánh trong lòng mong muốn tìm được những thông tin về nơi an nghỉ của liệt sĩ để được đến tận nơi thắp nén hương viếng, hoặc có điều kiện thì đưa về nghĩa trang địa phương để thường xuyên hương khói cho hương hồn liệt sĩ.
Là người có anh trai cả là liệt sĩ đã hy sinh ở mặt trận phía Nam năm 1970, từ lâu tôi đã đăng tin tìm anh trai mình qua mục “Nhắn tìm đồng đội”, qua diễn đàn của dòng họ... với hy vọng tìm được thông tin về anh trai mình. Mỗi dịp đi công tác, tôi cũng luôn để tâm để dò tìm những thông tin về anh mình qua các đầu mới quen biết hoặc ở các nghĩa trang liệt sĩ... Năm ngoái, qua một thông tin khá chi tiết về nơi an nghỉ của anh mình từ một người cùng quê (cũng đi tìm và đưa hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang địa phương), tôi đã vào Quảng Ngãi để tìm anh, nhưng cuối cùng ước nguyện không thực hiện được vì thông tin bị sai lệch.
Từ những gì bản thân đã trải quâ và qua thông tin về những người đã từng đi tìm mộ liệt sĩ là thân nhân và những người ở trong các đội quy tập mộ liệt sĩ của quân đội... tôi hiểu rằng: Việc đi tìm mộ liệt sĩ và tìm được là một việc vô cùng khó khăn, nhưng cũng đầy ngẫu nhiên mang đậm yếu tố may mắn và tâm linh.
Vừa qua, trong dịp về quê ăn cưới cô cháu gái con bà chị gái, tôi thấy cả xã, huyện đều rộ lên việc đi tìm hài cốt liệt sĩ và đưa liệt sĩ về nghĩa trang địa phương. Chỉ trong một thời gian ngắn từ ra Tết đến nay, ở xã Đại Đồng đã có gần 30 gia đình tìm được và đưa liệt sĩ về nghĩa trang địa phương, còn tính cả huyện và những xã lân cận thì đã có hàng trăm gia đình tìm được thân nhân là liệt sĩ thông qua “nhà ngoại cảm - cậu Hồng” ở Nam Hà.
Buổi tối thứ Sáu (15/4/2010), khi anh em đang quây quần nói chuyện tìm mộ liệt sĩ, bà mẹ tôi liền hỏi: “Thế anh em quyết định xem ngày nào thì đưa hài cốt bác cả về, để mẹ còn chuẩn bị? Mẹ vừa ở nhà ông Tâm (ông bác cùng họ tôi) để họp bàn việc chuẩn bị tới ngày 16 âm lịch sẽ đi vào Nam đón bác liệt sĩ về quê đấy!”. Bởi đã nghe tin về “cậu” Hồng và cách thức tìm mộ liệt sĩ của “cậu”, tôi đã phải nói và phân tích rất rõ, rất khó khăn để mẹ tôi hiểu và chấp nhận “Anh chị em chúng con bấy lâu nay cũng luôn mong muốn đi tìm và đưa bác cả về nghĩa trang liệt sĩ ở quê nhưng chưa tìm được chính xác. Khi tìm được chúng con sẽ đưa ngay bác về...”
Như trên đã nói qua về “cậu” Hồng, theo tin đồn, khoảng hai năm nay, ở Nam Hà nổi lên một người phụ nữ, do có công chôn cất hai mẹ con người ăn xin bị chết nên đã được họ nhập vào cho “ăn lộc” là sẽ giúp mọi người tìm được 10.000 liệt sĩ đã hy sinh (?). Từ đó hàng ngàn gia đình có thân nhân là liệt sĩ khắp mọi nơi đã ùn ùn kéo về nhờ “cậu” tìm giúp. Cách thức tìm mộ liệt sĩ của “cậu” như sau:
- Người nhà liệt sĩ phải tổ chức thành một đoàn từ 3 - 10 người đến gặp cậu để cho liệt sĩ chọn người và nhập khi được chiêu hồn.
