Khuất Thu Hồng người đàn bà thép?
Mình biết đến Khuất Thu Hồng qua nhiều kênh khác nhau, nhất là nghe chị nói chuyện trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vấn đề xã hội ở Việt Nam…
Hồi đầu, cũng phân vân ghê gớm, các vấn đề chị đưa ra luôn mới mẻ, khá thiên vị phụ nữ và rất ngược với quan niệm của các bà mẹ chồng, của đàn ông và các nguyên tắc chung truyền đời truyền kiếp ở ta và các nước Á Đông … Nhưng càng nghe càng thấy… có lý. Một gương mặt rất thần thái và đẹp, má lúm đồng tiền, giọng nói trong trẻo ấm áp.... Từ đó mình có thiện cảm với vị Tiến sĩ xinh đẹp này.
Các buổi thuyết trình của chị mình chú ý nhiều hơn. Đối chiếu và quan sát đời sống của người Âu Mỹ qua những năm từng sống mình nhận ra sự thiên vị mà chị dành cho phụ nữ và những người thiệt thòi trong xã hội có lẽ xuất phát từ mong muốn của chị hướng đến bình đẳng giữa các cá nhân, giữa nam và nữ, giữa người già và người trẻ, giữa những người thuộc các sắc tộc khác nhau, với các vị thế xã hội khác nhau…
Rồi mình biết người đẹp ấy là Khuất Thu Hồng, tốt nghiệp Khoa Tâm lý, Đại học Tổng hợp Moscow mang tên Lomonosov năm 1984 và sau này trở thành Tiến sĩ xã hội học.
Sau gần 20 năm làm việc trong một viện nghiên cứu của nhà nước, năm 2002, Khuất Thu Hồng cùng một số đồng nghiệp thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), nơi cho phép chị và đồng nghiệp chủ động thực hiện các nghiên cứu về giới, tình dục, sức khoẻ sinh sản; và hòa nhập xã hội cho các nhóm dễ bị tổn thương như người khuyết tật, cộng đồng LGBT (lesbians - đồng tính nữ; gays - đồng tính nam; bisexuals - lưỡng tính; transgender - chuyển giới), người sử dụng ma túy, người nhiễm HIV, người dân tộc thiểu số và người lao động di cư… Kiến thức nền tảng về tâm lý học cộng với kiến thức về xã hội học là những lợi thế giúp Khuất Thu Hồng mạnh dạn dấn thân vào những chủ đề khó như vậy. Chị bảo khó nhưng vì ít được quan tâm nghiên cứu ở Việt Nam nên cũng đáng để làm.
Biết và trọng nhau từ lâu, thường xuyên dõi tin nhau trên Facebook, nhưng phải đến triển lãm lần 2 của mình ở 16 Ngô Quyền mình và Hồng mới gặp nhau lần đầu tiên. Thế rồi hẹn nhau vẽ chân dung. Nhưng đâu có phải muốn là vẽ được ngay. Vẽ được gương mặt Khuất Thu Hồng là một thách thức.
Nhưng cuối cùng mình cũng hoàn thành.
*
Vẽ xong, mình hồi hộp chờ ý kiến của chị. Hai vợ chồng chị đã đến studio xem trực tiếp. Vừa nhìn thấy chàng và nàng, từ cái nhìn đầu tiên mình đã nghĩ ngay "cặp này thật hạnh phúc". Sự hạnh phúc hiển hiện ngay từ hình dáng bên ngoài, trang phục, cho đến cách họ nói năng, trao đổi, nhìn ngắm, cười đùa… với nhau. (Điều này mình ít gặp ở Việt Nam, chỉ thấy ở Âu Mỹ. Hai vợ chồng vui vẻ bằng lòng bức chân dung. Từ ngày đó mình dõi theo chị nhiều hơn. Không thấy chị tham gia tranh luận những chuyện tầm phào trên mạng xã hội, nhưng hầu như các vụ phụ nữ bị bạo hành thì chị không bỏ qua. (Lên tiếng trước vấn nạn đó không bao giờ là dễ dàng, rất dễ bị ném đá vì dám thách thức những quan niệm cổ hủ ngàn đời về vai trò, đạo đức, nhân phẩm người phụ nữ).
