Với tôi - Mẹ là vĩ đại nhất

Khuat dinh huy

New member
16 Tháng bảy 2013
4
0
0
65
Cuộc sống bình yên tưởng cứ lặng lẽ trôi, những tưởng cứ mãi sống có Bố, Mẹ... nhưng không phải và không thể như vậy, bởi quy luật muôn đời là Sinh - Lão - Bệnh - Tử. Những ai đang còn Bố, Mẹ đã có lúc nào nghĩ đến và thử tượng tưởng rằng Bỗ, Mẹ mình (dù tuổi đã cao) bỗng rời bỏ chúng ta ra đi? Để khi đó nỗi đau buồn, sự trống vắng, cô đơn, hụt hẫng ập đến tưởng chừng không thể chịu đựng nổi..., ta bỗng thành mồ côi! Nỗi niềm ấy, có chăng chỉ những người đã từng mất Bố, Mẹ mới thấu hiểu và có thể chia sẻ.
Chịu hai cái Đại tang trong một ngày: Hôm ấy, hơn 10 giờ đêm nhận được tin người Bố vợ yếu quá sợ ông cụ sắp đi, cả gia đình vội vàng về quê. Quả thực như vậy, đến 01 giờ kém ngày 11/7 thì ông ra đi ở tuổi 77 - Đại tang! Dù quá đau buồn khi ông ra đi nhưng đại gia đình cũng biết: Ông đã hai lần đột quỵ vì tai biến mạch máu não, lần thứ hai này cũng đã nằm bất động hơn 9 tháng trời nên sự yếu dần về thể trạng, sự trầm trọng vì bệnh hiểm nghèo được gia đình hiểu rõ và xác định, chấp nhận sự ra đi cuả ông chỉ là sớm muộn. Gia đình lo tang sự, họ mạc nội ngoại, thân bằng cố hữu đến viếng ông đông đủ, trang trọng.
Cả ngày đứng bên bàn thờ ông cụ đáp lễ khách viếng, nhân lúc vắng khách viếng, khoảng 5 giờ kém mình tranh thủ chạy về nhà tắm rửa cho người đỡ ngột ngạt. Từ đêm hôm trước về quê chưa kịp về hỏi thăm Mẹ vì tang sự bên ngoại. Khi mình về tắm tát thì Mẹ đang nấu cơm, rồi mình vội đi ngay vì nhận điện báo có đoàn khách là bạn học đại học của mình đến viếng ông, vội vàng chạy sang đáp lễ nên cũng không kịp chào Mẹ thì Mẹ biết, chạy theo chào hỏi mình... Trong lòng mừng thầm vì qua 3 tháng tích cực điều trị, chăm sóc, bệnh tim của Mẹ thuyên giảm, Mẹ đã tự đi chợ và sinh hoạt bình thường, mừng nữa là buổi sáng Mẹ còn dẫn đầu đoàn "đầu ma" đến viếng ông bố vợ.
Vậy mà nỗi đau ập đến như sét đánh khi mà mình đang đáp lễ khách viếng ở bên ngoại thì nhận được điện Bà bị ngất. Nguyên đồ tang lễ vội chạy về nhà gặp Mẹ thì chỉ vài chục giây sau Mẹ đã ra đi vào lúc hơn 19 giờ cùng ngày ở tuổi 84. Lại Đại tang nữa. Vậy là trong ngày 11/7, mình phải hứng chịu hai đại tang liên tiếp của Mẹ và Bố vợ! một sự buồn mà ở cái làng Đại Đồng này, hàng trăm năm nay chưa xảy ra.
Một cuộc đời giản dị mà vĩ đại: Ngày xưa, cả làng mình đều làm nông và nghèo khó, Mẹ về nhà mình làm dâu, cùng Bà nội chăm nom gia đình, con cái để Bố đi tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm đứa con ra đời, được nuôi nấng lớn khôn thì hầu như Mẹ là người gian truân vất vả nhất. Cái hạn 53 đưa cha đi, rồi Bà nội cũng ra đi, Mẹ một mình tằn tiện, bươn trải, lặn lội để kiếm miếng cơm, manh áo nuôi các con... Anh cả lớn lên, đi học sư phạm, xung phong lên đường đánh Mỹ rồi hy sinh. Nỗi đau buồn vô hạn lại ấp xuống đầu Mẹ!
