SƠN TÂY VỚI HỌ KHUẤT

Sơn Tây – vùng đất địa linh nhân kiệt, với Sơn Tinh đuổi thủy tặc giữ vững non sông, nơi quê hương của 2 vua ở Đường Lâm được tiên tổ họ Khuất chọn là nơi đất Tổ định cư lập nghiệp cách đây gần nghìn năm. Cho đến nay, do những biến thiên của lịch sử, tư liệu bị mất mát tiêu hủy và thất truyền nên chưa xác định được đầy đủ chính xác thủy tổ gốc gác họ Khuất bắt đầu từ đâu đến và ai là cụ Thủy tổ lâu đời nhất của Họ, nhưng điều đã được khẳng định cho đến nay là họ Khuất chỉ thấy có ở vùng Sơn Tây. Tất cả những chi phái, chi họ, tiểu chi và cá nhân họ Khuất tìm được cho đến nay trên cả nước và ở nước ngoài đều xuất xứ từ Sơn Tây

Thị xã Sơn Tây và vùng ngoại vi thị xã trên một chục cây số là nơi tập trung nhất các chi và tiểu chi họ Khuất. Gần như xã nào cũng có các chi họ Khuất, ít thì 2-3 chi, nhiều thì cả 11-12 chi. Như ở xã Trung Sơn Trầm, Tích Giang có đến 11 chi họ. Ở các xã Viên Sơn, Sen Chiểu, Thọ Lộc, Thư Trai, Trạch Mỹ Lộc…mỗi nơi có hàng chục tiểu chi. Xa hơn một tí như xã Phụng Thượng, Lại Thượng .v.v..cũng vậy. Như ở xã Đại Đồng có đến 17 bếp. Giữa các chi họ ở các nơi có mối liên hệ chằng chịt với nhau nhưng trải qua hàng nghìn năm với những biến động về chính trị-xã hội, với sự chia bếp, tách chi sau nhiều thế hệ dần dần quan hệ huyết thống có sự phai nhạt, nhất là trải qua những tháng năm bị bọn thực dân đô hộ và các cuộc chiến tranh tàn phá, hầu hết gia phả của dòng họ bị mất mát tiêu hủy, nên đến nay nguồn gốc dòng họ, mối quan hệ giữa các nhánh của các chi ở các vùng với nhau chưa xác định được đầy đủ. Có tình trạng trong một thôn, một xã, 5, 6 chi họ cùng mang họ Khuất nhưng lại không quan hệ huyết thống với nhau. Ngoài ra có tình hình một số chi họ Khuất do những nguyên nhân lịch sử nhất định đã chuyển đổi sang họ Nguyễn, họ Bùi, họ Lê .v.v..nay vẫn còn ghi nhớ cội nguồn họ Khuất.
Căn cứ vào những tư liệu lịch sử chính xác từ cụ Tổ lâu đời nhất được xác định đến nay là cụ Khuất Quỳnh Khang, khoảng 1450. Cụ Khang sinh ra cụ Khuất Quỳnh Cửu năm 1474, đến năm 1499 cụ Cửu đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ mùi, niên hiệu Cảnh Thống 2, đời Lê Hiển Tông (Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam do Nhà xuất bản Văn học ấn hành)” và sách “ Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam” do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành).
Cũng còn có thông tin khác của các chi họ Khuất ở thôn Đông xã Phụng Thượng là cụ Tổ ở đó có niên đại năm 1020 căn cứ vào mộ chí bằng đá hiện còn lại và được cụ đồ ở Thạch Thất đọc và dịch 2 lần. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến tận nơi xác minh thì hiện nay mộ chí đó đào lên đã bị mờ đi hoàn toàn không còn đọc được, do vậy không đủ cơ sở để kết luận chính xác về dòng tộc lâu đời nhất ở đây.
Hiện nay câu hỏi đặt ra: trước cụ Khuất Quỳnh Khang là ai? Và mộ chí ở thôn Đông xã Phụng Thượng ghi “Thượng Tổ nhất phái”, vậy còn phái khác ở đâu và trước đó như thế nào? Đó là những câu hỏi thuộc về lịch sử, cội nguồn họ Khuất còn cần được nghiên cứu sưu tầm công phu lâu dài may ra mới có thể xác định được.
Trải qua hàng nghìn năm tồn tại họ Khuất là một họ có truyền thống hiếu học. Theo tư liệu chưa đầy đủ, trong thời kỳ phong kiến đã có hàng chục vị đõ tiến sĩ, cử nhân, tú tài.
