'Úa vàng' làng tỷ phú cây cảnh
>
Hết thời, xế hộp thành chậu cây cảnh
TP - Ở Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) người ta nói, cứ ra ngõ gặp tỷ phú, xe sang. Nhưng nay về đó, những chiếc xe sang mất dần, còn những cây cảnh từng phát giá tiền tỷ, nay trăm triệu cũng chẳng ai mua.
Người dân nơi đây làm cây cầm cự, như ngồi trên đống lửa bởi khoản nợ bạc tỷ phải trả lãi vay...
Anh Nguyễn Ngọc Hòa đành tạm gác nghiệp cây cảnh, làm trang trại lợn và hầm biogas để tự sản xuất gas làm chất đốt. Ảnh: Xuân Anh.
Đại gia lỡ bước sa cơ
Xã Hồng Vân được xem là chợ cây cảnh lớn nhất miền Bắc, nơi tụ họp của giới cây cảnh ba miền, cũng là vườn ươm những tỷ phú trẻ cho huyện Thường Tín.
Cũng nhờ làm ăn lên hương nên cách đây chỉ hơn năm, riêng làng Cơ Giáo, có khoảng 40 chiếc ô tô, trong đó những dòng xe hạng sang như BMW X6, Lexus 350, Camry 2.4 nhập Mỹ... đỗ dọc đường làng, bên mép ruộng.
Chuyện mua bán, trao đổi những cây cảnh hàng trăm triệu, hàng tỷ, thậm chí cả chục tỷ bạc là “chuyện thường ngày ở xã”.
Thế nhưng, từ giữa năm ngoái lại đây, suy thoái kinh tế càn quét, thị trường cây cảnh trầm lắng, gần như không có bán mua. Nhiều đại gia làm cây cảnh đứng ngồi không yên với những món vay từ ngân hàng, hay khoản vay tín dụng đen lãi suất 30-60%/năm.
Làm nghề hơn chục năm nay, anh Nguyễn Văn Hiệp, một đại gia cây cảnh của làng Cơ Giáo, đồng thời là Chủ tịch Hội sinh vật cảnh xã Hồng Vân thốt lên “chưa bao giờ cây cảnh bí như năm nay”.
Anh Hiệp nói, cây cảnh là “đồ chơi của người giàu”, kinh tế khó khăn, người giàu cũng co vòi, mấy ai nghĩ chuyện ăn chơi.
Lượng cây giao dịch rất ít, so với giữa năm ngoái về trước chỉ được 1-2%, chủ yếu cũng là trong giới làm vườn trao đổi, để giúp đỡ nhau là chính. Cây không bán được, dù đã giảm giá mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đời sống cả làng, xã, đến thu nhập của nghìn lao động ăn theo.
Dẫn tôi đi giữa vườn cây, anh Hiệp cho biết, nhà có 300 cây cảnh, thuộc loại đắt tiền, đặt ở 2 vườn, tổng diện tích 3.500 m2. Lúc cao điểm, vườn cây của anh được định giá trên 40 tỷ đồng.
Trong đó, có cây sanh dáng “long phá”, giá hơn 3 tỷ đồng, có khoảng 15 cây trị giá hơn 1 tỷ đồng. Nhưng cuối năm ngoái lại đây, anh chỉ bán được một cây giá 250 triệu đồng, trong khi cây này trước đó phải 300-400 triệu.
“Khoảng 7-8 tháng trước buôn cây còn kiếm được. Cứ 3-5 ngày lại đánh một chuyến xe (3-5 cây) từ các tỉnh về, mấy ngày sau là bán hết, lãi mỗi cây mấy chục triệu là chuyện thường.
Lúc đó, 5 anh em nhà tôi có 5 ô tô, nay chỉ còn một chiếc của nhà em gái. Riêng tôi đã đổi ba lần xe, vừa rồi phải bán con Mercedes C180 để trả nợ, giờ phải chạy xe máy.
Hằng tháng cũng trầy trật xoay lãi cho khoản vay khoảng 2 tỷ đồng từ ngân hàng, cũng may chưa bị quá hạn lần nào”- anh Hiệp chia sẻ.
Giới cây cảnh ở Hồng Vân vẫn xì xào về nguy cơ vỡ nợ của ông chủ trẻ có tên H.V, tuổi đời mới ngoài ba mươi, với khoản vay “tín dụng đen” hàng chục tỷ đồng.
Nhiều người nói tìm gặp được V. lúc này rất khó. Cũng may, tôi gặp được anh ở nhà một người bạn ở Thường Tín. Anh V. nói trong tâm trạng mệt mỏi: “Họ nói tôi nợ hàng chục tỷ là đúng đấy, chứ không phải đồn thổi”.
Theo anh V., vườn khoảng 400 cây của anh hơn 7 tháng nay không bán được cây nào. Năm trước, anh đầu tư riêng tiền cây đã 30 tỷ đồng, tiền đất hơn chục tỷ, trong đó 80% là đi vay từ tín dụng đen.
