Các phong tục trong Tết Đoan Ngọ của người Việt
Tết Đoan Ngọ hay ngày giết sâu bọ được tổ chức vào mùng 5/5 âm lịch hàng năm. Đây là ngày tết cổ truyền của các nước Đông Á và Việt Nam đang là một trong những quốc gia duy trì và lưu giữ nét đẹp này lâu đời nhất. Ở mỗi quốc gia khác nhau, Tết Đoan Ngọ sẽ mang những ý nghĩa riêng nhất định, tuy nhiên, đối với người Việt Nam, Tết Đoan Ngọ là ngày Tết giết sâu bọ và thờ cúng tổ tiên.
Sở dĩ, người Việt có quan niệm này vì đây được xem là giai đoạn chuyển mùa và là thời điểm mà dịch bệnh dễ bùng phát. Vào ngày này, nếu thực hiện theo phong tục cổ truyền xưa, người nông dân sẽ không còn lo lắng vì mùa màng hay cây cối bị sâu bọ phá bĩnh. Năm này qua năm khác, ngày này dần trở thành tục lệ và cho đến tận bây giờ, Tết Đoan Ngọ đã trở thành là một ngày Tết truyền thống đối với người Việt Nam. Vào ngày Tết Đoan Ngọ, có rất nhiều phong tục thú vị được thực hiện. Nếu bạn chưa biết đến các phong tục này, hãy cùng Bách hóa xanh tìm hiểu nhé!
Tham khảo: Mâm cúng Tết Đoan ngọ chuẩn nhất 2024
1 Khảo cây vào giờ Ngọ
Khảo cây vào giờ Ngọ
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, đúng 12 giờ trưa, nhiều địa phương sẽ thực hiện nghi thức khảo cây hay còn gọi là đánh cây. Theo quan điểm xưa, nếu thực hiện điều này và kèm theo ước muốn sung túc, đầy đủ thì sẽ được theo ý nguyện.
Khi khảo cây, người ta sẽ chọn những loại cây ăn quả ít ra quả hoặc bị sâu bệnh với ý nghĩa lấy đi những điều không hay, không tốt. Nghi thức khảo cây gồm 2 người. Một người trèo lên cây và hóa thân thành cây. Người còn lại sẽ ở dưới, cầm dao, gõ vào gốc cây và hỏi các câu như “Tại sao năm nay cây cối không đơm hoa, kết trái?”, “Mùa cây sau quả có ra nhiều không?”... Người trên cây sẽ trả lời các câu hỏi của người ở dưới. Các câu hỏi được đưa ra liên tục và người ở dưới sẽ “dọa” đốn cây nếu mùa sau không được như ý. Người trên cây phải trả lời nhanh với giọng điệu cuống quýt và phải hứa sẽ cho nhiều quả vào mùa sau.
Tham khảo thêm: Vì sao tục khảo cây vào ngày Tết Đoan Ngọ lại giúp cây ra trái nhiều vào vụ sau?
2 Ăn trái cây
Ăn trái cây
Vào ngày này, người Việt Nam thường ăn các loại cây có vị chua như mận, xoài, cam, bưởi... với mong muốn là loại trừ mầm bệnh. Những loại trái cây đó cũng thường xuất hiện trên mâm cúng hầu hết gia đình vào ngày này. Bên cạnh đó, việc ăn trái cây đầu mùa cũng thể hiện được mong muốn một cuộc sống đầy đủ, cây cối đơm hoa, kết trái.
3 Ăn cơm rượu nếp cẩm
Ăn cơm rượu nếp cẩm
Cơm rượu nếp cẩm là cơm từ gạo nếp cẩm được nấu lên men cùng với rượu. Đây là món ăn có vị ngọt và chữa được nhiều bệnh như suy nhược cơ thể, làm giảm cơn khát, trị chứng ra mồ hôi trộm. Vào ngày Tết Đoan Ngọ, mọi người trong cùng một gia đình thường vệ sinh cá nhân sạch sẽ và cùng nhau ăn cơm rượu nếp cẩm. Đây là một phong tục đã có từ lâu đời nhằm thể hiện mong muốn đẩy lùi được mầm bệnh trong cơ thể và mang lại nguồn sức khỏe dồi dào và tươi trẻ.
Tham khảo thêm: Cách làm cơm rượu nếp cẩm tại nhà
4 Hái lá thuốc
Hái lá thuốc
Ở nhiều địa phương, đặc biệt là những vùng thôn quê, người dân thường rủ nhau đi hái lá thuốc vào 12 giờ trưa. Việc đi hái lá vào thời gian này vì theo tục truyền, đây là thời khắc dương khí tốt nhất vì mặt trời sẽ tỏa ra ánh nắng tốt nhất trong năm. Mọi người thường đi theo nhóm và hái các loại cây cỏ có tác dụng chữa bệnh như các bệnh ngoài da hay các bệnh đường ruột. Sau khi hái xong, mọi người sẽ đun nước tắm hoặc xông hơi để phòng hoặc trị bệnh.
5 Ăn bánh ú tro
Ăn bánh ú tro
Bánh ú tro cũng là một món ăn đặc trưng và không thể bỏ qua trong ngày Tết Đoan Ngọ. Để có một chiếc bánh ú tro thơm ngon, người làm bánh phải rất tỉ mỉ trong khâu chọn nguyên liệu, gạo nếp phải thơm dẻo và phải được ngâm trong nước tro tàu, lá gói bánh phải là lá dong chứ không dùng lá chuối… Bánh được gói lại thành từng chùm, một chùm thường từ 7-10 cái và cho vào nồi luộc. Cứ tới ngày này, cha mẹ hay ông bà thường làm rất nhiều để khi con cháu, họ hàng về thăm, gia đình sẽ cùng nhau quây quần bên nhau, ăn bánh ú, uống lá mát và cùng nhau trò chuyện.
6 Ăn thịt vịt
Ăn thịt vịt
Ăn thịt vịt cũng là một trong những phong tục của ngày Tết Đoan Ngọ. Theo Đông y, thịt vịt có tính mát và có tác dụng giải nhiệt rất tốt nên vào ngày có tiết trời nóng bức như Tết Đoan Ngọ, người Việt Nam thường ăn thịt vịt để bồi bổ và thanh lọc cơ thể.
Ngoài những phong tục nổi bật trên, vào ngày Tết Đoan Ngọ, ở nhiều địa phương, trẻ em thường được cha mẹ sơn móng tay, móng chân màu đỏ hoặc bôi vôi vào ngực và rốn để không bị đau đầu, đau ngực. Nếu không đi hái thuốc được, người ta cũng sẽ dành thời gian để đi mua các loại lá mát, lá thuốc về trữ trong nhà vào ngày này. Đây không chỉ là thói quen mà còn trở thành phong tục, tập quán và là nét đẹp văn hóa được người dân Việt Nam duy trì và gìn giữ.