Bà Khuất Thị Bảy : Đóa quỳnh tỏa hương trong đêm

Chúng tôi gặp bà Hạ Chí Nhân, con gái ông Hoàng Quốc Việt –  Bà Khuất Thị Bảy vào sát ngày sinh nhật lần 94 của cụ Bảy, cũng là ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) để nghe câu chuyện nhuốm màu huyền thoại mà ít người biết đến về người phụ nữ này.

 

Sinh năm 1920 tại thôn Thuần Mỹ, xã Mỹ Trạch Lộc, tỉnh Sơn Tây (cũ), bà Bảy tham gia cách mạng từ năm 1936, lúc vừa 16 tuổi. Bà là con thứ bảy của cụ Khuất Duy Đính, hương thân bậc nhất trấn Nam Sơn. Cụ Tổng Khuất Duy Đính có bảy người con gái mà thời ấy, dân trấn Nam Sơn khi vào hội hay nói rằng "Con nhà cụ Tổng ra hội là đẹp rực cả một góc hồ”, nói thế vì bà Khuất Thị Bảy đẹp, cái đẹp nền nã, đặc trưng của đất Bắc Bộ. 

 

 17 tuổi, Khuất Thị Bảy được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan liên lạc của Đảng ở Bắc Giang, ủy viên BCH Thanh niên tỉnh Sơn Tây, ủy viên Ban cán sự tỉnh Vĩnh Yên, ủy viên Ban công vận TP Hải Phòng… Tháng 9/1941 bà bị đế quốc Pháp bắt tại Hải Phòng và kết án 20 năm tù khổ sai, giam giữ tại các nhà tù Sơn Tây, Nam Định, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Thời gian bị tù, bà vẫn liên lạc với cách mạng bên ngoài và sau đó vượt ngục về hoạt động, xây dựng các căn cứ địa để bảo vệ cơ quan đầu não của Đảng, làm ủy viên thường vụ tỉnh ủy Vĩnh Yên. Cũng tại Vĩnh Yên, bà Bảy đã có chiến công to lớn chặn đứng bàn tay của Quốc dân đảng trong việc nhúng sâu hơn vào chính trị nước Việt.

Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Yên, mảnh đất của những tỷ phú bây giờ vào thời kỳ sát Tổng khởi nghĩa là hang ổ của Quốc dân Đảng, việc buôn bán thông thương của mảnh đất này với giới Hoa kiều là điều kiện thuận lợi cho Quốc dân đảng cắm rễ tại đây… Tuy nhiên, khi nhận được thông tin Quốc dân đảng cũng đang chuẩn bị lực lượng giành chính quyền, bà Bảy, lúc đó hoạt động với bí danh Khuất Thị Vĩnh đã cùng Đặng Việt Châu quyết định triệu tập Hội nghị Việt Minh tại làng Bích Đại ngày 20-9 để quyết định giành chính quyền vào ngày 21-9 (dù thời cơ chưa chín muồi). 

 

Do hai con đê bị vỡ nên vùng này khó huy động được số đông quần chúng (sức mạnh chủ yếu của cách mạng lúc bấy giờ), tuy nhiên bà Bảy đã huy động 30 con thuyền chở 300 tự vệ, cán bộ tiến đến huyện đường khống chế tri huyện, giải tán lực lượng Quốc dân Đảng… Sau này, chiến tích và sự quyết đoán của bà Bảy khi đó đã minh chứng cho sự sáng suốt, cứu vãn được cả giai đoạn lịch sử. Đó là khi Quốc dân đảng có được 50 ghế ở Quốc hội Việt Nam non trẻ (không qua bầu cử) cùng lúc với quân đội Lư Hán (cánh tay phải của Quốc dân đảng) kéo vào với 2 vạn quân, nếu lúc đó, Nguyễn Hải Thần, thủ lĩnh Quốc dân đảng có được mảnh đất để xây dựng lực lượng của mình tại huyện Vĩnh Tường kề sát ngay Hà Nội thì có lẽ các cuốn sử cách mạng Việt Nam sẽ phải viết lại toàn bộ.

