ÔNG KHUẤT DUY TIỄN ( tức MINH TRANH) nhà sử học và là một cán bộ lão thành cách mạng
Ông Khuất Duy Tiễn, tức Minh Tranh sinh ngày 3-4-1915 tại thôn Thuần Mỹ, xã Trạch Mỹ, tổng Tường Phiêu, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây cũ; nay là thôn Thuần Mỹ, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp bằng tiểu học Pháp Việt, năm 1930 ông lên Hà Nội theo học hết năm thứ nhất bậc Thành chung tại trường Thăng Long, rồi phải nghỉ học vì gia đình nghèo túng quá. Năm 1936, ông vào Vĩnh Long làm công cho một hiệu buôn vài ba tháng, rồi vào học lớp y tá ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn - Chợ Lớn. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1936. Năm 1938, ông lãnh đạo cuộc bãi công lớn của hộ lý, y tá, y sĩ, bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ tháng 9-1938 đến tháng 6-1939, ông tham gia viết báo Tin Tức của Đảng xuất bản công khai do Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) làm Chủ nhiệm chính trị và Trần Huy Liệu làm chủ bút và viết báo Đời nay.
Tháng 6-1939, ông đã hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt do Tổng Bí thư của Đảng Nguyễn Văn Cừ giao cho là mang bản thảo cuốn Tự chỉ trích từ Hà Nội vào Sài Gòn, trao cho Trung ương Đảng lúc ấy đang ở miền Nam. Ông đã tiếp xúc, làm việc với nhiều lãnh đạo Xứ uỷ Nam Kỳ và các nhà trí thức như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Trần Văn Giàu, Trần Đình Tri, Huỳnh Văn Tiểng…và viết báo Dân chúng ở Sài Gòn là tờ báo của Đảng. Tháng 10-1939, ông ra Hà Nội tiếp tục viết báo Đời nay của Đảng (trước đó là báo Tin Tức). Sau đó ông bị địch bắt, bị phát vãng đến huyện Mỹ Đức (Hà Đông cũ) và thị xã Hưng Yên từ tháng 12-1939 đến cuối năm 1943 rồi đưa về quản thúc ở Sơn Tây từ năm 1944 đến tháng 3-1945.
Trong thời gian bị quản thúc, ông vẫn tiếp tục hoạt động bí mật, gây dựng phong trào cách mạng ở một số huyện thuộc tỉnh Sơn Tây cũ như Phúc Thọ, Bất Bạt, Tùng Thiện và thành lập Chiến khu Đốc Ngữ (tháng 4-1945) và được cử làm Chủ nhiệm khu. Tháng 8-1945, ông đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Thạch Thất và được cử làm Chủ tịch Uỷ ban Cách mạng lâm thời huyện Thạch Thất (tỉnh Sơn Tây cũ). Tiếp đó ông phụ trách quân sự khu Hoà Lạc rồi được giữ trách nhiệm Trưởng ty Liêm phóng Sơn Tây (tức Trưởng ty công an) từ tháng 10-1945 đến tháng 3-1946.
Tháng 3-1946, ông về Tổng bộ Việt Minh, tham gia nhiều công tác như: thành viên trong Phái đoàn Chính phủ Tuyên truyền kháng chiến (1947), Trưởng Ban biên tập Trung ương (1947-1948), Uỷ viên Ban Huấn luyện Trung ương (1949-1950), Uỷ viên Ban Tuyên truyền Trung ương (1951), Uỷ viên Ban biên tập Nhà xuất bản Sự thật (1952) rồi làm Trưởng Ban Biên tập Nhà xuất bản Sự thật (1953-1954).Năm 1953 ông được Ban Bí thư Trung ương phân công cùng ông Trần Huy Liệu lãnh đạo Ban nghiên cứu Văn Sử Địa Trung ương – Đây là tổ chức tiền thân của Viện Sử học; của Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia sau này. Từ 1954 đến 1963, ông là Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Sự thật; là Uỷ viên Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa Trung ương, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học Xã hội nhà nước.