“Mấy năm vừa rồi vì kiếm ra tiền, giới cây cảnh lo “chạy đua vũ trang”, có bao nhiêu tiền đổ vào đầu cơ cây, mà toàn tiền vay ngoài. Tôi là người năng động mà còn không bán được, thì ít người bán được. Thị trường cây cảnh đang đóng băng theo bất động sản” - anh V. nói.
Anh Nguyễn Văn Hiệp bên vườn cây bạc tỷ nhà mình nhưng nay ít người mua.
Anh V. chia sẻ, năm trước, lúc kiếm được anh cũng có khoản vốn hơn chục tỷ đồng, có trong tay 2 con xe Lexus, nhưng nay đã bán hết trả nợ. Lúc cần tiền, V. phải vay lãi suất tín dụng đen từ 38-60%/năm; mỗi tháng trả lãi 200 triệu đồng.
Anh V, tâm sự: “Cái gì nó cũng có giá của nó. Lúc làm ăn được thì mọi người cho là người hùng, còn lúc không được thì họ nói là chết vì bệnh hoành tráng. Điều quan trọng là mình sống với anh em thế nào, lúc chết hay sống cũng có anh em”.
Cầm cự, lấy ngắn nuôi dài
“Cái gì nó cũng có giá của nó. Lúc làm ăn được thì mọi người cho là người hùng, còn lúc không được thì họ nói là chết vì bệnh hoành tráng. Điều quan trọng là mình sống với anh em thế nào, lúc chết hay sống cũng có anh em” -
Anh V, một đại gia cây cảnh
Trước tình hình khó khăn, không ít tỷ phú cây cảnh chuyển hướng, lấy ngắn nuôi dài. Khi tôi đến nhà, anh Nguyễn Ngọc Hòa (thôn Xâm Thị, Hồng Vân), đang dở tay chăm cho đàn lợn gần 30 con lợn thịt, 10 con nái nuôi theo mô hình công nghiệp. Anh Hòa cho biết, đầu tư trang trại này gần 300 triệu đầu năm nay, để có nguồn thu nuôi sống gia đình, thay cây cảnh.
Anh Hòa chia sẻ, anh làm nghề cây cảnh hơn 6 năm nay, lúc nào cũng sôi động, cho thu nhập cao. Từ giữa năm ngoái về trước, mỗi tháng đút túi từ cây cảnh 300-400 triệu là bình thường.
Thấy làm ăn được, anh Hòa đầu tư 8 tỷ đồng mua 2,5 mẫu đất, làm khoảng 200 cây, giá từ 200-800 triệu đồng/cây.
Trong khoản đầu tư, anh có 4 tỷ đồng, nửa còn lại đi vay, trong đó vay ngân hàng 1 tỷ, lãi suất 18%; số còn lại là vay bên ngoài, cũng phải hơn 30%/năm; tính ra, anh Hòa trả lãi 70 triệu đồng/tháng.
Còn năm nay thực sự là một cú sốc, từ tháng 8-2011, thị trường cây chững lại. Đầu năm đến nay chỉ bán được 200 triệu đồng, không đủ trả lãi vay.
“Khi thấy tôi mở thêm trang trại, anh em làm cây không bằng lòng. Tôi cũng thấy băn khoăn.
Nhưng vì hoàn cảnh, mỗi người có một cách nghĩ. Anh em chờ tính khi kinh tế ổn định, cây sẽ có giá. Nhưng chờ 1,2 năm nữa, thì lấy gì sống? Tôi vẫn cứ yêu nghề cây, nhưng nay phải nuôi lợn để sống đã” - anh Hòa tâm sự.
Ở Hồng Vân, giới cây cảnh vẫn tôn anh Nguyễn Văn Chí, Phạm Văn Quỳnh, Ngô Xuân Giang là những người mở đường, đem nghề kiếm bạc tỷ về cho người dân xứ này.
Hiện, họ được xem là trường vốn, có những vườn cây được định giá cả trăm tỷ đồng, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Anh Phạm Văn Quỳnh (thôn Xâm Xuyên) cho biết, doanh nghiệp làm ăn phải đi vay tới 80% số vốn, nhưng anh đi vay không quá 10% đầu tư vào vườn cây.
Do cây bán không được, 10 lao động, anh chỉ giữ lại 6 người làm thường xuyên. Lúc này phải bình tĩnh, tập trung chăm sóc, tỉa cây, để giữ nghề, chờ thời.
Còn anh Nguyễn Văn Hiệp cho biết, đang nghiên cứu làm thêm các loại cây cảnh ít tiền 1-5 triệu, giới bình dân chơi được.
Anh hào hứng: “Tôi cũng đi thực tế, tìm hiểu ở Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, thấy làm hoa trong chậu phục vụ văn phòng, lễ hội, trưng bày đường phố rất đẹp, mà hiện ở ta đang có thị trường rất lớn. Tôi đang nghiên cứu, sẽ làm thật bài bản về loại hoa này, vì thời gian ngắn, vốn ít, quay vòng nhanh, lại bền”. Có vẻ anh kỳ vọng vào hướng đi mới, tôi cũng mong anh thành công.
Phạm Anh