Theo sách: “Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919” do Nhà xuất bản Văn học Hà Nội xuất bản năm 1993, có 3 vị đỗ tiến sĩ: Khuất Quỳnh Cửu người xã Lôi Trạch, nay là Trạch Lôi xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ đỗ Đệ Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Cảnh Thống 2 (1499); Khuất Nhữ Lộc cũng ở xã trên đỗ Đệ Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi đời Mạc Phúc Nguyên (1547); Khuất Duy Hài người thôn Thư Trai xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ đỗ Phó Bảng khoa Mậu Thìn, niên hiệu Tự Đức 21 (1868).
Theo sách: “Quốc triều hương khoa lục”  của Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh có 2 ông cháu cùng thi đậu là Khuất Duy Nhượng (ông) và Khuất Duy Cử (cháu) đậu cử nhân.
Năm Thiệu Trị 1843 có Khuất Thế Lân người xã Tường Phiêu thi đậu cử nhân.
Năm Tự Đức 1855 có các vị thi đậu là Khuất Duy Nhân (anh) và Khuất Duy Hài (em), Khuất Thế Mỹ thi đậu cử nhân.
Năm Thành Thái 1894 có cụ Khuất Duy Nhất (con cụ Phó bảng Khuất Duy Hài) và cụ Khuất Văn Hinh người làng Cẩm Bào thi đậu cử nhân.
Năm Đồng Khánh 1888 có cụ Khuất Duy Nhượng thi đậu cử nhân.
Thời hiện đại, truyền thống hiếu học tiếp tục được phát huy. Cho đến nay chưa có thống kế được đầy đủ nhưng qua báo cáo miệng cũng có hàng chục người đố tiến sĩ, hàng nghìn người đố cử nhân và hàng vạn người đỗ tú tài. Đơn cử chỉ 1 chi họ Khuất ở Thuần Mỹ có 3 người có học vị tiến sĩ, 2 phó giáo sư, 26 tốt nghiệp đại học.
Trong lịch sử dòng họ mình, họ Khuất Sơn Tây còn có truyền thống cách mạng.
Thời Lê. Mạc cụ Tổ Khuất Quỳnh Cửu 2 lần đi sứ làm rạng danh nước Việt, làm quan đến chức Lễ bộ thượng thư, được phong tước Thuần Khê Bá thời Lê và Thuần Khê Hầu thời Mạc.
Cụ Khuất Đả năm 1467 là Tổng Binh, Đốc Tướng triều Lê đã có công đánh dẹp bọn tướng cướp ở Ai Lao.
Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhiều người trong Họ đã tham gia các phong trào Cần Vương, Đề Thám…chống lại đế quốc Pháp như cụ Đốc Ngữ ở xã Xuân Vân (có 2 cụ Đốc Ngữ ở xã này, 1 cụ họ Khuất)
Cụ Khuất Văn Đức quê xã Phú lộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ được gọi là Tổng Chế, có lòng yêu nước, nổi tiếng là một chiến sĩ trung kiên, 2 lần ngồi tù về chính trị. “Đêm mùng 6 rạng ngày 7-1-1915, ông lãnh đạo vụ nổi dậy ở Phú Thọ, chỉ huy 150 nghĩa quân tiến công đồn bằng súng trường, rựa dao, gậy định chiếm lấy pháo đài chính và nhà ở của viên trưởng đồn là giám binh Lambert. Cuộc nổi dậy thất bại, ông bị bắt. Ngày 28-4-1915 chúng đưa ông ra tòa án quân sự Yên Bái và tuyên án tử hình.” (trích từ trang 306 của “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” tác giả Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế, Nhà xuất bản Văn hóa, in lần thứ tư, tháng 9-1997).
Dòng họ Khuất nổi tiếng yêu nước ở vùng Hưng Hóa. Cụ Khuất Như Khuê rất thân thiết với Đề Thám, hoạt động cách mạng thời kỳ Nguyễn Thái Học bị bắt xử chém năm 1930 rồi bị đày đi Côn Đảo và chết ở đó.
Cụ Khuất Duy Khôi nhà giáo, luật sư, nhà yêu nước đã sang tận Pháp cãi giúp cho nhiều người yêu nước.