Khi ông Trần Huy Liệu cùng ông Cù Huy Cận  đứng trên đài cao nhận ấn kiếm thoái vị của vua Bảo Đại thì bà Bảy phải làm công tác "triều đình vận” tại cung tẩm. Bà Lê Thị Dinh, người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn (Cung nữ nhưng gần như là "trợ lý” của Từ Cung Thái Hậu, vị  Thái hậu có tinh thần dân tộc lớn và có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại triều đình Huế năm 1945). Trong  những tư liệu mà chúng tôi có được đã nói "Ngài (tức Bảo Đại) sau lễ thoái vị có ra nghỉ cung An Định (Cung nghỉ mùa hè) một đêm, rồi sau nghe Nam Phương Hoàng Hậu nên ra Bắc ngay để gặp Cụ Hồ”. Trước khi lễ thoái vị diễn ra, bà Bảy đã nhiều lần gặp Từ Cung Thái hậu và Nam Phương Hoàng hậu để làm công tác "triều đình vận”, vì thế chỉ ngay sau ngày độc lập, ngày 3-9-1945, Bảo Đại đã có mặt tại Hà Nội gặp Cụ Hồ vui vẻ nhận chức cố vấn của Chính phủ mới.

 

Cũng vì công tác "triều đình vận” còn nhiều phức tạp nên bà Bảy đã ở lại Huế làm thành viên Ủy ban Thành phố Huế. Gia đình ông Hoàng Quốc Việt có một sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử. Trong khi ông Khuất Duy Tiến (anh vợ ông Hoàng Quốc Việt, anh ruột bà Bảy) ngoài Hà Nội thuyết phục giới doanh nhân có được "Tuần lễ vàng” tại Hà Nội thì tại Huế, bà Bảy thuyết phục được Nam Phương Hoàng hậu làm cố vấn cho "Tuần lễ vàng” ở Huế. Còn ông Hoàng Quốc Việt cũng tổ chức "Tuần Lễ vàng” tại miền Nam.

 

Câu chuyện tình của ông Hoàng Quốc Việt và bà Khuất Thị Bảy cũng thật đáng nhớ. Ông Hoàng Quốc Việt và ông Khuất Duy Tiến ở tù của Pháp cùng nhau năm 1932, ông Khuất khoe bức ảnh của mẹ giấu mang đi được, ông Hoàng thán phục "Mẹ ông đẹp quá”, ông Khuất vui vẻ "Đám em gái nhà tôi cũng đẹp như mẹ, ra tù, có người nào giác ngộ cách mạng, tôi gả cho anh”. 

 

Trong hồi ký của Thượng tướng Chu Văn Tấn, Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên có trân trọng nhắc đến bà Khuất Thị Bảy là người trong đoàn của Tổng bộ Việt Minh lên thành lập đội Cứu quốc quân 3 (Sơn Dương, Tuyên Quang)

 

Ra tù, ông Hoàng Quốc Việt đến nhà ông Khuất Duy Tiến chơi, lúc đó là năm 1936, bà Bảy lúc đó 16 tuổi đang tuổi nhí nhảnh gọi ông Hoàng Quốc Việt là "anh già” – vì ông hơn bà 18 tuổi. Nhưng làm cách mạng không có nghĩa là khô cứng, là không biết yêu lãng mạn, có lần mấy chị em gái bắt được bức thư tình của "Anh già” gửi bà Bảy. Nhà bà Bảy có bảy chị em gái (ông Khuất Duy Tiến là anh trai và cũng là con trai duy nhất, bà Bảy hàng thứ bảy trong nhà) nên chị em nghịch ngợm mở ra xem. Đến câu cuối cùng, cả nhà ngơ ngác khi đọc "Anh sẽ yêu em đến cù nỳ”, "Cù nỳ” thực ra là chứ viết tháu của chữ "cùng”. Vậy mà đến tận năm 1945, hai ông bà mới cưới nhau. Sau khi đất nước độc lập, bà Bảy chuyển về  công tác ở Ban Tổ chức Trung ương và mất năm 1976.

 

Chuẩn bị cho ngày vinh danh Phụ nữ Việt Nam 20-10, cũng là ngày sinh của bà Khuất Thị Bảy, người nép bên cái bóng vĩ đại của chồng, anh hùng Hoàng Quốc Việt, lại càng thấy khâm phục những người phụ nữ Việt chiến tích oai hùng mà cả đời lặng lẽ như những đóa hoa quỳnh tỏa hương trong đêm.

 

Tác giả bài viết: Quy Lâm