Trong số nhiều người thường lui tới studio của mình có hai người nhìn thấy bức chân dung Khuất Thu Hồng. Một người đàn ông bảo: "Bà này đẹp thật nhưng tôi hãi lắm. Có vợ đẹp đã khổ, khổ vì khó giữ. Thông minh sắc sảo nữa càng khổ, vì cái gì nó không biết, không có gì qua mắt được nó…". Rồi ông kể đã nghe Khuất Thu Hồng nói, và ông dị ứng. Ông cho rằng, bản thân Khuất Thu Hồng từ bỏ lại còn "xui" đàn bà từ bỏ thiên chức phụ nữ và khái niệm Công, Dung, Ngôn, Hạnh là cổ hủ, là phải loại trừ.
Mình thầm nghĩ "ông này đại diện cho típ đàn ông muốn thống trị gia đình, muốn đặt ra những nguyên tắc theo cách có lợi nhất cho bản thân". Mình đem những điều mà mình nhớ được mỗi lần nghe chị nói ra giải thích cho ông.
Chị nói rằng: "Quan niệm rằng thiên chức của phụ nữ là làm vợ, làm mẹ và coi đó là ưu tiên hàng đầu đối với phụ nữ và việc ca ngợi sự hy sinh của phụ nữ cho gia đình sẽ dẫn đến việc không khuyến khích phụ nữ theo đuổi khát vọng cá nhân và phát triển sự nghiệp của mình. Nhiều phụ nữ sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp, cơ hội thăng tiến sự nghiệp của mình, để làm tròn "thiên chức" làm vợ, làm mẹ chỉ vì sợ bị đánh giá là ích kỷ. Trong khi, đàn ông không bao giờ từ chối những cơ hội đó, thậm chí có nhiều người còn nghĩ rằng phụ nữ phải từ chối, hay "nhường" các cơ hội đó cho chồng con… Chị bảo đó là sự bất bình đẳng và điều đó cần phải thay đổi. Ai có cơ hội phát triển sự nghiệp cá nhân thì phải được khuyến khích và ưu tiên, dù đó là nam hay nữ...".
Chị cho rằng Công, Dung, Ngôn, Hạnh là tiêu chuẩn xã hội do Nho giáo đặt ra để phụ nữ phục vụ đàn ông và gia đình. Nếu vẫn muốn duy trì Công, Dung, Ngôn, Hạnh thì cần phải diễn giải những khuôn mẫu này theo một cách khác, phù hợp hơn với cuộc sống hôm nay.
Công: là nghề nghiệp, công việc. Phụ nữ thời nay nhất định phải có nghề nghiệp, công việc. Muốn vậy phải học tập, phải rèn luyện tay nghề để có công việc mang lại thu nhập tốt, đảm bảo sự độc lập, không phụ thuộc người khác, để được tôn trọng.
Tranh chân dung Khuất Thu Hồng do nhà văn Trần Thị Trường vẽ.Dung: biết quan tâm để ngoại hình của mình sao cho lúc nào cũng gọn gàng, chỉn chu. Biết tìm ra nét đẹp của mình để phát huy. Không chạy theo trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ khiến mình mất đi vẻ đẹp tự nhiên riêng biệt của mình. Vẻ đẹp không chỉ phụ thuộc vào những nét bề ngoài, mà còn tỏa sáng từ nội tâm. Sự trong sáng, thiện lương sẽ khiến người ta đẹp một cách thần thái, làm nên sự hấp dẫn của người phụ nữ.
Ngôn là nói năng tự tin, chừng mực, có ý nghĩa, tôn trọng người khác... Để được như vậy phụ nữ cần học để có tri thức dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Hạnh: biết quan tâm đến những người xung quanh, biết yêu bản thân, yêu thương gia đình nhưng biết chia sẻ với những người khó khăn...