Nổi lên trong thời kỳ thực dân Pháp thống trị là hoạt động yêu nước và cách mạng của cụ Khuất Duy Tiến và anh em con cháu họ Khuất ở Thuần Mỹ, xã Trạch Mỹ Lộc. Cụ Tiến sinh năm 1910, năm 1928 gia nhập Thanh niên Cách mạng đồng chí hội hoạt động rất tích cực trong phong trào học sinh, sinh viên, năm 1923 hoạt động trong phong tào công nhân ở Nam Định và được kết nạp vào Đảng Cộng sản tháng 11-1929; tháng 3-1930 là Tỉnh ủy viên Nam Định và từ tháng 11-1930 là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1931 ông bị bắt và bị kết án chung thân biệt xứ, đày đi Côn Đảo. Năm 1936 phong trào Bình dân Pháp lên cầm quyền, ông được tha về, lại tích cực tham gia hoạt động cách mạng xây dựng cơ sở đảng tại địa phương. Nhiều người được ông giác ngộ sau này đã trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng như: Lê Hiến Mai tức Dương Quốc Chính – trung tướng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp rồi Bộ Thương binh - Xã hội; ông Khuất Duy Tiễn tức Minh Tranh, nhà sử học, Giám đốc Nhà xuất bản Sự thật; Khuất Duy Kính, tù Sơn La, Đại tá phó chính ủy Quân y viện 108.v.v….
Giữa năm 1939, Mặt trận Bình dân Pháp thất bại, bọn thực dân tiến hành khủng bố đàn áp cách mạng, ông bị bắt lại và đi đày đến tháng 3-1945 thì vượt ngục ra hoạt động và tham gia Đại hội Quốc dân Tân Trào. Cách mạng thắng lợi, ông được cử về Hà Nội tham gia Thành ủy là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội rồi làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Hà Nội trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đầu những năm 70 ông bị bệnh nặng và từ trần ngày 11-2-1984 thọ 74 tuổi, an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch.
Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” do Nhà xuất bản Văn hóa in lần thứ tư tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Khuất Duy Tiến là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời tận tụy vì dân, vì nước, vì lý tưởng cộng sản”. Để ghi nhớ công lao của ông, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội họp tháng 7 năm 2001 đã quyết định đặt tên ông cho một phố của Hà Nội thuộc địa phận quận Thanh Xuân.
Noi theo gương các vị tiền bối, con cháu họ Khuất đã tích cực tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến chống các đế quốc Nhật, Pháp và Mỹ, nhiều con em họ Khuất đã góp phần vinh quang cho Tổ quốc. Hàng vạn thanh niên tham gia bộ đội, hàng trăm chiến sĩ hi sinh cho Tổ quốc. Nhiều người đã có công đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, một số người đã làm rạng danh dòng họ như ông Khuất Duy Tiến ở xã Đại Đồng được phong cấp Trung tướng, anh Khuất Hữu Sơn ở xã Thọ Lộc hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hà Tây v.v..
Điều đáng vui mừng đối với dòng họ Khuất là trong suốt từ thời kỳ phong kiến cho đến ngay nay không có ai bị nêu danh trong sử sách là những kẻ bán nước cầu vinh, làm nhục dòng họ.
Ngày nay trong sự phát triển mạnh mẽ của đất nước đổi mới, họ Khuất đang kết nối tập hợp lại để xây dựng dòng họ, góp phần vào việc xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ và giàu mạnh.
Với tấm lòng khao khát tìm đến cội nguồn, từ nhiều năm nay một số người mang họ Khuất đau đáu một tấm lòng kết nối dòng họ và họ đã tìm đến với nhau, lập ra một Ban liên lạc toàn quốc bao gồm đại diện của tất cả các chi phái gồm hơn hai chục vị vừa là thành phần của ban liên lạc chung vừa là đại diện cho dòng họ của mỗi vùng để giữ mối liên lạc thường xuyên giữa Ban liên lạc với họ Khuất ở các nơi.
Quá trình kết nối đến nay đã tổ chức được 2 cuộc Đại hội dòng họ, cuộc họp thứ nhất được tổ chức ở Hà Nội tháng 6-1999 và cuộc họp thứ hai được tổ chức tại thị xã Sơn Tây – vùng đất tổ của dòng họ vào tháng 4 năm 2000; mỗi cuộc họp qui tụ được gần 250 đại diện của các chi họ từ Hòa Bình, Sơn Tây, Hà Đông, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội…làm cho tình nghĩa họ hàng thêm thắm thiết, tự hào. Từ đó cho đến nay, với sự hoạt động của Ban liên lạc, công việc kết nối dòng họ có thêm nhiều kết quả, nhiều chi họ ở từng xã kết nối lại với nhau thành lập Ban liên lạc họ Khuất toàn xã, hoạt động khuyến học ở các chi họ được đẩy mạnh; việc sưu tầm nghiên cứu bia, sắc phong, gia phả của các chi họ được quan tâm.
Hy vọng rằng với nhiệt tình của tất cả các thành viên, Họ Khuất sẽ trở thành một dòng họ mạnh, đoàn kết chặt chẽ với nhau, góp phần ngày càng nhiều hơn vào việc xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh ./.

Bài viết từ năm 2002

Tác giả : Ông Khuất Duy Ngôn - Nguyên Trưởng ban Liên lạc Họ Khuất Việt Nam