Ông Khuất Duy Tiễn : Người lãnh đạo khởi nghĩa ở Thạch Thất tháng 8.1945

Chớp thời cơ khi tình thế cách mạng chín muồi

Lần theo danh sách dòng họ Khuất ở làng Lim, xứ Đoài, trấn Sơn Tây cũ, có nhiều cán bộ lão thành cách mạng: Ông Khuất Duy Tiến - Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa I (1946); bà Khuất Thị Bảy, người lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc trong Cách mạng tháng Tám 1945 và là phu nhân ông Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Bộ Chính trị; bà Khuất Thị Quyên, phu nhân Trung tướng - Bộ trưởng Lê Hiến Mai (tức Dương Quốc Chính)... Còn có một người con họ Khuất khác, cũng từng nổi danh một thời, nhưng cuối đời, ông về ẩn mình trong xóm Hà Hồi giữa Thủ đô Hà Nội. Đó là nhà cách mạng Khuất Duy Tiễn (1915-2002), bí danh Minh Tranh.

Nhân một ngày xuân về, nhà viết kịch danh tiếng Tào Mạt đã viết tặng ông Minh Tranh bài thơ: “Hiểu thấu lo xa nhờ bể học/ Sức dân san nỗi khổ muôn nhà/ Mắt sáng đèn trong đêm xuân tĩnh mịch/ Tiếng đàn hay hợp điệu bay xa”.

Tôi từng đọc trong tài liệu cũ, được biết ông Minh Tranh thuở thanh niên từng viết báo “Tin tức” cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Phong trào Mặt trận Bình dân (1936-1939), dưới sự chỉ đạo của các ông Trường Chinh, Trần Huy Liệu. Rồi cũng chính ông Minh Tranh được phân công hai lần từ Hà Nội vào Sài Gòn để tìm bắt liên lạc với chị Năm Bắc Kỳ - bí danh của bà Nguyễn Thị Minh Khai, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn để đưa tài liệu của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Trung niên, ông Minh Tranh làm Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Sự thật (1951-1964) rồi về làm chuyên viên cao cấp Ban Tổ chức Trung ương.

Dịp cụ Minh Tranh sang tuổi 83, nhiều bậc lão thành cách mạng như cụ Lê Giản - nguyên Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương, nhà sử học Văn Tạo - nguyên Viện trưởng Viện Sử học… tổ chức lễ mừng thọ một nhân chứng lịch sử gạo cội. Còn về giai đoạn  cụ Minh Tranh tham gia chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945, làm Chủ tịch Ủy ban cách mạng huyện Thạch Thất, tôi được ông Khuất Minh Trí - nguyên Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT), con trai cụ Minh Tranh - cung cấp cho những trang hồi ký cụ viết về “cái thuở ban đầu dân quốc ấy”.

Từ tháng 4.1945, dưới sự chứng kiến của ông Lê Quang Hòa (sau này là Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm TCCT), một khu giải phóng mang tên Khu Đốc Ngữ đã ra đời, do ông Khuất Duy Tiễn làm Chủ tịch. Trước đó, vào khoảng tuần cuối tháng 3, khuya một đêm sáng trăng, ông Khuất Duy Tiến từ nhà tù Sơn La trốn được về, đã cùng các ông Nguyễn Khai (sau này là Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương), Phạm Ngọc Mậu (sau này là Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm TCCT), Đào Đình Luống (tức Nguyễn Đức Quỳ - Thứ trưởng Bộ Văn hóa), Mai Vi - Thứ trưởng Bộ Văn hóa và một số đồng chí nữa bí mật “phá rào” tìm gặp ông Khuất Duy Tiễn lúc này đang chịu án quản thúc tại quê hương: Làng Thuần Mỹ, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội).

Bị quản thúc, nhưng ông Tiễn đâu chịu ngồi yên. Ông vẫn tìm cách bắt liên lạc với Trung ương Đảng và cơ sở Đảng ở địa phương qua ông Nguyễn Quốc Hồng (tức Phạm Khắc Minh), sau này là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân lâm thời tỉnh Sơn Tây. Các cơ sở Đảng dần hồi phục. Từ năm 1944, quyền thế của tổng lý ở làng Thuần Mỹ và làng Tuy Lộc đều bị cô lập, vô hiệu hóa, dẫn đến tê liệt. Đây chính là chỗ dựa vững chắc để ông Khuất Duy Tiễn chớp thời cơ khi tình thế cách mạng chín muồi.

Từ giành chính quyền cách mạng ở Thạch Thất tới Sơn Tây

Trong hồi ký, ông Khuất Duy Tiễn kể lại, vào trung tuần tháng 8.1945, một buổi chiều, khi đang ở Thúy Lai thì ông Nguyễn Quốc Hồng tới gặp. Hai người chụm đầu bàn bạc kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Thạch Thất.

Ngay tối hôm đó, ông Tiễn báo cho các đồng chí ở các cơ sở khác chuẩn bị và cùng ông Hoàng Mạnh Tấn tổ chức một cuộc họp của Việt Minh ở Thúy Lai bàn kế hoạch khởi nghĩa chiếm lấy huyện đường.

“Sáng hôm sau, từ Thúy Lai, một đội vũ trang cùng với tôi và đồng chí Tấn đi đến huyện lỵ. Anh Hồng và các đồng chí ở Chi Quan - Kim Quan đã có mặt. Chúng tôi trao đổi kế hoạch hành động. Tri huyện hôm ấy vắng mặt. Thừa phái, lục sự và lính cơ không dám chống cự lại khởi nghĩa của nhân dân” - ông Tiễn viết trong hồi ký.

Ngày 18.8.1945, chính quyền về tay nhân dân, ông Khuất Duy Tiễn được phân công làm Chủ tịch Ủy ban cách mạng Thạch Thất.

Ngay chiều hôm ấy, được tin chính quyền huyện đã về Việt Minh, đông đảo nhân dân các làng trong huyện diễu hành tiến vào huyện đường. Đi đầu là những lá cờ đỏ sao vàng, theo sau là các đội võ trang rồi đến các phụ lão và trung, thanh thiếu niên lần lượt tới huyện chào mừng chính quyền mới.

Ngay hôm sau, một cuộc míttinh lớn được tổ chức ngay tại huyện lỵ Thạch Thất. Tổng lý và các thành phần chính quyền cũ được lệnh phải nộp triện và bằng cho nhân dân các làng. Ông Minh Tranh nhớ lại, chỉ trong vài hôm, chính quyền mới ở các làng đã được hình thành. Mặt trận Việt Minh với các tổ chức cứu quốc trong nhiều xã được tổ chức và hoạt động trong toàn huyện từ đấy.

Mấy hôm sau, ông Minh Tranh lại huy động nhân dân huyện Thạch Thất tiến lên tỉnh lỵ Sơn Tây phối hợp với nhân dân thị xã và các huyện khác khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Sơn Tây. Khi chính quyền cách mạng của tỉnh Sơn Tây được thành lập do ông Nguyễn Quốc Hồng làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân lâm thời, ông Minh Tranh được cử làm Trưởng ty Liêm phóng đầu tiên (nay làm Giám đốc Công an).

7-1
 

Với những cống hiến của mình, nhà cách mạng lão thành Minh Tranh đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều Huân huy chương, phần thưởng cao quý khác...

Tác giả bài viết : KIỀU MAI SƠN