- Mỗi đoàn phải đi nhiều lần đến gặp “cậu” để hồn nhập và chắt lọc, tổng hợp thông tin bởi hồn nhập vào mỗi người (do không hợp như nhau) có khi thông tin sai lệch. Nhiều gia đình phải kéo đoàn, kéo lũ đến gặp cậu vài dăm lần mới gặp được liệt sĩ nhập vào cho thông tin.
- “Cậu” tìm liệt sĩ miễn phí, nhưng mỗi đoàn, mỗi lần đến để cầu hồn nhập đều phải mua hương hoa, oản quả, tiền vàng và vài chục bộ “quần áo bộ đội” để “hóa” xuống cõi âm biếu liệt sĩ và các đồng đội của liệt sĩ cần tìm... Bình thường chi phí cho các khoản trên từ 3 - 5 triệu đồng.
- Khi tìm được mộ, nếu gia đình nào có xe đi đưa liệt sĩ về cũng được nhưng tốt nhất là đi xe và lái xe do “cậu” giới thiệu bởi những người lái xe đó đã đi nhiều, quen các liệt sĩ nên các liệt sĩ sẽ chỉ nhập vào họ để chỉ đường cho gia đình nhanh chóng đến nơi có mộ liệt sĩ. Qua so sánh, giá cả thuê những xe do “cậu” giới thiệu sẽ đắt hơn thuê ngoài thị trường trường từ 7 – 15 triệu tùy theo đi xa hay đi gần.
- Khi liệt sĩ đã nhập hồn vào ai đó, người nhà cứ việc hỏi và hồn liệt sĩ sẽ trả lời vanh vách về những vấn đề có liên quan cả về quá khứ lần hiện tại của gia đình thân nhân (?) (cũng thật ngẫu nhiên là những lái xe do “cậu” giới thiệu đều là người cùng quê với những gia đình đi tìm mộ liệt sĩ).
- Theo tuyên bố, “Cậu” nhận được lệnh “trên tối cao” chỉ cho phép tìm 10.000 ngôi mộ liệt sĩ là hết “giúp người”, thời hạn cuối cùng là năm 2010. Vậy mà qua năm 2010 rồi mà “cậu” vẫn tìm tiếp giúp mọi người vì “được lệnh trên cao gia thêm hạn” (?).
- Hầu hết các gia đình đi tìm mộ liệt sĩ đều chỉ mang về được một nắm đất đen vì “bị bom đạn chiến tranh làm tan mất xác và thời gian lâu rồi nên không còn hài cốt và di vật” (?).
- Bất kỳ gia đình nào có nguyện vọng, thành tâm muốn tìm liệt sĩ đến gặp nhờ “cậu” đều nhanh chóng tìm được liệt sĩ (?).
Nhận được thông tin có sự vụ ngộ độc, chết người xảy ra vào sáng ngày 16/4 ở xã láng giềng (xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) bởi gia đình đã uống nước “thánh” khi đến gặp “cậu” Hồng nhờ tìm mộ liệt sĩ, một phụ nữ đã tử vong, nhiều người trong gia đình (trong đoàn cùng đi) nổi điên loạn đánh chửi nhau... tôi có vài suy nghĩ để mọi người – nhất là gia đình liệt sĩ có nguyện vọng đi tìm mộ thân nhân của mình – xem xét, cân nhắc:
- Về phía “cậu” Hồng: Tôi tìm hiểu, phân tích và suy nghĩ rằng đây chỉ là sự lợi dụng vào tâm linh, ước nguyện của các gia đình liệt sĩ muốn tìm mộ người thân để bày trận làm trò lừa gạt. Mặc dù “cậu” tuyên bố làm giúp đời “theo lệnh tối cao” nhưng những dịch vụ kèm theo từ cúng lễ, vàng mã, tiền cảm ơn (từ một đến vài triệu cho cậu khi xong việc), tiền thuê xe (do cậu môi giới trong đường dây của mình – như trên đã nói) đã khiến mỗi gia đình phải chi thêm từ 5 – 15 triệu vào việc nhờ cậy, cúng lễ ở chỗ “cậu”.
