Lịch sử hình thành và phát triển họ Khuất tại Việt Nam

Sau mười năm kết nối dòng họ ( 20/6/1999 ) cùng với sự nghiên cứu tìm tòi của Ban liên lạc họ Khuất, chúng ta đã có thể khẳng định là : Họ Khuất cho đến nay chỉ thấy có ở Sơn Tây ( tỉnh Sơn Tây cũ ) còn tất cả những chi, tiểu chi và người họ Khuất ở khắp Bắc , Trung , Nam kể cả một số người ở nước ngòai đều là từ Sơn Tây ra đi, hoặc có gốc gác từ Sơn Tây. Một điều khá bất ngờ là trái với suy nghĩ của nhiều người cho rằng họ Khuất chỉ là một họ nhỏ, nhưng nay căn cứ vào những thông tin từ thực tế thì họ Khuất là một HỌ LỚNcó mặt ở khắp vùng Hà Tây, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình ... Và các thành viên định cư rất động ở Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và rải rác ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Lào cai, Yên Bái vv... Chỉ riêng ở Hà Nội ( TP Hà Nội cũ ) đã có khỏang gần 300 hộ với hàng nghìn nhân khẩu .

Qua thực tế rà sóat thì các Chi họ Khuất nằm rải rác từ Thị xã Sơn Tây xuôi theo đường 32 ở tất cả các xã dọc hai bên đường . Phía bên phải từ Trung Sơn Trầm ( Sơn Tây ) Tích Giang, Tường Phiêu , Trạch Mỹ Lộc, ( Phúc Thọ ) xuôi xuống Cẩm Yên, Lại Thượng Đại Đồng . Phía bên trái đường 32 từ Tiền Huân , Thọ Lộc , Sen Chiểu, Thư trai qua thị trấn huyện Phúc Thọ xuồng Gia Hòa, Thanh Phần, Phụng Thượng , Ngọc Tảo ra đến tất cả các xã ven sông Hồng. Ngược lên phía tây là Viên Sơn Cổ Đông, Kim Đái rồi vượt qua sông Đà sang Tu Vũ, Hòa Bình lên Phú Thọ Yên Bái. Một số từ Sơn Tây vượt qua sông Hồng sang Vĩnh Tường ( Vĩnh Phúc ) . Có một số tiểu chi xuống lập nghiệp ở Thường Tín, Mỹ Đức của Hà Đông cũ. Ở TP Hồ Chí Minh có Họ Mai gốc Khuất .

Qua báo chí được biết ở Lạng Sơn có một làng tên là Khuất Xá nhưng chưa biết có liên quan gì đến họ Khuất hay không. 

Nơi có mật độ dày đặc, đông đảo và tập trung nhất là ở khu vực thị xã Sơn Tây, xuôi 2 bên đường 32 xuống đến Phụng Thượng - Đại Đồng. hầu như xã nào, thôn nào cũng có một số chi và tiểu chi họ Khuất. Xã Tích Giang 15 tiểu chi, xã Đại Đồng 17 bếp, Cẩm Yên hơn 10 chi, Thanh phần 3 chi, Phụng thượng 3 chi, Trạch Mỹ Lộc 3 chi vv... Qua đây cho thấy ông, cha ta đã bám trụ và phát triển chủ yếu trong 2 huyện Phúc Thọ , Thạch Thất và quanh thị xã Sơn Tây rồi có thể do những biến động lịch sử nào đó mà di cư lên các huyện vùng núi Phú Thọ, Hòa Bình và tứ tán đi các nơi lập nghiệp .

Về nguồn gốc xuất xứ của họ Khuất, cho đến nay vẫn chưa xác định được từ đâu đến Sơn Tây định cư. Trước đây có một số thông tin là xuất xứ từ Thanh Hóa, Nam Định … nhưng qua truy cứu, đến nay vẫn chưa rõ và cũng chưa tìm thấy có Chi họ Khuất nào ở Thanh Hóa, Nam Định .
Về cụ Tổ lâu đời nhất của họ Khuất thì trước đây xác định cụ Khuất Quỳnh Khang, thân sinh ra cụ Khuất Quỳnh Cửu, tiến sỹ, Thượng thư Bộ lại thời tiền Lê có niên đại lâu đời nhất - đầu thế kỷ thứ XV, nhưng nay đã phát hiện ra cụ Khuất Đả - Đốc tướng triều Lê cũng có niên đại cùng cụ Khang, song đến nay vẫn chưa tìm ra dòng dõi của cụ. Ngòai ra còn có cụ Khuất Đình Phụng ở Mỹ Trọng, Mỹ Lộc, Nam Định đến khai khẩn lập làng ở Tuy Lộc thế kỷ thứ XV. Cũng có thông tin về chi họ ở thôn Đông, xã Phụng Thượng ( Phúc Thọ ) có cụ Tổ có niên đại cách đây hơn 1.000 năm. Ban liên lạc đã tìm về tận nơi để xác minh nhưng đã không xác định được chính xác, vì tấm bia mộ đào lên đã bị mờ, không thể đọc được cũng không dập được. Căn cứ theo các cụ ở đây thì trong lần đào lên trước, cách hàng chục năm, bia mộ còn đọc được và đã mời một ông cụ Đồ ở chợ huyện Thạch Thất chuyên viết câu đối lên đọc hộ, đã ghi lại là trên tấm bia mộ chí có ghi “ Khuất Tộc thượng Tổ nhất phái “ và niên đại cách đó 1.020 năm ; song vì bia này không còn đọc được nữa nên không có đủ căn cứ để khẳng định ...

Điều đáng tiếc nhất là trải qua những biến động của lịch sử và các cuộc chiến tranh, tất cả các Chi họ đều không còn gia phả gốc mà chỉ có gia phả nhiều nhất là 16 đến 18 đời trở lại đây. Do đó việc xác định nguồn gốc dòng họ và mối liên hệ qua các đời giữa các bếp, các chi và sự chia tách của các bếp , các chi đã không chỉ rõ ra được. Tuy nhiên, qua thông tin tư liệu của từng chi họ gửi đến cũng bước đầu xác định được mối liên hệ chằng chịt giữa các chi họ ở các vùng với nhau như giữa Trạch Mỹ Lộc ( Phúc Thọ ) với Thư Trai ( Phúc Thọ ) , Tiền Huân ( Sơn Tây ) , Vĩnh Tường ; giữa Tiền Huân với Đại Đồng ( Thạch Thất ), giữa Đại Đồng với Phụng Thượng ( Phúc Thọ ), giữa Trạch Mỹ Lộc với Gia Hòa, giữa Tích Giang với Cẩm Yên, giữa Lại Thượng ( Thạch Thất ) với Nghĩa Lộ ( Phúc Thọ ) ; giữa Thư Trai với Đại Đồng và Cô Muỗi ( Vĩnh Phúc ) giữa Thọ Lộc với Gia Hòa, giữa Tu Vũ, Thanh Thủy ( Phú Thọ ) với Sen Chiểu, Linh Chiểu ( Hà Tây ) giữa các chi ở Tu Vũ với Trung Nghĩa , Đồn Vàng , Thanh Sơn ( Phú Thọ ) với Xuân Vân ( Phúc Thọ ) , giữa Tu Vũ với Vân Cốc ( Phúc Thọ ) ; giữa Thôn Me Tích Giang với Yên Lỗ Kinh Đạ, giữa Trạch Mỹ Lộc với Tường Phiêu Tích Giang, giữa Mả Giang thôn Kiều Trung với Tu Vũ, Kỳ Sơn ( Hòa Bình ) vv….
Qua tất cả những thông tin, tư liệu trên đây, chúng ta có thể khẳng định bước đầu rằng tất cả các chi, bếp họ KHUẤT ở Sơn Tây cũ đều có mối liên hệ huyết thống cùng một dòng họ KHUẤT - ĐẠI HỌ KHUẤT . Nhưng trải qua thời gian gần nghìn năm , trải qua những biến động lịch sử , trải qua các cuộc chiến tranh kéo dài, cùng với chuyển cư lập nghiệp, lấy vợ, lấy chồng và sự chia tách tự nhiên qua nhiều đời, dần dần phai nhạt không còn liên hệ với nhau. Nhất là không còn gia phả gốc nên đã không xác định được mối liên hệ họ tộc, song một điều có thể khẳng định được là họ KHUẤT chỉ có ở trên đất tỉnh Sơn Tây cũ và không thể trong một vùng không lớn lại có đến mấy chục họ Khuất khác nhau mà chỉ có thể có một họ Khuất trong lịch sử các dòng họ. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu, truy cứu để dần dần làm sáng tỏ hơn nữa kết luận này .

Bài viết tổng hợp từ các tư liệu của Ban Liên lạc Toàn quốc Họ Khuất Việt Nam