Mãi mãi không thể nào quên được những năm tháng khó khăn mà Mẹ đã thân cò gầy guộc, lặn lội vất vả khi từ 2 - 3 giờ sáng phải kéo xe cải tiến leo ngược dốc hơn 20 km lên Ba Vì để mua sắn về ăn độn, cắt cây sim, cây mua về làm củi đun nấu.
Sẽ chẳng bao giờ phai mờ được ấn tượng cảm giác về nỗi lo âu cứ hiện lên trên mặt Mẹ vì phải lo tấm áo mới, miếng thịt cho con cái, gia đình mỗi khi Tết đến, Xuân về...
Sẽ mãi mãi ghi sâu trong ký ức và tâm khảm hình ảnh Mẹ với chiếc nón lá sờn Mẹ khâu lại cái vành nón bị bong, tấm áo manh quần vá lại vì tiết kiệm, dành dụn cho con cái. thói quen tần tiệm, cần kiệm ấy ăn sâu vào trong máu thịt Mẹ, để mà sau này, khi đầy đủ ấm no, Mẹ vẫn không mặc, cứ mãi để dành trong tủ những bộ quần áo mới bằng lụa là do con cái biếu Mẹ.
Càng không thể quên tấm lòng của bao la Mẹ đối với mọi người trong họ mạc, nội ngoại và con cháu. Cả đời Mẹ vất vả, cần kiệm chắt chiu từng đồng, từng xu vì cả gia đình, không một lúc nào nghĩ về mình, tự lo cho mình. Để rồi âm thầm tích cóp từng đồng thành hàng nhiều chục triệu dành cho mừng cháu nội khi lấy vợ; để dành cho, để cho mượn khi con cái đứa này, đứa kia gặp khó khăn...; để dành chia mảnh đất ruộng này cho cháu lớn, cháu nhỏ...
Càng chạnh buồn, nể phục và khó phai mờ về tính cách của Mẹ khi mà 84 năm trời mới phải đi bệnh viện một lần, vậy mà vừa ốm dậy đã gói ghém cân đường, hộp sữa cho lại những người đã đến thăm biếu mình khi nằm vừa ốm; khi người còn yếu mà Mẹ cứ khăng khăng tự tay giặt áo quần của mình, không dùng máy giặt và không nhờ, không cho con cái giặt; khi mà đang bệnh, Mẹ cứ kiên quyết đòi về quê không chữa tiếp nữa để chăm nom và thương thằng cháu còn nhỏ đang nghỉ hè ở quê...
Mẹ đã Quy Tiên: Mẹ ra đi, họ hàng nội ngoại, làng xóm, bạn bè, cơ quan đến viếng và tiễn đưa Mẹ với sự tiến thương, kính trọng bởi cuộc đời và tấm lòng bao la của Mẹ. Nhiều anh em bạn học về viếng Mẹ, dù đã là quan chức nhà nước, nhưng trong buổi tang lễ Mẹ, họ vẫn nhớ và nhắc mãi về những bữa bánh "tì tì", bánh "hòn" cách đây hơn 30 năm Mẹ đã làm cho lũ sinh viên đói ở Hà Nội về quê được những bữa no nê... Mình nhớ, cảm ơn câu chia buồn của cô bạn học ĐH ở Đài TH là: Mẹ sống đại lượng, ốm nhưng không hề bị đau, ra đi nhẹ nhàng, sạch sẽ như vậy ở tuổi 84 là Mẹ đã Quy Tiên và mình cũng tự an ủi mình và cầu mong Mẹ được như vậy!
Mẹ mất, mình mới thực sự thấm thía và cảm thấy nỗi đau buồn, niềm đơn côi khi mất mẹ! Nay chỉ còn hiển hiện tấm ảnh Mẹ với nụ cười hiền từ và khuôn mặt Mẹ hiền hậu, nhẹ nhõm.
Thật hạnh phúc và tự hào đối với những ai đang còn mẹ! Và, hỡi những ai đang được hưởng may mắn vì còn Mẹ! Xin hãy biết nâng niu những phút giây quý báu khi còn Mẹ. Hãy trân trọng mỗi khi mẹ mình buồn, mẹ mình vui và cả những khi mẹ bực mình mà trách mắng... Bởi "Mẹ già như chuối chín cây", quy luật, số phận và định mệnh có thể sẽ đột ngột đưa mẹ mình đi bất kỳ lúc nào. Khi đó, ta chỉ còn biết nhìn vào bức ảnh Mẹ, thắp nén hương thơm dâng Mẹ với nỗi buồn đau và sự nhớ thương vô hạn!
Những ngày buồn nhớ Mẹ.
Kh. Đ. Huy