Trong thời gian từ năm 2010 đến nay, đã có nhiều trăm gia đình đến nhờ “cậu” tìm mộ liệt sĩ, đặc biệt số người đến ngày càng đông hơn vì đã hết hạn “lệnh trên” cho tìm liệt sĩ từ năm 2010, nay vì “thương các liệt sĩ” nên mới gia hạn cho “cậu” tìm thêm 2.000 mộ liệt sĩ nữa trong năm 2011(?).
- Về phía các gia đình liệt sĩ: Vì tâm linh và mong muốn tìm được người thân là liệt sĩ nên không ngại vất vả (đi thành từng đoàn và nhiều lần) đến gặp “cậu”; không ngại tốn kém (vì chi phí cho rất nhiều khoản cúng lễ - mặc dù “cậu” không lấy tiền)... Kết quả là tất cả mọi gia đình đều chỉ mang về một nắm đất màu đen đưa vào mai táng ở nghĩa trang địa phương. Tổng chi phí cho mỗi gia đình đi tìm lấy “hài cốt” liệt sĩ từ 20 – 50 triệu (hầu hết liệt sĩ đều hy sinh ở Phía Nam, tùy theo gần xa).
Về khoa học và tâm linh còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu và hiện nay chưa lí giải được, nhưng với tư cách là một người đã từng đi tìm và chưa tìm được liệt sĩ là anh trai, tôi thấy các gia đình nên kết hợp giữa các yếu tố ngoại cảm, khoa học, may mắn... để tìm và xác định thân nhân liệt sĩ gồm các yếu tố chính sau:
+ Có những thông tin cơ bản về lý lịch liệt sĩ, nhờ nhà ngoại cảm xác định những thông tin cơ bản về nơi hi sinh...
+ Chắp nối, tìm kiếm thông tin qua đồng đội của liệt sĩ hoặc ngẫu nhiên có liên quan đến liệt sĩ.
+ Kết hợp với thông tin của liệt sĩ thông qua việc gọi hồn liệt sĩ.
+ Đến tìm địa điểm mai táng liệt sĩ, xác định nơi chôn hoặc nơi hi sinh...
+ Tìm kiếm di vật, xương cốt, tóc... mang để xét nghiệm AND.
Khi đã xác định chính xác, các gia đình làm việc địa phương nơi có hài cốt liệt sĩ, nơi đưa di hài liệt sĩ đến để làm thủ tục di chuyển hài cốt liệt sĩ theo chế độ nhà nước quy định.
Việc tìm mộ, đưa hài cốt liệt sĩ về địa phương để hương khói là nguyện vọng, tâm linh vô cùng thiêng liêng và đáng trân trọng của mỗi gia đình liệt sĩ và hương hồn liệt sĩ. Chính vì vậy nên thận trọng, chính xác và tỉnh táo để tránh bị lợi dụng, chỉ giải quyết tâm lý cho người sống mà không làm được việc tâm linh cho người đã hi sinh.
Các liệt sĩ đã hi sinh vì vì Tổ quốc, nếu chưa được về gần gũi bên gia đình, quê hương thì các anh hoặc luôn có đồng đội luôn ở bên cạnh trong các nghĩa trang, hoặc nếu chưa được quy tập vào các nghĩa trang, thì các anh vẫn đang nằm trên đất Mẹ Việt Nam, luôn có đồng đội và các thế hệ trên mọi miền đất nước đời đời tưởng nhớ.
Còn đối với “cậu” hồng Nam Hà, nếu là một nhà ngoại cảm chân chính giúp đỡ các gia đình liệt sĩ và liệt sĩ được đoàn tụ thì đó là một hiện tượng vô cùng quý hiếm và đáng trân trọng; ngược lại nếu lợi dụng vấn đề tâm linh và người có công để buôn thần bán thành, làm tiền các gia đình liệt sĩ thì trước sau cũng bị lôi ra ánh sáng và bị pháp luật trừng trị. Mà thật lạ, sự việc nổi lên 2 năm nay rồi mà chính quyền địa phương có biết không, quản lý ra sao và xử lý thế nào nhỉ? Hay phải đợi đến khi họ phạm tội rồi mới... làm việc!!!???
 
Chỉnh sửa lần cuối: