CÓ MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ NHƯ THẾ

CÓ MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ NHƯ THẾ !

(Bài viết nhân ngày truyền thống Phụ nữ VN 20/10).

Đó là bà Khuất Thị Bảy (K.T.B) người con ưu tú của quê hương Phúc Thọ Anh hùng,

Bà Khuất Thị Bảy sinh ngày 20/10/1920, trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở làng Thuần Mỹ, tổng Tường Phiêu, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội). Bà KTB còn có tên là Bưởi và sau này tham gia hoạt động cách mạng, bà đã mang bí danh là Khuất Thị Vĩnh.

Thân phụ của bà KTB là cụ Khuất Duy Tiết, từng giữ chức Chánh tổng Tường Phiêu là một ông quan thanh liêm, chính trực nổi tiếng của xứ Đoài. Cụ Tiết đã sinh hạ được 08 người con, trong đó bà KTB đứng thứ 07, là em ruột của Nhà cách mạng Khuất Duy Tiến (1910-1984). Bà KTB sớm chịu ảnh hưởng tư tưởng tiên tiến, cách mạng từ người anh của mình. Ông Khuất Duy Tiến đã tham gia cách mạng từ năm 1928, từng là Phó bí thư Thành ủy Hà Nội (1945-1946), kiêm Phó cục trưởng Cục Chính trị Bộ Quốc phòng (1945-1947) rồi làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Hà Nội (1948-1949).

Nhiều sách báo của Đảng cũng như tinh thần dấn thân vì nước, vì dân của người anh đã từng bước cảm hóa, thu hút và cổ vũ bà Bảy đi theo con đường, lý tưởng CM mà anh trai của bà là khuôn mẫu, thần tượng.

Chị em của bà KTB đã lần lượt giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng như các bà Khuất Thị Kiển, Khuất Thị Tuyện, Khuất Thị Hường, Khuất Thị Thuân, Khuất Thị Quyên (phu nhân của cố Trung tướng Lê Hiến Mai).

Bà Khuất Thị Bảy tham gia hoạt động CM rất sớm, ngay từ lúc 18 tuổi tại mảnh đất quê hương. Trong cuốn "Lịch sử Đảng bộ và ND xã Trạch Mỹ Lộc (1930-2015)", xuất bản năm 2017, đã ghi nhận bà KTB là một trong 07 thành viên của tổ chức Thanh niên Phản đế địa phương và cũng là đảng viên đầu tiên của Chi bộ Cộng sản thôn Thuần Mỹ vào đầu tháng 9/1940. Ngay sau khi ra đời, tháng 02 năm 1941, Chi bộ đã tổ chức một buổi mít tinh đông đảo ở Khoang Côm (nay thuộc thị xã Sơn Tây), nhằm tuyên truyền giác ngộ CM và kêu gọi quần chúng đấu tranh, lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật và bè lũ tay sai.

Trong cuốn Lịch sử ghi rõ: “...Sáng hôm đó có hơn 100 anh chị em trẻ của tổ chức Thanh niên phản đế cùng lực lượng quần chúng từ các nơi về tham dự. Sau khi đội ngũ chỉnh tề, mọi người nghiêm trang, lắng nghe các đồng chí Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Huy Phường (Lê Hiến Mai) và Khuất Thị Bảy nói chuyện tình hình trong nước và thế giới. Hầu hết mọi người đều vô cùng phấn khởi, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Đặc biệt là chị em rất phấn khởi khi nghe đồng chí Khuất Thị Bảy phát biểu, kêu gọi chị em tham gia đấu tranh cách mạng, đồng thời bênh vực sự bình đẳng cho phụ nữ” (trang 30).

Sau sự kiện đó, bà KTB tham gia BCH Thanh niên tỉnh Sơn Tây, rồi làm Ủy viên Ban cán sự tỉnh Vĩnh Yên, ủy viên Ban công vận TP Hải Phòng… Tháng 9/1941 bà bị đế quốc Pháp bắt tại Hải Phòng và kết án 20 năm tù khổ sai, giam giữ tại các nhà tù Sơn Tây, Nam Định, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Thời gian bị tù, bà vẫn liên lạc với cách mạng bên ngoài và tháng 2-1944, bà được đồng chí Hoàng Quốc Việt và Chu Văn Tấn tổ chức vượt ngục, đón lên Tuyên Quang tham dự thành lập Đội Cứu quốc quân 3.