Trau dồi Công, Dung, Ngôn, Hạnh không phải là để làm người nội trợ hoàn hảo, mà là để có thể trở thành môt người độc lập, tự tin, có năng lực để khẳng định giá trị của bản thân, góp phần xây dựng gia đình, cộng đồng và đất nước ngày càng giàu mạnh. Công, Dung, Ngôn, Hạnh cũng không chỉ áp dụng cho phụ nữ. Nam giới cũng cần có những phẩm chất như vậy. Chị cho rằng xã hội chúng ta sẽ tốt đẹp hơn, nếu cả phụ nữ và nam giới đều có Công, Dung, Ngôn, Hạnh theo cách hiểu mới này. Sẽ là vô nghĩa nếu mà chỉ có phụ nữ phải cố gắng còn nam giới thì không…v.v.
Nghe xong, ông ấy cười cười, bảo: "Các chị bênh nhau quá".
Người thứ hai hôm đó nhận xét về Hồng là một phụ nữ. Chị quen thân với Khuất Thu Hồng. Chị bảo Hồng là người đàn bà giàu nữ tính. Thông minh bao nhiêu thì nữ tính bấy nhiêu, sống thực tế hằng ngày cũng không khác với điều Hồng nói trên diễn đàn. Trong vai trò một thành viên trong gia đình Hồng cũng hết lòng không kém như vai trò một trí thức có trách nhiệm với xã hội. Chị kể, Hồng có một gia đình hạnh phúc. Cha mẹ, anh chị em, chồng, con, cháu chắt thường xuyên gặp gỡ nhau. Một đại gia đình xấp xỉ gần 30 người luôn vui vẻ, thường xuyên gặp gỡ. Các thành viên trong gia đình của Hồng thực sự quan tâm và gắn bó với nhau, sống thân ái, vui vẻ và văn minh.
Từ ngày quen Hồng, mình thấy Hồng là một người chăm chỉ, làm việc không mệt mỏi. Đi lại như con thoi giữa các tỉnh thành trong cả nước. Sáng dự hội thảo quốc tế, chiều đã có mặt ở một vùng quê. Hôm thì đi lên vùng cao làm việc với phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, hôm lại gặp gỡ người khuyết tật. Thoắt cái đã thấy nói về bạo lực đối với phụ nữ trên tivi hay các vấn đề sống chung với HIV…
Nếu không biết về cuộc sống cá nhân của Hồng thì sẽ nghĩ: cô ấy chỉ biết có công việc, chồng con mất nhờ. Nhưng ai chơi với Khuất Thu Hồng đều biết cô ấy rất mê nữ công gia chánh. Khi không phải đi xa, Hồng luôn thu xếp thời gian để nấu bữa tối cho chồng con và cháu ngoại. Nấu rất khéo các món. Đôi khi cô còn tự may quần áo cho cả nhà, cho bạn bè. Thêu thùa, đan lát, trang trí nội thất cũng giỏi... Cứ đến nhà sẽ thấy ngay sự chăm chút của cô dành cho tổ ấm. Chồng cô bảo, việc đó nhờ ở bàn tay Hồng.
Khuất Thu Hồng là tip phụ nữ không biết đến chữ già. Ở độ tuổi 60 Hồng vẫn trau dồi kiến thức, cập nhật thời đại. Có lần Hồng đã nói: "Tuổi trẻ thì không thể lấy lại nhưng sống trẻ thì hoàn toàn có thể khi con người không ngừng học hỏi và thay đổi bản thân".
Xuân Giáp Thìn chúc cho những người phụ nữ đẹp và thông minh như Khuất Thu Hồng sẽ có thêm người đồng cảm và mến mộ.
Trần Thị Trường
Khuất Thu Hồng người đàn bà thép? - Báo Công an Nhân dân điện tử (cand.com.vn)