Năm 1955, ông được cử đi dự Hội nghị kỷ niệm 50 năm cách mạng Nga (1905-1955) và làm việc với Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Viện hàn lâm khoa học Liên Xô đã đánh giá: “Viện hàn lâm khoa học Liên Xô coi những ngày đồng chí Minh Tranh ở Liên Xô và việc đồng chí đến thăm các hội nghiên cứu khoa học của Viện hàn lâm khoa học là bắt đầu một cuộc cộng tác huynh đệ có tính chất sáng tạo giữa các nhà bác học Liên Xô và các nhà bác học của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ”…
Từ đầu năm 1963 đến 1965, ông học tại Trường Nguyễn Ái Quốc; từ 1965 đến 1972 công tác tại Ban Nông nghiệp Tỉnh uỷ Nam Hà. Sau đó ông vềBan Tổ chức Trung ương Đảng và được nghỉ hưu vào tháng 4-1974. Dù nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và viết bài đăng trên các tạp chí lịch sử và sách chính trị của Nhà xuất bản Sự thật.
Ông Minh Tranh (Khuất Duy Tiễn) đã có nhiều đóng góp tích cực cho nền sử học Cách mạng Việt Nam và khoa học xã hội với trên 40 cuốn sách về chính trị, xã hội, lịch sử được xuất bản; trong đó có những cuốn sách đã được dịch ra Trung văn, xuất bản ở Trung Quốc như Sơ thảo Lịch sử Việt Nam (Bắc Kinh, 1956), Tìm hiểu lịch sử phát triển xã hội Việt Nam (Bắc Kinh, 1963). Với các bút danh: Minh Tranh, Văn Phong, Minh Chân; ông là tác giả của trên 50 luận văn khoa học đã công bố trên Tập san Văn Sử Địa và tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, tạp chí Học tập về các vấn đề lịch sử, văn học, chính trị . Ngoài ra, ông còn viết hàng chục bài báo trên nhiều tờ báo như Học tập, Thống nhất, Nhân Dân, Cứu quốc, Văn nghệ .v.v..
Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất (1961); Huân chương Lao động hạng Ba (1962); Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng hai (1976); Huân chương Độc lập hạng Ba (1999). Các Huy hiệu 40 năm, 50 năm và 60 năm tuổi Đảng.
Ông bị bệnh và mất ngày 15-8-2002 ở Hà Nội, hưởng thọ 88 tuổi. Nhà báo Đức Lượng, Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân đã viết : “ Những người làm báo Đảng vô cùng tự hào về đồng chí Minh Tranh, một cán bộ lão thành cách mạng suốt đời trung thành và tận tụy với lý tưởng của Đảng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân; một nhà lý luận kiên trung trên mặt trận tư tưởng, báo chí, xuất bản của Đảng”. Trung tướng Khuất Duy Tiến ghi trên sổ tang: “Vô cùng thương tiếc ông Khuất Duy Tiễn – người anh, người cha, người ông, người cụ của con cháu dòng họ Khuất. Người đảng viên cộng sản, người công dân mẫu mực đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho cách mạng, cho Đảng, cho nhân dân; làm rạng rỡ cho quê hương, dòng họ, gia đình; là tấm gương sáng cho con cháu noi theo…”. Biết tin ông mất, từ Paris, ông Sac lơ Phuốc ni ô (Charles Fourniau), Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt, nhà sử học người Pháp, ngày 7-1-2002 đã gửi thư chia buồn cùng gia đình: “…Minh Tranh là một người bạn Việt Nam lâu năm nhất và là một trong số những người bạn thân thiết nhất của tôi…Tôi khâm phục ông cũng chính là khâm phục cuộc đời ông, cuộc đời của một người chiến sỹ cộng sản không gì chê trách được, với một lòng trung thành không gì lay chuyển được và bên cạnh đó là trí thông minh, tốt bụng và một tâm hồn rộng mở... ”
Cuộc đời của ông - một công dân bình thường nhưng không tầm thường là tấm gương biết tôn trọng mọi người lao động trung thực và tự trọng mình. Ông là tấm gương cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời vừa lao động, vừa học hỏi thêm; khiêm nhường song không tự hạ thấp mình; luôn coi lợi ích của nhân loại, của quốc gia, trong đó có nhân dân nước ta làm trọng.
*
* Tiểu sử tóm tắt của ông Minh Tranh (Khuất Duy Tiễn) trên đây được gia đình ghi lại từ tóm tắt tiểu sử của Viện Sử học Việt Nam, từ lý lịch của ông và hồ sơ tư liệu lưu trữ tại gia đình. Người viết: Khuất Minh Trí