Tháng 8-1944, với vai trò là Ủy viên Ban Cán sự Vĩnh Yên bà Bảy tham gia công tác quần chúng, phục hồi và xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị lực lượng và tham gia giành chính quyền ở tỉnh Vĩnh Yên. Tiếp đó, bà Khuất Thị Bảy được biệt phái vào Huế và tham gia Thành ủy viên thành phố Huế (từ tháng 8-1945 đến cuối năm 1946). Cùng với Thành ủy và nhân dân Huế, bà Bảy đã mời Nam Phương Hoàng hậu ra làm cố vấn cho tổ chức Tuần lễ vàng thành công tại kinh thành Huế.

Sau khi lập gia đình với ông Hoàng Quốc Việt, bà Khuất Thị Bảy tiếp tục cùng chồng phục vụ cách mạng. Theo lời kể của chị Hạ Chí Nhân - con gái cả của ông Việt, bà Bảy thì không bao giờ quên hình ảnh người mẹ tranh thủ về thăm các con khi trời xẩm tối, rồi lại vội vã ra đi..., . Chị Nhân tâm sự: “Chúng tôi chẳng được ở với ba mẹ nhiều, trẻ em thời kháng chiến là thế. Chúng tôi thấu hiểu những hy sinh của ba mẹ tôi, vì nhiệm vụ chung của đất nước mà luôn phải xa cách những đứa con, khi chúng còn quá bé bỏng".

Chị Nhân còn cho biết thêm về cuộc hôn nhân của cha mẹ mình như sau: "Trong thời gian hai nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt và Khuất Duy Tiến là bạn tù với nhau ở Côn Đảo, một hôm Hoàng Quốc Việt thấy Khuất Duy Tiến giữ tấm ảnh chân dung bà cụ thân sinh. Nhìn ảnh, Hoàng Quốc Việt thốt lên: “Ôi, bà cụ đẹp, phúc hậu quá!”. Khuất Duy Tiến liền nói: “Nhà tớ có mấy cô em đều xinh gái giống mẹ. Khi nào về tớ sẽ gả cho cậu một đứa” rồi cười: “Phải xem có đứa nào giác ngộ cách mạng thì mới gả cho cậu được!”.

Thế mà câu đùa vui vẻ ấy đã thành hiện thực và Khuất Duy Tiến chính là “cầu nối” để người bạn tù, người đồng chí của mình trở thành em rể. Ở Côn Đảo về, mặc dù bị quản thúc nhưng Hoàng Quốc Việt vẫn lui tới làng Thuần Mỹ, gặp gỡ, trao đổi nhiệm vụ cách mạng với Khuất Duy Tiến. Cuối cùng ông đã bén duyên với người con gái họ Khuất kém ông 18 tuổi, để rồi chín năm sau - khi Cách mạng Tháng Tám thành công 1945, ông đã kết hôn với bà Khuất Thị Bảy.

Sau khi đất nước thống nhất, bà Khuất Thị Bảy chuyển về công tác ở Ban Tổ chức Trung ương và qua đời năm 1976.

***

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là bà KTB có ngày sinh trùng với thời gian thành lập Hội Phụ nữ VN (20/10/1930).

Kỷ niệm 92 năm ngày lịch sử của Phụ nữ VN, mỗi chúng ta - đặc biệt là chị em phụ nữ lại càng tưởng nhớ và tri ân những người phụ nữ VN đã hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, trong đó bà Khuất Thị Bảy - người con ưu tú của quê hương Phúc Thọ Anh hùng !

P/S : Ảnh Bác Hồ đến thăm gia đình ông Hoàng Quốc Việt và bà Khuất Thị Bảy, khi họ mới sinh con được một tháng tuổi (tại Định Hóa, Thái Nguyên, tháng 2-1949. (Ảnh tư liệu của gia đình).